BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


BÁC HỒ - NGƯỜI KHƠI DẬY VĂN HÓA DÂN TỘC- NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ ĐỂ PHÁT TRIỂN

Văn hóa là tri thức, kiến thức của mọi người. Vì vậy khi nghiên cứu con người và nguồn lực phát triển, không thể tách rời nền văn hóa, mà phải nghiên cứu quá trình phát triển gắn bó chặt chẽ với nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là một trong những tiền đề để tiến tới một xã hội văn minh - đó là đỉnh cao của nền văn hóa.

Từ xưa đến nay văn hóa luôn luôn chứa đựng những giá trị bền vững của truyền thống dân tộc và nó được phát huy theo hướng chân, thiện, mỹ. Một trong những giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam là truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn trọng con người, tôn vinh những người có đức độ, tài năng... Văn hóa cũng chính là sự chưng cất những phẩm chất, đạo đức, trí tuệ của con người. Triết lý “Phi trí bất hưng” chính là ở đó.

Văn hoá Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Nền văn hoá có những nội dung có thể coi là nguồn lực để góp phần phát triển đó là: Những giá trị về truyền thống tư tưởng, đạo lý, lối sống của con người Việt Nam; những giá trị tiềm ẩn về cấu trúc; Nhà, làng, nước... và những tinh hoa của văn hoá loài người. Chính vì vậy mà khi nghiên cứu con người và nguồn lực phát triển. Chúng ta không thể đặt ngoài quá trình tiếp biến văn hoá, bởi ở đây, các cuộc cách mạng về văn hoá, về khoa học kỹ thuật không chỉ lấy con người làm trung tâm, mà còn lấy việc giải phóng con người làm mục đích. Bởi ‘Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1.

Cao Bằng là một tỉnh miền núi biên giới, có hơn 95% dân số là dân tộc thiểu số ít người, càng phải đặc biệt chú ý vai trò, tác dụng và giá trị của nền văn hóa truyền thống đa sắc tộc với quá trình phát triển. Đó là quá trình phát huy giá trị và tác động của văn hóa vào sự nghiệp cách mạng, ngay từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc (28/01/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Công tác cấp bách của cách mạng lúc đó là: Đào tạo cán bộ làm cách mạng, tuyên truyền giáo dục đồng bào các dân tộc giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, ủng hộ cách mạng... Ngay từ lớp bồi dưỡng - đào tạo cán bộ (tại hai làng Nặm Quang và Ngàm Tảy, Tịnh Tây, Trung Quốc) gần biên giới Việt - Trung, Lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc đã nhấn mạnh phải chú ý đến những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của các dân tộc. Thời kỳ sống và làm việc ở Pác Bó nói riêng, ở các địa phương Cao Bằng nói chung, Lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh phong trào học tập văn hóa - xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ và nhân dân; Người thường nói: Muốn trở thành cán bộ cách mạng thì phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hóa. Người căn dặn cán bộ: Phong trào Việt Minh mở rộng tới đâu thì phải tổ chức học tập văn hóa ở đó, Lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc đề ra phương châm: Người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Ngay bản thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tuy bận rất nhiều công việc, những vẫn dành thời gian cho công tác dạy chữ. Ở Pác Bó một thời gian không lâu, Người đã trực tiếp dạy cho một số đồng chí có điều kiện ở gần Người. Các đồng chí đó chỉ sau vài tháng học tập đã biết đọc, biết viết và thậm chí có người có trở thành biên tập, viết báo Việt Nam độc lập.

Với sự chỉ đạo tích cực của Lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc, nên mặc dù trong điều kiện bí mật, nhưng trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phong trào học tập văn hóa ở Cao Bằng trở nên sôi nổi mạnh mẽ, đặc biệt là ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, và lan sang cả phía bắc huyện Chợ Rã (nay là Ba Bể và Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) các lớp văn hóa được mở khắp nơi, cả vùng cao lẫn vùng thấp; những nơi có điều kiện đã tổ chức mở các lớp toàn xã, như lớp học ở xã Nà Sác, châu Hà Quảng gồm trên 100 học viên, được phân thành nhiều lớp, học nhiều buổi, vừa học văn hóa, vừa học thơ ca cách mạng, học chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình điều lệ, chính sách của Việt Minh. Để chương trình, Điều lệ Việt Minh dễ dàng thấm sâu vào quần chúng, đầu năm 1942, Chương trình, Điều lệ Việt Minh đã được biên soạn dưới dạng văn vần, gồm 120 câu gọi là Việt Minh ngũ tự kinh, Việt Minh ngũ tự kinh có tác dụng rất thiết thực vì nó dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với quần chúng. Bởi vì nó không chỉ gắn với tâm tư nguyện vọng của quần chúng mà còn gần gũi với lối nói của quần chúng nhân dân. Trong kỳ Đại hội tháng 5 năm 1942, Đảng bộ Cao Bằng quyết định lấy Việt Minh Ngữ Tự Kinh làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp học văn hóa. Cuốn Việt Minh Ngũ Tự Kinh đã được dịch ra tiếng dân tộc. Đồng chí Văn (sau này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã dịch cuốn sách này ra tiếng dân tộc Dao, tiếng Tày - Nùng; sau đó cùng một số đồng chí dịch ra tiếng dân tộc Mông... vào thời kỳ đó hầu như những người dân Cao Bằng đều thuộc lòng cuốn sách này.

Thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cao Bằng có đến 90% dân số mù chữ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thấy rất rõ cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng muốn nhân dân trở thành sức mạnh vô địch thì phải tuyên truyền, giáo dục; Chính vì vậy mà chủ trương dạy chữ quốc ngữ, học văn hóa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, trở thành hành động cách mạng đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh của dân tộc Việt Nam. Không riêng ở Cao Bằng, bởi vì các dân tộc ta đã bị thực dân Pháp thực hiện chính sách văn hóa ngu dân gần một thế kỷ. Vì vậy, việc học tập văn hóa đã đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người dân Việt Nam. Để thuận lợi cho việc học tập, ngay từ những tháng đầu tiên ở Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao cho đồng chí Cao Hồng Lĩnh soạn bộ vần dạy chữ theo lối mới. Bộ này được biên tập thành hơn 30 bài, nếu học hết số này thì có thể biết đọc biết viết. Người còn có nhiều bài thơ, ca động viên phong trào học chữ. Với nhiều cách làm như vậy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cán bộ hoạt động cách mạng ở Cao Bằng đã dấy lên một phong trào thi đua học chữ sôi nổi. Rất nhiều nơi, già, trẻ, trai gái đều đi học, học ban đêm, học buổi trưa. Sau khi phong trào cách mạng phát triển thì ở những "Làng xã Việt Minh hoàn toàn" như Pác Bó và Nà Mạ xã Trường Hà, các xã Nà Sác, Đào Ngạn... mở trường công khai, các cháu đua nhau đến trường học ở trong rừng. Không khí thi đua học văn hóa ngày càng phát triển, trước tình hình đó, tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo Châu Ủy Hà Quảng tổ chức Đại hội học sinh, đó là "Đại hội mầm non Văn hóa" vào ngày 1/1/1943, tại Bản Hoong (xã Trường Hà - Hà Quảng) với hơn 1000 học sinh từ các châu trong tỉnh tới dự. Đại hội đã tổ chức thi văn hóa, chính trị, quân sự và thể thao. Báo Việt Nam độc lập gửi tặng Đại hội một lá cờ đỏ thêu 4 chữ vàng: "Gieo mầm văn hóa"1. Đây là một sự kiện văn hóa tiêu biểu đáng ghi nhớ không chỉ ở Cao Bằng, mà còn liên quan tới sự ra đời của nền văn hóa Việt Nam sau này.

Có nhiều thơ, ca cách mạng Bác đã viết trong thời gian ở Cao Bằng như Lịch sử diễn ca, mười điểm của chương trình Việt Minh, Địa dư Bác Kỳ, Địa dư Cao Bằng, các bài hát cho thanh niên, phụ nữ, nông dân, phụ lão, thiếu nhi... những ấn phẩm văn hóa đó được in trên báo hoặc in thành sách và lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc rất chú trọng đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng địa phương, vì đó là những nét văn hóa truyền thống, mà người rất coi trọng. Điều hết sức đặc biệt là đến nay nhiều người vẫn cho là hiếm hoi khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, lãnh tụ, nhà cách mạng chuyên nghiệp, trong khi lãnh đạo cách mạng, hoạch định đường lối chính trị hết sức sắc sảo, nhạy bén, đã kết hợp một cách tài tình, nhuần nhuyễn những tư tưởng và hoạt động văn hóa. Người rất khéo dùng thơ, ca, lối nói, ngôn ngữ của quần chúng trong nhiều bài viết... như Kính cáo đồng bào thư (6/1941) là một điển hình. Bức thư của Bác được viết bằng hai thứ tiếng chữ Việt và chữ Nôm, đồng chí Hoàng Quốc Việt cho biết: "bức thư ấy phần chữ Nôm, Bác viết đẹp lắm... nghĩ cũng lạ, bao nhiêu năm Bác sống ở nước ngoài, đi khắp nơi, công tác rất bận, vậy mà Bác vẫn còn nhớ chữ Nôm của các cụ ta. Lại rất sát tâm lý đồng bào nông thôn. Đồng bào nông thôn ta được đọc thư Bác viết bằng chữ Nôm như thế, nhất là các cụ phụ lão, gật gù thích lắm, càng thêm tin tưởng"2.

Đối với Người, Cách mạng chính trị xã hội không tách khỏi cách mạng văn hóa ngay từ trong bản chất của nó. Những bài viết, những tác phẩm và những hoạt động của Người trên núi rừng Cao Bằng là nhằm phục vụ Cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Những tư tưởng và hoạt động văn hóa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Thời kỳ này đã huy động đến mức cao nhất năng lực và sức mạnh tinh thần, truyền thống quật khởi hàng ngàn năm của dân tộc, mang đậm dấu ấn nhân văn sâu sắc và rộng lớn. Vì vậy đã trở thành sức mạnh "dời non lấp biển" cho cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Phải nói rằng trong điều kiện lịch sử dân tộc đang phải tập trung mọi sức lực để cứu nước, cứu dân, nhưng  Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thể hiện được năng lực đặc biệt của mình trong hoạt động chính trị - Gương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc - dưới góc độ văn hóa, chắc hẳn Người đã thấy rất rõ vai trò và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam từ rất lâu.

Mặt trận văn hóa do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng cùng với đường lối văn hóa của Đảng, như đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, của đồng chí Trường Chinh đã góp phần xứng đáng là đặt cơ sở cho sự ra đời của nền văn hóa mới Việt Nam.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khi cả nước tập trung đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hồ Chí Minh vẫn xác định rõ vai trò của văn hóa, kết hợp chặt chẽ văn hóa với kháng chiến "văn hóa hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hóa" phải, "xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”1. Hồ Chí Minh đã nói "văn hóa soi đường cho Quốc dân đi", "phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ"2.

Đảng ta và  Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ: văn hóa thực sự là nguồn lực trí tuệ để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nên trong mỗi giai đoạn, văn hóa đều được xác định là hết sức cần thiết và được chú ý phát triển, với chủ trương, đúng đắn, phù hợp mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra, nên mặc dù trong điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng kế thừa thành quả từ trong cuộc vận động cách mạng Tháng Tám, phong trào học tập văn hóa ở Cao Bằng, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn phát triển mạnh, các trường lớp được mở ở hầu khắp các huyện, thị. Phong trào bình dân học vụ phát triển đến tận các bản làng, các đối tượng đi học càng hăng hái phấn khởi vì không phải vừa học vừa lo giữ bí mật như trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Chính vì vậy mà trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, công tác giáo dục đào tạo ở Cao Bằng đã có bước phát triển vượt bậc, tạo điều kiện cho thời kỳ sau phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Với đường lối đúng đắn, phù hợp với từng thời kỳ cách mạng và từng lĩnh vực của Đảng, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã và sẽ cùng nhân dân cả nước tiếp tục phát huy hơn nữa những giá trị, và sức mạnh tiềm ẩn trong nền văn hóa truyền thống của dân tộc, để góp phần xây dựng Việt Nam sớm trở thành một nước Dân giàu - Nước mạnh - Xã hội Dân chủ - Công bằng - Văn minh.


1 . Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, H 2009, T3, tr431

1.. Đầu Nguồn- Hồi ký, Nxb Văn học, H1975, tr24, 175

2  Đầu Nguồn –đã dần, tr175).

1 . Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, H 2000, Tập4, tr 173.

2 . Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá văn nghệ, Nxbst, H1971, tr72

Tác giả bài viết: Đinh Ngọc Viện - Nguyên trưởng phòng lý luận chính trị lịch sử đảng - Ban tuyên giáo tỉnh ủy Cao Bằng

Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây