Cây sau sau màu đỏ khiến ven hồ Nà Tấu ở Cao Bằng đẹp như mùa thu Hàn Quốc
- Thứ hai - 06/07/2020 19:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chính vì lãng mạng mà rất nhiều cặp đôi đã chọn nơi đây để làm nơi chụp ảnh cưới. Nhiều gia đình cũng chọn nơi đây làm điểm du lịch dã ngoại vào dịp cuối tuần. Để có được khung cảnh đó chính là nhờ cây sau sau (mạy sâu - Tày), còn có nhiều tên gọi khác, như: Phong hương, bạch giao hương... Tên khoa học của phong hương là Liquidambar formosana Hance.
Các bộ phận của cây sau sau có tên riêng. Quả sau sau gọi là lộ lộ thông, lá gọi là phong hương diệp, rễ sau sau có tên là phong hương căn, nhựa là phong hương keo. Tại Việt Nam, sau sau có ở các tỉnh phía bắc như Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Tây, Hòa Bình... Bộ phận dùng làm thuốc là quả (lộ lộ thông), lá (phong hương diệp), rễ (phong hương căn), nhựa (phong hương chi).
Ngọn lá non ăn được, lá chứa nhiều tanin, quả chứa axit liquidamric, axit liquidamric lacton, axit beturonic. Nhựa có chứa tinh dầu, không chỉ tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp cây sau sau còn có những tác dụng tuyệt vời mà không phải ai cũng biết đến. Cây sau sau chủ yếu mọc trên phần đất thịt, mùa đông cây sẽ thay đổi màu lá rồi ngả vàng sẽ rụng dần và bắt đầu nảy mầm lá mới.
Ngọn lá non có mùi thơm dễ chịu được dùng để ăn sống, xào nấu và nhuộm xôi. Gỗ nhẹ, tỷ trọng 0,45 - 0,67, thớ xoắn, dễ nứt, chóng bị mục. Sau khi qua ngâm tẩm dầu có thể dùng làm tà vẹt, cột điện, cột buồm, đóng tàu thuyền, đóng đồ dùng. Nhựa sau sau có màu vàng nhạt, rất thơm.
Từ những năm 1970 thế kỷ 20 Trường Đại học dược Hà Nội đã sản xuất được nhựa thơm Việt Nam (Viet Nam balsam) từ cây sau sau có chất lượng tương đương nhựa thơm Canada dùng để bào chế mỹ phẩm, ứng dụng trong y học. Các loại tầm gửi mọc trên cây sau sau đều có tác dụng làm thuốc.
Người vùng cao thường dùng tầm gửi sau sau để xông hơi, đun nước tắm cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Các loại nấm mọc trên cây sau sau như nấm hương, mộc nhĩ, nấm sò đều có thể dùng làm thực phẩm an toàn. Sau sau là cây tiên phong tạo môi trường tiểu khí hậu cho nhiều cây rừng khác phát triển. Sau sau thường mọc hoang thành quần thể rừng.
Cây sau sau cao, to, thẳng nên rừng sau sau thường tạo ra dáng dấp rất ấn tượng trong cảnh quan hùng vĩ của núi rừng. Vỏ cây sau sau màu trắng đục, có những đốm loang màu ghi nên vào mùa đông trông hao hao những cánh rừng bạch dương ở một số nước phương tây.
Đặc biệt lá sau sau vào mùa nào cũng đẹp cũng làm cho mọi người để ý, khó quên. Vào mùa xuân khi những mầm non, lá non đua nhau nảy lộc đơm lá, rừng sau sau tràn sức sống bởi màu đỏ dịu dàng. Cuối xuân sang hè thì trên những thân cây thẳng màu trắng nõn nà xanh màu lá mạ của triệu triệu lá sau sau. Rừng sau sau cũng vì thế nổi bật trong rừng núi đủ muôn màu hoa lá.
Vào hè đến cuối thu lá sau sau chuyển màu xanh thẫm rồi ngả màu vàng để cuối thu thành màu đỏ rực tạo ra quang cảnh như rừng phong nơi ôn đới. Ngày đông giá rét sau sau trụi lá rừng sau sau như gây ảo giác lạc đến những miền đất xa lạ. Cây sau sau phân bố khá rộng do đó sẽ có nhiều ứng dụng vào cuộc sống khác nhau mà tác giả bài này chưa biết.
Riêng người Tày Cao Bằng từ lâu đã dùng lá sau sau để làm thực phẩm và nhuộm xôi. Lá non sau sau thường được sử dụng dưới dạng gia vị là rau sống để ăn kèm với các loại rau sống khác. Một số quán phở vùng cao cũng có gia vị từ lá sau sau non. Lá sau sau non đem xào với thịt bò thành món ăn thơm ngon và lạ.
Lá sau sau đun lên lấy nước ngâm gạo nếp để đồ xôi thành màu xanh đen ngả tím rất đẹp trong thành phần xôi ngũ sắc vẫn được người Tày dùng trong các dịp lễ tết. Hầu hết các bộ phận của cây sau sau đều là thuốc với những tên rất ý nghĩa. Một số bài thuốc dân gian từ cây sau sau đã được ứng dụng vào thực tiễn có kết quả cao.