Đổi thay trên quê hương Hà Quảng - Cao Bằng
- Thứ hai - 06/09/2021 22:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều đổi thay hơn trước đây |
Truyền thống anh hùng
Cách đây 80 năm về trước, nhân dân các dân tộc xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng và đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự, tự hào đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trở về nước sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Tại Pác Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối, sách lược để lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ thành công này đến thành công khác. Đích cuối cùng là độc lập dân tộc; ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Ngụy Văn Thành, xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Ngày nay, xóm Pác Bó vẫn hiện hữu sâu đậm bao dấu ấn thiêng liêng về những năm tháng Bác hoạt động cách mạng nơi đây. Nhắc lại ngày được gặp Bác Hồ cách đây 60 năm về trước, ông Dương Chí Quân, xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) là một trong những cháu thiếu nhi năm xưa vinh dự được tặng hoa Bác Hồ khi Người trở lại thăm Pác Bó tháng 2/1961, hướng đôi mắt ánh lên niềm tự hào nhìn về ngọn núi Các Mác hùng vĩ, sừng sững bên dòng suối Lê-Nin trong xanh, hiền hoà, mà dường như những ký ức thiêng liêng còn vẹn nguyên, không thể nào quên của mùa xuân năm ấy lại ùa về tràn đầy tâm trí của người thương binh này.
Khi tặng hoa Bác Hồ, Người mỉm cười căn dặn: “Các cháu thiếu niên, nhi đồng cố gắng học tập, chăm ngoan, nghe lời thầy cô để sau này lớn lên còn xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.” Thực hiện lời căn dặn của Bác, nhân dân Pác Bó luôn đoàn kết, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn biên cương Tổ quốc. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, đời sống của nhân dân các dân tộc Pác Bó hôm nay đã đổi thay nhiều. - Ông Dương Chí Quân hồi tưởng lại.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó ngày nay là điểm du lịch đặc sắc, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch tới tham quan, học tập. |
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường
Về xã Trường Hà, huyện Hà Quảng những ngày này, chúng tôi vui mừng nhiều bởi sự đổi thay của vùng quê cội nguồn cách mạng. Diện mạo nông thôn ở Trường Hà có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Những con đường bê tông phong quang vươn tới khắp xóm làng, những ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Các mô hình phát triển kinh tế được nhiều hộ gia đình thực hiện hiệu quả. Điển hình như: mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Ngụy Văn Thành, xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà, trừ chi phí cho thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/năm.
Ông Triệu Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Trường Hà, huyện Hà Quảng hồ hởi cho biết: Xã Trường Hà đến nay đã hoàn thành 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Xác định phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sống là động lực cho phát triển bền vững.
Hàng năm, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường; các xóm xây dựng quy ước, hương ước để thực hiện. Môi trường nông thôn của xã đã được cải thiện rõ rệt, trên 95% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 80% hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; trên 70% số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; lượng rác thải cơ bản được các hộ dân tự đốt, chôn lấp tại nơi đảm bảo an toàn theo quy định. Xã Trường Hà không còn hộ thiếu ăn, thiếu mặc, đời sống nhân dân đã được nâng lên rõ rệt.
Phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đang dần “thay da, đổi thịt”, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. |
Ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban quản lý các Di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng cho biết: Những năm qua, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó được quan tâm đầu tư tôn tạo đồng bộ, cảnh quan môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định.
Ban quản lý đã bố trí, lắp đặt các biển báo, cụm pano, khẩu hiệu tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách. Thành lập đội vệ sinh môi trường, đầu tư lắp đặt thùng rác, thường xuyên thu gom rác thải, tổ chức cắt tỉa, chăm sóc cây xanh... Nhờ đó, môi trường Khu di tích được đảm bảo, tạo ấn tượng thân thiện với du khách đến tham quan.
Tự hào với truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực thi đua lao động sản xuất, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp đạt 38 triệu đồng/ha, tốc độ phát triển chăn nuôi tăng 3,7% so với năm 2020. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ước đạt trên 12 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 34,7 triệu USD. Thực hiện di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà được 105/300 hộ, đạt 35% kế hoạch giao. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 33,58%; 21/21 xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đảm bảo, tình hình quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ vững.
Ông Triệu Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng khẳng định: Với tinh thần “đoàn kết, đổi mới, phát triển”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng sáng tạo, đẩy mạnh lao động sản xuất, quyết tâm xây dựng Hà Quảng trở thành huyện phát triển bền vững, năng động, xứng đáng với truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng.
Thành quả to lớn đạt được là tiền đề, động lực, trở thành niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng quê hương cội nguồn giàu truyền thống cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh.