BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


HANG NGƯỜM CHIÊNG VÀ MẮT THẦN NÚI – ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN DU KHÁCH

Ngày 30/3/2022, Tại thị trấn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã diễn ra Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng và Danh lam thắng cảnh Mắt thần núi, huyện Trùng Khánh.
Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng và Danh lam thắng cảnh Mắt thần núi, huyện Trùng Khánh

Hang Ngườm Chiêng hay còn có tên gọi khác là Công trường K50, Điện đài A3, đây là một trong những “cứ điểm” quan trọng có nhiệm vụ tiếp âm, phát sóng phát thanh đi Phần Lan và các nước Bắc Âu, góp phần đảm bảo làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam được duy trì và thông suốt, truyền đi tiếng nói của Đảng và Chính Phủ, tiếng nói của nhân dân Việt Nam kiên cường và kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ, giành độc lập tự do cho Tổ Quốc.

z3307761498452 6f7a08bc33ffddc1e99b4d224f375f3e
Di tích Quốc gia địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng  (ảnh: T.Minh)
z3307699824009 3d1d3237fd080b5d630672d714b8cc9d
Di tích Quốc gia địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng  (ảnh: T.Minh)


Trạm phát sóng điện đài A3 - Ngườm Chiêng là một trong nhiều địa điểm trên toàn quốc lập mạng đài dự phòng cho phát sóng, phát thanh Tiếng nói Việt Nam, cả sóng đối nội và đối ngoại góp phần đảm bảo làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam được duy trì thông suốt trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước (1966-1978). Cùng với nhiệm vụ chính trị ở trong nước, Đài Tiếng nói Việt Nam còn là phương tiện, là cầu nối giữa Chính phủ và nhân dân Việt Nam với các nước trên thế giới. Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, điều kiện vật chất còn thiếu thốn, Đài tiếng nói Việt Nam đã cố gắng phấn đấu, khắc phục gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó. Trạm phát sóng Điện đài A3 đã giới thiệu, phản ánh trung thực để bạn bè Quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, qua đó tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới yêu chuộng hoà bình đối với cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Di tích hang Ngườm Chiêng được công nhận sẽ là một điểm đến trong những điểm tham quan ở huyện Trùng Khánh bởi di tích nằm trên tuyến trải nghiệm ở phía Đông của Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng “Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ xở thần tiên”. Huyện Trùng khánh  đã thành lập Ban Quản lý khu di tích để giữ cảnh quan môi trường và phát triển du lịch trong thời gian tới.

z3307771528682 9195a9cf62128dfb2d28e718b660ee73
Các đại biểu tham dự Lễ Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng và Danh lam thắng cảnh Mắt thần núi, huyện Trùng Khánh chụp ảnh lưu niệm tại di tích Ngườm Chiêng (ảnh: T.Minh)

Bên cạnh những Di tích mang dấu ấn đặc biệt về lịch sử, huyện Trùng Khánh còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc văn hóa dân tộc và là nơi thiên nhiên ban tặng nhiều di tích danh lam thắng cảnh trong đó có Di tích danh lam thắng cảnh “Mắt Thần Núi” thuộc xóm Thang Sặp, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh. Nằm trong  Công Viên địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng, với vẻ đẹp độc nhất vô nhị của Việt Nam, là điểm đến tham quan, trải nghiệm khám phá. Người dân địa phương thường gọi là Núi Thủng” và khách du lịch cũng dần quen với cái tên này. Các nhà khoa học quốc tế khi nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ về Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đúng thời điểm ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua Núi Thủng, với ánh nắng lung linh huyền ảo, tựa như mắt thần phát sáng của thần núi và từ đó được đặt tên là Mắt thần núi. Điểm nhấn đặc biệt là lỗ thủng xuyên qua ngọn núi với đường kính rộng nhất là 50m, kiệt tác của thiên nhiên được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất diễn ra từ hàng chục triệu năm trước, là nét độc đáo hiếm có trong hệ thống núi đá vôi tại Việt Nam. Ngoài nét đặc biệt của ngọn núi thì cảnh cảnh vật xung quanh cũng vô cùng tuyệt đẹp, đó là vùng sông nước rộng lớn được biến đổi theo các mùa trong năm. Vào mùa mưa, khu vực này trở thành một khu hồ rộng lớn, đến mùa khô, hiện ra trước mắt du khách là những thảm cỏ mênh mông xanh mướt làm mê hoặc lòng người. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khi đến với Mắt thần núi, du khách còn được cảm nhận sự giao hoà gần gũi mang đậm bản sắc văn hoá của bà con nhân dân xóm Thang Sặp, ngắm nhìn những hàng rào đá hai bên đường cánh đồng Lũng Táo và xung quanh khu vực thung lũng dưới chân Núi Thủng, đây là nội dung di sản được các chuyên gia đánh giá cao bởi sự sáng tạo của nhân dân từ xa xưa trong quá trình canh tác, họ đã thu lượm những tảng đá kích thước khác nhau để xếp lại thành một hàng rào chắc chắn, uốn lượn theo địa hình vừa để tránh thú giữ phá hoại mùa màng, vừa để ngăn không cho cây trồng bị cuốn trôi khi nước lũ tràn về. Với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo kết hợp với nét đặc sắc của văn hoá bản địa, đến nay Mắt Thần Núi đã trở thành điểm đến thu hút du khách.

5 Nguyễn Trung Nguyên Vùng núi bình yên
Di tích danh lam thắng cảnh “Mắt Thần Núi” (ảnh: Nguyễn Trung Nguyên)

Những những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển Kinh tế - Xã hội của địa phương. Các di tích không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cho Nhân dân, mà còn tạo nên điểm đến độc đáo, phục vụ khách du lịch trong, ngoài tỉnh và du khách quốc tế. Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến với tỉnh Cao Bằng, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản để phục vụ phát triển du lịch, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tác giả bài viết: T.Minh

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây