LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI SỰ RA ĐỜI BÁO VIỆT NAM ĐỘC LẬP
- Thứ ba - 21/07/2020 23:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Pác Bó - Cao Bằng, sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn nơi đây để trở về Tổ quốc xây dựng căn cứ địa cách mạng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Những điểm di tích như: suối Lênin, núi Các Mác, hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm… mãi ghi vào lịch sử và tự hào được đời đời ghi nhận là cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Ngày 28/1/1941, cách đây đúng 77 năm, nhân dân Cao Bằng được vinh dự thay mặt cho nhân dân cả nước đón người con ưu tú nhất của dân tộc đó là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chỉ sau đó hơn ba tháng tại lán Khuổi Nặm thuộc thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị trung ương Đảng lần thứ tám. Đây là Hội nghị lịch sử đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược Đảng ta vạch ra từ năm 1939, đi đến quyết định cả vận mệnh dân tộc Việt Nam đó là thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945. Một nội dung quan trọng trong Hội nghị là thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là mặt trận Việt Minh. Sau Hội nghị trung ương Đảng lần thứ tám, ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng được thành lập, các đồng chí trong ban đã ra sức phát triển các đoàn thể cứu quốc, nhanh chóng chuẩn bị một đội ngũ cán bộ quân sự để tiến tới vũ trang giành chính quyền trong cả nước… Để thực hiện điều đó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động nhân dân như: mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng, tổ chức các cuộc triển lãm lưu động, viết sách báo cách mạng… Vì vậy, trong thời kỳ 1941 – 1945, hàng loạt các bài viết tuyên truyền do Bác Hồ sáng tác đã được ra đời tại Pác Bó, Cao Bằng. Trong thời kỳ này, mảnh đất Cao Bằng được coi là trung tâm tuyên truyền, giáo dục của cách mạng Việt Nam. Góp phần làm nên trung tâm tuyền truyền đó không thể không kể tới báo Việt Nam độc lập. Báo đã có giá trị vượt ra ngoài không gian Cao Bằng đi tới những nơi có phong trào Việt Minh, thậm chí theo cán bộ, chiến sĩ của ta trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.
Trong thời gian Bác Hồ gắn bó với Cao Bằng là thời gian tiếp nối dòng chảy của ba mươi năm Bác sống và hoạt động ở nước ngoài. Theo lời dạy của Lênin: Báo chí là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể. Nhận thức rõ vai trò của báo ngay từ những năm 20, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương xuất bản báo chí để làm phương tiện tuyên truyền cách mạng, vận động nhân dân đấu tranh như báo Le Paria, báo Thanh niên... Năm 1941, trở về Tổ quốc trên mảnh đất Cao Bằng, Người càng thấy rõ tầm quan trọng của công tác báo chí. Vì vậy, Người đã nhanh chóng chuẩn bị cho sự ra đời của một tờ báo cách mạng. Đầu tháng 7/1941, Tỉnh ủy Cao Bằng nhận được lệnh chuẩn bị bằng mọi cách trong thời gian một tháng để báo có thể xuất bản được. Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Anh gặp Tỉnh ủy Cao Bằng và làm việc với các đồng chí trong ban Việt Minh tỉnh cùng nhau bàn bạc, thảo luận về những thuận lợi và khó khăn của việc in báo như: giấy in, mực in báo có thể mua. Điều khó nhất là phải tìm được một người đảng viên hăng say và tuyệt đối trung thành với cách mạng, phải biết viết chữ trái trên mặt đá mới có thể in được báo. Điều khó khăn thứ hai là phải tìm được một phiến đá được mài láng một mặt rồi chuyển phiến đá này đến lán Khuổi Nặm, Pác Bó. Khó thứ ba mọi công việc chuẩn bị đều phải hết sức giữ bí mật, đề phòng bọn mật thám theo dõi và phát hiện. Để thực hiện những công việc trên phải hết sức cẩn thận, phân công đồng chí nào phụ trách công việc không những phải làm tròn nhiệm vụ, đúng kế hoạch, đúng thời gian mà lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng lộ bí mật. Theo ý kiến của Bác nếu Tỉnh ủy làm được nhanh và sớm thì càng tốt bằng mọi cách đến ngày 1/8/1941, số báo đầu tiên của Việt Nam độc lập phải được ra mắt để kỷ niệm chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau khi thảo luận và lập kế hoạch với Tỉnh ủy Cao Bằng, đồng chí Vũ Anh trở lại Pác Bó báo cáo với Bác. Trước chủ trương gấp rút như vậy, các đồng chí trong ban Việt Minh tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện để báo được ra mắt đúng thời gian đã định. Việc tìm người viết chữ trái, tỉnh ủy Cao Bằng giao nhiệm vụ cho đồng chí Vân Trình, đồng chí nguyên là học sinh trường Bưởi, học giỏi và viết giỏi. Công việc tìm phiến để in báo đã được các đồng chí Tỉnh ủy nhanh chóng triển khai, Tỉnh ủy Cao Bằng đã liên hệ với chi bộ cộng sản ở Long Châu (Trung Quốc) lấy một phiến đá in li tô chuyển lên Pác Bó. Vận chuyển phiến đá được các đồng chí thực hiện bằng đường sông, họ dùng mảng ngược dòng sông Bằng Giang đi lên rất khó khăn, vất vả. Khi đến Soóc Lậc (bến đò dưới bệnh viện tỉnh Cao Bằng) các đồng chí gặp tốp lính đi tuần không còn cách nào để giấu phiến đá buộc các đồng chí phải thả đá rơi xuống đáy sông. Sau đó, bố trí ông Khanh (chú họ của đồng chí Hoàng Đình Giong) một người dân có tài bơi lặn giỏi trong vùng đến Soóc Lậc lặn xuống tìm lại phiến đá. Trải qua bao chặng đường gian nan, vất vả cuối cùng phiến đá cũng được đưa về đến lán Khuổi Nặm, Pác Bó. Trong thời gian chờ đợi có đủ phương tiện để in báo, Bác đã yêu cầu các đồng chí xem lại công thức làm mực viết trên mặt đá của đồng chí Phùng Chí Kiên để chuẩn bị sẵn mực in. Như vậy, mọi công tác chuẩn bị cho sự ra ra đời của báo Việt Nam độc lập cơ bản đã xong. Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Vân Trình, Thế An, Bảo An phụ trách công việc in báo còn phần nội dung do Bác đảm nhiệm. Người nhận thấy công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức được quần chúng đi theo cách mạng không phải là viết ra những bài diễn thuyết hùng hồn, những khẩu hiệu đầy tính cổ vũ hay những lời hứa hẹn mà là những lời nói, bài viết ngắn gọn, giản dị làm cho nhân dân hiểu được họ phải làm gì và làm như thế nào để giành lấy độc lập, tự do và xây dựng một cuộc sống ấm no. Có một điều Bác nhận thấy cần phải khắc phục ngay để khi báo Việt Nam độc lập ra đời mới phát huy được tác dụng đó là xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, đầu những năm 40 của thế kỉ XX, hơn 50% dân số Cao Bằng mù chữ trong đó có nhiều cán bộ chưa biết chữ. Vì vậy, Bác đã chủ trương phong trào Việt Minh phát triển đến đâu thì tổ chức việc học văn hóa đến đó. Người biết dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít. Bác cũng trực tiếp dạy chữ cho các đồng chí cán bộ cách mạng và các gia đình là cơ sở cách mạng. Chủ trương của Người là một hoạt động cách mạng đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh của cách mạng nước ta lúc bấy giờ.
Sau khoảng một tháng chuẩn bị, đúng theo kế hoạch ngày 1/8/1941, số báo đầu tiên của Việt Nam độc lập, cơ quan tuyên truyền của mặt trận Việt Minh đã được ra đời tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó. Lán Khuổi Nặm là một lán nhỏ, đơn sơ được dựng ngay bên khe suối Khuổi Nặm, do đoàn thể cứu quốc Pác Bó dựng để Bác ở và làm việc. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn, có hai gian liền nhau, cột lán được lấy từ những cây ngỗ rừng, mái lợp lá gianh, vách đan bằng lá Cáp Tao, sàn là những cây vầu xếp lại. Để đảm bảo bí mật và an toàn, nhân dân dựng cho Bác ba lán ở khu vực Khuổi Nặm. Cả ba lán Bác đều ở và làm việc trong đó lán Khuổi Nặm I là nơi Bác triệu tập Hội nghị trung ương đảng lần thứ tám, lán Khuổi Nặm II là nơi nghỉ ngơi của các đại biểu đến dự Hội nghị, các đồng chí đến làm việc với Bác phải ở lại qua đêm cũng nghỉ tại lán này đặc biệt lán Khuổi Nặm II là nơi Bác chọn để in báo Việt Nam độc lập. Trong lán nhỏ, đơn sơ Bác và các đồng chí miệt mài ngày đêm viết bài và in báo. Báo được in bằng giấy địa phương, kích thước của báo theo khổ giấy nhỏ chia làm hai trang để dễ cất giấu trong hoàn cảnh hoạt động bí mật. Theo yêu cầu Bác, báo ra mỗi tháng ba kỳ vào những ngày 1, 11 và 21. Thời gian đầu mỗi kỳ in 100 bản sau sẽ in nhiều theo phong trào cứu quốc mở rộng thường in 400 bản cũng có những lúc lên tới 600 đến 700 bản. Bài báo đầu tiên ra đời ký hiệu là 101 để đảm bảo bí mật. Nội dung của báo thường có các mục Xã luận, tin trong nước, tin thế giới, Vườn ăn (những bài thơ, ca). Khi viết Bác dùng cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích, có tranh minh họa, sử dụng văn vần giúp mọi người đều dễ đọc, dễ hiểu. Người cảm thông sâu sắc với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng phải sống dưới ách áp bức bóc lột nặng nề của Pháp – Nhật không có điều kiện học hành. Vì vậy, khi viết xong một tài liệu Bác thường đưa cho người ít chữ xem trước chữ nào các đồng chí chưa hiểu thì Bác sửa lại ngay. Để đảm bảo tờ báo phù hợp với trình độ của đồng bào dân tộc nơi đây Bác thường lấy trình độ đọc của đồng chí Đào Thế An làm thước đo để duyệt các tài liệu trước khi in. Mỗi lần viết xong Bác sẽ đưa bài cho đồng chí Thế An đọc trước nếu phần nào đồng chí chưa hiểu`Bác sẽ sửa lại. Cứ như thế, Bác viết bài, đồng chí Vân Trình viết chữ trái, đồng chí Thế An, Bảo An in báo. Mỗi lần in xong một trang đồng chí Thế An, Bảo An sẽ rửa lại phiến đá để đồng chí Vân Trình chuẩn bị chép chữ lên đá cho nội dung tiếp theo.
Báo Việt Nam độc lập ra đời đã tạo ra một phong trào học chữ quốc ngữ già cũng học, trẻ cũng học, các em đi chăn trâu gặp cán bộ ngang qua cũng đón lại học. Sự ra đời của báo là một trong những hoạt động văn hóa tích cực đầy hiệu quả của Bác nhằm tuyền truyền, vận động, giáo dục cán bộ và đông đảo nhân dân quyết tâm đấu tranh giành độc lập, tự do. Công tác tuyền truyền, vận động nhân dân là một công tác cách mạng đầy khó khăn đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại. Đây là công tác mà đối tượng trực tiếp là nhân dân vì vậy công việc đó không thể thực hiện khô cứng như mệnh lệnh mà phải linh hoạt thấm đượm tính nhân văn. Phải có tình thương yêu giữa con người với con người sâu sắc, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và luôn phải làm gương trước họ. Để đảm bảo mục đích đó ngay từ số báo đầu tiên Bác đã đề cập đến vấn đề “chống cái ngu, cái hèn như thế nào”. Lời mở đầu phần Xã luận đăng: “Tây làm cho dân ta ngu, làm cho dân ta hèn. Ngu thì phải hèn. Ta ngu hèn thì nó dễ trị, dễ ăn hiếp, dễ bóc lột” sau khi vạch tội ác của Pháp – Nhật, Xã luận khẳng định: “Báo Việt Nam độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”. Từ sự thiết thực của báo, Bác đã viết bài “Khuyên mua báo Việt Nam độc lập”, đăng số 101, ngày 1/8/1941.
Trong số những số báo phát ra Bác đều hướng tới mọi tầng lớp nhân dân, giai cấp trong xã hội như: nông dân, công nhân, phụ nữ, binh lính, thanh niên, nhi đồng… Vì vậy, Bác sáng tác những bài thơ, ca cho từng thành phần, giai cấp riêng như: Bài ca “Phụ nữ” gồm 20 câu, đăng số 104 ngày 1/9/1941. Sau khi nêu những tấm gương anh hùng của phụ nữ Việt Nam từ bà Trưng, bà Triệu đến Nguyễn Thị Minh Khai, Người đã kêu gọi phụ nữ Việt Nam đoàn kết đấu tranh.
Bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” gồm 20 câu, đăng số 106, ngày 21/9/1941. Bài thơ miêu tả cuộc sống của thiếu nhi Việt Nam dưới ách thống trị của Nhật, Tây.
Bài thơ “Công nhân” gồm 20 câu, đăng số 108, ngày 11/10/1941. Bài thơ nêu lên nỗi khổ cực của công nhân Việt Nam, họ bị đánh đạp, bị bớt xén tiền lương, bị phạt và cuối cùng bác đã kêu gọi họ đoàn kết chống kẻ thù chung….
Khi tất cả các tầng lớp, giai cấp được tiếp cận báo, biết tội ác của Pháp – Nhật để tuyên truyền kêu gọi nhân dân đoàn kết thành một khối vững chắc cùng nhau đánh đuổi kẻ thù. Bác đã viết hàng loạt các bài thơ trong những bài thơ như “Con cáo và tổ ong”, “Hòn đá”… Bác đã sử dụng những hình ảnh cụ thể, gần gũi với nhân dân để ví về sức mạnh của đoàn kết, sau đó Người nói lên thực tế của đất nước, sự cần thiết của việc đoàn kết. Không chỉ có bài thơ mà Bác còn sáng tác những bài ca để kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết lại như “Ca sợi chỉ”, “Ca đội tự vệ”… ở đây Bác hướng dẫn nhân dân cả cách hát.
Báo Việt Nam độc lập vừa ra đời gặp phải không ít khó khăn như nơi in báo xa xôi trong rừng sâu, giấy in, mực in đều thiếu thốn, các đồng chí lúc đầu in chưa có kinh nghiệm… Kể lại những ngày đầu làm báo vất vả của Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng, đồng chí Bế Văn Khai viết: “lần đầu chữa rồi lại hỏng, hỏng rồi lại chữa, mấy Bác cháu làm toát mồ hôi hai ngày mà chỉ được 16 số báo”. Mặc dù, gặp rất nhiều khó khăn nhưng báo đã thực hiện được mục đích của mình và được nhân dân rất quý trọng, hết lòng ủng hộ báo. Họ ủng hộ cũng thật giản dị, mộc mạc như nội dung của báo Việt Nam độc lập vậy. Các đồng chí cán bộ không thể mua nhiều giấy in cùng một lúc vì sợ địch nghi ngờ và theo dõi nên các chị em phụ nữ đi chợ họ rủ nhau mua 5, 10 tờ giấy nếu địch có hỏi thì nói dối là mua cho con cháu học, rồi họ góp lại để in báo. Có những lúc nhân dân ủng hộ bằng vài rổ chanh để pha chế mực in, có lúc thì vài quả trứng gà, ít gạo, ngô, khoai… để Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ăn đảm bảo sức khỏe. Được nhân dân hết lòng ủng hộ Bác và các đồng chí đã cố gắng hết sức để có những kỳ báo đều đều đến với nhân dân. Nhân dân rất thích đọc báo vì báo viết gì, nói gì cũng đều thấm thía với họ. Nhân dân còn tự tổ chức đọc báo và bí mật đưa tin cho báo, họ còn tìm cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để làm công tác binh vận trong những đồn Pháp. Có thể nói chưa bao giờ nhân dân mua báo và đọc báo nhiều như vậy. Quần chúng nào chưa đọc được báo thì họ học chữ quốc ngữ để đọc cho được báo. Báo Việt Nam độc lập đã trở thành một tác động chính cho học viên chống nạn mù chữ nhiều nơi từ già đến trẻ, từ trai đến gái đều học, học cả trưa lẫn tối. Ở những làng xã Việt Minh hoàn toàn như: Pác Bó, Nà Mạ, Nà Sác, Đào ngạn… cách mạng đã mở trường công khai cho các cháu đến học ở trong rừng.
Như vậy, giữa rừng núi Pác Bó trùng điệp bao sự kiện lịch sử quyết định cả vận mệnh dân tộc Việt Nam đã được ra đời tại đây. Báo Việt Nam độc lập cùng với những thuận lợi và khó khăn cứ nối tiếp nhau in ra. Cứ như vậy, thuận lợi được các đồng chí phát huy khó khăn thì cùng nhau khắc phục vì vậy trong hoàn cảnh nào báo Việt Nam độc lập vẫn chuyển tải thông tin tới đông đảo quần chúng nhân dân. Sức mạnh tuyền truyền của báo được lan tỏa rộng rãi, đáp ứng được nhiều vấn đề cấp thiết trước mắt của mặt trận Việt Minh, Báo dần dần đã sống trong quần chúng nhân dân và phong trào cách mạng một cách tự nhiên.
Báo Việt Nam độc lập in tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó đến tháng 1/1942, báo chuyển xuống căn cứ địa Lam Sơn thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Thời gian này, cơ quan Tỉnh ủy đang ở vùng núi đá Lam Sơn, Báo Việt Nam độc lập chuyển xuống đây để gần với cơ quan tỉnh hơn. Nơi in báo được đặt tại hang Bó Tháy do đồng chí Vũ Anh, Vân Trình và Thúy Bách phụ trách. Tháng một, ở vùng núi đá Lam Sơn lạnh cắt da, cắt thịt, sương mù dày đặc trong hang đá các đồng chí ngồi quanh bếp lửa để bàn bạc công tác làm báo. Sang ngày hôm sau công việc in báo lại được bắt đầu, đồng chí Vũ anh từ cơ quan tỉnh sang ngồi đọc tin tức và viết bài, đồng chí Vân Trình cặm cụi viết từng nét chữ trái trên tấm đá li tô khi viết xong bản in Vân Trình cầm ru lô nhỏ, Thúy Bách cầm ru lô to lăn trên tờ giấy áp vào mặt đá rồi bốn đầu ngón tay các đồng chí bóc tờ giấy lên. Có kinh nghiệm làm báo đã mấy tháng các đồng chí đã thu được những tờ báo đẹp, trong lòng họ phấn khởi tràn ngập niềm vui, họ in và làm việc không mệt mỏi. Khi còn ở Pác Bó, công việc hậu cần thuận lợi hơn các đồng chí có thể tự lo hoặc nhân dân tiếp tế lương thực nhưng xuống căn cứ Lam Sơn công việc đó gặp khó khăn hơn, dần dần được đồng chí Thúy Bách đảm nhiệm như: nấu cơm, tìm lương thực, giao thông đưa báo, tìm chanh quả, mục in, giấy in…
Tháng 3/1942, Khi căn cứ Pác Bó tương đối ổn định Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuyển xuống căn cứ địa Lam Sơn, Hòa An. Trong thời gian này, Bác tiếp tục viết bài cho báo Việt Nam độc lập. Giữa năm 1942, Thực dân Pháp tăng cường khủng bố nên đường dây liên lạc giữa cơ quan báo với quần chúng cách mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, đường liên lạc có thể đi nhiều ngả, giờ chỉ còn cách xuống chân núi nhờ nhà một số đồng chí cán bộ cách mạng. Để đảm bảo yếu tố bí mật khoảng tháng 6/1942, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển sang châu Nguyên Bình, cơ quan in báo Việt Nam độc lập được chuyển theo đặt tại hang Lũng Dẻ (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) giáp với dãy núi đá Lam Sơn. Từ ngày, Báo chuyển vào Lũng Dẻ vẫn được in đều đặn, các số báo vẫn được phát về các cơ sở cách mạng như trước. Đến tháng 8/1942, Bác trở về Pác Bó chuẩn bị cho chuyến đi sang Trung Quốc gặp các nước Đồng minh để bàn về việc chống Phát xít Nhật lúc này Việt Nam độc lập được giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách. Do hang Lũng Dẻ hẻo lánh, đường xa, không tiện vận chuyển vật liệu lên, điều kiện kinh tế khó khăn hơn nữa lại cách xa cơ quan Liên tỉnh ủy nên đồng chí Phạm Văn Đồng quyết định đưa cơ quan báo trở về vùng núi đá Lam Sơn, lúc đầu ở đỉnh núi Lũng Sa sau chuyển sang hang Bó Hoài. Đế quốc Pháp vẫn khủng bố gắt gao, vùng núi đá Lam Sơn bị bao vây chặt ở giữa đồn địch. Đường liên lạc giữa cơ quan với tổ chức quần chúng nhiều nơi bị gián đoạn. Do vậy, việc đưa tin tức về cơ quan in báo, việc in báo, đưa báo đi phát… đều gặp khó khăn nhưng với nhiệm vụ tuyên truyền quan trọng các đồng chí không để báo Việt Nam độc lập nghỉ kỳ nào, vì Bác sáng lập ra báo Việt Nam độc lập để hướng dấn quần chúng đấu tranh cách mạng, giặc càng khủng bố càng phải ra báo đều đặn. Vì vậy, các đồng chí đã cố gắng vượt qua mọi gian khổ, thiếu thốn để ra báo. Có những hôm lính Pháp theo bọn phản động tay sai đi vào lùng sục các hang trong rừng sâu các đồng chí đã phải mang dụng cụ in báo chia nhau mang đi mỗi người một nơi đến chiều chiều lại đến chỗ hẹn để in báo, đêm đến họ lại có báo mang xuống các trạm liên lạc. Cứ thế báo Việt Nam độc lập của Bác vẫn được ra đều kỳ. Trong hoàn cảnh khó khăn nhưng báo vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình là tuyền truyền vận động nhân dân. Tháng 1/1943, khi châu Hà Quảng tổ chức Đại hội học sinh tại Bản Hoong, có tới hơn một nghìn người tới dự báo Việt Nam độc lập đã gửi tặng Đại hội một lá cờ đỏ thêu bốn chữ vàng “Gieo mầm văn hóa”. Đây là một sự kiện văn hóa tiêu biểu đáng ghi nhớ ở Cao Bằng. Báo Việt Nam độc lập ra đời đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nên cuốn hút mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân ở Cao Bằng tham gia các tổ chức cứu quốc. Vì vậy, báo đã có tác dụng làm xuất hiện những “xã hoàn toàn”, “tổng hoàn toàn” và “châu hoàn toàn” Việt Minh. Ở những nơi này đã tổ chức Đại hội bầu ra ban Việt Minh các cấp. Đến cuối năm 1942, hệ thống tổ chức của Việt Minh ở Cao Bằng đã xây dựng được từ bản làng đến tổng, châu, tỉnh. Báo Việt Nam độc lập số 145 in ngày 1/12/1942, có bài thơ “Mừng tỉnh Việt Minh thành lập”.
Từ kết quả trên cho ta thấy, phương pháp tuyền truyền của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong báo Việt Nam độc lập đã đạt đến đỉnh cao, người đi sâu vào từng tầng lớp, giai cấp, từ người biết ít đến người biết nhiều, từng ngõ ngách tâm hồn của đồng bào Cao Bằng đều có báo Việt Nam độc lập. Mỗi câu thơ, đoạn văn của Bác hết sức tự nhiên, xác đáng và cũng hết sức ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu. Có thể nói một người dân không biết chữ với trình độ dân trí thấp song nghe qua một vài lần là có thể nhớ và thuộc ngay. Điều này đã nói lên được một phần nguyên nhân tại sao Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có thể huy động đoàn kết được đông đảo lực lượng nhân dân để khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và cả những giai đoạn cách mạng sau này. Ảnh hưởng của báo Việt Nam độc lập không chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn lan rộng sang các tỉnh lân cận. Lúc đầu, báo chỉ mang tính chất là của Việt Minh tỉnh Cao Bằng; thời gian sau phong trào cứu quốc phát triển báo trở thành cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng – Bắc Kạn, từ số 133 đến số 186 (ngày 8/1942 – tháng 1/1944). Sau đó triển khai thành báo của Liên tỉnh bộ Việt Minh Cao, Bắc, Lạng. Đây là tờ báo có thời gian hoạt động lâu nhất trong báo chí cách mạng Việt Nam xuất bản trước cách mạng tháng Tám năm 1945, từ ngày 1/8/1941 đến ngày 30/9/1945, có tổng là 129 số.
Trong giai đoạn tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị lực lượng cho tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và xóa nạn mù chữ cho nhân dân - những người làm chủ đất nước khi khởi nghĩa thành công là điều cấp thiết, báo Việt Nam độc lập do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã thực hiện đầy đủ và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ quan trọng đó. Sau này, tuy không còn trực tiếp chỉ đạo tờ Việt Nam độc lập nhưng những tư tưởng chỉ đạo của Người vẫn được đồng chí Phạm Văn Đồng tuân thủ đến khi báo hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là Việt Nam độc lập vào tháng Tám năm 1945. Pác Bó - Cao Bằng, thật vinh dự và tự hào là nơi được chứng kiến và diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam trong đó có sự ra đời của báo Việt Nam độc lập.
Ngày nay, trong cuộc sống xã hội hiện đại nhiều tờ báo, nhiều hình thức đưa tin, tuyên truyền của các tờ báo nối tiếp nhau ra đời. Các thế hệ trẻ dần quên đi những tờ báo cách mạng một thời có sứ mệnh cao cả đối với dân tộc ta. Để tuyền truyền cho thế hệ trẻ về vai trò lịch sử của báo Việt Nam độc lập, qua nghiên cứu cũng như đánh giá nhằm phát huy tốt giá trị truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của báo Việt Nam độc lập như sau:
Một là, Khu di tích Pác Bó cần phối hợp với các nhà nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn phục dựng lại lán Khuổi Nặm II, nơi Bác và các đồng chí cán bộ Vân Trình, Thế An, Bảo An biên soạn và in báo Việt Nam độc lập. Làm được điều đó khi các đoàn khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu mới có thể hình dung được giữa không gian rừng núi trùng điệp, trong một căn lán nhỏ đơn sơ mà Bác và các đồng chí vượt qua sự thiếu thốn, khó khăn miệt mài từ kỳ báo này sang kỳ báo khác.
Hai là, Khu di tích Pác Bó cần triển khai không gian trực quan và phát huy trải nghiệm, khám phá. Không gian khám phá để các đoàn khách đến tham quan đặc biệt là thế hệ trẻ sau khi nghe thuyết minh họ có thể trực tiếp in báo, pha mực và khắc chữ. Từ đó, những thế hệ ngày nay mới có thể hiểu được cách in báo bằng ru lô, li tô như thế nào và họ được trực tiếp làm sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí.
Ba là, Cán bộ hướng dẫn thuyết minh tại Khu di tích Pác Bó cần nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu cũng như trực quan tại di tích để phục vụ công tác thuyết minh, tuyên truyền đầy đủ nội dung và hướng dẫn các đoàn khách đến tham quan tại những điểm di tích có liên quan đến báo Việt Nam độc lập tại Pác Bó.
Bốn là, Tăng cường công tác nghiên cứu, sưu tầm về cức nội dung in trên báo; những bài thơ, ca trong báo Việt Nam độc lập có thể tuyên truyền rộng rãi, phổ biến hơn nữa trong chương trình học các cấp, đưa vào giảng dạy trong giờ học lịch sử địa phương từ bậc tiểu học đến các trường chuyên nghiệp trong tỉnh Cao Bằng. Sau khi học trên lớp, nhà trường có thể tổ chức giờ học ngoại khóa bằng cách đưa các em học sinh, sinh viên đến lán Khuổi Nặm để các em có thể quan sát thực tế. Đây là cách dạy học từ trực quan sinh động đến tư duy trìu tượng mang lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy.
Nhiều bài trong báo Việt Nam độc lập được các tác giả trích in đi in lại nhiều lần không chỉ mang tính lịch sử mà còn có giá trị tư tưởng và ý nghĩa chính trị nhưng những người sưu tầm, giới thiệu khi trích dẫn bài của báo đã sửa khác với nguyên bản khá nhiều. Do đó, để báo giữ được giá trị theo thời gian cần phải trả lại nguyên trạng cho bài, chúng ta phải tôn trọng giá trị lịch sử của báo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Cao Bằng, Bác Hồ với Cao Bằng, 1995.
2. Ban chấp hành đảng bộ Phường Đề Thám, Lịch sử đảng bộ Phường Để Thám, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014.
3. Ban chấp hành đảng bộ xã Hồng Việt, lịch sử đảng bộ xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012.
4. Bế Văn Khai, Người cháu nuôi của Bác, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1975.
5. Nhiều tác giả, Bác Hồ hồi ký, Hội văn nghệ Cao Bằng, 1990.
6. Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hổ Chí Minh, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập II (1930 - 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.