NHẠC SĨ NGUYỄN TÀI TUỆ, TÁC GIẢ CA KHÚC BẤT HỦ “TIẾNG HÁT GIỮA RỪNG PÁC BÓ” VÀ CHUYẾN THĂM PÁC BÓ NGÀY 19/5/2020
- Thứ năm - 17/02/2022 09:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tự hào là người con của quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng, từ những ngày thơ bé, được nghe trên sóng radio phát từ chiếc catset cũ của ông ngoại nhạc phẩm “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” với những ca từ văng vẳng, tha thiết diệu vợi mang âm hưởng của núi rừng Pác Bó của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ“Trông vời lưng núi, Khuổi Nặm rì rao, núi cao tầng mây, kể rằng Người về đây, rừng in lưng đá, bóng dáng Người còn in trên đèo,…”. Bài hát quen thuộc, tôi đã được nghe rất nhiều lần qua sự thể hiện của các danh ca như nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương, nghệ sĩ nhân dân Mai Khanh, Nghệ sĩ ưu tú Anh Đào, ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Phương Nga, … hay của các nghệ sĩ nghiệp dư trong các buổi diễn văn nghệ quần chúng, hoặc vào dịp tổ chức ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc ở xóm làng
Sau này, khi đã trở thành Hướng dẫn viên của Khu di tích Pác Bó, nay thuộc Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng, tôi cũng có vài lần được ngân nga đôi câu gửi đến một số đoàn khách tham quan trong quá trình hướng dẫn thuyết minh về di tích. Tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi mà nhiều thế hệ ông bà, bố mẹ, anh chị và cả thế hệ trẻ sau này đã và sẽ còn nhớ mãi, hát vang mãi nhạc phẩm trữ tình đi cùng năm tháng ca ngợi Bác Hồ, viết về núi rừng Pác Bó - nơi đón bước chân Người về nước và xây dựng căn cứ địa cách mạng vào ngày 28 tháng 01 năm 1941, với tựa đề “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”. Ca khúc được nhạc sĩ sáng tác từ năm 1959, nhưng mãi đến năm 2001, hơn 40 năm sau khi sáng tác, đây mới là lần đầu tiên nhạc sĩ đến với núi rừng Pác Bó; lần thứ hai vào năm 2010, trong sáng 26/01/2010, ngay giữa núi rừng Pác Bó hùng vĩ, nhạc sĩ đã có buổi nói chuyện về nhạc phẩm “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” cùng đồng bào Pác Bó và các thành viên tham gia hành trình “Triệu tấm lòng – một niềm tin”, các thành viên vào chung kết cuộc thi “Tự hào sử Việt” tham gia chuyến xuyên Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh, với đích đến chung của cuộc hành trình là địa danh lịch sử Pác Bó; lần thứ ba vào năm 2018; lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng nhạc sĩ đến thăm Pác Bó vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19/5/2020.
Những ngày này, dù không thể trực tiếp đến viếng lễ tang nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả của nhạc phẩm nổi tiếng dòng nhạc truyền thống cách mạng “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, thấu cảm sâu sắc nỗi đau đớn mất mát lớn lao của gia đình, của nhiều thế hệ người yêu nhạc cả nước trước sự ra đi của một nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Tài Tuệ vào sáng ngày 11 tháng 02 năm 2022 (tức ngày 11 tháng Giêng, xuân Nhâm Dần). Lòng tôi xúc động nghẹn ngào khôn nguôi nhớ lại lần được gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó tỉnh Cao Bằng vào ngày 19 tháng 5 năm 2020 nhân chương trình làm việc của đoàn công tác Báo Nhân dân tại khu di tích dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; lúc đó, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tuổi đã cao, nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, rất vui tính hay cười, nhạc sĩ có tâm sự đôi chút về quá trình sáng tác nhạc phẩm “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” khi chưa được lên thăm Pác Bó, mà sáng tác bài hát chỉ qua đọc các tài liệu viết về Pác Bó và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và qua trí tưởng tượng, sau này có dịp lên thăm Pác Bó thì chính nhạc sĩ cũng ngỡ ngàng trước những gì đã viết trong tác phẩm lại rất giống với thực tế. Trong chuyến công tác tại Pác Bó, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và đoàn công tác đã thành kính dâng hương trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh; nắn nót từng nét chữ để ghi cảm tưởng vào sổ vàng lưu niệm của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, gửi gắm tâm tư tình cảm đến vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc và kính chúc hương hồn Bác yên nghỉ. Trong quá trình làm việc, vừa quay phim ghi hình, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn tận tình hướng dẫn và trò chuyện cùng các đồng chí cán bộ diễn viên của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng và cán bộ phòng Văn hóa Thông tin huyện Hà Quảng, thi thoảng cùng thể hiện nhạc phẩm do mình sáng tác. Kết thúc buổi làm việc, rất vinh dự và rất đỗi vui mừng khi tôi được chụp ảnh lưu niệm cùng nhạc sĩ và được tặng đĩa nhạc ghi lại những ca khúc, hợp xướng và nhạc thính phòng do nhạc sĩ sáng tác và đích thân ký tặng. Thật tự hào và trân quý trước những tình cảm của người nhạc sĩ tài hoa đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quê hương cách mạng Cao Bằng, với những cống hiến và hy sinh trọn đời của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vì nền âm nhạc Việt Nam./.