BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


QUÊ HƯƠNG CỘI NGUỒN CÁCH MẠNG CAO BẰNG MÃI MÃI KHẮC GHI BÓNG HÌNH BÁC

Ngày trở về Tổ quốc sau 30 năm xa cách, núi rừng và đồng bào Pác Bó vinh dự thay mặt nhân dân cả nước dang rộng vòng tay, hân hoan đón bước chân Người. Dẫu trong muôn vàn khó khăn của công cuộc xây dựng căn cứ địa cách mạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vẫn luôn coi việc dựa vào nhân dân, lấy nhân dân làm gốc là nền tảng quan trọng nhất của cách mạng. Hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo chàm truyền thống của người dân tộc Nùng cầm gậy nhanh thoăn thoắt men theo con đường mòn nhỏ vượt qua cột Mốc 108 đã phần nào toát lên lối sống giản dị và sâu sắc của Bác với cuộc sống tại xóm núi Pác Bó, Bác đã hòa nhập ngay với cuộc sống của đồng bào, chia sẻ với người dân mọi gian khổ từ bữa ăn chỉ có “cháo bẹ, rau măng” tới những công việc hằng ngày. Bác nói tiếng nói của người dân, đến thăm và trò truyện cùng các cụ già, hướng dẫn bà con trong bản các hoạt động sinh hoạt và sản xuất, vì vậy đồng bào luôn coi Bác là một người thân thiết trong gia đình và gọi Người với cái tên rất đỗi thân thương trìu mến “Ông Ké”.
 

22a LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC CÙNG CÁC ĐỒNG CHÍ CÁN BỘ CÁCH MẠNG VỀ NƯỚC, NGÀY 28 THÁNG 01 NĂM 1941
Tranh: Bác Hồ về nước (Họa sĩ Trịnh Phòng)

Những tình cảm bình dị, gắn bó đậm sâu của một vị lãnh tụ cao quý với con người và quê hương Cao Bằng không chỉ dừng lại ở những năm tháng đầu cách mạng gian khổ mà vẫn luôn ấp ủ trong lòng vị Cha già của dân tộc. Sau 20 năm xa cách, ngày 20/2/1961, tức mùng 5 Tết Tân Sửu, khi đó Người với cương vị đã là Chủ tịch của một nước lên thăm và chúc Tết đồng bào Pác Bó - Hà Quảng. Được tin, người dân Pác Bó háo hức, phấn khởi dựng khán đài tổ chức mít tinh để đón Bác, người dân từ già tới trẻ ai ai cũng đều phấn khởi khi được gặp Người. Đáp lại tình cảm, từ đằng xa Người đưa tay vẫy chào bà con và không quên hỏi thăm động viên tới mọi người. Trong ngày Bác về thăm, nhân dân Pác Bó đã tặng Bác đôi giày vải với ý nghĩa người dân nơi đây luôn coi Bác như một người thân trong gia đình và luôn trông mong Người trở về. Trước những tình cảm mà đồng bào dành cho mình, Bác vô cùng xúc động và tặng lại người dân một bức ảnh chân dung có ký tên Hồ Chí Minh. Bác vào thăm khu vực đầu nguồn suối Lê Nin và kể cho mọi người nghe những năm tháng Bác đã sống và làm việc tại núi rừng Pác Bó và dưới sự bảo vệ, chở che của núi rừng Pác Bó mà con đường cách mạng giành lại non sông, gấm vóc đã được hình thành và phát triển thuận lợi. Hình ảnh Người trở về thăm Pác Bó đã trở thành ký ức đẹp trong lòng đồng bào về vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
 

df7cd5b6b0d2468c1fc3
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Pác Bó (Cao Bằng) ngày 20/02/1961 (ảnh tư liệu)

Nhưng đâu ai ngờ rằng, đó là lần cuối cùng Người trở lại thăm nơi cội nguồn cách mạng. Vào ngày 02/9/1969 (tức ngày 21/7 âm lịch), khi Đài tiếng nói Việt Nam phát đi một tin dữ, Bác Hồ kính yêu đã ra đi mãi mãi. Trong niềm xót thương vô hạn của nhân dân cả nước, cả núi rừng Pác Bó, cả những người con Pác Bó rưng rưng nước mắt hướng về Thủ đô, hướng về Ba Đình lịch sử, nơi Người đang an giấc nghỉ ngàn thu, nghẹn ngào đau đớn… nhân dân Pác Bó cùng nhau mặc lên mình bộ quần áo đại tang tập trung bên bờ suối Lê Nin tổ chức lễ truy điệu cho Người. Theo quan niệm của người dân Tày, Nùng bộ quần áo đại tang chỉ mặc khi trong gia đình có cha hoặc mẹ mất. Nhân dân mặc bộ quần áo đại tang trong lễ truy điệu đã coi Bác như người Cha trong gia đình vậy. Đoàn người đến xếp hàng bên bờ suối cúi nhìn dòng nước mà nước mắt tuôn trào vĩnh biệt Người về cõi vĩnh hằng. Dòng suối Lê Nin luôn có màu xanh ngọc bích nhưng ngày hôm đó chỉ có trắng toát một màu áo tang. Sau phút mặc niệm, mỗi người dân uống một ngụm nước suối để tưởng nhớ và thầm hứa với Người rằng nhân dân Pác Bó nguyện đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Từ hôm đó, trong nhà người dân làng Pác Bó, tại vị trí trang trọng bên cạnh bàn thờ tổ tiên, các gia đình đều lập bàn thờ Bác Hồ, đó là cách riêng mà người dân tỏ lòng biết ơn và thể hiện tình cảm gắn bó, sự kính trọng đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc.
 

bdcfe1008464723a2b75
Nhân dân tổ chức Lể tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngã ba Khuổi Nặm (Pác Bó), tháng 9/1969 (ảnh tư liệu)

          Đã 52 năm kể từ ngày Bác Hồ kính yêu mãi mãi đi xa, nhưng tình cảm đồng bào Pác Bó, nhân dân Cao Bằng dành cho Bác vẫn luôn dạt dào nồng ấm. Những nơi năm xưa đã từng là nơi ở, nơi làm việc của Bác giờ đây đã trở thành những điểm di tích mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Những địa điểm ấy trở nên quen thuộc và là niềm tự hào của người dân nơi quê hương cách mạng. Trong những ngày này, khi cả nước đang phải đối mặt và tập trung mọi nguồn lực để chống lại dịch bệnh Covid-19, chúng ta càng thấm thía hơn những lời dạy của Người, cùng vững tin và quyết tâm đoàn kết chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dù là trên mặt trận Y tế, Tài chính, Kinh tế, Nội vụ, Văn hóa, Lao động, Giáo dục, Ngoại giao, … thì mỗi người đều là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận ấy./.
 

z2717700427550 4232da468a8b5759b1512e4d36e70bf7
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày giỗ Bác
z2717700457573 4803dee4b99ff719022731ac71d520e9
Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày giỗ của Người
z2717700448876 26ab88207cb88b4285d45ef1c9b30e86
Các đồng chí đại biểu tham dự lễ giỗ Bác Hồ tại Pác Bó
z2717700437646 e8a71ac1f0f55737496da352757c2e4f
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh
z2717700399049 d5cb242b2711ef4b04d6be57948fe198
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê đọc diễn từ tại buổi lễ

Tác giả bài viết: Lương Hằng - Tuấn Đạt

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây