BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA SỰ KIỆN LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC TRỞ VỀ NƯỚC NGÀY 28/1/1941

Ngày 19/5/1890, từ Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã sinh thành một con người, hồi nhỏ gọi là Nguyễn Sinh Cung. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước, lúc còn nhỏ tuổi, Người đã rất ham học, thông minh, cần cù, chịu khó. Đặc biệt, Người đã sớm thấu hiểu nỗi nhục cơ cực của người dân mất nước, Người rất khâm phục các chí sĩ tiền bối như: Trương Công Định, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám..., song Người không tán thành phương pháp cách mạng của các tiền bối lúc bấy giờ, sự thất bại liên tiếp của các phong trào yêu nước như: Phong trào Cần Vương, Phong trào Đông Du, Duy Tân... đã thôi thúc Người quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thánh đã ra đi tìm con đường cách mạng mới cho dân tộc.

Người đã sang Pháp và hầu hết các nước Âu, Mỹ và những nơi được coi là “tự do, bình đẳng, bác ái”. Người làm đủ các nghề như: Thuỷ thu, bồi bàn, đánh giày, thợ ảnh, làm báo... để kiếm sống và hoạt động, Người đã tiếp xúc đủ mọi giới trong xã hội phương Tây, sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ như: Tiếng Anh, Pháp, Nga và tiếng Trung Quốc... sau nhiều năm vật lộn nơi đất khách quê người, Người đã rút ra một số kết luận sau sắc và quan trọng là: “Dù ở đâu, người dân mất nước đều khổ nhục như nhau, đều bị áp bức, bóc lột”. Trong thời gian này, Người cũng rất tích cực hoạt động trong Đảng xã hội Pháp và chính Người đã tham gia sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp (1920). Đồng thời Người là chủ bút của một số tờ báo gây được sự chú ý của dư luận thế giới, nhất là đối với các nước thuộc địa, điển hình là tờ báo “Người cùng khổ”.

Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ và giành thắng lợi năm 1917. Đây là một sự kiện chính trị cực kỳ to lớn, mở ra một thời đại mới của nhân loại, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh và hiệu triệu các dân tộc thuộc địa bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin và cách mạng tháng Mười Nga, tìm thấy ở chủ nghĩa Lê nin con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Năm 1923, Người đã sang Liên Xô và công tác ở Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Năm 1925, Người về Quảng Châu, Trung Quốc để chuẩn bị cho việc thành lập một chính Đảng thống nhất ở Việt Nam và Đông Dương. Người đã thành lập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội - tổ chức tiền thân của Đảng ta. Người đã viết và xuất bản cuốn sách “Đường cách mệnh” và mở nhiều lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy.

Với hoạt động không biết mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối. Chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có 3 tổ chức cộng sản được thành lập : Bắc kỳ có Đông dương cộng sản Đảng (6/1929), Nam kỳ có An nam cộng sản Đảng (7/1929), Trung kỳ có Đông dương cộng sản liên đoàn (9/1929). Ngày 3/2/1930,  tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, dưới sự chủ trì cuả đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành một Đảng thống nhất là Đảng cộng sản Việt Nam.

Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử, là sản phẩm kết tinh của ba yếu tố: chủ nghĩa Mác - Lê nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước, là sự gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ, sâu rộng khắp cả nước, làm dấy lên ba cao trào cách mạng lớn năm  1930 - 1931; 1936 - 1939, 1939 - 1945. Đó là 3 cuộc tổng diễn tập chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám/1945 thành công, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám/1945 là thắng lợi đầu tiên của chủ nghãi Mác - Lê nin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, thắng lợi của tư tưởng đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng ta. Đó là một trong những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của thế kỷ XX.

Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 86 năm xây dựng, phát triển trưởng thành. 86 năm với 12 kỳ đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dìu dắt nhân dân vựot qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng nên những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, nhân dân ta đã hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (1945) đánh thắng hai đế quốc to đó là thực dân Pháp (1954) và đế quốc Mỹ (1975) và đưa nhân dân tiến lên trên con đường đấu tranh xây dưng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang ra sức thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng ở nước ta một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có được cuộc sống hôm nay, mỗi người dân, mỗi một đảng viên chúng ta vô cùng biết ơn Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyện trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, đoàn kết chung quanh Đảng và đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lực chọn, con đường tiến lên xây dựng thành công XHCN trên đất nước ta.

Hôm nay, chúng ta vô cùng xúc động nhớ lại cách đây 77 năm , dân tộc Việt Nam chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của cách mạng Việt Nam. Đó là, đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Người đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Lịch sử đã giành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung, Hà Quảng nói riêng và một vinh dự to lớn đó là thay mặt cho nhân dân cả nước đón người con thân yêu trở về để cùng với Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung và Hà Quảng nói riêng không bao giờ quên được những giây phút thiêng liêng khi Người đặt bước chân đầu tiên vượt qua Mốc biên giới 108 về Tổ quốc.

Từ ngày đó, Pác Bó, Hà Quảng đã đi vào lịch sử gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng của cả nước. Có được niềm vinh dự lớn lao đó là bởi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung và Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng nói riêng vốn giàu truyền thống lòng yêu nước nồng nàn, có tinh thần đấu tranh bất khuất từ thời kỳ chống phong kiến phương Bắc và thời đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

Trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Cao Bằng đã sớm có phong trào cách mạng từ những năm 20 như các tổ chức hội đánh tây, hội thanh niên phản đế.. đã thu hút đông đảo thanh niên các dân tộc tham gia, nổi bật là đồng chí Hoàng Đình Giong, một thanh niên dân tộc tày vốn có lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng. Hoạt động bí mật ở trong nước một thời gian bị thực dân Pháp khủng bố gắt gao, đồng chí đến Long Châu (Trung Quốc)  gặp đồng chí Hoàng Văn  Thụ, và được kết nạp vào tổ chức "Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội" năm 1928. Do hoạt động cách mạng xuất sắc, năm 1929 các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng văn Thụ, Hoàng văn Nọn được kết nạp vào Đảng và thành lập chi bộ Đảng ở Long Châu (Trung Quốc), đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu làm bí thư. Nhiệm vụ của chi bộ là trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Một sự kiện lịch sử trọng đại đã diễn chỉ sau một thời gian ngắn Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (3/2/1930) thì ngày 01/4/1930 chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Cao Bằng cũng được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An gồm 3 đồng chí :  Hoàng Văn Nọn, Lê Đoàn Chu và Nông Văn Đô do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm bí thư. Chi bộ làm nhiệm vụ như Ban tỉnh uỷ lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh.

Sự ra đời chi bộ đầu tiên ở Cao Bằng đã đánh dấu một bước phát triển mới về chất của phong trào cách mạng trong tỉnh. Lại là tỉnh nằm sát biên giới của hai nước Việt Nam - Trung Quốc, do đó  Cao bằng đã trở  thành nơi liên lạc giữa Đảng trong nước với các bộ phận Đảng ở nước ngoài. Nhiều con em ưu tú của tỉnh Cao Bằng và huyện Hà Quảng đã được đưa ra nước ngoài để Bác Hồ trực tiếp đào tạo. Từ đây trong đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung và huyện Hà Quảng nói riêng vững bước đi lên dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam. Đến năm 1933, đảng bộ Cao Bằng  đã có trên 100 đảng viên và uy tín của Đảng ngày càng cao, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Vào cuối năm 1939, đầu năm 1940 thực dân Pháp khủng bố gắt gao phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Tỉnh uỷ Cao Bằng quyết định nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, châu uỷ Hà Quảng đã tích cực hoạt động củng cố Đảng và tổ chức quần chúng ở vùng lục khu, Pác Bó, Nà Sác. Do chuyển hướng hoạt động một cách mau lẹ, đối phó kịp thời với các âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, nên trong thời kỳ này phong trào cách mạng ở tỉnh Cao Bằng không bị tổn thất lớn.

Khi còn ở Trung Quốc Bác Hồ đã theo dõi, tìm hiểu nghiên cứu tình hình Cao Bằng. Người đã phát hiện được vị trí chiến lược quan trọng của căn cứ địa Cao Bằng. Người đã nhận định: "Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta, Cao Bằng có phong trào tốt từ trước lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên hệ quốc tế rất thuận lợi. Nhưng Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc, có phong trào cách mạng với Thái Nguyên và toàn quốc thì phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có  thể giữ".

Cuối tháng 11/1940, cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng văn Cáp ... Đồng chí Nguyên Ái Quốc rời Quế Lâm đến Nam Ninh, sau đó qua Điền Đông, Thiên Bảo về làng Nặm Quang huyện Trịnh Tây, tỉnh Quảng Tây sát biên giới Việt - Trung. Tại đây Người đã tổ chức lớp huấn luyện  chính trị cho một số thanh niên Việt Nam yêu nước. Lớp học kéo dài chừng 20 ngày và kết thúc vào dịp tết âm lịch.

Sáng ngày 28/01/1941 (tức là ngày mồng 2 tết Tân tỵ) Đồng chí Nguyễn ái Quốc đã cùng đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng văn Cáp, Hoàng văn Lộc từ Nặm Quang huyện Trịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc về nước. Hành lý của Người mang theo chỉ vẻn vẹn có chiếc va li mây, bên trong đựng bộ quần áo Nùng và chiếc máy chữ Hec met baby (héc mét bây bai). Đến trưa đoàn về tới biên giới Việt - Trung, cột mốc 108. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân nay trở về tổ quốc, Người không khỏi bồi hồi xúc động, đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn mảnh đất thân thương với đôi mắt ngấn lệ. Ngày 8/2/1941, Người đến sống và làm việc tại Hang Cốc Bó, thôn Pác Bó. Cũng từ đó Pác Bó đã trở thành trung tâm đầu não, là "đại bản doanh" của cách mạng Việt Nam. Tại đây Người đã chủ trì hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tại lán Khuổi Nậm 5/1941) Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt: quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. Tại đây, Người và Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Việt minh, một tổ chức cách mạng có vai trò to lớn trong việc tập hợp, động viên lực lượng cách mạng. Cũng tại nơi đây, Người đã sáng lập ra tờ báo "Việt Nam độc lập" là tờ báo đầu tiên của Mặt trận Việt Minh.

Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh phát triển mạnh, chỉ trong vòng ba tháng (2-4/1941) các tổ chức cứu quốc trong ba châu: Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã kết nạp trên 2.000 hội viên là đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao, các châu này trở thành các châu hoàn toàn Việt Minh; tháng 4/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tạp và chủ trì Hội nghị cán bộ tại Gọoc Mu (xã Trường Hà, Hà Quảng) để rút kinh nghiệm công tác thí điểm tuyên truyền tổ chức Việt Minh. Trên cơ sở của những kinh nghiệm này, Người quyết định triêụ tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Khuổi Nặm, Pác Bó (từ ngày 10-19/5/1941). Nghị quyết quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh bao gồm các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc và đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa; quyết định này duy trì và phát triển cơ sở du kích Bắc Sơn - Võ Nhai đồng thời ra sức củng cố và mở rộng cơ sở Cao Bằng.

Thành công của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 có sự đóng góp tích cực của Đảng bộ, quần chúng cách mạng của huyện Hà Quảng nói riêng và của tỉnh Cao Bằng nói chung. Qua thí điểm xây dựng phong trào Việt Minh thành công ở các châu: Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình bảo vệ an toàn cán bộ Trung ương Đảng, cơ sở cách mạng và các cuọc họp quan trọng của Đảng khẳng định nhận định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là đúng đắn.

Từ sau Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), phong trào Việt Minh ở Cao Bằng phát triển lớn mạnh. Hà Quảng có nhiều người trưởng thành trong phong trào Việt Minh như: Hoàng Sâm, Dương Đại Lâm, Dương Đại Long, Xuân Trường, Thế An, Hoàng La Thanh... quần chúng cánh mạng luôn tin tưởng vào mặt trận Việt Minh tạo khí thế cách mạng sôi nổi.

Tháng 6/1941, Trung ương Đảng đã chỉ thị thành lập Ban Việt Minh lâm thời tỉnh Cao Bằng, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ chiến lược mà Nghị quyết Trung ương 8 đề ra (xây dựng một trung tâm căn cứ địa nối liền đường liên lạc với phong trào miền xuôi và đường liên lạc ra quốc tế). Để thực hiện nhiệm vụ đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí cán bộ Trung ương trực tiếp đi địa phương nhằm đẩy mạnh công tác phát triển Hội Việt Minh: Đồng chí Cao Hồng Lĩnh đi Hà Quảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp ở Hoà An, đồng chí Lê Thiết Hùng vào châu Nguyên Bình. Nhiệm vụ của các đồng chí này là mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ địa phương tiếp tục phát triển Hội Việt Minh. Các châu: Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo Việt Minh cho các cơ sở xã vùng thấp cũng như vùng cao, đồng bào Mông, Dao. Đặc biệt, trong thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đến Lũng Tản, Lũng Dẻ (Nguyên Bình) mở lớp huấn luyện chính trị.

Cũng từ Pác Bó, tối ngày 13/8/1942, Người với tên gọi là Hồ Chí Minh sang Trung Quốc công tác và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, giam cầm trong nhiều nhà từ ở Quảng Tây cho đến ngày 10/9/1943; cuối tháng 2/1945, Bác Hồ lại từ Pác Bó đi công tác lần thứ 2 đến cuối tháng 4/1945.

Khi lực lượng cách mạng của cả nước lớn mạnh, thời cơ cách mạng đã đến gần, ngày 4/5/1945 Bác Hồ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để thuận tiện cho việc lãnh đạo, chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng thành công trong cả nước (19/8/1945).

Sau 15 năm xa cách, ngày 20/2/1961 Bác Hồ mới có dịp về thăm Cao Bằng, như trở về thăm quê hương, Bác thăm hỏi bà con các dân tộc Pác Bó, thăm lại Hang Cốc Bó, suối Lê nin, núi Các Mác mà trước đây Người đã từng sống và làm việc trong những năm tháng khó khăn khốc liệt nhất. Bác không quên một ai đã từng sống và làm việc với Bác từ những ngày phong trào cách mạng như ngọn lửa mới nhen nhóm. Bác bồi hồi nhớ lại:

"Hai mươi năm trước ở hang này.

Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây

Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu

Non sông gấm vóc có ngày nay"

Với tấm lòng biết ơn vô hạn, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng luôn luôn trân trọng, giữ gìn những dấu tích quí giá của Bác Hồ đã để lại trên quê hương mình. Do có tầm vóc lịch sử quan trọng, khu di tích lịch sử  Pác bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã được xếp hạng là một trong những di tích đặc biệt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm qua khu di tích lịch sử Pác Bó đã phát huy tác dụng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ cả nước.

Thể theo nguyện vọng và đề nghị chính đáng của đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Năm 1996, Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đồng ý xây dựng  Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thị xã Cao Bằng, để các thế hệ, nối tiếp thế hệ luôn nhìn thấy Bác gần gũi, ghi nhớ công ơn của Bác, nâng cao niềm tự hào và trách nhiệm của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

Vinh dự và tự hào là "chiếc nôi của cách mạng Việt Nam" là quê hương thứ hai của Bác Hồ kính yêu, đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung và huyện Hà Quảng nói riêng đã luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, chủ động sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống, bảo vệ an ninh biên giới của tổ quốc, tích cực xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - văn hoá, đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn cách mạng mới.

Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật là lớn lao và vô cùng phong phú, mỗi việc làm và cử chỉ của Người đều toả sáng một tình yêu nước, thương dân sâu sắc, đều gợi cho chúng ta bài học lớn về đạo đức làm người, về đoạ đức và phương pháp cách mạng. Người đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá. Dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do chính Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, non sông đất nước ta đã nở hoa độc lập kết quả tự do; Người đã để lại cho chúng ta một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn và một tâm hồn rộng lớn, bao la.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế - xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi mãi là ngọn đuốc sáng soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta, cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.

Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta và chế độ xã hội - XHCN của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.

Sự kiện Bác Hồ trở về Tổ quốc vào mùa xuân 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam. Cuộc trở về quê hương, đất nước của Bác sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước mang ý nghĩa vô cùng to lớn, Người đã cùng Trung ương Đảng hoàn chính và phát triển đường lối cách mạng, giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân; đồng thời, người đã quan tâm, củng cố tổ chức cơ sở Đảng từ Trung ương đến địa phương, tập hợp các lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng; đối với Quốc tế, quyết định của Bác trở về nước cũng là cơ sở quan trong sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít, cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và cách mạng tháng Tám năm 1945.

Vinh dự và tự hào là “Chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”, quê hương thứ hai của Bác Hồ kính yêu, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân nhân các dân tộc Hà Quảng luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, nhân dân các dân tộc Hà Quảng tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, đóng góp xứng đáng cho ngày toàn thắng của dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Quảng xây dựng hệ thống chính trị vững chắc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo.

Tác giả bài viết: Bế Đăng Khoa - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng

Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây