KHAI MẠC TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ “ĐI QUA CUỘC CHIẾN”
- Thứ hai - 20/07/2020 09:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2018), ngày 25/7/2018 Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Đi qua cuộc chiến”.
Đến dự lễ khai mạc triển lãm có đ/c Lương văn Cầu – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và đại diện các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và đặc biệt có gần 200 đồng chí là hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Thanh niên xung phong, Hội Bộ đội Trường Sơn tỉnh Hải Dương – những con người đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật là những kỷ vật của bộ đội, thanh niên xung phong … nơi chiến trường, đồng thời trưng bày cũng giới thiệu câu chuyện do các thương binh tự kể về một thời hoa lửa, hiến dâng tuổi xuân của mình để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Khi cuộc chiến đã qua, trở về với cuộc sống đời thường, họ lại tiếp tục với nỗi đau và những khó khăn; nghị lực vượt qua chính mình để có nhiều đóng góp cho gia đình, xã hội cùng với những ước mơ vừa bình dị vừa lớn lao.
Thông qua lời tự sự các nhân vật, những hình ảnh sinh động và những hiện vật biết nói, triển lãm giới thiệu 3 chủ đề chính: Ký ức nơi chiến trường, Khi cuộc chiến đã qua và cuối cùng là Ước mơ.
Phần đầu tiên với tên gọi “Ký ức nơi chiến trường” là những câu chuyện về khí thế lên đường nhập ngũ của lớp lớp thanh niên Việt Nam để chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Cùng với đó là những câu chuyện trên chiến trường ác liệt, tình quân dân, đồng chí, đồng đội, tình yêu thời chiến… và những tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh.
Phần hai là nỗi đau và những khó khăn: Chiến tranh đã qua đi và lùi xa theo năm tháng nhưng những dấu tích về một thời đạn bom không chỉ in đậm trong ký ức của những người lính năm xưa, mà còn hằn in trên thân thể họ. Mặc dù, may mắn được trở về nhưng các thương binh lại phải tiếp tục đối mặt với những nỗi đau và khó khăn trong cuộc sống đời thường.
Phần cuối của bộ triển lãm là Ước mơ: mỗi thương binh đều có những ước mơ cho riêng mình. Có những người mong muốn sẽ tiếp tục viết nên những tác phẩm lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương để lại cho đời sau. Có người mong muốn doanh nghiệp của mình ngày càng vươn cao, vươn xa trên trường quốc tế để góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Có những người thì tiếp tục với ước mơ tìm được nhiều hài cốt đồng đội để đưa các anh về với đất mẹ…
Cùng với sự nỗ lực vượt lên chính bản thân mình của các thương binh, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và toàn xã hội đối với thương binh là một động lực lớn, sự trợ giúp đắc lực để các thương binh trở thành những người “tàn mà không phế”. Những lời Bác Hồ dạy năm xưa đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho hàng ngàn thương, bệnh binh vượt lên hoàn cảnh, trở thành người sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Trong thời chiến, họ là những người anh hùng ngoài chiến trường, chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc. Và trong thời bình, trở về quê hương, họ tiếp tục phát huy phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, hăng say lao động, làm kinh tế giỏi từ chính đôi tay, đôi chân không còn nguyên vẹn của mình. Những thương binh tàn nhưng không phế đó đã trở thành tấm gương sáng cho mọi người dân noi theo và học tập.
Triển lãm chuyên đề “Đi qua cuộc chiến” là một hoạt động chính trị và văn hóa có ý nghĩa bởi không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương thương binh mà thông qua lời chia sẻ chân thực và cảm động của các thương binh, giúp người xem có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về những đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước. Chính câu chuyện của những thương binh “tàn mà không phế” giúp công chúng thấy rõ hơn giá trị của hòa bình để thêm trân trọng những hy sinh của các thế hệ cha anh, để tích cực bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh./.