BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


BẢO TÀNG TỈNH CAO BẰNG, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TƯƠNG LAI – NƠI LƯU GIỮ VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI CAO BẰNG

Sáng 20/5/2021, đồng chí Sầm Việt An, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng chủ trì buổi làm việc với các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở về việc cho ý kiến về nội dung bản dự thảo Đề cương cấu tạo đề mục kịch bản trưng bày công trình Bảo tàng tỉnh Cao Bằng
BẢO TÀNG TỈNH CAO BẰNG, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TƯƠNG LAI – NƠI LƯU GIỮ VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI CAO BẰNG

Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng tỉnh Cao Bằng được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt tại Quyết định số 1926/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2019. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng tỉnh Cao Bằng (Chủ đầu tư) và Công ty TNHH Một thành viên Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng/Bộ Quốc phòng (DCCD) tư vấn thiết kế phần nội thất trưng bày bảo tàng. Đến nay, dự thảo Đề cương cấu tạo đề mục kịch bản trưng bày, phần thuyết minh nội dung trưng bày đã hoàn thiện.

Theo tinh thần nội dung cuộc họp, đồng chí Sầm Việt An – Giám đốc Sở quán triệt, định hướng các ý kiến góp ý trong đó cần tập trung góp ý đúng trọng tâm, trên cơ sở xác định mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của một Dự án trưng bày của bảo tàng, các nội dung nghiên cứu, góp ý cho dự thảo đề cương cấu tạo đề mục kịch bản trưng bày là phần quan trọng có tính tiền đề và là bước đi đầu tiên xác định quan điểm chỉ đạo nội dung trong trưng bày bảo tàng và là cơ sở cho các bước triển khai tiếp theo.

Cuộc họp đã đi đến thống nhất cao với nội dung dự thảo Đề cương cấu tạo đề mục kịch bản trưng bày. Với một Bảo tàng khảo cứu địa phương (còn gọi là Bảo tàng tổng hợp) như Bảo tàng tỉnh Cao Bằng được coi là một công trình nghiên cứu khoa học mang ý nghĩa thực tiễn, được tiến hành biên soạn công phu trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu về địa lý, địa dư, lịch sử, văn hóa và được tập hợp, hệ thống và hướng đến mục tiêu định hướng cho hoạt động trưng bày. Mặt khác, nội dung này cũng chính là nội dung thuyết minh phục vụ khách tham quan khi hệ thống trưng bày đưa vào sử dụng, phát huy.

Tuy nhiên, dự thảo Đề cương trưng bày cần bổ sung làm rõ diện tích sử dụng trưng bày trong từng chủ đề; trên cơ sở đó, lựa chọn các tài liệu hiện vật tiêu biểu phù hợp với không gian kiến trúc trưng bày, bổ sung danh mục các hiện vật theo đề cương đã được phê duyệt, đồng thời với đó là tiến hành sưu tầm hiện vật. Đặc biệt lưu ý việc áp dụng các giải pháp trưng bày tiên tiến như công nghệ 4.0, giải pháp mỹ thuật, ánh sáng để tạo cảm giác hấp dẫn cho người xem. 

 Được biết, Dự án công trình Bảo tàng tỉnh sẽ được xây dựng với các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng trên tổng diện tích đất 2,2ha, diện tích xây dựng 4.910m2 , tổng diện tích sàn 12.686m2 (trong đó Phần nổi 10.256m2 , Phần ngầm 2.430m2), Diện tích giao thông nội bộ, sân, đường dạo, quảng trường 3.980m2 , Diện tích cây xanh, mặt nước 10.990m2 , Diện tích bãi để xe ngoài trời 1.600m2. Thiết kế phần nội thất trưng bày gồm Hệ thống trưng bày cố định, Hệ thống trưng bày chuyên đề và Hệ thống trưng bày ngoài trời. Riêng hệ thống trưng bày cố định, ngoài gian khánh tiết, nội thất trưng bày sẽ được bố cục với 04 chủ đề gồm Chủ đề I: Non nước và con người Cao Bằng; Chủ đề II: Cao Bằng thời kỳ Tiền sử - Sơ sử - Lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương; Chủ đề III: Cao Bằng “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Những đóng góp của Cao Bằng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội; Chủ đề IV: Cao Bằng trong thời kỳ Đổi mới (1986 đến nay). Hệ thống trưng bày chuyên đề gồm 02 phần, đó là Hệ thống trưng bày chuyên đề cố định và Hệ thống trưng bày chuyên đề không cố định. Trong đó, Hệ thống trưng bày chuyên đề cố định là không gian giành cho Trung tâm Thông tin trưng bày Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; Phần trưng bày chuyên đề không cố định là phần trưng bày được thay đổi thường xuyên và mang thuộc tính triển lãm nhằm phục vụ các triển lãm chuyên đề và những nhiệm vụ trước mắt trong hoạt động của Bảo tàng tỉnh. Hệ thống trưng bày ngoài trời dự kiến gồm các tổ hợp với các hiện vật thể khối lớn về chủ đề chiến tranh cách mạng, phục dựng các công trình kiến trúc dân gian điển hình của các dân tộc tỉnh Cao Bằng và là không gian dành cho các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thể hiện chân dung một số danh nhân và những nét văn hóa đặc trưng của tỉnh Cao Bằng.

Bảo tàng tỉnh Cao Bằng xây dựng trong thời đại mới, với vị trí là điểm nhấn trong không gian kiến trúc của Trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh Cao Bằng sẽ là “cầu nối” trong không gian, là trung tâm đoàn kết, gắn bó của đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Công trình Bảo tàng tỉnh hoàn thiện đi vào sử dụng không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị di sản văn hóa tỉnh Cao Bằng mà còn là địa chỉ tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là điểm đến để du khách tham quan cùng ôn lại lịch sử, là tiền đề hướng đến tương lai, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà, góp phần xây dựng tỉnh Cao Bằng phát triển bền vững./.

Phối cảnh tổng thể công trình Bảo tàng tỉnh Cao Bằng

(Nguồn: https://batdongsancaobang.com.vn/bao-tang-cao-bang-dccd6-ashui-awards/)

Đ/c Sầm Việt An, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Cao Bằng chủ trì buổi làm việc với các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở về việc cho ý kiến về nội dung bản dự thảo Đề cương cấu tạo đề mục kịch bản trưng bày công trình Bảo tàng tỉnh Cao Bằng (Ngày 20-5-2021, nguồn: Đào Văn Mùi)

Các đồng chí Lãnh đạo các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở đóng góp ý kiến cho nội dung bản dự thảo Đề cương cấu tạo đề mục kịch bản trưng bày công trình Bảo tàng tỉnh Cao Bằng (Ngày 20-5-2021, nguồn: Đào Văn Mùi)

Tác giả bài viết: Nông Biên

Nguồn tin: Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây