BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN, ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÁCH MẠNG TẠI CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 1941 - 1945

Trong không khí tháng Tám lịch sử, đất nước ta tự hào ôn lại trang sử vẻ vang của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Viết nên những trang sử hào hùng ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của dân tộc đã đóng góp những công lao to lớn lập nên nhiều chiến công hiển hách khiến cả thế giới phải nể phục. Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh xét phong ông là một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới (tháng 02/1984). Sinh thời, Đại tướng có cơ duyên gắn bó với công tác giáo dục đào tạo, ông nói “Nếu không có chiến tranh, tôi sẽ vẫn là một thầy giáo”. Thời cuộc đã thôi thúc thầy giáo dạy sử với lòng nồng nàn yêu nước trở thành một người làm nên lịch sử. Từ lòng yêu nước, tài năng, tâm lực của một người thầy, hun đúc thành vị tướng kiệt xuất về binh pháp, chiến lược và công tác đào tạo cán bộ cách mạng.

Giai đoạn 1941 – 1945 tại Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ Đại tướng trọng trách đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng cách mạng tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Trong nhiệm vụ này, Đại tướng với tài năng bẩm sinh, nghị lực phi thường nghiêm túc học hỏi, nghiên cứu và phối hợp nhuần nhuyễn bài học kinh nghiệm của lịch sử đấu tranh dân tộc với lịch sử thế giới để đúc rút kiến thức, tư tưởng, chiến thuật, quân luật,… mang khí phách riêng có, lẫy lừng. Người đã áp dụng các bài học để đào tạo, huấn luyện quân sự cho cán bộ, góp phần phát triển lực lượng cách mạng hùng mạnh, kiên trung.

Là người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiên tài quân sự, trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn. Đánh bại những danh tướng hàng đầu của Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ xâm lược. Có công lao đóng góp to lớn trong việc hình thành, phát triển đường lối chiến tranh Nhân dân. Năm 1927 đồng chí tham gia Đảng Tân Việt, năm 1929 cùng một số đồng chí cải tổ Đảng Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong 3 tổ chức được hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam; năm 1940 đồng chí được cử ra nước ngoài gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Để thực hiện đúng quy định của Đảng đối với đảng viên bị mất liên lạc, tháng 6/1940 đồng chí Võ Nguyên Giáp được kết nạp lại vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, theo Người “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Nhận định tình hình cách mạng thế giới, trong nước, với mục đích “tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố, mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường dây liên lạc về nước”, đầu tháng 01/1941 Người đã tổ chức một lớp Huấn luyện chính trị ngắn ngày gồm có 40 học viên tại Ngàm Tảy và Nặm Quang (Tịnh Tây, Trung Quốc). Lớp học do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng,… trực tiếp giảng dạy. Công tác huấn luyện cán bộ của tướng Giáp hình thành rõ nét từ sự kiện này, đồng chí tham gia vào mọi hoạt động của lớp học, công việc đầu tiên là chuẩn bị lương thực và chương trình huấn luyện. Các đồng chí được Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện, phân công mỗi người làm từng mục: Tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Phác thảo xong nội dung, tất cả cùng họp lại thông qua đề cương rồi viết. Viết xong nộp lại, đọc chung và sửa. Nội dung giảng dạy đúng đắn, rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn, hợp với ý nghĩ quần chúng. Chương trình giảng dạy triển khai lý thuyết tại nhà ông Hứa Gia Khởi, thực hành ở ngoài rừng. Nội dung huấn luyện gồm có: Tình hình thế giới, trong nước, chủ trương mới của Đảng ta, chương trình điều lệ của các đoàn thể cứu quốc, cách tuyên truyền, vận động, tổ chức các tầng lớp, dân tộc trong đấu tranh cách mạng. Với phương pháp giảng dạy, dễ hiểu, dễ nhớ, các học viên đã lĩnh hội, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng khi về địa phương hoạt động. “Bốn mươi cán bộ với tinh thần hăng hái, lòng tin tưởng đã lên đường trở về Tổ quốc, mỗi đồng chí hướng về cơ sở cũ ở từng địa phương để bắt tay vào công tác tuyên truyền, tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh ở các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình”.

Kết thúc lớp huấn luyện, Bác cùng 5 đồng chí (Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đào Thế An, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp) về nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử  lại Trung Quốc hoạt động, tham gia các lớp huấn luyện quân sự và tìm thời cơ trở về sau. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên phát hiện, rèn luyện, dìu dắt và trao trọng trách về quân sự cho Đại tướng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở Cao Bằng, chịu trách nhiệm tổ chức các lớp huấn luyện quân sự chính trị lưu động ở các địa phương. Nhiệm vụ này được bắt đầu từ châu Hòa An, địa phương có nhiều xã hoàn toàn, phong trào cách mạng phát triển sâu rộng nhưng chưa đều, chưa vững chắc. Cải trang thành người dân địa phương, mặc quần áo chàm, chiếc mũ nồi và chiếc túi bằng vải chàm đeo sau lưng, anh Văn nhập vai một “thầy giáo vùng cao” đến với đồng bào các dân tộc. Cẩm nang quan trọng nhất trong chiếc túi vải là tập “Con đường giải phóng”, tài liệu biên soạn cho lớp huấn luyện từ Tĩnh Tây được bổ sung, chỉnh lý đóng thành sách. Thời gian này, các lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Võ Nguyên Giáp giảng dạy liên tiếp được tổ chức hàng tuần trong suốt mấy tháng liền. Đến khoảng tháng 3/1942, công tác chính trị đạt kết quả tốt, phong trào Hòa An đã được củng cố và mở rộng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị chuyển sang châu Nguyên Bình.

Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám (tháng 5/1941), phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh. Để kết nối phong trào cách mạng Cao Bằng với phong trào cách mạng cả nước, việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền và xây dựng căn cứ địa cách mạng là một trong những vấn đề then chốt. Các đội tự vệ thành lập có nhiệm vụ bảo vệ quê hương, xóm làng, bảo vệ các cơ sở hoạt động bí mật của đảng. Nguyên Bình được chọn là một trong ba châu Thí điểm Mặt trận Việt Minh. Từ cuối năm 1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ quan trọng, xây dựng Kim Mã, Tam Lọng trở thành điểm xuất phát của phong trào Nam Tiến, nối phong trào cách mạng của Cao Bằng với phong trào cách mạng cả nước. Tháng 12/1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp mở ba lớp huấn luyện ở hang Kéo Quảng (tổng Gia Bằng) cho các hội viên Việt Minh ở Gia Bằng, Kỳ Chỉ, Kim Mã, Tam Lọng. Tại lớp học, các học viên được giảng dạy về lý luận, lịch sử, chính sách tổ chức quân sự. Chỉ rõ cho học viên nguồn gốc của mọi sự thống khổ, nghèo nàn, lạc hậu là phát xít Nhật, Thực dân Pháp và bè lũ tay sai gây nên; học viên được nghe giảng về những trang sử hào hùng của dân tộc, tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm; về tôn chỉ, mục đích, chính sách của Mặt trận Việt Minh. Sau đó tổ chức thêm các lớp huấn luyện ở Roỏng Bó.

Năm 1942 để xây dựng điểm xuất phát, đồng chí Võ Nguyên Giáp tích cực đào tạo cán bộ. Các lớp huấn luyện liên tục được mở ở Roỏng Bó (Tam Lọng), Khuổi Dủ (Kim Mã), sau những lớp học này, một số hội viên được cử xuống các địa phương của Ngân Sơn tuyên truyền. Hội viên của Ngân Sơn cũng lên dự các lớp huấn luyện, sợi dây liên lạc giữa Nguyên Bình và Ngân Sơn được thông suốt. Đồng chí đã xây dựng các tổ chức quần chúng, trước hết là các tổ chức chính trị, sau đó là các đội tự vệ, nhiệm vụ bắt đầu từ việc nhỏ nhất “tôi phải cho họ tập trận, nhưng lúc đó chúng tôi chỉ có sách bằng tiếng Pháp để dùng. Để đi đều bước chẳng hạn, tiếng Pháp là “un, deux, un, deux. Chúng tôi dịch ra tiếng Việt là “một, hai, một, hai”. Đầu năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp chuyển sang tổ chức lớp tập huấn ở Lũng Lừa (Khu vực đồng bào Mông, Dao ở châu Nguyên Bình). Tại đây lớp huấn luyện gặp nhiều khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng nên khi truyền đạt khó tiếp thu. Với tinh thần nỗ lực của học viên và sự kiên trì của giáo viên lớp học đã tiếp thu được nội dung truyền đạt để tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, kết thúc lớp học, học viên bày tỏ sự cảm động, lòng quyết tâm đứng lên chống giặc. Với mục tiêu chiến lược huấn luyện cán bộ đáp ứng được yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị cho lâu dài về chính trị và lực lượng quân sự. Các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Cao Hồng Lĩnh đã tham gia tích cực vào công tác đào tạo. Từ tháng 6/1941 đến tháng 4/1942 đã đào tạo được trên 300 cán bộ Việt Minh. Số cán bộ này đã góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng quần chúng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Riêng trên địa bàn châu Nguyên Bình, ngày 25/6/1942 (âm lịch) Chi bộ Kim Mã, Tam Lọng (Tam Kim) được thành lập tại thôn Dằm, đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức kết nạp các đồng chí: Dương Văn Đội (Dương Văn Long, bí danh Trọng Khánh), Nông Văn Lạc (bí danh Tán Thuật), Nông Văn Quang vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Nông Văn Quang được bầu làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ đảng Kim Mã, Tam Lọng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng của toàn xã. Nhiệm vụ chi bộ lúc này là củng cố vững chắc phong trào Việt Minh, tích cực phát triển phong trào sang vùng Nam Ty, tổ chức lực lượng khai thông con đường Nam Tiến xuống Ngân Sơn (Bắc Kạn) và khu vực các xã phía Nam và Đông Nam châu Nguyên Bình.

Là con người toàn tài “Tướng Võ, anh Văn”, trong ký ức của đồng bào các dân tộc Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp không chỉ là một tướng lĩnh quân đội tài ba mà còn là một người anh Cả, một thành viên ruột thịt của nhiều gia đình. Đồng chí nói thành thạo tiếng Tày, tiếng Dao và tiếng Mông, với vốn hiểu biết tiếng dân tộc để dịch “Việt Minh ngũ tự kinh” sang các thứ tiếng Tày - Nùng, Mông, Dao, với lời thơ dễ hiểu, dễ nhớ, nội dung tuyên truyền phổ biến cho đồng bào và sau được dùng làm tài liệu tuyền truyền chính trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hóa của phong trào Việt Minh, góp phần thúc đẩy phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở một số nơi xây dựng thí điểm Mặt trận Việt Minh. Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình trở thành châu Việt Minh hoàn toàn không chỉ ở vùng thấp mà cả vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của phong trào Việt Minh, ngày 22 và 23/11/1942 Tỉnh uỷ Cao Bằng đã tổ chức Hội nghị Việt Minh toàn tỉnh Lần thứ nhất tại Thành nhà Mạc, vùng núi Lam Sơn, châu Hoà An dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để quán triệt sâu sắc nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám. Hội nghị bầu ra Ban Việt Minh của tỉnh do đồng chí Hoàng Đức Thạc làm Chủ nhiệm. Đồng thời Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ mới nhằm phát triển phong trào cách mạng theo các tuyến đường Nam tiến, nối phong trào cách mạng Cao Bằng với phong trào cách mạng của cả nước. Tháng 02/1943 tại Lũng Hoài, xã Hồng Việt, huyện Hòa An diễn ra Hội nghị Liên tịch Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và đại biểu Cứu quốc quân bàn việc mở rộng phong trào, chuẩn bị Chủ động đón thời cơ mới. Theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị mở rộng phong trào Nam tiến để tạo con đường liên lạc từ Cao Bằng phát triển sang các hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang đồng chí Võ Nguyên Giáp được Người giao phụ trách Ban xung phong Nam tiến.

Vừa chỉ đạo tổ chức các đội xung phong Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Thiết Hùng vừa tranh thủ mở những lớp huấn luyện cấp tốc cho các đội viên về phương hướng, nhiệm vụ mở đường Nam tiến. Hai đồng chí đặc biệt chú ý phổ biến kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian đi làm công tác vận động quần chúng ở Hòa An và Nguyên Bình. Từ nội dung và phương pháp giáo dục chính trị đến những kinh nghiệm cụ thể: Về tôn trọng phong tục tập quán của bà con dân bản (như phong tục ăn thề của đồng bào Mán), thái độ đối với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, vấn đề tôn trọng lời hứa, để giữ lòng tin đối với đồng bào, vấn đề giữ vệ sinh để bảo vệ sức khỏe; nhất là những ngày đi đường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, vấn đề bí mật hướng đi, điểm đến và cách ứng phó khi gặp bọn lính dõng đi tuần, cách duy trì liên lạc giữa các đội. Năm điều nên làm và năm điều nên tránh của Cụ Hồ trong lớp huấn luyện ở Tĩnh Tây nay trở thành cẩm nang hành động đối với từng đội viên trong mối quan hệ ng xử với bà con dân bản.
Tháng 7/1943, tại Vũ Mìn, Kim Mã, Tam Lọng Tỉnh ủy Cao Bằng mở lớp huấn luyện quân sự do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách trực tiếp giảng dạy. Lớp có 30 học viên, thời gian học 7 ngày, nội dung chủ yếu là tập đánh du kích tập bắn súng và học chính trị. Sau khoá học, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức cuộc mít tinh tại Khuổi Quang có trên 100 đồng chí đến dự, trong đó có các đại biểu Việt Minh của tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Cùng với việc tuyên truyền bằng thơ ca tới đồng bào các dân tộc, đầu tháng 9/1943 đồng chí liên tiếp mở các lớp huấn luyện cho đồng bào Dao, một lớp ở Trần Tộng, đào tạo 20 hội viên, hai lớp khác ở Roỏng Bon, Khuổi Mản đào tạo thêm 20 cán bộ, tạo cơ sở tuyên truyền rộng ra các địa phương khác.

Cuối năm 1943 đầu năm 1944 tình hình thế giới và trong nước có những biến động lớn. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp bị ảnh hưởng của cuộc chiến tranh, quân đồng minh chuẩn bị phản công trên chiến trường. Tại chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp điên cuồng mở các đợt khủng bố tàn khốc ở hầu hết các địa phương. Tại Cao Bằng phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ căn cứ địa Cao Bằng đã được mở rộng. Trước tình hình đó, đòi hỏi cách mạng Việt Nam cần phát triển thêm một bước mới, từ hình thức chính trị lên hình thức quân sự. Trong thời kỳ này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, Cao Bằng đã khẩn trương, tích cực mở các lớp huấn luyện quân sự đón thời cơ chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, 19 đội xung phong Nam tiến được thành lập chia ra làm ba tuyến, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận trọng trách chỉ huy. Tháng 01/1944 sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 19 đội xung phong Nam Tiến đã về họp mặt liên hoan mừng thắng lợi tại Khuổi Riển Kim Mã - Tam Lọng. Tại Hội nghị, Tỉnh ủy Cao Bằng đánh giá cao những thành tích đội đã đạt được và rút kinh nghiệm của các đội xung phong Nam tiến. Sau hơn tám tháng hoạt động đã nối liền Cao Bằng với các khu du kích Bắc Sơn, Võ Nhai và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ giao. Kết quả của phong trào Nam tiến thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đấu tranh ở các tỉnh miền Bắc. Góp phần quan trọng vào việc phát triển lực lượng vũ trang ở các địa phương, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 02/1944, tại Vạ Phá - Tam Lọng, Tổng bộ Việt Minh tỉnh Cao Bằng đã mở một lớp huấn luyện quân sự để đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong toàn tỉnh do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách. Lớp học có 100 học viên của Cao Bằng, Bắc Kạn, thời gian học một tháng, nội dung chủ yếu là tập quân sự về cách đánh, cách bố trí lực lượng, về nghệ thuật quân sự. Trường học dựng lên trong rừng rất quy mô “mấy ngôi nhà lợp lá cọ chứa hàng trăm người, giảng đường, nơi ăn, nơi ngủ, giá để súng, sân tập với những con đường lên tới 50, 60 bậc”. Khóa học hoàn thành đồng chí Vũ Anh đến dự và phát biểu động viên học viên cũng như đồng bào Kim Mã, Tam Lọng, Cẩm Lý đã giúp đỡ che chở, tạo điều kiện cho lớp học kết thúc tốt đẹp. Các cán bộ được đào tạo trở về địa phương, tổ chức chuẩn bị lực lượng tham gia mọi mặt góp phần thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân. Qua lớp huấn luyện quân sự nhằm đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu củng cố, mở rộng con đường Nam tiến, Đông tiến, Tây tiến. Đồng thời đây là cơ sở để Đảng ta thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân, tạo tiền đề vững chắc cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tháng 10/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước và hoạt động tại Lũng Cát (xã Nà Sác, huyện Hà Quảng). Khi Bác trở về cũng là lúc cuộc khởi nghĩa liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng sắp nổ ra, sau khi nghe báo cáo và xem xét tình hình, Bác thấy rằng thời cơ chưa chín muồi, nếu nổ ra cuộc khởi nghĩa sẽ thất bại rất nặng nề. Vì vậy, Bác đã ra chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa, ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là người được giao chỉ thị thành lập, thực hiện một trong các nhiệm vụ của Đội là “dìu dắt các lực lượng vũ trang của nhân dân địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”. Nhiều cán bộ trưởng thành dưới sự đào tạo của đồng chí đã trở thành thành viên của Đội. Sau thắng lợi tại hai trận Phai Khắt, Nà Ngần, Đội hành quân về Lũng Dẻ, mảnh đất kín đáo dưới sự che chở của núi rừng và đùm bọc của đồng bào Mông, Dao. Tại đây, đội đã tập luyện thêm và kết nạp thêm một số chiến sĩ trung kiên từ các đội vũ trang địa phương.  

  Đồng chí Võ Nguyên giáp đã tham gia tích cực vào công tác đào tạo huấn luyện cán bộ. Số cán bộ này đã góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với phong trào cách mạng của cả nước, tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành thắng lợi. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã thôi thúc một người thầy giáo dạy lịch sử ra ngoài chiến trường, trở thành vị tướng khiến quân thù phải nể phục. “Cao Bằng - ngôi sao sáng của cách mạng Việt Bắc”, nhận xét được Đại tướng ghi nhận tại nhiều bài phát biểu, với địa thế hiểm yếu và lòng dân kiên trung tự hào góp phần hun đúc nên một vị tướng kiệt xuất của dân tộc. Trang sử vàng tháng Tám của dân tộc ta không chỉ ghi dấu mốc quan trọng trong cuộc cách mạng đấu tranh bảo vệ tổ quốc mà còn là khoảng thời gian dân tộc ta hân hoan tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Đại tướng (25/8/1911 - 25/8/2021). Non nước, đồng bào Cao Bằng mang đậm nghĩa tình với Đại tướng, những ngày mùa thu tháng Tám cũng là dịp để tôn vinh về cuộc đời, sự nghiệp, những công lao cống hiến vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khắc ghi tình cảm gần gũi, gắn bó của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng với Đại tướng./.

Tác giả bài viết: Dương Thị Loan - Trưởng phòng Quản lý di tích

Nguồn tin: Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây