BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


Hướng đến một vùng kinh tế, du lịch bền vững

Đến Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình), du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của rừng núi, đồi chè, ruộng bậc thang. Khí hậu ở đây quanh năm xanh mát, sương mù bao phủ, quần tụ xung quanh các chân núi là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... làm nên một quần thể văn hóa giàu bản sắc. Đó là những yếu tố rất thích hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái.
Ko4
 


Anh Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Kolia miệt mài tham khảo các tài liệu liên quan đến nông nghiệp sạch, mời chuyên gia trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, khảo sát điều kiện tự nhiên của huyện Nguyên Bình, rồi quyết định đầu tư trồng chè hữu cơ tại đây.Vùng núi rừng Phja Oắc - Phja Đén hùng vĩ, độ cao hơn 1.000 - 1.900 m so với mực nước biển, đới khí hậu 16 - 20 độ C, thổ nhưỡng tốt, thảm thực vật phong phú mấy trăm loài... Phja Oắc - Phja Đén như báu vật đất trời ưu đãi ban tặng cho tất cả những gì thuộc diện hiếm của điều kiện tự nhiên. Ðó là những yếu tố rất thích hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái.

Công ty TNHH Kolia được thành lập từ năm 2011 tại vùng núi Phja Oắc - Phja Đén, tạo nên một vùng nguyên liệu chè hữu cơ quy mô lớn và đầu tiên của tỉnh. Có nhiều lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, nhưng để phát triển, Kolia khởi đầu nhiều khó khăn từ việc tìm nguồn nước để bảo đảm chăn nuôi, trồng trọt cho tới giao thông, hạ tầng cơ sở.

Chỉ bằng sức người, lần lượt những con đường được mở, giao thông đi lại dễ dàng hơn. Với diện tích 25 ha đất rừng, anh Ngọc đưa cây trà giống Kim Tuyên, Thanh Tâm của Phú Thọ trồng xuống mảnh đất nơi đây. Qua khởi đầu gian khó, khi những vạt đồi trồng chè dần xanh tốt cũng là lúc công ty huy động mọi nguồn lực, đưa máy nông nghiệp vào mở rộng quy mô. Ðến nay, Khu sinh thái Kolia được đầu tư tương đối hoàn thiện với homestay, nhà sàn, đồi chè, hồ bơi, cánh đồng hoa, vùng dược liệu, rau sạch, khu chăn nuôi gia súc...

Sự vất vả, khó khăn còn nhân lên gấp bội khi doanh nhân sản xuất trà Hoàng Mạnh Ngọc lựa chọn ưu thế cạnh tranh là sản xuất và cung cấp cho thị trường sản phẩm trà hữu cơ. Anh Ngọc bộc bạch: Để có sản phẩm trà cung cấp ra thị trường phải khắt khe từ khâu chọn đất, bảo vệ cây trồng, toàn bộ sử dụng sản phẩm hữu cơ, tuân thủ theo quy trình khắt khe, dài ngày. Hiện nay, sản phẩm trà của công ty vừa xuất khẩu, vừa có mặt tại thị trường trà cao cấp trong nước. Quyết định sản xuất trà sạch đem lại hiệu quả kinh tế và thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Kolia. Chỉ tính riêng năm 2019, trong gần 40.000 lượt khách tham quan của huyện, Kolia chiếm tới hơn 10.000 lượt khách. Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng du khách tuy giảm, nhưng vẫn thu hút khách trong tỉnh đến Kolia.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai mô hình nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái, anh Ngọc cho biết: Bí quyết đầu tiên là sự chân thành, gắn bó và tâm huyết tạo ra thay đổi của bà con để sản xuất ra sản phẩm trà đáp ứng nhu cầu khách hàng khó tính; kết hợp tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái thu hút du khách. Kolia tiếp tục hướng tới mục tiêu tạo vùng sản xuất trà cung cấp rộng rãi cho thị trường trong nước và nước ngoài, phát triển du lịch bền vững kết hợp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc địa phương.

Bà con thu hái chè tại Khu du lịch sinh thái Kolia (Nguyên Bình).

Khu sinh thái Kolia hiện đang tạo việc làm cho gần 20 lao động hợp đồng, hơn 100 lao động thời vụ và liên kết trồng chè hữu cơ với hơn 300 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng ngày, đồng bào dân tộc thiểu số lao động sản xuất tại đồi chè, ruộng vườn, trồng cây dược liệu; tham gia đón tiếp, hướng dẫn khách du lịch, biểu diễn văn nghệ, các làn điệu dân tộc phục vụ du khách.

Là vùng có đồng bào dân tộc Dao sinh sống với bản sắc văn hóa đặc sắc, huyện Nguyên Bình quan tâm phát triển du lịch vùng Phja Oắc - Phja Đén gắn với bảo tồn văn hóa người dân bản địa, thu hút du khách đến trải nghiệm. Nhiều tour du lịch từ Kolia tỏa đến các bản làng để du khách trải nghiệm nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lao động sản xuất của người dân. Ðiển hình như xóm Hoài Khao, xã Quang Thành cách Khu du lịch sinh thái Kolia khoảng 5 km, nơi đồng bào Dao Tiền sinh sống vẫn còn giữ nguyên vẹn được những nếp nhà truyền thống, tục nuôi ong khoái, thờ ong, không khai thác mật mà chờ mùa đông ong rời tổ, người dân mới thu hoạch sáp ong về in hoa lên trang phục. Trong khu vực Phja Oắc - Phja Đén, để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, nhiều điểm check-in mới đã được hình thành, như: thung lũng hoa tam giác mạch, bức tường hoa hồng cổ, "bậc thang lên thiên đường", "hồ bơi vô cực", ẩm thực bốn mùa, khu nhà xông hơi trị liệu, lầu thưởng trà, giao lưu với các đội văn nghệ thôn bản...  

Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Nông Quốc Hùng chia sẻ: Khu du lịch sinh thái Kolia trồng chè hữu cơ đã góp phần quảng bá, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế du lịch của huyện. Trong tuyến tham quan "Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay", với các điểm dừng chân như: Di chỉ đại dương cổ, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, trang trại cá hồi Phja Đén, đồn điền chè Kolia và trọng tâm là Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén là những địa chỉ để du khách có dịp trải nghiệm bản sắc văn hóa, những sản vật địa phương của đồng bào dân tộc Dao.

Bên cạnh đó, địa phương tập trung đầu tư, phát huy giá trị bản du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Dao Tiền; tạo các điểm nhấn, từng bước phát huy đưa tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện Nguyên Bình trở thành thực tiễn giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo, làm giàu.      

Tác giả bài viết: Thu Hoài

Nguồn tin: baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây