BÁC HỒ VẪN SỐNG MÃI TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC CAO BẰNG
- Thứ ba - 20/02/2024 16:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mùa xuân Tân Tỵ 1941, sau 30 năm đi khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước cứu dân, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc. Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược thiên tài, Người phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội đủ các yếu tố: “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Vượt qua muôn vàn gian truân và thử thách ngặt nghèo, ngày 28/01//1941 (tức ngày mùng 2 Tết), Bác Hồ đã về nước qua cột mốc số 108 biên giới Việt Nam- Trung Quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng nước ta.
Từ khi Bác về nước đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thời gian khoảng bốn năm rưỡi, trừ hơn một năm (từ tháng 8/1942, Bác sang Trung Quốc công tác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và từ tháng 5 - 8/1945, Bác về Tuyên Quang), còn lại là thời gian khoảng ba năm Bác sống, hoạt động và gắn bó sâu sắc với quê hương, với phong trào cách mạng, với đồng chí, đồng bào các dân tộc Cao Bằng.
Ngày Bác trở về Tổ quốc, trong muôn vàn công việc phải làm để xây dựng căn cứ địa “Trong những ngày Tổ quốc còn chưa có một tấc đất tự do”. Vấn đề hàng đầu trong tư tưởng của Bác là “dựa vào dân” vì theo Bác: Có dân là có tất cả. Vì vậy, đến Cao Bằng, Bác hoà nhập ngay đồng bào các dân tộc, với phong trào quần chúng, Bác đã sống với nhân dân, cùng “cháo bẹ, rau măng", chia sẻ với người dân mọi khó khăn gian khổ, vui buồn. Dù Bác bận trăm công nghìn việc, lo cuộc sống cách mệnh giải phóng dân tộc, giành ấm no, tự do, học hành…, song, Bác vẫn luôn chú ý đến đời sống của những người dân bình thường nhất. Người dạy nhân dân sửa lại mỏ nước, lấy than lọc nước về ăn, cách phòng bệnh, công tác vệ sinh phòng bệnh; phân công người lớn cứ chiều đến phải đun nước nóng để tắm rửa cho các cháu nhỏ. Bản thân Ông Cụ vác máng đập lúa ra chỗ nguồn nước múc nước tắm cho trẻ nhỏ, giặt áo quần cho chúng, lúc ra về, Ông Cụ bế đứa nhỏ nhất. Bác ân cần hỏi thăm đến đời sống và sức khỏe của các cụ già, bà lão và con cháu. Ai cũng bảo là “người cán bộ cách mệnh già” ấy tốt như bố mẹ đẻ.
Chính ở mảnh đất Cao Bằng, Bác đã từng day dứt một câu hỏi “Nhân dân khổ cực biết hay chăng?”. Phải vận động, tổ chức quần chúng đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi cảnh đời nô lệ và khổ cực. Ngày ấy, lúc thì người dân gọi Bác là Già Thu, khi lại gọi Người là ông Ké. Ông Ké theo tiếng địa phương, chỉ người già, là cái tên mà bà con nơi đây gọi Bác với sự tôn kính nhưng lại hàm chứa sự gần gũi, mộc mạc, giản dị của Người. Ông Ké, Già Thu trong bộ quần áo nâu của người dân tộc Nùng hòa mình vào với cuộc sống của đồng bào các dân tộc và cảnh vật nơi đây một cách tự nhiên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: “Từ trang phục đến lời nói, việc làm. Lúc thổi cơm, ngồi câu cá, khi tắm suối, ngủ rừng... Bác hòa hợp với tất cả mọi người. Không thấy một nét gì khác lạ, cách biệt, ở một người vốn là đại diện của quốc tế cộng sản, đã từng dự Đại hội Tua, từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới...”.
Danh thiếp đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh xuất hiện từ Cao Bằng. Cao Bằng là địa danh đầu tiên thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh sau 30 năm tìm đường cứu nước, cứu dân và trăn trở với vận mệnh của dân tộc. Ðược bảo vệ Ðảng, bảo vệ Bác Hồ trong thời kỳ hoạt động bí mật là vinh dự lớn lao của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Cao Bằng đã thay mặt nhân dân cả nước tỉnh táo, bảo vệ an toàn mọi hoạt động và chỗ ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là đảm bảo an toàn cho đại dản doanh của cách mạng của nước. Nhân dân còn nghèo phải vừa sản xuất, vừa chiến đấu, sống kham khổ nhưng đã giành lương thực nuôi cán bộ và bộ đội, chịu sự thiếu thốn về phần mình. Vì thế, tình cảm của Bác đối với Cao Bằng hết sức chân thành, không chỉ là tình cảm của vị lãnh tụ đối với đồng bào cả nước mà còn là sự tri ân đối với đồng bào đã đùm bọc, chở che Người trong những tháng ngày gian lao, vất vả. Sau này, trong một bức thư gửi đồng bào Cao Bằng, Bác viết: “Tôi luôn luôn nhớ đến những ngày tôi công tác ở tỉnh ta... Anh em no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, đồng lòng một chí. Do đó mà đào tạo nên những cán bộ quân sự và chính trị.
Tôi không bao giờ quên, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng, ai cũng hăng hái giúp đỡ. Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, nó đốt làng, nó phá nhà, nó bắt người, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh. Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo cho đến anh em Hoa kiều người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh. Thật là quý hóa vô cùng…
Kể từ khi Bác Hồ chọn Cao Bằng làm đại bản doanh đầu tiên của cách mạng nước ta, mảnh đất biên cương này đã chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc. Tại đây, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng nước ta, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay; đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng... Từ đây chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, đón thời cơ, đứng lên Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta.
Tình cảm cách mạng trong con người Bác không chỉ thể hiện trong những năm tháng hoạt động ở Cao Bằng, mà suốt cả cuộc đời của Người. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự có mặt của Bác trong chiến dịch Biên giới (năm 1950), cũng là lần duy nhất Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, không chỉ nói lên tầm quan trọng của sự kiện mà còn là nguồn động viên, cổ vũ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và là tình cảm sâu nặng của Người đối với đồng bào các dân tộc Cao Bằng.
Tròn 20 năm sau khi về nước lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng. Bác về Cao Bằng như trở về quê hương. Đồng bào và cán bộ, chiến sĩ ở Cao Bằng đón Bác - người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như đón một người thân lâu ngày về thăm quê hương. Bác xúc động nói: “Tôi về thăm nhà, làm sao lại phải đón tôi!”… Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Cao Bằng - Pác Bó năm 1961 là lần cuối cùng trước lúc Người đi xa. Đây là niềm vinh dự, là nguồn cổ vũ lớn đối với đồng bào Cao Bằng - Pác Bó. Đặc biệt, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Cao Bằng và lời căn dặn ân cần của Người là nguồn khích lệ, cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng, trên con đường phấn đấu xây dựng Cao Bằng trở thành “tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Bác Hồ ân cần hỏi thăm đồng bào trong chuyến thăm lại Pác Bó năm 1961
Những năm sau này, vì tuổi cao sức yếu, không về thăm Cao Bằng được nhưng tình cảm của Bác dành cho quê hương Cao Bằng còn mãi như câu nói của Người: “Đối với Cao Bằng, Bác cũng là người nhà”… Mọi người ở Cao Bằng không nguôi nhớ Người và Người không quên một ai đã từng sống và làm việc với Người. Như đồng chí Lê Duẩn đã nói: "Cuộc đời của Bác gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt với đồng bào Cao Bằng, với núi rừng Cao Bằng, nơi Bác Hồ đặt chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc. Đó là vinh dự, là niềm tự hào của Cao Bằng”.
Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy mạnh mẽ. Nhân dân, theo lời dạy của Già Thu, Ông Ké làm cách mạng, để giải phóng mình và góp phần giải phóng Tổ quốc. Với người dân Cao Bằng, đã từ lâu, hình ảnh vị Cha già dân tộc luôn soi sáng trên từng bước đường đi tới và là niềm tin lớn lao trong lòng mọi thế hệ người dân. Hình ảnh của Bác đã khắc sâu trong tâm khảm của người dân một lòng hướng về Bác, về Đảng, luôn khắc ghi những lời Bác dạy. Mỗi lần làm một việc gì thành công, nhân dân lại nghĩ đến công ơn của Đảng, của Bác. Mỗi lúc gặp khó khăn, nhân dân lại nghĩ đến hình ảnh Bác và nhắc lại những lời Bác dạy để động viên, cổ vũ nhau. Trong gian khổ ác liệt, đồng bào Cao Bằng luôn hướng về Thủ đô Hà Nội, vững lòng tin vào Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Bom, đạn của kẻ thù không lay chuyển được lòng tin của dân với Đảng và Bác Hồ. Đội ngũ cán bộ do Người trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo và huấn luyện ở Cao Bằng đã trưởng thành nhanh chóng. Nhiều đồng chí đã tham gia chiến đấu, hi sinh tại các miền phía Nam của Tổ quốc. Nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước hay những tướng lĩnh, sĩ quan quân đội.
Ngày 02/9/1969, Bác Hồ vĩnh biệt nhân dân, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Tin Bác Hồ muôn vàn kính yêu của nhân dân ta không còn nữa đã vọng sâu vào đất Cao Bằng, truyền đi nhanh chóng. Chưa bao giờ nhân dân Cao Bằng có một xúc động mạnh, một niềm thương tiếc vô hạn như lúc này. Chỉ sau nửa ngày, từng xã, từng hợp tác xã, các cơ quan, xí nghiệp, các nông trường, lâm trường, trường học, các đơn vị bộ đội, các gia đình đã lập bàn thờ viếng Hồ Chủ tịch. Mọi người dân đều có băng tang. Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên đặc biệt quyết định “toàn Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng để tang Bác bảy ngày”, thành lập Ủy ban lễ tang của tỉnh, tổ chức trọng thể lễ tang của Người, có kế hoạch cụ thể chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh tổ chức lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn dân trong tỉnh đoàn kết chặt chẽ, ra sức phấn đấu thực hiện lý tưởng của Hồ Chủ tịch, làm rạng rỡ sự nghiệp cách mạng của Người, trước mắt là quyết tâm thi đua thực hiện những công việc trung tâm của tỉnh đã đề ra. Từ Đảng bộ tỉnh tới cơ sở đã tổ chức lễ tang và truy điệu Bác; đồng thời tỉnh cử đoàn đại biểu về Thủ đô Hà Nội viếng và túc trực bên linh cữu Bác. Trên Báo Cao Bằng – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng trong những ngày này đều chạy dòng chữ “Hồ Chủ tịch, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế đời đời sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới!”.
Trong niềm tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn, ngày 6/9/1969, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã cử hành trọng thể Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đầu nguồn Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) - nơi Người đã sống và làm việc những ngày đầu về nước. Hàng nghìn người con Cao Bằng đứng trang nghiêm, ứa nước mắt khi nghe đồng chí lãnh đạo tỉnh đọc tiểu sử của Bác, thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về lễ tang của Bác và lời hứa của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trước di ảnh Bác. Nhân dân Pác Bó để tang Bác theo đúng tục lệ địa phương, hàng nghìn người áo trắng khăn tang đứng bên dòng suối Lê-nin thả hoa trắng trôi theo dòng nước, tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng. Ai cũng tuôn trào nước mắt đau thương vĩnh biệt Người.
Ngày nay, mọi người đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó đều trào dâng xúc động, lặng lẽ đứng trước tấm ảnh đồng bào mặc đồ đại tang, đau đớn tiễn đưa Bác bên bờ suối Lê-nin như tiễn đưa người ruột thịt của mình. Rồi đồng bào để tang Bác 3 năm, không ai bảo ai, từng gia đình đều lập bàn thờ, dành chỗ trang nghiêm treo ảnh Bác Hồ. Đồng bào vốn nói ít, viết ra càng ít nhưng tình cảm với Bác thì sâu nặng chẳng thể diễn tả thành lời. Cũng trong những ngày ấy, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân toàn tỉnh đã “biến đau thương thành hành động cách mạng”, tổ chức những cuộc thi đua dâng chiến công lên Bác.
Những công lao, những tư tưởng của Người trong đấu tranh cách mạng được đồng bào biết ơn, trân trọng, lưu truyền cho đời đời con cháu. Ngày nay, tư tưởng của Người lại tiếp tục dẫn dắt các dân tộc trong tỉnh xây dựng cuộc sống mới mãi mãi ấm no, hạnh phúc theo mong ước của Người. Thế hệ trẻ Cao Bằng hôm nay và mãi mai sau dù chưa từng được gặp Bác, chỉ nghe về Bác qua báo, đài, qua những câu chuyện kể nhưng vẫn luôn dành cho Bác sự yêu quý và lòng tôn kính sâu sắc nhất. Từ sau khi nước nhà độc lập, dù nắng hay mưa, ngày ngày từng dòng người tấp nập vẫn xếp hàng để được vào Lăng viếng Bác, trong đó có biết bao đồng bào, chiến sỹ, nhân dân Cao Bằng. Lòng tôn kính Bác Hồ của người dân còn thể hiện trong từng nếp sống văn hóa truyền thống của mỗi gia đình người dân. Trên bàn thờ tổ tiên của một số gia đình, bức chân dung Bác Hồ luôn đặt ở vị trí trang trọng nhất, nhân dân thờ Người bằng tất cả tấm lòng kính yêu vị Cha già của dân tộc. Mọi người xem thờ Bác chính là thờ ông bà mình, thờ Bác để nhắc nhở, giáo dục các thành viên trong gia đình về truyền thống cách mạng của dân tộc ta và thờ Bác để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Để bày tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đồng bào cả nước, được sự nhất trí của Trung ương Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, hỗ trợ trực tiếp của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đồng bào Cao Bằng đã xây dựng Tượng đài Người tại trung tâm Thành phố và Đền thờ Người tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, để đồng bào cả nước và khách thập phương chiêm ngưỡng, tưởng nhớ công ơn của Người mỗi khi có dịp về thăm Cao Bằng.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hoá nghệ thuật quan trọng có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn, có tính giáo dục sâu sắc, được xây dựng quy mô lớn tại vị trí trang trọng, hài hoà với không gian kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đẹp, thể hiện được những nét riêng, độc đáo hình ảnh Bác Hồ gắn bó với Cao Bằng. Tượng đài thể hiện sự chân thực, sinh động hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân. Khi đến chiêm ngưỡng tượng đài vĩ nhân ở một tỉnh địa đầu Tổ quốc giàu truyền thống cách mạng, mỗi người dân Cao Bằng và du khách thập phương luôn tràn đầy cảm xúc trân trọng, kính yêu đối với Người. Tượng đài Bác được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Bác về nước (28/1/1941 - 28/1/2000) và 70 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2000).
Nhà tưởng niệm - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Người. Công trình được mô phỏng từ kiến trúc kiểu nhà sàn của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng, giản dị, trang nghiêm và ấm cúng, có tính biểu tượng cao và gây ấn tượng sâu sắc. Công trình còn thêm phần ý nghĩa khi được đặt tại Km số 0 của đường Hồ Chí Minh lịch sử - tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam (gần 3.200km), đi qua 30 tỉnh, thành phố để nối thông đến Đất Mũi (Cà Mau). Từ đây, nhân dân Cao Bằng có một công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để mọi người thể hiện tình cảm với Người và hiểu thêm tầm vóc, công lao to lớn của Người. Đền thờ đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh, nhất là thế hệ trẻ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn của nhân dân cả nước và khách nước ngoài khi đến thăm Khu Di tích lịch sử Pác Bó - một địa danh không chỉ gần gũi, thân thiết với nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước mà còn với cả bạn bè quốc tế.
Trước đây, đồng bào, núi rừng Cao Bằng đã che chở, bảo vệ Người, ngày nay đến Cao Bằng nơi cội nguồn cách mạng không chỉ thấy khó khăn của Bác ngày trước mà còn cảm nhận được tình cảm với Bác - như thấy Bác vẫn còn đang sống với đồng bào, đồng chí. Đặc biệt đây là một công trình có giá trị và ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, văn hoá và tâm linh. Đền thờ cùng với Tượng đài Bác và các công trình kỷ niệm về Bác thể hiện tình cảm, ân nghĩa sâu nặng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng đối với Bác Hồ kính yêu không chỉ hôm nay mà mãi mãi về sau.
Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941 – 28/01/2021), 60 năm Cao Bằng thực hiện lời căn dặn của Bác khi Người về thăm tỉnh năm 1961 (20/02/1961 – 20/02/2021) là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng thêm tưởng nhớ và biết ơn những tình cảm sâu nặng, ân tình và công lao trời biển của Bác. Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Cao Bằng càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương Cao Bằng xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn khi Người về thăm tỉnh ngày 21/02/1961: “Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 1984, tập 4, tr.419.