BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


CHUYỆN ĐỒNG CHÍ VÕ VIẾT ĐỊNH THEO BÁC HỒ ĐI CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI NĂM 1950

Theo Bác từ những ngày đầu làm cách mạng, dọc đường kháng chiến đã để lại nhiều câu chuyện đáng nhớ cho các đồng chí phục vụ Bác Hồ. Nhiều đồng chí đã vinh dự được Bác Hồ đặt cho những cái tên đi vào lịch sử: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Những cái tên thể hiện đạo đức, phẩm chất và niềm tin của Bác vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong số đó có đồng chí Võ Viết Định đã theo bảo vệ Bác trong Chiến dịch Biên giới 1950.

Đồng Chí Võ Viết Định tên thật là Chu Phương Vương (1919 - 1984) sinh ra và lớn lên tại xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Tên Định là Bác Hồ đặt vào năm 1947. Khi còn nhỏ Võ Viết Định đã được qua Pháp học. Tháng 5/1945, đồng chí học tại trường Quân Chính kháng chiến chống Nhật, gia nhập giải phóng Quân rồi về chiến khu ở Tân Trào - Tuyên Quang hoạt động. Đến tháng 7/1945 được đồng chí Đàm Quang Trung giới thiệu và đi theo bảo vệ Bác Hồ. Lần gặp Bác đầu tiên ấy đã để lại trong lòng  đồng chí những kỷ niệm không thể nào quên:

“Ngày đó, tôi gọi Bác là Cụ và xưng con nhưng Bác cười hiền hậu và bảo: Gọi là Bác thôi. Qua vài câu thăm hỏi của Bác, tôi đã trấn tĩnh lại, lắng nghe và ghi nhớ những lời dặn dò, chỉ bảo của Bác. Đầu tháng 7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến dịch từ Tây Bắc sang Đông Bắc, tập trung chủ yếu vào khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn. Ngày 25/7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận biên giới và Bộ chỉ huy chiến dịch. Cuối tháng 7, ba cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp đều có mặt ở biên giới. Trước khi lên đường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác ở Tân Trào. Đây là chiến dịch lớn đầu tiên của quân đội ta, Bác bàn trong Thường vụ lần này Bác sẽ đi chiến dịch và hẹn cuối tháng Tám hoặc đầu tháng Chín sẽ có mặt ở Cao Bằng. Khi chia tay, Bác nói: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng, không được thua”.
 

dh3aq3 1666831966

Đồng chí Võ Viết Định (người ngoài cùng bên trái Bác Hồ) theo Bác Hồ lên đài quan sát Chiến dịch Biên giới 1950 

Đoàn công tác đi theo Bác chỉ có một số ít người gồm có các đồng chí: Nhất Tiên Phong, Triệu Hồng Thắng, bác sĩ Chánh, đồng chí chụp ảnh, và đồng chí Võ Viết Định - tổ trưởng tổ bảo vệ và một số đồng chí bộ đội. Ngày 02/9/1950, sau khi họp Hội đồng Chính phủ, Bác lên đường ra mặt trận. Đoàn Bác đi chiến dịch mang mật danh “Thắng Lợi”. Bác dặn: “Chúng ta sẽ đi một chuyến công tác dài ngày, thời gian không thể định trước được nhưng mất chừng một tháng, chuyến đi này rất quan trọng. Đường đi vất vả, vì vậy các chú đều phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, tuyệt đối giữ bí mật, nếu để lộ ra sẽ hại tới việc lớn. Muốn vậy từ việc chọn đường đi tới nơi ăn chốn ở, giao thiệp với nhân dân phải biết cách giữ mình”. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi này, nào gạo, thực phẩm, chăn màn, dụng cụ cấp dưỡng, thức ăn khô… Đây là lần đầu tiên Bác cho đi theo sáu người. Khi tới cửa rừng, đồng chí Thắng đã dắt ngựa chuẩn bị sẵn, mời Bác lên nhưng Người không đồng ý bảo:

- Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện.

Tôi cố nài Bác:

- Chúng cháu còn trẻ, Bác đã nhiều tuổi, đường xa, công việc nhiều xin Bác lên ngựa.

Bác nói:

- Các chú đều khỏe, còn trẻ cả, để đi đường xem các chú có theo kịp Bác không.

Cuối cùng Bác giải quyết:

- Thôi được, các chú mang theo ngựa để nó đỡ hộ ba lô, gạo, trên đường đi ai mệt sẽ cưỡi ngựa.

 

Chặng đường đi qua đèo De và Điềm Mạc… Để quên đi mệt mỏi, vừa đi Bác vừa dạy chúng tôi đọc “Chinh phụ ngâm”, đọc truyện Kiều. Có lúc Bác kể những kinh nghiệm hoạt động cũ của Người cho chúng tôi nghe. Câu chuyện có sức lôi cuốn đến lạ thường, vui chân Bác cháu đi được chặng đường dài. Đêm nghỉ và ngủ lại chợ Mới. Bữa cơm hôm ấy ngoài món lương khô thì chỉ có thêm rau tàu bay luộc. Bác nói đùa:

- Rau tàu bay có khác, ăn vào nhẹ cả người, lại có mùi dầu xăng.

Chúng tôi không nhịn được cười. Sáng hôm sau, đi theo đường quốc lộ thì hết sức khẩn trương, đoàn đã vượt qua môt chặng đường dài chừng bốn mươi ki lô mét. Đến một cái lán để chờ phà ở Bắc Kạn thì đoàn nghỉ lại. Sau một ngày đi bộ vất vả và mệt Bác cháu nằm ngủ rất ngon lành. Bác nằm trên một ghế ghép bằng cây, còn chúng tôi nằm quây quần trên nền lán xung quanh Bác. Khoảng 4 giờ sáng Bác đã dậy tập thể dục và xuống sông tắm.

Chặng đường xa mà cả đoàn chỉ có một con ngựa nhưng Bác rất ít khi lên ngựa. Bác đi bộ cùng anh em, hết sức dẻo dai. Để giữ bí mật, đoàn đi không ồn ào, không đón rước. Bác đội nón lấy khăn che râu. Đến địa điểm nghỉ lại, Bác thường lánh ra một chỗ, khi nấu cơm xong chúng tôi ra mời Bác vào ăn.

 Tối đến bờ sông Bắc Kạn tôi vào Tỉnh ủy gửi ngựa nhưng không nói là ngựa của Bác. Sáng hôm sau Bác mời đồng chí Nông Quốc Chấn, Bí thư tỉnh ủy Bắc Kạn và đồng chí Chủ tịch tỉnh đến gặp Bác dặn dò công việc. Sau đó đoàn đi tiếp hai ki lô mét thì nghỉ lại nấu cơm trưa. Từ đây đoàn được đi xe ô tô do Bộ Quốc phòng đón đi theo hướng Tĩnh Túc. Đêm hôm ấy xe vượt đèo Giàng đến Phja Đén thì nghỉ lại. Qua một chặng đường khá vất vả, chúng tôi dừng lại nấu cơm ăn. Đoàn đi suốt đêm qua Nguyên Bình tới Tà Sa thì xe quay về, Bác cháu lại hành quân đi bộ đến 4 giờ sáng. Qua Khuôn Póc, Khuôn Chỉ, mua được một con vịt, Bác cháu dừng lại nấu cơm. Dù mệt mỏi, đoàn vẫn tiếp tục qua Đèo Khau Liêu, xuống thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, tới Lam Sơn nghỉ lại. Nơi đây cách quê tôi chừng bốn ki lô mét. Hôm sau qua Bế Triều, xã Ngũ Lão, lên Đèo Mã Phục, tôi đi tìm trạm liên lạc của Bộ Quốc phòng, đưa giấy đi đường cho anh Tô để ký, mới biết đoàn Bác Hồ đi chiến dịch mang mật danh “Thắng Lợi”. Chặng đường dài hành quân vất vả, cứ nghĩ đến hai chữ Thắng Lợi là tôi lại quên hết cả mệt nhọc, trong lòng thấy phấn chấn hẳn lên. Đi theo Bác, những lúc cảm thấy mệt, muốn nghỉ Bác lại động viên, kể chuyện cho nghe. Càng đi càng thấy yêu mến quê hương. Bác nói:

- Cao Bằng đất rộng, nhiều mỏ, nhân dân cần cù, chịu khó. Sau này đuổi hết giặc, nhân dân chịu khó về xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Rồi Bác dặn:

- Từ đây tới Ban chỉ huy mặt trận, đường tuy không dài lắm nhưng phải đảm bảo bí mật cao hơn, vì giặc tung do thám để dò tìm lực lượng ta, nhiều chặng chúng có thể phục kích bắt cán bộ. Các chú phải cảnh giác, sẵn sàn chiến đấu cao hơn.

Hôm ấy ra đi trời lại đổ mưa, đường trơn như mỡ, khi đoàn tới nơi thì biết anh Tô, anh Trần Đăng Ninh đã lên đây trước rồi. Tôi vào báo tin cho các anh biết Bác đã lên đây, địa điểm Bác dừng là Tả Phẩy Nưa, Tả Phẩy Tẩư, thuộc huyện Quảng Uyên, cách thị trấn Quảng Uyên chừng hai, ba ki lô mét. Anh Ninh đi vắng, anh Lê, thư ký của anh Ninh ra nhận diện. Sau khi liên lạc với Ban chỉ huy chiến dịch, Bác ở lại làm việc, phê chuẩn quyết tâm thư của Bộ chỉ huy chiến dịch, gặp gỡ và đi thăm động viên các đơn vị. Ở Quảng Uyên hai ngày rồi Bác đi bộ xuống Phục Hòa, về gần Đông Khê, vị trí tiền phương của Ban chỉ huy chiến dịch, gặp anh em công binh đang làm cầu phao qua sông Bằng Giang, Bác khen:
- Các chú công binh khá lắm.

Hôm ấy sau khi làm việc với anh Văn, Bác nghỉ ở xóm Nà Lạn, xã Đức Long trong một cái lán dựng sẵn. Chiếc lán nhỏ tạm đủ để Bác làm việc và ở. Bác dặn:

- Chúng ta sẽ ở đây một thời gian nên công tác giữ bí mật, giúp dân rất là cần.

Bác chỉ dẫn tỉ mỉ về bí danh của đoàn công tác đặc biệt, cách tránh khói ban ngày đề phòng máy bay địch, nhất là cách tránh làm chết cỏ, làm mất dấu trên lối đi. Ở đâu, việc gì Bác cũng đem kinh nghiệm của Người chỉ bảo cho chúng tôi.

Sáng hôm sau, tiếng súng mở màn chiến dịch đã nổ từ sáng sớm, đó là ngày 16/9/1950 Bác lên núi đá Ngườm Cuông quan sát quân ta đánh vị trí Đông Khê. Tôi cũng được đi theo Bác lên quan sát trận đánh. Đứng trên ngọn núi ở vị trí quan sát có thể thấy rõ toàn bộ cứ điểm của địch, giống như ta đứng trên một cái sa bàn lớn. Đây là lần đầu tôi được chứng kiến một trận đánh lớn mà địch huy động nhiều máy bay tham chiến. Khoảng 10 giờ sáng quân ta lấy được ba đồn: Phja Khóa, Yên Ngựa, Cạm Phầy và mở đường xuống phía Đông - Nam tấn công vào đồn Đông Khê, tin thắng lợi liên tục được báo về nơi Bác. Tiếng súng, tiếng bom rung chuyển, cả một vùng khói bốc lên ngùn ngụt.

Sau hai ngày đêm chiến đấu quân ta chiếm được toàn bộ vị trí Đông Khê. Bộ đội truy kích bắt được rất nhiều tù binh và đưa về Đức Long. Sau khi bàn với Ban chỉ huy chiến dịch về chủ trương phát triển chiến thắng. Bác đi thăm thương binh. Tại bệnh viện dã chiến, Bác xúc động không cầm được nước mắt nhưng vẫn cố nén để thăm hỏi anh em. Anh em thương bệnh binh cũng rất phấn khởi bởi thấy Bác già mà vẫn ra mặt trận để chỉ huy chiến dịch. Trước khi về, Người đã tặng cho đồng chí thương binh nặng chiếc áo khoác của mình. Khi ở Thất Khê, Bác dặn tôi về Cao Bằng trước. Tôi mượn được chiếc xe đạp hỏng, dắt xe về Thị xã, tôi tranh thủ về thăm nhà. Bố mẹ tôi mừng quá ôm lấy tôi, khóc rưng rức. Năm giờ sáng hôm sau tôi ra tới Thị xã gặp được anh Hồng Kỳ - Chủ tịch tỉnh, cũng vừa kịp đón Bác đến. Trưa hôm đó, Bác lên pháo đài Cao Bằng ăn cơm. Buổi tối Bác về nghỉ ở Lam Sơn và làm việc tại đây 2 ngày. Chiến dịch thắng lợi, kết thúc chuyến đi lịch sử như dự định của Bác. Người trở về Tân Trào cũng là lúc nhận được tin vui từ các mặt trận báo về.” (Tháng 5/1981 – theo Chu Đức Tính ghi)

 

 Sau Chiến dịch Biên giới 1950, đồng chí Võ Viết Định tiếp tục làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Bác đến hết tháng 5/1952. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là một trong số tám đồng chí vinh dự được Bác đặt tên. Sau này cả thời chiến cũng như thời bình, đồng chí Võ Viết Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là Bộ đội cụ Hồ. Những năm 1955 – 1960, đồng chí chuyển sang làm công tác Đảng, Đoàn nông hội tỉnh. Đến tháng 6/1960 Trung ương điều về giữ chức vụ Phó phòng Vật liệu khối cung ứng của nhà máy Gang thép. Từ năm 1963 - 1969 là Giám đốc xí nghiệp thiết bị vật liệu của công ty xây dựng công nghiệp. Sau năm 1970 đồng chí là Phó giám đốc công ty cơ khí của Bộ cơ khí và luyện kim. Ngày 03/10/1984 trong chuyến công tác lại Liên Xô, đồng chí Võ Viết Định đã qua đời do mắc bệnh chảy máu động mạch gan.

Những năm tháng phục vụ bên Bác Hồ của đồng chí Võ Viết Định sẽ mãi là câu chuyện đáng trân trọng để lại cho bao lớp thế hệ người dân Việt Nam thêm tự hào và biết ơn về những cống hiến của cha ông cho sự nghiệp cách mạng giải phóng của dân tộc.

Tác giả bài viết: Nông Thị Liễu

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây