BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


Chuyện kể Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pác Bó - Cao Bằng xuân Tân Sửu năm 1961

Ngày 19/2/1961, tức ngày chủ nhật mùng 5 tết Tân Sửu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Khai, Tố Hữu, Lê Quảng Ba về thăm và chúc tết đồng bào Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng, nơi 20 năm trước, mùa xuân năm 1941, Người đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc sau 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

8 giờ sáng ngày 19/02/1961 tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), máy bay trực thăng cất cánh đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Trung ương Đảng lên thăm và chúc Tết đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Đồng chí Dương Đại Long, quê ở Pác Bó, lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nói với đồng chí Việt Dân (cán bộ tổ chức huyện Ủy Hà Quảng) cũng quê ở Pác Bó rằng: Nói bí mật với nhân dân không được đâu, cứ nói thật với bà con là đầm đất ở đám ruộng trước bản Bó Bẩn để làm bãi cho máy bay lên thẳng đưa Bác Hồ lên thăm quê hương mình. Nhân dân phấn khởi, nhanh chóng làm xong sân bay và mong ngóng nghe tiếng máy bay mà không thấy.

Thời tiết những ngày đầu xuân rất khắc nghiệt, sương mù dày đặc, máy bay không thể đưa Bác thẳng tới thị xã Cao Bằng. Các đồng chí phục vụ đề nghị hoãn chuyến thăm vào một ngày thời tiết tốt hơn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm đi bằng đường bộ. Máy bay đến Lạng Sơn thì hạ cánh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đón Người chuyển sang xe ô tô để đi đường bộ. Đến trạm thủy văn bên hồ thủy điện Khuổi Sao (huyện Tràng Định) thì nghỉ trưa. Được tin vui đầu xuân Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, các đồng chí trong Tỉnh ủy Cao Bằng đi ngược xuống đón Người. Trên đường về Cao Bằng, Người nói nhiều chuyện vui với những đồng chí ngồi cùng xe: Các chú sướng hơn Bác, dọc đường tha hồ ngắm cảnh đẹp. Đồng chí Hồng Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy ngồi cạnh Người, thưa lại: Cháu được giao nhiệm vụ giữ gìn an toàn chuyến thăm của Bác ạ! Chủ tịch Hồ Chí Minh cười: Bác nói vui thôi! Trên chiếc xe com măng ca, Bác ngồi giữa, bên trái Bác là đồng chí Hồng Kỳ, bên phải là đồng chí bảo vệ theo Bác từ Hà Nội lên. Thời điểm ấy, đường số 4 đoạn từ Thất Khê lên hỏng nhiều, ổ gà, mặt đường nhiều đoạn lồi lõm, đồng chí lái xe phải hết sức thận trọng để giữ sức khỏe cho Bác. Dọc đường, đồng chí Hồng Kỳ báo cáo với Người một vài việc lớn ở Cao Bằng những năm qua, rồi lại nghe Người kể chuyện vui cho đến khi đoàn vào tới Thị xã Cao Bằng thì trời đã gần tối.

Về tới Văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng, xuống xe vào phòng nghỉ vài phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ra thăm khu ăn ở của Tỉnh ủy. Trong khu văn phòng lúc đó chỉ có một vài cán bộ được giao nhiệm vụ ở lại. Bữa cơm tối đầu tiên tại Văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ có một mâm cơm nhỏ với hai bát canh miến nấu với ít thịt viên, đĩa rau xào cùng đĩa trứng rán. Nhìn Bác ăn ngon miệng ai cũng vui. Thấy không ai mạnh tay gắp thức ăn, Người giục: Các chú ăn đi và Bác tự tay gắp thức ăn cho mọi người. Tuy vậy nhưng Người ăn rất ít, xong bữa trước mọi người. Đồng chí Hồng Kỳ cố mời Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn thêm chút nữa, Người bảo: Bác ăn đủ rồi, các chú cứ ăn theo sức các chú. Đến khi mọi người ăn xong, Người nhìn quanh bàn, từng bát cơm của mỗi người và ngó xuống gần bàn thấy cơm rơi vãi và trong bát ăn cơm của các đồng chí để lại nhiều hạt cơm thừa, Người bảo: Sao các chú để lại cơm ở bát mình như vậy và Người chỉ xuống gầm bàn nói: Các chú để cơm rơi vãi nhiều quá, chỗ chú Kỳ Cao Bằng (Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gọi như vậy để phân biệt với đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Người) rơi nhiều nhất. Rồi Người nói: Đây bát của Bác hết sạch mọi hạt, chỗ Bác có cơm rơi vãi đâu. Các chú nghĩ xem, bà con nông dân làm ra được hạt gạo vất vả lắm, nếu mỗi người lãng phí một ít thì thử hỏi có bao nhiêu thóc gạo bị phí hoài trong khi dân mình chưa thật đủ no! Đồng chí Hồng Kỳ chỉ còn biết nói: Vâng ạ để nhận lỗi.

Sáng 20/2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh dậy sớm hơn mọi ngày, tập thể dục dưới gốc cây nhãn trước Văn phòng Tỉnh ủy. Lúc này mới 5 giờ sáng, trời rất lạnh, sương sớm mù mịt. Cùng giờ này, chị Vũ Thị Gái cũng có mặt cùng với đồng chí nấu bếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lo bữa sáng cho Người và đoàn kịp lên thăm đồng bào Pác Bó và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng. Trời vừa rạng đông, đoàn xe đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh qua sông Bằng Giang, vượt chừng hơn 10 cây số, Người chỉ tay về phía dãy núi Lam Sơn, nói: Đây là nơi Bác thường qua lại nhiều lần, hoạt động ở đó một thời gian. Nơi đây đã từng có một nhà in nhỏ đặt ở trong hang trên ngọn núi cao để in báo Việt Nam Độc Lập và truyền đơn đưa về các cơ sở Đảng và Việt Minh để tuyên truyền vận động tập hợp nhân dân các dân tộc 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn tham gia cách mạng, đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho đất nước.

Khoảng hơn 8 giờ, đoàn xe tới ngã ba Đôn Chương. Từ đây vào đến Pác Bó còn khoảng chục cây số đường đồi núi nhiều đèo dốc phải đi bộ. Các đồng chí Đàm Quang Trung và đồng chí Thế Minh, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng đã có mặt ở đây đón Người. Đơn vị Công an vũ trang huyện Hà Quảng (nay là Bộ đội Biên phòng) đã chọn một trong ba con ngựa khỏe nhất để đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Pác Bó. Để phòng con ngựa thấy người lạ có thể bất kham, đồng chí Đại úy Đồn trưởng trực tiếp dắt ngựa cho Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cười và quay lại hỏi: Thế còn các chú? Tất cả các đồng chí: Tố Hữu, Nguyễn Khai, Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung... đều thưa: Chúng cháu đi bộ với đoàn được ạ! Bác bảo: Thế thì Bác cũng đi bộ cho vui, còn ngựa để thồ đồ dùng vậy.

z3193883147880 94f01c8516cbdda4cd921d84c7815829

Bác Hồ về thăm Pác Bó (tháng 2 năm 1961)

Trên đường đi, đến những đoạn đường đèo dốc khó đi mọi người đề nghị mãi Người mới chịu lên ngựa. Vượt qua những quãng đường khó, Người lại xuống ngựa, đi bộ cùng đoàn. Đến Bản Thoong, Người kể câu chuyện: Đây là nơi phát động phong trào văn hóa đầu tiên và cũng là nơi Bác chỉ thị việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944. Dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được sự giúp đỡ của nhân dân các dân tộc vùng cơ sở cách mạng, Đội đã tiêu diệt đồn Phai Khắt, Nà Ngần là chiến công đầu của quân đội ta.

Vào đến đầu dốc làng Pác Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn nghỉ chân chừng dăm phút rồi mọi người cùng vượt xuống đoạn dốc chừng một trăm mét đến cánh đồng Pác Bó. Tuy tuổi đã ngoài 70 nhưng dáng Người vẫn nhanh nhẹn như năm nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc chiếc áo bông màu xanh, quàng khăn len ô vuông màu nâu, chiếc quần gụ, đôi tất nâu với đôi dép lốp cùng chiếc gậy. Người đi thoăn thoắt dẫn đầu đoàn, bỏ lại các đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Khai một quãng khá xa. Đồng bào Tày, Nùng, Mông, Kinh các xã Trường Hà, Nà Sác, Xuân Hòa, Sóc Hà... mặc quần áo dân tộc rất mới, đẹp, đứng giữa cánh đồng lớn trước làng Pác Bó vẫy cờ hoa đón Người. Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” vang lên không ngớt. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bắt tay các cụ già và giơ tay chào mọi người thì tiếng vỗ tay mừng đón Người lại vang lên liên hồi, vang vọng vào vách đá xung quanh. Có rất nhiều cụ già xúc động rơm rớm nước mắt, bởi tình cảm và sự giản dị của Người vẫn như 20 năm trước cùng đồng bào nơi đây.

Kể từ ngày xa Pác Bó cho đến nay trở lại đã tròn 20 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui thấy cảnh núi rừng, làng bản vẫn như xưa, chiếc cầu đất vào làng có dãy nhà sàn của gia đình họ Dương đã hết lòng giúp đỡ Người và các đồng chí hoạt động trong thời kỳ bí mật còn nguyên vẹn nét đẹp cổ xưa của miền núi cao. Cũng lâu lắm rồi đồng bào vùng quê cách mạng này mới lại được trực tiếp nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một câu tiếng Tày chúc Tết đồng bào: “Bươn chiêng, pi mấu đây lai!” (dịch là: Năm mới đón Tết vui vẻ).

Nhân dân Pác Bó - Hà Quảng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tự nhiên, hiền hòa. Chỗ Người đứng nói chuyện với đồng bào chỉ bằng 6 tấm ván kê ngay tại thửa ruộng với cái vỏ chăn thổ cẩm màu chàm dựng lên treo chân dung Người cùng hai khẩu hiệu chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Trung ương Đảng. Đồng bào Mông, Tày, Nùng tự đem khèn, trống, chiêng của nhà mình đến, hình thành ra một tốp văn nghệ tự diễn vang lên mừng xuân đón Người. Đến lễ đài, đồng chí Tố Hữu và đồng chí Lê Quảng Ba chia kẹo cho các em nhỏ và mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đồng bào, giọng Người khỏe, vang vọng cả núi rừng.

Khoảng trên một ngàn nhân dân lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện. Người nói chừng 15 phút: Hai mươi năm trước, tôi và các đồng chí hoạt động cách mạng ở đây được bà con giúp đỡ, chúng tôi rất nhớ trong lòng. Từ khi hòa bình được lập lại, vì bận việc chung nhiều quá nên hôm nay mới về thăm bà con được. Tôi về đây là về thăm nhà. Mọi người xúc động vỗ tay đáp lại. Mong đồng bào đoàn kết xây dựng hợp tác xã giàu mạnh, sản xuất phát triển, áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng và vật nuôi để cuộc sống ngày càng no ấm hơn, chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, lực lượng dân quân xã ngày một vững mạnh, chăm lo việc học hành cho các cháu...
 

z3193883161901 faefead06edc3e3c4efc44ec5f3abb4c

Nhân dân Pác Bó đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm (2-1961)

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đồng bào, đồng chí Dương Đại Phong (người con cả của gia đình họ Dương) mời Người lên nhà sàn nghỉ ngơi, rồi cô Sáu (tên Người đặt cho cô Dương Thị Bảy) ngày trước thường mang cơm vào hang Cốc Bó cho Người, mời Bác và đoàn ăn bữa cơm với gia đình. Bữa cơm có thịt, cá, đặc biệt có rau cải soong mà chính Người đã gây giống năm xưa ở đầu nguồn suối Lê Nin. Gặp mặt đông vui, Bác nói: Cả nhà ta bây giờ đông vui quá. Tôi không bao giờ quên ơn gia đình ta và đồng bào Pác Bó đã giúp đỡ cho cách mạng để có thắng lợi như ngày nay. Sau bữa cơm, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh chân dung của mình cho nhân dân Pác Bó. Ba chị em dân tộc Nùng tặng Người đôi giầy vải tự làm. Người còn chụp ảnh chung với cả gia đình. Các anh Đại Phong, Đại Lâm thu xếp để Người nghỉ 15 phút trước khi vào hang. Còn các thành viên trong đoàn háo hức đi ngay vào hang. Người theo Bác vào hang sau cùng là đồng chí Lê Quảng Ba, có thêm đồng chí đại úy Chu Phương Phiêu (Công an tỉnh) được cử theo bảo vệ Người cùng một phóng viên của báo tỉnh Cao Bằng.

Trên đường vào hang, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy nhiều cành cây tươi rải khắp dọc suối, Người hỏi: Chú Ba này, sao lại chặt nhiều cây cối thế này? Đồng chí Lê Quảng Ba thưa với Bác là cây cối rậm rạp quá, anh em dân quân tỉa bớt những cành nhỏ để đi vào hang dễ hơn thôi ạ! Người tỏ vẻ đồng ý và hỏi tiếp: Chú Ba còn nhớ ngày trước Bác cháu mình vào hang theo đường nào không? Dạ, thưa Bác đi men theo suối để giữ bí mật ạ. Vào gần tới hang, đồng chí Quang Trung mới nhớ ra, nhắc các đồng chí lãnh đạo xã Trường Hà đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây lưu niệm. Thế là mọi người tìm cuốc xẻng và mấy khóm trúc mời Người và các đồng chí trong đoàn trồng.

Vào tới đầu nguồn, nhìn thấy đồng chí Tố Hữu đang bám trèo qua vách đá để xuống cửa hang, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc: Tố Hữu cẩn thận đấy! Đồng chí Tố Hữu mời Bác vào hang, Người bảo: Bác ra vào ở đây mãi rồi, chú nào chưa biết thì vào đi. Ngồi trên tảng đá bên suối trước cửa hang, ngắm lại cảnh xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo: Chú Hồng Kỳ làm thơ đi. Đồng chí Hồng Kỳ: Thưa Bác, cháu dốt lắm, không biết làm thơ ạ! Người cười và bảo: Chờ Tố Hữu ra cùng, Bác làm thơ vậy. Khi đồng chí Tố Hữu ra ngồi nghỉ cạnh, Bác vỗ vai nhà thơ Tố Hữu: Cảm hứng cảnh xưa làm thơ đi chứ. Nhà thơ Tố Hữu: Dạ, thưa mời Bác ạ! Người nêu ý kiến: Vậy thì làm thơ tập thể. Sáu, bảy đồng chí ngồi quanh lắng nghe Người đọc câu đầu, đồng chí Tố Hữu góp hai câu giữa và Người đọc câu kết, thành bài thơ:

Hai mươi năm trước ở hang này

Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây

Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu

Non sông gấm vóc có ngày nay.

Lúc này đã hơn 3 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tất cả mọi người ra về kẻo muộn. Trên đường trở ra, Người luôn hỏi đồng chí Lê Quảng Ba về những kỷ niệm xưa mà Người còn rất nhớ. Chỉ tay vào gốc cây ổi cạnh suối, Người hỏi: Chú Ba này, chú có nhớ đây là đâu không? Đồng chí Ba: Dạ, đây là cây ổi ngày trước Bác ngồi câu cá và lấy lá ổi hơ cho tái đi rồi nấu nước uống chờ cán bộ đi công tác về ạ! Người nói thêm: Thỉnh thoảng còn bắt ốc làm thức ăn nữa chứ. Ra đến đầu làng, cô Sáu đã đứng chờ. Nhìn thấy cô ẵm một bọc gì đó, bước đến gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động hỏi: Cô cho Bác cái gì đấy? Cô Sáu thưa: Dạ, có hai xúc vải cháu tự dệt và đôi giày vải cháu khâu - là những thứ ngàyxưa Bác vẫn dùng, cháu xin tặng Bác ạ! Người cười: Sao cô cho Bác nhiều thế? Bác xin nhận và cảm ơn. Nhưng Bác nhờ cô giúp Bác giao những thứ cô tặng Bác cho Đảng ủy xã để làm phần thưởng cho đơn vị dân quân đạt danh hiệu Quyết thắng. Người quay sang nói với mọi người: Sau này con đường từ đây đến thị xã nên trồng cây có hoa đỏ để thành con đường đỏ.

Trước lúc rời Pác Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đồng chí Tố Hữu đến cạnh cây hoa đào đang nở rộ trong vườn nhà đồng chí Đại Phong để chụp ảnh kỷ niệm. Nhân dân tập trung đầu làng tiễn đưa Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đi bộ từ đầu cầu đất lên đến đỉnh dốc, Người dừng lại vẫy tay lưu luyến chào bà con và nói: Dú nớ, dú nớ! Bác pây nớ! (Ở lại nhé, ở lại nhé! Bác về nhé!).

Bác và các đồng chí cùng đi cưỡi ngựa ra Nà Mạ, nơi có mộ anh hùng liệt sĩ Kim Đồng. Trời lúc này đã tắt nắng, nếu cứ đi bộ ra đến ngã ba Đôn Chương sẽ bị tối. Các đồng chí Hà Thế Vũ, Chu Phương Phiêu, Hoàng Bắc rất lo lắng trao đổi với nhau. Rất may khi ra đến làng Nà Mạ thì nghe tiếng máy bay lên thẳng do phi công người Liên Xô lái để đón Bác về sân bay Nà Cạn thị xã Cao Bằng. Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống ngựa nhìn về phía Pác Bó phát hiện chiếc máy bay lên thẳng. Người bảo đồng chí Vũ và đồng chí Phiêu: Máy bay đến đón ta đấy, các chú tìm cách gì làm dấu hiệu cho máy bay đáp xuống. Đồng chí Vũ và đồng chí Phiêu nảy ra sáng kiến rất nhanh, chạy vào một gia đình ở ngay sát cánh đồng gần đấy mượn hai xúc vải trắng rải ra thửa ruộng bậc thang. Thấy gần nhà dân quá, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc phải rải ra cách xa nữa mới được, nếu không gió cánh quạt máy bay rất mạnh, sẽ làm tốc mái nhà dân. Thế là các đồng chí lại nhanh chóng chuyển xuống một thửa ruộng thấp hơn, xa nhà dân hơn, vừa kịp cho máy bay đáp xuống. Từ máy bay bốn thanh niên trẻ bước xuống, đứng nghiêm chào Người. Trong số này có hai thanh niên Liên Xô là người lái và hai nữ thanh niên theo cùng làm việc. Tổ lái báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh là Trung ương cử chúng cháu đưa đón Bác đi công tác, nhưng vì thời tiết không thuận lợi nên hôm nay mới lên đón Bác được. Người nói lời cảm ơn bằng tiếng Liên Xô và hỏi: Máy bay đi được bao nhiêu người? Tổ lái thưa: 12 người ạ! Bác bảo: Bây giờ thì đồng chí bảo vệ của Bác sắp xếp đi. Lần lượt đồng chí bảo vệ mời Người và các đồng chí trong đoàn lên máy bay. Trước khi bước lên máy bay, Người giơ cao tay chào mọi người.

Máy bay đưa Bác và đoàn từ Nà Mạ về đến sây bay Nà Cạn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đón Bác về nghỉ. Buổi tối hôm đó, khu Văn phòng Tỉnh ủy tuy không khang trang rộng rãi nhưng nhộn nhịp hẳn lên vì có một số cán bộ lão thành cách mạng ở các huyện về đón Người. Trong khoảnh khắc nghỉ ngơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi lại quanh gian phòng nghỉ, bỗng Người hỏi đồng chí Bí thư: Chú Hồng Kỳ này, mọi ngày chú vẫn sinh hoạt ở đây à? Đồng chí Hồng Kỳ: Dạ, thưa Bác, phòng này các cháu sửa sang cho gọn ghẽ để đón Bác thôi ạ! Người nói: Bác tưởng hằng ngày Bí thư mà ở thế này thì làm sao sát cơ sở, sát dân?

Trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cao Bằng không hề có tiệc tùng, vẫn chỉ là bữa cơm đạm bạc quen thuộc vốn có của Người. Bữa cơm cuối cùng tối 20/2/1961 (tức mùng 6 Tết âm lịch), Tỉnh ủy có mời thêm một số đồng chí cùng dự. Chị Vũ Thị Gái, đồng chí Thư (Công an Thị xã) cùng đồng chí bếp của Người được giao lo bữa cơm. Ba mâm cơm nhà bếp làm không có sơn hào hải vị, không bia rượu, chỉ có 5 món chính như: canh, rau xào, thịt kho, cá rán... Những câu chuyện nho nhỏ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí kể cho nhau nghe rất xúc động, làm sống lại thời cháo bẹ rau măng đã qua để có được ngày hôm nay. Đặc biệt có một việc mà nhiều người đến nay chắc còn nhớ mãi. Đó là ăn cơm xong, mọi người buông đũa bát, ngồi xỉa răng, bỗng Bác hỏi: Thế bây giờ ai dọn mâm! Đồng chí Hồng Kỳ thưa: Dạ, để các cháu ở nhà bếp lên dọn ạ! Bác lại hỏi: Thế các chú ngồi đây làm gì? Tất cả im lặng. Vậy thì Bác có ý kiến thế này: Mỗi chú một tay dọn mâm bát giúp nhà bếp, vừa nhanh gọn lại đỡ vất vả cho nhà bếp. Không ai bảo ai, tất cả đứng dậy làm theo lời Bác. Tuy nhiên, tổ cấp dưỡng cũng kịp lên cùng thu dọn.

Sau bữa ăn 10 phút nghỉ ngơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu làm việc, chuẩn bị cho sáng ngày 21/02/1961 gặp gỡ cán bộ và đại diện nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. Người hỏi: Các đồng chí Cao Bằng bảo Bác nói gì với đồng bào trong tỉnh? Bác nghe Tỉnh ủy Cao Bằng báo cáo tóm tắt mọi mặt hoạt động, những ưu, khuyết điểm của phong trào trong tỉnh và mong được Bác chỉ bảo, phê bình, động viên và trao nhiệm vụ. Bác nêu ra những ý lớn sẽ nói chuyện để các đồng chí trong đoàn và các đồng chí lãnh đạo tỉnh góp thêm ý kiến cho Bác. Rồi Người giao cho đồng chí Vũ Kỳ thảo bài nói chuyện. Mãi tới rất khuya, bản thảo được Người góp ý sửa lại tới lần thứ ba mới xong.

Sáng ngày 21/02/1961, thị xã Cao Bằng rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Gần một vạn nhân dân các dân tộc đại diện cho 11 huyện, thị, tề chỉnh đội ngũ, nườm nượp vào sân vận động, chờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bệnh viện tỉnh rồi mới tới dự mít tinh. Mặc dù đã sang xuân, nhưng tiết trời vẫn còn lạnh giá, Người vận bộ quần áo ka ki bạc màu giản dị như thường ngày, đứng trên kỳ đài giơ cao tay vẫy chào đồng bào. Hàng vạn cánh tay trong sân vận động đồng loạt giơ cao hô vang đáp lại: “Hồ Chủ tịch muôn năm!” tới ba lần và vỗ tay liên tục chào mừng đón Người trở lại thăm quê hương cách mạng. Nói chuyện với đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh ôn lại cống hiến của Cao Bằng ngày trước, khen ngợi thành tích trong những năm hòa bình xây dựng, chỉ bảo nhiều điều cần làm, đặc biệt nhấn mạnh đến đoàn kết giữa các dân tộc, phải đoàn kết như anh em trong một nhà để cùng nhau xây dựng Tổ quốc, làm cho các dân tộc được hạnh phúc, ấm no. Phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã, xây dựng công nghiệp địa phương, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế để nâng cao hiểu biết và chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng các đoàn thể quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp, xây dựng quân đội nhân dân, dân quân tự vệ và công an nhân dân vững mạnh về mọi mặt để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ, đảng viên và cán bộ phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, trong công việc phải lãnh đạo tập thể, phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, đi sâu, đi sát mọi việc, kiên quyết chống quan liêu, mệnh lệnh, chống tham ô, lãng phí... Tại cuộc mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trước kia, bọn thực dân phong kiến dùng mọi cách để chia rẽ các dân tộc, chúng làm cho dân tộc này khinh rẻ và căm ghét dân tộc khác để chúng dễ dàng bóc lột tất cả dân tộc ta. Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ. Đảng, Chính phủ chỉ lo phục vụ lợi ích của nhân dân. Đồng bào các dân tộc không phân biệt lớn nhỏ, phải thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để xây dựng tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho các dân tộc hạnh phúc ấm no. Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ít nhất, Cao Bằng phải Cao Bằng nơi cao nhất, Cao Bằng cao không nơi nào bằng. Cuối cùng, Người thân ái gửi lời hỏi thăm tất cả đồng bào các dân tộc, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, công nhân, bộ đội, công an, dân quân, các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, thân ái hỏi thăm gia đình đã tham gia cách mạng trong thời kỳ bí mật, các gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Pác Bó - Cao Bằng năm 1961 là lần cuối cùng Người về thăm địa phương trước khi Người về cõi vĩnh hằng. Chuyến thăm này của Người là niềm vinh dự, là nguồn cổ vũ lớn đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đáp lại lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng quyết tâm thực hiện lời Bác dạy, vững bước xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nổi bật và đặc biệt, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548-QĐ/TTg về việc xếp hạng Di tích lịch sử Pác Bó là Di tích Quốc gia đặc biệt. Theo Quy hoạch tổng thể di tích đã được Thủ tướng phê duyệt, di tích Pác Bó bao gồm: Cụm di tích khu vực đầu nguồn, các điểm lưu niệm tại khu trung tâm, cụm di tích Kim Đồng, cụm di tích Bó Bẩm và cụm di tích Khuổi Nặm.
 

z2883912724629 3d67fba8ee1159f9e18f27d897663c80

Suối Lê Nin, núi Các Mác tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó

Pác Bó gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và các địa danh lịch sử. Pác Bó gần cửa khẩu quốc tế Tà Lùng và 3 cửa khẩu chính: Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn, cùng nhiều phiên chợ biên giới, giao thương với Quảng Tây, Trung Quốc, là một thế mạnh để hợp tác phát triển sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch, phát triển kinh tế, xã hội. Pác Bó còn là khu di tích nằm trong vườn di sản lịch sử và thắng cảnh với các địa điểm được kết nối và tạo thành tuyến du lịch hấp dẫn khách thăm quan. Đây là tiềm năng độc đáo để khai thác phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó có du lịch về nguồn, sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng v.v... Bên cạnh đó, Pác Bó có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc. Mỗi dân tộc có phong tục tập quán, văn hóa đặc trưng riêng, hội tụ thành vườn hoa đa sắc màu văn hóa, hấp dẫn khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. Các giá trị lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như đàn tính, hát then, các sản phẩm địa phương như mía, thuốc lá, rượu ngô, cây dược liệu đã được bảo tồn và phát huy. Có thể nói, Pác Bó có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch và đem lại những lợi ích kinh tế phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện Hà Quảng và tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.

Nguồn tin: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây