Chuyện về Bác Hồ ở Pác Bó
- Chủ nhật - 20/02/2022 09:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúng tôi đến thăm ông trong ngôi nhà khang trang ngay lối rẽ lên nhà văn hóa xóm Pác Bó, đây là nơi ông Mạc Trung cùng gia đình đang sinh sống. Ông là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên tại xóm Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Mẹ của ông là bà Dương Thị Bảy, con gái út của cụ Dương Văn Đình. Cụ Đình có bảy người con đều giác ngộ cách mạng, ngôi nhà của gia đình cụ chính là cơ sở cách mạng và là nơi Bác Hồ thường xuyên gặp gỡ nói chuyện với bà con nhân dân trong những năm 1941 - 1945.
Ông Trung kể lại: “Lúc còn nhỏ ông đã nghe mẹ cùng các bác kể chuyện về Bác Hồ cùng các đồng chí làm cách mạng. Lúc đấy chỉ nghe vậy thôi chứ chưa gặp nên không biết Bác Hồ trông như thế nào. Đến Tết năm 1961, trong dịp Bác về thăm Pác Bó vào ngày 20/2/1961, tức mừng 5 Tết Tân Sửu, ông mới được gặp và ngồi nghe Bác nói chuyện nên vui lắm”.
Ông Mạc Trung kể chuyện được gặp Bác Hồ
Khi ấy ông Trung đang theo học trường Sư phạm miền núi Trung ương được về quê nghỉ tết. Trong hồi ức của ông, đó là một ngày rộn ràng nhất, tất cả mọi người đều háo hức mong được gặp Bác Hồ. Bác cùng các thành viên trong đoàn đi bộ xuống con dốc hướng về phía khu ruộng Nà Chang, nơi người dân đang tập trung đứng đợi. Bác tay cầm mũ vẫy chào, bà con thấy Bác hò reo phấn khởi. Xuống đến nơi, Bác tươi cười hỏi han, nắm tay hỏi thăm sức khỏe các cụ già, xoa đầu các cháu nhỏ. Ông Trung cùng các thanh niên trong xóm đứng phía sau cũng cố gắng nhón chân và tiến lại để được đứng gần Bác hơn. Sau buổi nói chuyện với người dân, Bác cùng đoàn đến ăn bữa cơm trưa tại nhà đồng chí Dương Đại Lâm tức ngôi nhà cụ Dương Văn Đình và chụp ảnh cùng con cháu họ Dương.
“Năm Bác về thăm, ông ngoại (cụ Đình) đã mất, Bác hỏi thăm từng người và ngồi ăn cơm trên bộ bàn ghế gỗ như một thành viên trong nhà. Lúc chụp ảnh, Bác Hồ bế đứa em nhỏ nhất ngồi ở giữa làm tâm rồi tất cả con cháu của cụ Đình và các đồng chí cùng đi với Bác ngồi xung quanh. Ông là thanh niên lại cao nên đứng ở hàng sau cùng”. Ông Trung vừa kể, vừa chỉ tên từng người có mặt trong bức ảnh chụp cùng Bác.
Con cháu họ Dương chụp ảnh với Bác Hồ ở Pác Bó (2/1961)
Sau bữa cơm trưa, ông cùng bà con theo Bác vào thăm đầu nguồn suối Lê Nin và hang Cốc Bó. Theo ý nguyện của người dân, Người đã trồng 3 khóm trúc làm kỷ niệm và đọc bốn câu thơ tại nơi đầu nguồn khi nhớ lại những ngày đầu tiên lãnh đạo cách mạng tại nơi đây:
“Hai mươi năm trước ở nơi này,
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây.
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu,
Non sông gấm vóc có ngày nay.”
Tất cả những chi tiết về buổi gặp gỡ Bác Hồ được ông Trung kể lại rành mạch làm tôi thấy như vừa mới xảy ra hôm qua vậy. Đối với ông, cuộc gặp năm ấy chính là cơ duyên và là động lực để ông gắn bó với sự nghiệp bảo tàng. Vào năm 1967, khi đang là giáo viên cấp 2, ông được chuyển về công tác tại Bảo tàng Pác Bó và trở thành Phó Chủ nhiệm đầu tiên. Ông đã gắn bó với từng điểm di tích, từng hiện vật liên quan đến Bác Hồ và cống hiến cho sự nghiệp bảo tàng cho đến khi về nghỉ hưu theo chế độ vào năm 1985. Với những đóng góp cho Bảo tàng Pác Bó, vào năm 2012, ông được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Trong lúc chia sẻ những kỷ niệm của mình, ông cũng không quên dặn dò chúng tôi, những người đang công tác trong ngành Văn hóa: “Phải cố gắng làm việc, không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân, luôn yêu nghề và thấy tự hào vì chúng ta đang góp một phần công sức để phát triển đất nước”. Như một lời động viên cho thế hệ trẻ, ông còn đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Cây ổi do ông sáng tác lúc còn đang đương nhiệm. Bài thơ viết về di tích cây ổi, năm xưa Bác Hồ thường hái lá cây ổi này đun nước uống thay chè sau những bữa cơm đạm bạc:
“Cây ổi ngày xưa mới ngang đầu
Thay chè hái lá thiếu gì đâu
Ấm lòng ngụm nước trong cơn khát
Mà nay thơm ngát vạn kiếp sau”
Dù năm nay đã ngoài 80 tuổi, mắt đã mờ, chân tay đã chậm nhưng mỗi khi nhắc về kỷ niệm ngày được gặp Bác Hồ và thời gian làm việc tại Bảo tàng Pác Bó thì trong ánh mắt của ông vẫn tràn đầy niềm vui và tự hào. Qua những câu chuyện của ông Trung, chúng tôi phần nào hiểu hơn về tình cảm của Bác Hồ và nhân dân Pác Bó. Ông là nhân chứng, là người kể lại câu chuyện và là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp gìn giữ các di tích và hiện vật về Bác Hồ ở Pác Bó. Ông sẽ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ như chúng tôi học tập và noi theo.