ĐẢNG BỘ HUYỆN THẠCH AN 90 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Thứ sáu - 03/02/2023 10:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập vào ngày 01/4/1930, tại khe suối Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Chi bộ Đảng ra đời có nhiệm vụ như Tỉnh ủy lâm thời lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Chi bộ Đảng đã nêu ra các nhiệm vụ hàng đầu, trong đó có nhiệm vụ: “Tích cực phát triển Đảng, đặc biệt là khu Mỏ Tĩnh Túc và Thị xã”. Thực hiện nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mỗi đảng viên sau khi được kết nạp vào Đảng là phải tiếp tục tuyên truyền thêm quần chúng tích cực để giới thiệu với Đảng nhằm mở rộng cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng tạo nên một lực lượng chính trị rộng lớn góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập vào ngày 01/4/1930
Sau sự kiện chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời, phong trào cách mạng ở Cao Bằng ngày càng được củng cố và phát triển mạnh trong những năm 1930 - 1935. Trong khoảng năm năm này, từ một chi bộ đầu tiên đã có 10 chi bộ hoạt động ở năm huyện: Hòa An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình và Mỏ thiếc Tĩnh Túc với số đảng viên trên 70 đồng chí.
Dưới ách thống trị của Thực dân phải chịu cảnh áp bức, nô lệ lầm than. Thông qua các hoạt động tuyên truyền cách mạng của đồng chí Đinh Ngọc Đạt, các anh Nguyễn Văn Mô, Nguyễn Văn Lịch, Nông Văn Đạt… đã tiếp thu ánh sáng cách mạng tự nguyện tìm đến các cơ sở cách mạng của Hòa An để hiểu rõ thêm đường lối chủ trương của Đảng, mong sớm được tham gia tổ chức cách mạng. Đây là một bước chuyển biến về nhận thức cách mạng của những thanh niên yêu nước đầu tiên của châu Thạch An.
Trải qua kiểm tra, thử thách, tại một địa điểm bí mật ở Hòa An, anh Nguyễn Văn Mô được kết nạp vào Đảng, bí danh là Khoát Hổ. Sau khi được kết nạp vào Đảng, đồng chí Khoát Hổ trở về về cơ sở Phạc Siến, Nà Phạc (Vân Trình, Thạch An). Khoảng đầu tháng 02 năm 1933, đồng chí xin ý kiến cấp trên triệu tập cuộc họp tại hang đá Nà Mẹc, xóm Phạc Siến, xã Vân Trình, gồm các đồng chí Khoát Hổ, Nguyễn Văn Lịch, Bế Ngọc Cung, Nông Văn Đạt. Tại cuộc họp này, đồng chí Khoát Hổ được ủy nhiệm của cấp trên kết nạp 03 đồng chí được triệu tập vào Đảng. Chi bộ Đảng xã Vân Trình ra đời tháng 02/1933 đã đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng châu Thạch An.
Thạch An là một huyện vùng cao biên giới có vị trí chiến lược rất quan trọng, là tuyến giao thông liên lạc ra hải ngoại, đồng thời cũng là nơi liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung ương Đảng ở miền xuôi. Tỉnh ủy đã cử nhiều cán bộ đảng viên đến hoạt động gây dựng cơ sở. Do xây dựng được cơ sở quần chúng tốt, giữ được bí mật, đảng viên trung thành, cơ sở cách mạng được giữ vững, nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh, của Trung ương qua lại từ nước ngoài trở về nước hoặc từ trong nước đi ra nước ngoài hoặc về miền xuôi liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung ương đảm bảo an toàn, bí mật. Thạch An thật sự là “cửa ngõ của tỉnh”, phong trào cách mạng Thạch An phát triển với những bước đi vững chắc.
Di tích Nà Mẹc, xóm Phạc Siến, xã Vân Trình, huyện Thạch An
Tuy nhiên cuộc khủng bố của địch tại Phạc Siến, trung tâm phong trào cách mạng Thạch An cuối năm 1939 đã gây ra tổn thất lớn cho phong trào cách mạng. Mặc dù kẻ địch không khai thác được thông tin gì ở những cán bộ đảng viên kiên cường và quần chúng hội viên tích cực của Đảng, nhưng phong trào cách mạng Thạch An thiếu cán bộ và tổ chức quần chúng cơ sở. Lúc này, cơ sở Đảng châu Thạch An mất liên lạc với Tỉnh ủy, nhưng cán bộ đảng viên tại Phạc Siến và Hạ Pha vẫn giữ vững cơ sở, chờ chủ trương mới của Đảng, chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới để giành chính quyền cách mạng.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, họp từ ngày 10 - 19/5/1941, tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó - Cao Bằng), theo sáng kiến của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Sau Hội nghị, phong trào Việt Minh tỉnh Cao Bằng phát triển lan rộng ra các châu trong tỉnh.
Châu Thạch An trải qua cuộc khủng bố của địch cuối năm 1939 đầu năm 1940, cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng đang gặp khó khăn, một số cán bộ đảng viên và quần chúng tích cực bị bắt. Số đảng viên và quần chúng còn lại vẫn giữ được bí mật nhưng còn đang lúng túng chờ chủ trương mới của Tỉnh ủy. Khoảng mùa hè năm 1942 phong trào Việt Minh phát triển đến châu Thạch An. Đến năm 1944, phong trào Việt Minh phát triển sôi nổi khắp các châu. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi góp phần để ta tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Trước khí thế đi lên của cách mạng toàn quốc, 23h ngày 13/8/1945 Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ra bản quân lệnh số 1 ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Thực hiện bản quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch An tổ chức cuộc mít tinh tại phố, tuyên bố phá bỏ chính quyền địch, xét xử một số tên tay sai gian ác; bãi bỏ chính sách thuế khóa, phu phen tạp dịch… Châu Thạch An hoàn toàn giải phóng, ngày 26/8/1945 một cuộc mít tinh lớn gồm 1.000 người tham dự đã được tổ chức ở phố Đông Khê. Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám đã chứng tỏ rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân huyện Thạch An nói riêng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, không sợ hi sinh, đoàn kết không chịu khuất phục bất cứ kẻ thù nào, sẵn sàng đấu tranh giải phóng quê hương. Sau khi được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của kẻ thù.
Cách mạng tháng Tám thành công đây là thắng lợi vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đảng bộ và Ủy ban nhân dân lâm thời huyện Thạch An đã lãnh đạo nhân dân xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng các cấp, vượt qua muôn vàn khó khăn về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội và phải đối phó với thù trong giặc ngoài. Nhưng với tinh thần yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đã tiếp thêm sức mạnh để bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc chiến đấu mới chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 12/10/1947, quân Pháp nhảy dù chiếm Đông Khê và đón cánh quân bộ binh từ Lạng Sơn lên. Cùng ngày hai cánh quân gặp nhau chiếm huyện lỵ Thạch An. Chúng tập trung nơi đây củng cố thành cứ điểm mạnh.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác cán bộ, tháng 02/1950 đồng chí Đàm Côn được Tỉnh ủy cử làm Bí thư huyện Thạch An. Giữa tháng 3/1950, Đại hội Đảng bộ huyện Thạch An lần thứ 2 được triệu tập tại Lũng Mây (xã Vân Trình) đã xem xét kiểm điểm công tác chuẩn bị phục vụ cho chiến dịch, đồng thời có kế hoạch vận động toàn dân tập trung sức lực cùng bộ đội diệt thù. Đúng 19h ngày 26/5/1950, ta nổ súng mở màn chiến dịch Phan Đình Phùng tấn công cứ điểm Đông Khê. Nhận thấy cứ điểm Đông Khê vô cùng quan trọng của Cao Bằng và đây cũng là lá chắn của Lạng Sơn. Mất Đông Khê quân địch sẽ tắc đường liên lạc giữa Cao Bằng và Lạng Sơn, do vậy chúng quyết giữ. Để bảo toàn lực lượng ta đã rút quân khỏi thị trấn Đông Khê. Sau chiến dịch Phan Đình Phùng, Trung ương Đảng rút kinh nghiệm đồng thời có nhận định đánh giá mới về cứ điểm Đông Khê. Trung ương nhận định Đông Khê là một cứ điểm không rộng và vững chắc như thị xã Cao Bằng nhưng nó lại là yết hầu của thị xã Cao Bằng, ta đánh Đông Khê buộc địch phải cứu viện, lúc đó ta tạo thời cơ đánh viện binh, viện binh bị diệt sẽ gây cho chúng tâm lý hoang mang, đó là thời cơ cho ta giành thắng lợi. Để giành thế chủ động về mặt quân sự, tháng 6/1950 Ban Thường vụ TW Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp tại Định Hóa (Thái Nguyên) quyết định mở chiến dịch Biên giới 1950 mang mật danh chiến dịch Lê Hồng Phong II.
Với tầm quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch. Nghe tin Bác Hồ ra trận, cả mặt trận xúc động nhất là Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Thạch An. Tất thảy như được tiếp thêm sức mạnh, nguyện đem hết sức mình chiến đấu và phục vụ chiến dịch. Cả trận địa sục sôi khí thế tiến công địch.
Đúng 6h ngày 16/9/1950, quân ta nổ súng tiến công đồn Đông Khê. Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quả cảm, kiên cường chiến dịch Biên giới 1950 toàn thắng. Sau thắng lợi của chiến dịch biên giới quân dân tỉnh Cao Bằng nói chung, quân dân huyện Thạch An nói riêng vô cùng phấn khởi tin tưởng vào Đảng, vào sức mạnh toàn dân. Đặc biệt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Thạch An tự hào vì trong thắng lợi đó có một phần đóng góp không nhỏ của quân dân trong huyện; cùng quân dân cả tỉnh dốc hết sức lực phục vụ chiến đấu giành thắng lợi, một trận thắng mở ra bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến của ta từ đánh du kích lên đánh chính quy, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc nối liền với các chiến trường khác trong nước; Cao Bằng trở thành của ngõ nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa.
Chiến dịch Biên giới thắng lợi nhân dân các dân tộc Thạch An dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tiếp tục ổn định đời sống, chi viện tích cực cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta giành thắng lợi hoàn toàn. Nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trải qua quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy Cao Bằng, 90 năm qua từ một chi bộ Đảng đầu tiên với 04 đồng chí đảng viên, hiện nay đã thành Đảng bộ với 38 tổ chức cơ sở Đảng, 3.813 đảng viên chiếm 12,69 % dân số toàn huyện. Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam, diện mạo của Thạch An đã có nhiều đổi mới về mọi mặt, tuy vậy chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Thạch An luôn tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời ra sức phấn đấu xây dựng quê hương mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh, kế thừa và bảo tồn nét văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.