ĐỀN THỜ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ 34 CHIẾN SĨ ĐỘI VNTTGPQ
- Thứ bảy - 21/12/2019 12:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tọa lạc dưới chân núi Khau Giáng, thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đền được khởi công xây dựng năm 2014, công trình do Bộ Quốc Phòng thực hiện nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và được trùng tu nâng cấp năm 2019 nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đền thờ hướng Đông, với tổng diện tích khuôn viên trên 1000 m2, Đền được bao bọc ba phía bởi dãy núi thiêng Khau Giáng kết hợp hài hòa với công trình kiến trúc phù điêu sân trung tâm và nhà đón tiếp tạo nên không gian ấm áp linh thiêng. Kiến trúc Đền được xây theo hình bát giác (kiến trúc mở), một kiến trúc biểu tượng của tâm linh ngưng tụ sinh khí đất trời mang lại nhiều điều may mắn cho du khách về hành lễ báo công với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và thần linh cai quản khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo. Khuôn viên cây xanh được trồng các loài cây, hoa quý tạo nên cảnh sắc thanh tịnh như dãy hoa Mai Thượng Uyển tượng trưng cho sự thanh cao toát lên vẻ trang nghiêm trước ngôi Đền, dãy hoa Râm Bụt mang dáng vẻ gần gũi với người dân Việt Nam; Dãy hoa Đại Đường tạo nên trốn thanh tịnh vĩnh hằng kết hợp với dãy hoa Vàng Anh tạo nên một quần thể kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên.
Tọa lạc ở nơi trang trọng nhất của Đền là tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức tượng tạc chân dung Đại tướng phong thái ung dung, điềm tĩnh, tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều cao 83cm và nặng 115kg.
Ban thờ chính được bài trí 3 tầng với nhiều đồ thờ mang phong cách thuần Việt, các ban thờ đều được làm bằng gỗ dổi trạm khắc hoa văn cánh sen rát vàng; Ban thờ bên phải thờ 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – Đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” ; Ban thờ bên trái thờ thần linh cai quản khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo đã bao bọc trở che cho Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ khi mới thành lập.
Vị trí trung tâm phía trên là bức hoành phi được sơn son thếp vàng mang đòng chữ “Dĩ Công Vi Thượng” đây là câu nói Bác Hồ đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp trong một lần Đại tướng gặp Bác Hồ tại Hang Cốc Bó vào năm 1941 để bàn về vấn đề chuẩn bị phát động võ trang khởi nghĩa, Bác nói: ““Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng” nghĩa là: Người cán bộ phải đặt lợi ích chung lên trên hết; tất cả vì nước, vì dân. Lời căn dặn ấy được Đại tướng trân trọng gìn giữ bằng cả một cuộc đời cống hiến, hy sinh, đây cũng chính là lời nhắn nhủ mà Đại tướng muốn trao lại cho thế hệ sau.
Đại tướng đã từng nói:
“Tôi đã cống hiến một cách tự nguyện, đã thanh thản trong mọi thử thách,… Như vậy, tôi đã làm theo lời dạy và noi theo tấm gương của Bác Hồ là “Dĩ công vi thượng” ”.
Hai bên tả hữu của ban thờ là đôi câu đối “Văn lo vận nước Văn thành Võ, Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn” đôi câu đối này do Nhà Giáo Hồ Cơ sáng tác tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng tròn 90 tuổi. Đôi câu đối đã khái quát toàn bộ tài năng, đức độ của vị tướng huyền thoại trong lịch sử cách mạng Việt Nam – Một vị tướng họ “Võ” tên “Văn”. Từ một thầy giáo dạy sử trước vận mệnh của đất nước, lại chính là người sau này làm nên lịch sử, Đại tướng của chúng ta đã khiến cho bao tướng lĩnh nước ngoài từng thất bại ở Việt Nam đã đau đáu đi tìm nguyên nhân tại sao Quân đội nhân dân Việt Nam và tướng Giáp thắng trận. “Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”, Đại tướng không những là người đã cùng toàn quân, toàn dân làm nên lịch sử, mà còn là người dùng cả cuộc đời để viết lại những trang sử hào hùng ấy để lại cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Những năm tháng hoạt động tại Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn bó với đồng bào, hiểu biết được tiếng nói và tâm tư nguyện vọng và phong tục tập quán của bà con. Người đã dịch và chuyển thành văn vần những tài liệu phổ thông của Mặt trận Việt Minh, dịch Việt Minh ngũ tự kinh ra tiếng Tày - Nùng và tiếng dân tộc Dao, Mông, góp phần vào công tác giáo dục chính trị cho đồng bào các dân tộc. Còn đối với bà con các Dân tộc Cao Bằng Võ Nguyên Giáp - Anh Văn đi đến đâu cũng được dân quý, dân thương, hết lòng giúp đỡ và bảo vệ, vì vậy Đại tướng luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với vùng đất Cao Bằng nghĩa tình, kiên trung, bất khuất.
Người từng nói “Tôi lên thăm Cao Bằng cũng như là về quê hương thứ hai, cũng như về nhà, bởi vì trong nhiều năm sống và làm việc, chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Cao Bằng, tình cảm của tôi đối với Cao Bằng cũng như là tình cảm của tôi đối với bản thân quê hương của tôi hay là quê hương Nghệ Tĩnh”. Và ngày nay, tại khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo ngôi Đền thiêng liêng này đã minh chứng cho những công lao to lớn đặc biệt xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Đền thờ là nơi nhan dân cả nước và các lực lượng vũ trang về tri ân, thắp nén tâm trang, tỏ lòng thành kính trước anh linh Đại tướng và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.