BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


DI TÍCH NÚI BÁO ĐÔNG NƠI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH QUAN SÁT TRẬN ĐÁNH ĐỒN ĐÔNG KHÊ, CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI 1950

Di tích núi Báo Đông thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng biên giới năm 1950, xã Đức Long, huyện Thạch An là địa điểm ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp quan sát và chỉ đạo trận đánh Đông Khê – trận đánh mở màn cho chiến dịch biên giới 1950. Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của chiến dịch và là nguồn động viên to lớn để toàn quân, toàn dân dành chiến thắng trong chiến dịch biên giới 1950.

Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu ngày 23/9/1945, thực dân Pháp lại nổ súng xâm lược nước ta lần nữa. Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ đã phải chịu muôn vàn khó khăn với thù trong, giặc ngoài và nạn đói, nạn dốt. Đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính Phủ đã di chuyển lên Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Trong suốt 9 năm (1946-1954) trường kỳ kháng chiến tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách, chỉ thị để đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đi tới thắng lợi cuối cùng. Năm 1947, ta dành chiến thắng trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông đem lại nhiều thuân lợi cho cách mạng ta. Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại Định Hóa – Thái Nguyên quyết định mở Chiến dịch Biên giới, Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính của chiến dịch. Mục đích của chiến dịch: “tiêu diệt một bộ phận quan trọng sịnh lực địch, giải phóng vùng biên giới phía Bắc nước ta, thu hẹp phạm vị chiếm đóng của địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tiến tới dành quyền chủ động trên chiến trường chính”.
 

 
z4698604180059 211a3a4baa6baf6f52910c70944f8d52

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn mở chiến dịch Biên giới tại Định Hóa, Thái Nguyên năm 1950 (ảnh: Tư liệu)

Hạ tuần tháng 8/1950, dù bận việc hệ trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng tư lệnh tối cao nhận thấy cần phải trực tiếp có mặt trong chiến dịch lớn này. Đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ căn cứ địa Việt Bắc lên đường hành quân ra mặt trận. Tại sở chỉ huy chiến dịch (bản Tả Phầy Nưa, xã Quốc Phong, huyện Quảng Hòa), sau khi nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo, Bác thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch gồm 4 bước: “Một là, đánh Đông Khê; Hai là, đánh quân viện trợ lên Đông Khê; Ba là, đánh Thất Khê; Bốn là, đánh Cao Bằng”.
 

z4698604030774 5fbad3e33b02bb50ae72a965a9acf276

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi chiến dịch biên giới 1950 (Ảnh: Tư liệu)

Sáng 15/9/1950 tại hang Không Hẩu (xã Đức Long, huyện Thạch An), sau khi nghe đồng chí Cao Pha – Trưởng ban Quân báo báo cáo tình hình diễn biến của địch và của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:

“Chú nói với chú Văn, ngày mai Bác muốn đi quan sát trận địa…”

Theo yêu cầu của Bác, rạng sáng ngày 16/9/1950, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết địch đưa Người lên Đài quan sát tại đỉnh núi Báo Đông. Núi Báo Đông thuộc xóm Bản Pò, xã Đức Long, huyện Thạch An. Đây là ngọn núi đá cao có tầm nhìn bao quát xa và rộng, trên đỉnh có đài quan sát trận địa của Bộ chỉ huy Chiến dịch. Đài quan sát nhìn về hướng Tây, dưới là vực sâu phóng xa tầm mắt là thị trấn Đông Khê – Đồn Đông Khê nơi diễn ra trận đánh mở màn của chiến dịch. Tại đây có thể theo dõi diễn biến của trận đánh thông qua ống nhòm. Phía dưới đài quan sát là thung lũng xóm bản Pò (nơi đặt sở chỉ huy chiến dịch), xa hơn nữa là biên giới Việt – Trung, hướng Bắc là huyện Quảng Hòa, hướng Nam là địa phận huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
 

dh3aq3 1666831966

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát núi Báo Đông (Ảnh: Tư liệu)

Trong bộ quần áo quân phục đã bạc màu, tay áo sơ mi xắn cao, cổ áo phanh rộng, từ mờ sáng ngày 16 Bác đã lên điểm cao quan sát trận đánh qua ống nhòm. Người chỉ thị “dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ được trận đầu”. Theo chỉ thị của Người đúng 6h ngày 16/9/1950, pháo binh của ta đồng loạt tấn công cụm cứ điểm Đông Khê mở đầu cho chiến dịch. Người vừa chăm chú nhìn xuống cứ điểm của giặc, vừa đối chiếu với một tấm bản đồ tham mưu, vừa nghe một cán bộ của Bộ chỉ huy chiến dịch báo cáo tình hình. Máy bay địch rít gào, bỏ bom, bắn phá các khu ngoại vi, có lúc chúng sà xuống thấp, thấp hơn cả ngọn núi Bác đứng quan sát.

Sau những trận đánh anh dũng, quả cảm 10 giờ sáng ngày 18/9 quân ta tiêu diệt được hoàn toàn cụm cứ điểm Đông Khê. Trong niềm vui chiến thắng Bác đã làm bài thơ bằng chữ Hán:

“Huề trượng đăng sơn quan trận địa,

Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân.

Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu,

Thề diệt sài lang xâm lược quân”.

Mất Đông Khê, địch buộc phải rút khỏi Cao Bằng theo đường số 4 theo kế hoạch “hành quân kép”. Nắm vững phương châm “đánh điểm, diệt viện”, bộ đội ta kiên nhẫn mai phục tiêu diệt địch. Cuộc chiến đấu vây đánh hai binh đoàn của thực dân Pháp diễn ra quyết liệt khiến chúng không thể tới được vị trí đã định. Đến ngày 08/10, ban tham mưu và tàn quân địch bị bắt gọn. Sau 29 ngày đêm chiến đấu liên tục (16/9-14/10/1950) quân ta giành chiến thắng hoàn toàn trên chiến trường.

Chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950 đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, tạo cơ sở để lực lượng vũ trang cùng toàn Đảng, toàn dân dành thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến. Chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, tạo cơ sở để lực lượng vũ trang cùng toàn Đảng, toàn dân dành thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến.

Ngày nay, cùng với Đồn Đông Khê và nhiều điểm di tích khác, Đài quan sát của Bộ chỉ huy Chiến dịch trên đỉnh núi Báo Đông đã trở thành những di tích quan trọng của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới 1950.

Năm 2004, để thuận tiện cho việc phục vụ du khách đến tham quan, đường lên đài quan sát và nhà đặt cụm tượng “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê” trên đỉnh núi Báo Đông đã được xây dựng. Để lên vị trí đài quan sát của Bộ chỉ huy Chiến dịch, du khách sẽ leo lên 846 bậc thang, chia làm 79 cung bậc, tượng trưng 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chân núi du khách đi theo bậc đá, đi qua hang Ngườm Cuông tại đây sẽ thấy bia khắc bài thơ bằng chữ Hán của Bác. Trên đỉnh núi Báo Đông đặt cụm tượng “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê” mô phỏng theo bức ảnh của nhiếp ảnh gia Vũ Năng An, được làm bằng chất liệu compozit giả đồng, cao 2,18m, nặng 418kg. Tại vị trí trung tâm cụm tượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi chính giữa tập trung quan sát hướng máy bay địch để chỉ đạo chiến dịch, xung quanh là các đồng chí: đồng chí Minh học viên K5 của trường Lục Quân (đang cầm điện thoại); đồng chí Phạm Chước (tức Phạm Bá Kiên) là trưởng đài quan sát (đang cầm ống nhòm), đồng chí Võ Viết Định (tức Chu Phương Vương) là Đội trưởng Đội cận vệ Bác Hồ, còn phía sau là các đồng chí chiến sỹ đài quan sát. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận đã thể hiện ý chí quyết tâm một lòng đánh đuổi quân xâm lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận quan sát và chỉ đạo chiến dịch.

Chiến dịch biên giới 1950 đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận, quan sát và chỉ đạo chiến dịch trên đỉnh núi Báo Đông thể hiện ý chí quyết tâm một lòng đánh đuổi quân xâm lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận quan sát và chỉ đạo chiến dịch.

Ngày nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) trong đó có di tích Đài quan sát của Bộ chỉ huy chiến dịch trên đỉnh núi Báo Đông đã trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước tới các thế hệ con cháu. Là nơi để chúng ta tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và truyền thống chiến đấu anh dũng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hướng tới kỷ niệm 73 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950, Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm, chú trọng tới công tác chỉnh trang khuôn viên, trồng bổ sung, chăm sóc hoa, cây cảnh, chỉnh trang khuôn viên kịp thời chuẩn bị phục vụ du khách đến tham quan trong dịp kỷ niệm tại Khu di tích địa điểm chiến thắng biên giới 1950 để ôn lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận tại di tích Núi Báo Đông và truyền thống chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.
 

z4698578919523 5b02a5dbecb069566960956f0f06bc91

Đoàn khách tham quan tại di tích núi Báo Đông (Ảnh: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng)

Tác giả bài viết: Đoàn Mai Hiên

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây