BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


KIM ĐỒNG GẶP ÔNG KÉ CÁCH MẠNG

Một chiều thu đầu tháng 8/1942, Bác Hồ từ Lam Sơn trở lại Pác Bó. Khi đi qua làng Nà Mạ quê hương của Kim Đồng, Bác đã gặp Kim Đồng tại hang Nộc Én. Người động viên và giao nhiệm vụ cho Kim Đồng làm liên lạc, bảo vệ các đồng chí cán bộ cách mạng.

Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi tới quý bạn đọc đoạn trích Kim Đồng gặp Ông Ké cách mạng, từ truyện ngắn Kim Đồng của nhà văn Tô Hoài:
 

****

Cuộc họp ấy ở bên xóm Thoong Mạ. Đúng ước mong của Dền: được vào hội như người lớn. Dền sắp vào hội. Dền sẽ có tên mới của cách mạng cho, như anh. Dền sẽ được làm công việc cách mạng…

Anh Bát Ngư nói:

– Có anh Đức Thanh về dự hội.

Mấy em cùng nhìn anh Đức Thanh. Anh ấy, nhà ở làng dưới, ai cũng đã rõ. Dường như biết các em đương tò mò nhìn, anh Đức Thanh nói:

– Đức Thanh là tên đoàn thể cho anh. Bây giờ các em vào hội, các em cũng có tên cách mạng để giữ bí mật cho cách mạng.

Tất cả đều nói:

– Chúng em muốn có tên cách mạng.

Đức Thanh cười:

– Bây giờ anh cắt nghĩa cho các em nghe.

Hội cứu quốc để đánh Tây đuổi Nhật là hai kẻ thù của dân tộc mình. Ai muốn đánh Tây đuổi Nhật đều theo hội cứu quốc của Việt Minh. Các cụ già hội phụ lão cứu quốc. Phụ nữ thì phụ nữ cứu quốc. Thanh niên thì thanh niên cứu quốc. Ai khỏe mạnh vào đội tự vệ cứu quốc tập luyện chiến đấu. Các em đã giác ngộ cách mạng các em được vào hội nhi đồng cứu quốc. Dền làm tổ trưởng, các em muốn không?

Tất cả nói:

– Em bằng lòng.

Anh Đức Thanh lại nói:

– Dền nhanh nhẹn thế thì tên cách mạng của Dền là Kim Đồng!

Dền thích thú, hỏi lại:

– Em được tên là Kim Đồng a?

Anh Đức Thanh lại nói:

– Thàn thì là Cao Sơn. Cách mạng như núi cao. Cao Sơn, tên cách mạng của em Thàn là thế.

– Cái này ở nhà tên là cái Xậu. Anh cho nó tên cách mạng là gì?

– Em là Thanh Thủy, dòng suối trong. Cách mạng như dòng suối trong qua làng.

– Tên em là Nì, anh ạ.

– Tên cách mạng của em là cô Thủy Tiên, hoa thủy tiên quí lắm, hoa cách mạng quí lắm.

– Tên em là Tinh. Có đứa ác, gọi em là Tinh thọt.

– Bây giờ em là Thanh Minh nhé.

Nước lóng lánh chảy. Bờ đá xanh mờ rêu. Nhòa nhòa mấy bóng người đi tới. Kim Đồng ngẩng lên, trông qua khe lá vối. Anh Đức Thanh đi trước. Tay anh cầm lồng chim họa mi, che miếng vải đỏ. Như vừa ở làng người Mèo trên núi Lục Khu xuống. Trên ấy, nhà nào cũng nuôi họa mi, ngày chợ đem chim đi chọi ăn tiền thưởng. Sau lưng anh, có một ông già. Anh Đức Thanh không chơi chim chọi. Chắc lồng chim của ông, anh cầm hộ. Kim Đồng cũng chưa trông thấy ông này bao giờ.

Ông gầy, cao, tay cầm cái gậy trúc. Nhưng không phải gậy chống. Cái gậy hơi dài, cái sào của người Hà Quảng đi làm cỏ ruộng. Chân ông đi đất, ông mới đi làm cỏ ruộng về. Mặt có râu lưa thưa, mặc áo chàm Nùng bạc vai, một bên cửa ống tay rộng đã vá miếng to. Mới nhìn, lại ngỡ ông mo đi cúng. Trông cái sào và hai người, lại tưởng hai bố con mới đi chơi chọi chim trên núi về.

Nhưng chắc không phải. Kim Đồng đoán: chỉ có ông đi chơi hay ông đi cách mạng thôi. Kim Đồng tò mò, đoán, để ý.

Anh Đức Thanh đã thấy Kim Đồng ngồi trên cành vối.

– Kim Đồng làm gì trên ấy? Câu à?

Kim Đồng nhảy xuống đất, chắp tay, lễ phép: “Cháu chào ông ạ”, rồi mới trả lời anh Đức Thanh:

– Em canh gác cho anh em đương cày đằng kia.

Ông cười, đến bắt tay Kim Đồng. Rồi Đức Thanh hỏi Kim Đồng:

– Có phải lính dõng tổng đoàn Tiếp lúc nãy?

– Phải ạ.

Đức Thanh hỏi dồn:

– Có biết đám cướp hôm qua giết lái trâu trên dốc?

– Thấy bảo còn dõng canh xác người lái trâu trên ấy.

Đức Thanh quay lại, nói gì với ông. Rồi hai người rẽ vào trong xóm. Đoán là hai người lên trạm nghỉ ở hang đá chỗ Nọc Én đằng sau nhà. Kim Đồng nghĩ: chắc có lính còn đóng ngoài đường, chưa đi được.

Xế trưa, anh Phục Quốc đi cày về rồi lại đi ngay. Lúc về, dặn Kim Đồng ra sau xóm, chờ ở gốc cây dâu da. Đến nơi, đã thấy anh Đức Thanh đứng đấy. Kim Đồng nói câu anh Phục Quốc vừa dặn nói lại với anh Đức Thanh:

– Anh à, bọn dõng canh xác người trên dốc núi đã rút rồi.

– Đi hết chưa?

– Nó bắt dân ra chôn người lái trâu. Cả ngựa cai khố xanh cũng đi rồi.

Đức Thanh dẫn Kim Đồng đến chỗ Đồng chí già. Đồng chí già hỏi Đức Thanh:

– Kim Đồng đâu?

Đức Thanh đáp:

– Em đợi ngoài kia rồi.
 

Bác Hồ gặp Kim Đồng

Tranh: Kim Đồng gặp Bác Hồ 


Đồng chí già bảo anh Đức Thanh gọi Kim Đồng vào. Kim Đồng trông thấy ông vẫn cầm cái sào trúc và hai ống quần xắn. Đức Thanh nói với ông:

– Em Kim Đồng, hội viên nhi đồng, giao thông, liên lạc, canh gác, em đều làm được cả.

Ông hỏi Kim Đồng:

– Cháu bao nhiêu tuổi?

Kim Đồng đáp:

– Thưa ông, cháu được mười ba.

– Cháu học lớp mấy?

– Đồng chí Đức Thanh dạy cháu đã biết đọc biết viết.

– Cháu cố gắng học cho giỏi hơn…

– Vâng ạ…

Ông lại hỏi:

– Cháu có hay đi gác cho các anh họp không?

– Thỉnh thoảng ạ.

– Nếu lính đến thì cháu làm thế nào?

– Cháu kêu: Bò ăn lúa! Bò ăn lúa! Rồi chạy vào, thế là các anh biết có lính tuần.

– Bây giờ ta sắp đi được chưa?

– Thưa ông, đi được rồi.

– Bây giờ đi đường gặp địch thì cháu nói thế nào?

– Cháu nói thật to: “Chào quan ạ”, để đằng sau các đồng chí biết mà tránh đi.

– Thế chúng nó hỏi cháu đi đâu?

– Cháu nói: Đi đón thầy cúng. Mẹ cháu ốm đau chân. Nó có bắt đưa về nhà thì cũng thấy mẹ cháu đau chân, ông ạ.

Ông đứng dậy, nói:

– Nào ông cháu mình đi!

Rồi ông và anh Đức Thanh lội đường suối về phía Pác Bó. Kim Đồng thoăn thoắt đi trước. Trăng đã lên đằng góc núi. Sáng trăng đổ xuống thung lũng bên ấy, như vàng chảy sang bên này”./.

 

 

 

Tác giả bài viết: Phòng BTDT&TTTL (TH)

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây