KIM ĐỒNG – NGƯỜI ANH HÙNG NHỎ TUỔI
- Chủ nhật - 23/07/2023 10:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kim Đồng (1929 - 1943) tên thật là Nông Văn Dền, một thiếu niên người dân tộc Nùng, ở xóm Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sinh ra trên mảnh đất cách mạng nên trong gia đình Dền sớm đã có người tham gia các đoàn thể. Dền là con trai út của một gia đình nông dân nghèo, cha không may mất sớm, mẹ thường xuyên đau ốm, các chị gái đều đã lập gia đình, em gái thì còn nhỏ. Người anh trai là Nông Văn Tằng (bí danh là Phục Quốc) sớm tham gia cách mạng, là đội viên giải phóng quân. Để anh Phục Quốc có điều kiện hoạt động cách mạng, từ năm 12 tuổi Dền đã thay anh đi làm phu và gánh vác nhiều công việc gia đình.
Từ năm 1940, tại khu vực Trường Hà, Hà Quảng đã có phong trào cách mạng. Dền được anh trai và anh cán bộ Đức Thanh giác ngộ theo các anh làm các công việc: canh gác, chuyển thư từ, nghe nói chuyện về tội ác của quân giặc… nhờ đó Dền đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Dền đã mau chóng làm quen với cách thức làm công tác bí mật, nhiều lần đưa, chuyển thư từ, đưa đường cho cán bộ lọt qua sự bao vây, canh gác của địch. Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời cùng với sự thành lập của nhiều hội cứu quốc. Trong số đó, tại xóm Nà Mạ, Đội Nhi đồng cứu quốc ra đời với 05 đội viên đầu tiên gồm: Nông Văn Dền (bí danh là Kim Đồng), Nông Văn Thàn (bí danh là Cao Sơn), Lý Văn Tinh (bí danh là Thanh Minh), Lý Thị Nì (bí danh là Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (bí danh là Thanh Thủy). Với bí danh Kim Đồng, Nông Văn Dền được tổ chức bầu làm đội trưởng của Đội Nhi đồng cứu quốc.
Đội Nhi đồng cứu quốc được thành lập có mục đích tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà, với nhiệm vụ giao thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác các cuộc họp của Đảng. Kim Đồng với vai trò đội trưởng trong bộ quần áo chàm, đầu đội mũ nồi, tay xách lồng chim hoặc cần câu cá luôn nhanh nhẹn mưu trí và đảm bảo bí mật trong mọi hành động. Các thành viên trong đội đều là anh em sinh ra cùng một xóm, vì vậy mỗi khi được giao nhiệm vụ mới, mọi người đều đồng lòng và tin tưởng đội trưởng Kim Đồng.
Năm 1941, Bác Hồ về Pác Pó lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau xóm Nà Mạ. Bác khen ngợi đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Bác khuyên Kim Đồng cùng đội viên hãy giúp đỡ, tích cực bảo vệ cách mạng, vừa hoạt động vừa học văn hoá, chính trị để sau này nước nhà giành được độc lập, góp phần xây dựng đất nước.
Tranh: Kim Đồng được gặp Bác Hồ
Bước sang năm 1943, bọn địch khủng bố, đánh phá dữ dội vùng Pác Pó. Trong một lần đi liên lạc về, phát hiện một toán địch phục kích, Kim Đồng cử Cao Sơn chạy về báo cho các đồng chí cán bộ, còn mình nhanh trí đánh lạc hướng địch. Trúng kế của Kim Đồng, địch nổ súng bắn theo. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên núi phía sau nhà. Kim Đồng chạy qua suối, địch đuổi bắn, Kim Đồng bị trúng đạn và anh dũng hy sinh ngay bên bờ suối Lê-nin. Hôm ấy là ngày 15/2/1943, Kim Đồng vừa tròn 14 tuổi.
Biết ơn sự hy sinh anh dũng quả cảm của Kim Đồng, ngày nay, Khu di tích lịch sử Kim Đồng đã được xây dựng ngay đúng nơi anh ngã xuống tại quê hương Nà Mạ. Ngày 15/5/1986, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đội, mộ và tượng người đội viên liệt sĩ anh hùng Kim Đồng trong bộ quần áo dân tộc Nùng đang vươn mình tung con chim sáo bay lên đã được khánh thành. Trước tượng đài có 14 bậc đá và 14 cây lát vươn cao xanh ngắt tượng trưng cho 14 mùa xuân của anh. Nơi đây có một khoảng sân rộng, hàng năm thiếu niên và nhi đồng cả nước thường tụ hội về đây tổ chức các hoạt động vui chơi, dâng hương tưởng nhớ người Đội trưởng đầu tiên của Đội nhi đồng cứu quốc. Năm 1997, Kim Đồng được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Năm 2011, Khu di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia. Đến năm 2012, Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đã phát động phong trào kế hoạch nhỏ cho các em thiếu nhi trong cả nước quyên góp đầu tư, tôn tạo, mở rộng khu di tích khang trang hơn.