KỶ NIỆM 61 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ THĂM PÁC BÓ (20/2/1961 - 20/2/2022)
- Chủ nhật - 20/02/2022 17:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau 30 năm bôn ba nước ngoài để tìm con đường cứu nước, trưa ngày 28/1/1941 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí cán bộ cách mạng đã đi qua cột mốc 108 thuộc xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trở về tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Kể từ đó núi rừng Pác Bó, nhân dân Pác Bó đã giúp đỡ và bảo vệ Người cùng các đồng chí cán bộ hoạt động cách mạng trong những tháng ngày gian khó nhất.
Đến năm 1945 nhận thấy thời cơ tổng khởi nghĩa đã tới Người quyết định chuyển cơ quan đầu não cách mạng từ Pác Bó về Tân Trào - Tuyên Quang. Ngày 4/5/1945 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lên đường rời Pác Bó đi Tân Trào - Tuyên Quang để triệu tập Quốc dân đại hội và phát lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Kể từ ngày rời Pác Bó, Bác chưa lần nào có dịp về thăm. Tới năm 1961, sau 20 năm xa cách Bác mới có dịp về thăm lại mảnh đất Cao Bằng thân yêu. Chuyến về thăm Cao Bằng trong 3 ngày từ ngày 19 đến ngày 21/2/1961, Bác đã dành trọn ngày 20/2 để lên thăm lại Pác Bó.
Sáng ngày 20/2/1961 tức mùng 6 tết Tân Sửu, Bác Hồ cùng các đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Khai, Lê Quảng Ba về thăm và chúc tết nhân dân Pác Bó. Bác cùng đoàn đi xe ô tô từ tỉnh ủy Cao Bằng lên đến Đôn Chương. Khi đấy, từ Đôn Chương vào làng Pác Bó đường gập ghềnh khó đi, xe ô tô không đi được. Đồng bào địa phương chuẩn bị ngựa cho Bác vào làng, nhưng Bác không lên ngựa ngay, Người đi bộ cùng đoàn thong dong ngắm cảnh vật hai bên đường, nơi đã chứng kiến những sự kiện lịch sử hào hùng của cách mạng.
Bác Hồ trên đường về thăm Pác Bó (2/1961)
Nghe tin Bác Hồ về thăm, nhân dân Pác Bó và đồng bào các dân tộc huyện Hà Quảng đều nô nức, xúng xính mặc những trang phục truyền thống, tập trung tại khu ruộng Nà Chang (xóm Pác Bó) cùng chờ Bác. Bác giản dị trong chiếc áo bông, cầm mũ đi trước vẫy chào bà con như người thân lâu ngày mới về thăm quê. Tới nơi, thấy đồng bào đón Bác đông đủ, vô cùng xúc động Bác hỏi:
- Đón Bác ạ!. Năm mới chúc Bác mạnh khỏe ạ!
Bác nhìn mọi người xúc động nói: “Tôi về thăm nhà mà, sao phải đón tôi?"
Nghe Bác nói, đồng bào cảm động rưng rung nước mắt. Thật vậy, từ những ngày Bác sống, hoạt động cách mạng đã gắn bó sâu sắc với người dân, được sự giúp đỡ, bảo vệ của nhân dân Pác Bó, nhân dân Cao Bằng Bác đã coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Khái niệm quê hương của Bác không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn mà còn là nơi cội nguồn cách mạng, nơi đã chứng kiến những sự kiện lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam. Bác nói: “Trước đây Bác cùng các đồng chí trung ương hoạt động ở đây, đồng bào Pác Bó, đồng bào Hà Quảng rất tốt, tuy Bác không về thăm Pác Bó được nhưng Bác vẫn luôn nhớ về đồng bào Pác Bó, Bác chắc đồng bào Pác Bó cùng nhớ Bác, nhớ Đảng”. Sau buổi nói chuyện, nhân dân Pác Bó tặng Bác đôi giày vải. Trước tình cảm của người dân, Bác tặng nhân dân Pác Bó bức chân dung có chữ ký: Hồ Chí Minh 20/2/1961. Sau buổi nói chuyện Bác ghé thăm gia đình cụ Dương Văn Đình là cơ sở cách mạng mà trước đây Bác thường xuyên tới để tuyên truyền cách mạng trong quần chúng nhân dân thời gian còn hoạt động cách mạng tại Pác Bó.
Buổi chiều, Bác vào thăm khu vực đầu nguồn suối Lê Nin. Nhân dân Pác Bó mời Bác trồng khóm trúc vì theo quan niệm của đồng bào nơi đây cây trúc là cây tượng trưng cho sự trường thọ, nhân dân Pác Bó mong muốn Bác sẽ sống lâu muôn tuổi. Ngồi nghỉ tại khu vực đầu nguồn suối Lê Nin, Bác hồi tưởng lại hai mươi năm trước hoạt động cách mạng gian khổ tại Pác Bó, Bác làm bốn câu thơ:
“Hai mươi năm trước ở nơi này,
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây.
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu,
Non sông gấm vóc có ngày nay.”
Bác Hồ làm thơ tại đầu nguồn suối Lê Nin
Đó cũng là lần cuối Bác về thăm Pác Bó. Năm 1969, đài tiếng nói Việt Nam phát một tin dữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc, Ông Ké, Già Thu của núi rừng Pác Bó đã mãi mãi ra đi. Đồng bào Pác Bó lặng đi hướng về quảng trường Ba Đình, nơi Bác đã yên giấc ngàn thu. Nhân dân Pác Bó tổ chức lễ truy điệu cho Bác tại ngã ba Khuổi Nặm, đồng bào đều mặc bộ quần áo đại tang, bộ quần áo mà người dân tộc Tày, Nùng chỉ mặc khi trong gia đình có cha hoặc mẹ mất. Bác mất đi nhân dân đều mặc bộ quần áo này như đã coi Bác là người cha trong gia đình. Sau phút truy điệu mọi người dặn lòng như hứa với Bác nguyện sẽ đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Kể từ ngày Bác mất, trong mỗi gia đình xóm Pác Bó bên cạnh bàn thờ lớn để thờ tổ tiên đều có một bàn thờ Bác Hồ. Hàng năm vào dịp tết đến xuân về đồng bào Pác Bó đều đến đầu nguồn suối Lê Nin xin nước để cầu mong năm mới nhiều tài lộc, nhiều may mắn. Đây cũng là dịp để người dân tưởng nhớ về Bác, nhớ về nơi cội nguồn cách mạng mà luôn cố gắng thực hiện những lời dạy của Người.
Tài liệu tham khảo
- Nhiều tác giả. (1990). Bác Hồ hồi ký tập 1. Cao Bằng: hội văn nghệ Cao Bằng.
- Hoàng Việt Quân.( 1995). Người ở nguồn: NXB phụ nữ.