BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


KỶ NIỆM 74 NĂM CHIẾN THẮNG CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI 1950

Cách đây 74 năm, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân, dân ta tiến hành thắng lợi Chiến dịch Biên giới 1950 tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bước sang năm 1950, tình hình thế giới và trong nước chuyển biến có lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Nhằm mục đích đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh họp tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên quyết định mở Chiến dịch Biên giới lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II. Cao Bằng được chọn là chiến trường chính của chiến dịch. Mục đích của chiến dịch là “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở thông đường biên giới với các nước xã hội chủ nghĩa, phá thế bao vây của Pháp, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”.

Để trực tiếp lãnh đạo quân và dân ta, tháng 7/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy. Căn cứ vào tình hình địch ở Cao Bằng và cơ sở tự do kháng chiến của ta, tháng 8/1950, Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới đã quyết định đặt Sở chỉ huy chiến dịch tại bản Tả Phầy Nưa, xã Quốc Phong, huyện Quảng Hòa. Sau đó để giữ bí mật, Sở chỉ huy được chuyển đến xóm Bản Mới, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

 

97815 anh 2 ARXX

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950


Xuất phát từ tính chất tối quan trọng của Chiến dịch Biên giới, đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên các lực lượng tham gia Chiến dịch. Đây là nguồn động viên to lớn, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ, dân công ra sức thi đua "giết giặc lập công", nhằm đưa Chiến dịch đến thắng lợi cuối cùng.

Thực hiện phương án tác chiến “đánh điểm, diệt viện”, đúng 6h ngày 16/9/1950, quân ta nổ súng tấn công cụm cứ điểm Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Từ Sở chỉ huy chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lên đài quan sát đặt tại đỉnh núi Báo Đông (xã Đức Long, huyện Thạch An) để quan sát hướng máy bay địch và chỉ đạo trận đánh.

Sau 54 giờ chiến đấu, mặc dù địch chống cự hết sức quyết liệt, song đến sáng ngày 18/9, bộ đội ta đã chiếm toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê, tiêu diệt và bắt trên 300 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, bắn rơi 1 máy bay.

Mất Đông Khê, quân địch rơi vào tình thế hết sức nguy khốn, Thất Khê bị uy hiếp, thị xã Cao Bằng trở nên hoàn toàn cô lập, thế phòng thủ đường số 4 bị trở nên lung lay. Sau khi ta diệt xong Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định địch có thể lấy lại Đông Khê để khôi phục lại tuyến phòng thủ như cũ hoặc tạo bàn đạp để tiến lên đón quân ở Cao Bằng rút về. Đúng như dự đoán của ta, sau thất bại Đông Khê, Tổng Chỉ huy Pháp ở Đông Dương vội rút quân khỏi thị xã Cao Bằng theo đường số 4 nhằm tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Theo kế hoạch này, binh đoàn Lơ-pa-giơ ở Thất Khê có nhiệm vụ hành quân tiến lên chiếm lại Đông Khê để đón binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng rút về.

 

anh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đài quan sát trên đỉnh núi Báo Đông chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê


Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch ở Đông Khê, Bộ Chỉ huy chiến dịch tập trung gần như toàn bộ lực lượng để đánh “diện viên” quân địch, lấy đó là đòn đánh then chốt quyết định giành toàn thắng.

Đêm 30/9, binh đoàn Lơ-pa-giơ gồm 4 tiểu đoàn bí mật hành quân từ Thất Khê lên Đông Khê lập tức bị ta chặn đánh. Phía Cao Bằng, đêm 3/10, binh đoàn Sác-tông gồm 3 tiểu đoàn rút khỏi thị xã để hội quân với binh đoàn Lơ-pa-giơ. Từ ngày 1 - 5/10 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt ở khu vực phía Nam và Tây Đông Khê. Lơ-pa-giơ chẳng những không thực hiện được ý định chiếm Đông Khê mà còn bị ta tiêu diệt một bộ phận, cuối cùng phải chạy vào Cốc Xả cố thủ và lấy đó làm địa điểm đón quân Sác-tông. Kế hoạch hội quân ban đầu của địch bị phá vỡ, ngày 4/10, binh đoàn Sác-tông buộc phải bỏ cả xe, pháo rồi hành quân xuyên rừng về phía Cốc Xả để bắt liên lạc với Lơ-pa-giơ.

Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt quân Lơ-pa-giơ, sau đó chuyển sang tiêu diệt quân Sác-tông. Từ chiều ngày 5 đến sáng 7/10, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, 4 tiểu đoàn của ta đã liên tục công kích địch ở Cốc Xả, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch. Lơ-pa-giơ cùng ban tham mưu và một bộ phận tàn quân chạy thoát, nhưng đến chiều 8/10 toàn bộ bị bắt gọn.

Cùng ngày 7/10, khi binh đoàn Sác-tông về đến khu điểm cao 477, 5 tiểu đoàn của ta đã tiến hành bao vây công kích và kết thúc thắng lợi trận đánh sau một ngày liên tục chiến đấu, bắt sống gần 1.400 tên, trong đó có Sác-tông cùng nhiều sĩ quan chỉ huy và tên tỉnh trưởng bù nhìn Cao Bằng.

Ngày 8/10, một tiểu đoàn do Đờ-la Bôm chỉ huy từ Thất Khê tiến lên định ứng cứu cho Lơ-pa-giơ và Sác-tông cũng bị ta đánh tan.

Sau khi hai binh đoàn cơ động tinh nhuệ bị tiêu diệt, thực dân Pháp gấp rút huy động lực lượng tăng cường cho Thất Khê, đưa tổng số lực lượng ở đây lên 3 tiểu đoàn. Lực lượng đông, nhưng tinh thần binh lính rất hoang mang lo sợ.

Ngày 10/10, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm bao vây tiêu diệt Thất Khê. Trong khi lực lượng ta đang cơ động về Thất Khê thì tối 10/10, địch bắt đầu rút khỏi Thất Khê. Một tiểu đoàn địch rút chạy bị ta chặn lại, phải đi tắt vào rừng, sau đó bị ta tiêu diệt. Địch liên tiếp rút chạy khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lạng Giang, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu. Bộ đội ta tiếp tục tổ chức truy kích địch, nhưng do thời tiết diễn biến không thuận lợi nên chỉ đánh được vài trận nhỏ, tiêu hao thêm một số binh lực địch. Ngày 14/10/1950, Chiến dịch Biên giới kết thúc.

 Trải qua 29 ngày chiến đấu quyết liệt, mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta đã giành được thắng lợi rất to lớn trong Chiến dịch Biên giới. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch, diệt và bắt 8.296 tên, thu hơn 3.000 tấn vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ Liên khu biên giới Đông Bắc của địch; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông liên lạc với cách mạng Trung Quốc.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới là thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng. Ta không chỉ tiêu diệt một khối sinh lực tinh nhuệ của địch, mà còn giải phóng một vùng đất đai rộng lớn có vị trí chiến lược trọng yếu; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, mở thông đường liên lạc với quốc tế và nối liền Việt Bắc với các vùng, miền trong nước (đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 4). Thắng lợi Chiến dịch Biên giới 1950 đã khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; tạo bước đà quan trọng để quân, dân ta tiến hành thắng lợi các chiến dịch tiếp theo và tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Với ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch, Đảng và Nhà nước đã cho khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới 1950 nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ các điểm di tích. Ngày 25/12/2017, Khu di tích Địa điểm chiến thắng Biên giới 1950 được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Đây chính là niềm vinh dự tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng, là cơ sở để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân cùng gìn giữ, phát huy giá trị di tích - nơi đã diễn ra những trận đánh làm nên chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950 lịch sử./.

Tác giả bài viết: Phòng BTDT&TTTL (TH)

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây