BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC TRIỆU TẬP VÀ CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ TÁM

Ngày 28/01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua Cột mốc 108 để trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau khi về nước một thời gian, với tư cách là đại biểu Quốc tế Cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám từ ngày 10 - 19/5/1941 tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng).


 

Bác Hồ chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám

Tranh: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám 

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), Hoàng Văn Thụ (Lý), Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Phùng Chí Kiên, Vũ Anh (Trịnh Đông Hải), Hồ Xuân Lưu (Trần Quốc Thảo), Bùi San.

Trên cơ sở phân tích sâu sắc những diễn biến mới của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã phát triển nhận định của hai Hội nghị Trung ương trước thành những dự đóan cụ thể, chính xác: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần nãy sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó cách mạng nhiều nước thành công”; “Liên Xô thắng trận, quân Tàu phản công… Tất cả các điều kiện ấy sẽ giúp cho các cuộc vận động của Đảng ta mau phát triển và rồi đây lực lượng sẽ lan rộng toàn quốc để gây một cuộc khởi nghĩa toàn quốc rộng lớn”; “Nếu cuộc chiến tranh càng dữ dội, càng tiến triển mau thì phong trào cách mạng do đó mà bành trướng mau lẹ. Tuy bọn đến quốc thẳng tay đàn áp, song không đè bẹp nổi phong trào, mà trái lại càng phát triển cả Âu, Á, Mỹ”. Những nhận định này là cơ sở để định ra chủ trương, nhiệm vụ của cách mạng và những bước đi cụ thể phù hợp với những chuyển biến của cách mạng thế giới, bảo đảm cho cách mạng Đông Dương hòa nhập với các lực lượng dân chủ trong cuộc đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít quốc tế.

 Hội nghị Trung ương lần thứ tám giải quyết hoàn chỉnh mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và dân chủ. Hội nghị nêu bật “nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta”. Nhằm tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, theo đề nghị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Việt Minh tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, phú nông, địa chủ, tư bản xứ, miễn là có tinh thần yêu nước sẽ cùng nhau đoàn kết thống nhất trong Mặt trận, đem tất cả toàn lực ra phục vụ công cuộc đấu tranh giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc trong Mặt trận đều lấy tên mới là Hội Cứu quốc như Hội Công nhân Cứu quốc, Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Phụ lão Cứu quốc, Hội Nhi đồng Cứu vong, Hội Quân nhân Cứu quốc... Với các dân tộc Lào, Cao Miên, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận ở mỗi nước, tiến tới thành lập một Mặt trận chung Đông Dương.

Hội nghị xác định phương pháp cách mạng là "Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang". Hội nghị quyết định phải xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Từ thực tiễn của hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ, Hội nghị đã tìm ra con đường khởi nghĩa ở Việt Nam, đó là: “ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương… mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.

Hội nghị quyết định đặt vấn đề dân tộc trong khuôn khổ của một nước Việt Nam, Lào, Khơ me, thi hành đúng quyền “dân tộc tự quyết", với tinh thần liên hệ mật thiết, giúp đỡ nhau giành thắng lợi.

Hội nghị đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng đặc biệt là việc đào tạo cán bộ và tăng thêm thành phần giai cấp vô sản trong Đảng. Hội nghị đã kiện toàn Ban lãnh đạo của Đảng, cử ra Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư, Ban Thường vụ gồm các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt.

Hội nghị lần Trung ương Đảng lần thứ tám đã hoàn chỉnh chủ trương thay đổi chiến lược cách mạng được đề ra từ Hội nghị tháng 11/1939 và Hội nghị tháng 11/1940. Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, hình thức, bước đi cụ thể, khôn khéo, bảo đảm cho cách mạng Việt Nam từng bước vững chắc đi tới thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân./.

Tác giả bài viết: Phòng BTDT&TTTL

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây