MỘT SỐ CÂU CHUYỆN BÁC HỒ THĂM PÁC BÓ NĂM 1961
- Thứ ba - 20/02/2024 17:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau 20 năm rời xa, vào những ngày đầu xuân năm 1961, Bác Hồ đã có chuyến thăm lại căn cứ địa Cao Bằng trong ba ngày từ 19/02 đến 21/02/1961. Người đã dành trọn ngày 20/02 để về thăm Pác Bó. Dưới đây là một số câu chuyện về chuyến thăm của Người với đồng bào Pác Bó.
Nhân dân Pác Bó đón Bác về thăm (ngày 20/02/1961)
***
Đầu năm 1961, đồng bào Pác Bó (Cao Bằng) đang vui xuân thì được tin phái đoàn Đảng, Chính phủ về thăm quê hương cách mạng. Đồng bào ai cũng thầm ước mong trong đoàn có Bác. Thế rồi điều mong ước của đồng bào Pác Bó đã trở thành hiện thực. Chiều ngày 19/02 năm đó, chiếc máy bay lên thẳng đưa Bác và phái đoàn đến thị xã Cao Bằng. Sáng ngày 20/02, xe ô tô đưa Bác cùng mọi người đến Đôn Chương. Đồng bào biết tin ra đón Bác. Họ còn mang cả ngựa đến để Bác và phái đoàn đi cho khỏi mệt, nhưng Bác đã từ chối không đi ngựa mà đi bộ. Dọc đường Bác vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ với đồng bào, cùng ôn lại những năm tháng hoạt động gian khổ ở Pác Bó 20 năm trước, khi Bác mới về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Khi Bác vừa đến Pác Bó, đồng bào già trẻ, gái trai chạy ùa ra vây quanh Bác. Có cụ già nắm lấy tay Bác lắc lắc. Các bà, các chị ai cũng mừng mừng tủi tủi, nhớ lại những ngày cơ cực trước cách mạng và cảnh no ấm tự do ngày nay. Thấy mọi người kéo đến ngày một đông, Bác liền hỏi: “Bà con làm gì mà đông thế này?”. Đồng bào vui vẻ reo lên: “Đón Bác! Đón Bác! Năm mới chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu”. Bác nhìn mọi người và bảo: “Tôi về thăm nhà mà sao lại đón tôi?”. Nghe Bác nói vậy, đồng bào ai cũng cảm động rưng rưng nước mắt. Thực vậy, Bác về thăm Pác Bó là về thăm nhà. Nhà Bác, quê hương Bác không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn mà nhà Bác, quê hương Bác là căn cứ địa cách mạng, là mọi nơi trên đất nước Việt Nam yêu dấu.
Sau khi gặp gỡ thân tình mọi người, Bác nói chuyện với đồng bào trong khối mít tinh. Bác đến thăm và ăn bữa cơm thân mật với gia đình ông Dương Văn Đình, một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng rồi trở lại thăm khu vực đầu nguồn suối Lê Nin.
(Trích: “Những câu chuyện nhỏ một bài học lớn”, NXB Thông tin và truyền thông)
***
Theo hồi ký của đồng chí Việt Dân, cán bộ tổ chức Huyện uỷ Hà Quảng lúc bấy giờ, trước đó, được biết là Bác Hồ sẽ lên Pác Bó bằng máy bay trực thăng, các đồng chí lãnh đạo yêu cầu dân đi đắp đất làm bến đỗ cho máy bay trực thăng nhưng không nói để làm gì. Dân chúng không chịu, kêu đất mùa này cứng, khó làm. Đồng chí Dương Đại Long, quê Pác Bó là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng lúc đó, liền nói với đồng chí Việt Dân: Nói bí mật với nhân dân không được đâu, cứ nói thật với bà con là đi đầm đất ở đám ruộng trước bản Bó Bẩm để làm bãi cho máy bay lên thẳng đưa Bác Hồ lên thăm quê hương mình. Nghe nói vậy, bà con phấn khởi, nô nức đi làm bởi ai cũng mong được đón Bác về thăm.
Bác bảo đồng chí Dương Đại Hoa, cán bộ tỉnh Cao Bằng dẫn đoàn vào thăm hang, còn Bác rẽ vào ven suối để trồng ba khóm trúc. Đồng bào thưa với Bác! Trúc là cây trường thọ, mời Bác trồng trúc để biểu thị lòng tôn kính, tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, với Bác, với Chính phủ và kính chúc Bác sống lâu trăm tuổi để lãnh đạo toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Bác Hồ trồng khóm trúc lưu niệm tại khu vực đầu nguồn suối Lê Nin
Bác ra ngồi trên tảng đá nhô lên mặt nước nơi ngày xưa Bác thường ngồi câu cá. Bác kể cho mọi người nghe những ngày Bác ở đây. Ở đây, Bác cất tiếng vui vẻ bảo đồng chí Tố Hữu:
- Nào nhà thơ, làm thơ đi chứ!
- Mời Bác làm trước ạ, đồng chí Tố Hữu mỉm cười trả lời.
Bác nói:
- Vậy thì tôi làm trước. Trầm ngâm một lát Bác cất tiếng ấm áp ngâm:
“ Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật – Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu,
Non sông gấm vóc có ngày nay”.
(Trích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao Bằng”, NXB Chính trị quốc gia)