BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


Năm ấy, Bác về ...

Như cánh én mùa xuân báo hiệu một năm mới an lành, hạnh phúc, sự kiện Bác Hồ về nước vào đầu xuân năm 1941 đã ghi dấu ấn đặc biệt sâu sắc của một chặng đường cách mạng. Sách “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” ghi: Ngày 28-1-1941 (tức mồng Hai tháng Giêng năm Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc về nước. “Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người xúc động đứng lặng hồi lâu”... Giây phút thiêng liêng ấy đã được nhà thơ Tố Hữu miêu tả: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về, im lặng, con chim hót/ Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ...”.
1




















Tìm đường trở về Tổ quốc

Trên hành trình tìm đường cứu nước từ năm 1911 đến năm 1940, khi tìm được con đường đúng để cứu nước, giải phóng dân tộc, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lenin, Bác Hồ đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá về Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một Đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam mà việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 02 năm 1930 là nhân tố quan trọng đầu tiên, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Sau đó, Bác Hồ đã nhiều lần tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều không thể thực hiện. Người đã báo cáo với Quốc tế Cộng sản “Đã hai lần tôi cố gắng đi về An Nam nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân Đảng .

Phải mãi tới lần thứ ba, việc tìm đường về nước của Bác Hồ mới từng bước được thực hiện. Đó là khi được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, ngày 29-9-1938, Bác Hồ đáp xe lửa từ ga Iarôxlápxki rời Mátxcơva với nhiệm vụ “đến Trung Quốc để công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đầu năm 1940, khi về hoạt động tại Côn Minh, được sự giúp đỡ của những người cách mạng Trung Quốc, Người đã bắt được mối liên lạc với Ban Hải ngoại của Đảng ta. Trong buổi làm việc đầu tiên với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, sau khi nghe báo cáo về phong trào cách mạng trong nước và tình hình Việt kiều tại Vân Nam, với một khả năng thấy trước, tiên đoán khoa học của bậc kỳ tài về tình hình thế giới và trong nước, Người đã chỉ rõ những công việc cần kíp nhất ở thời điểm này là tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để sớm về nước, tranh thủ, chớp thời cơ lãnh đạo toàn dân vùng lên giải phóng. Giữa lúc này, khi được tin Chính phủ Pháp đầu hàng không điều kiện Phát xít Đức (ngày 22/6/1940), Bác Hồ đã triệu tập ngay cuộc họp với các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng và chỉ rõ: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

Từ đó, Người đã tìm hiểu, nghiên cứu các phương án trở về Tổ quốc… Đến cuối tháng 10-1940, Người cùng một số cán bộ rời Côn Minh về Quế Lâm (Trung Quốc) và sau đó tiếp tục rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tìm đường về nước.

Về đến Tổ quốc thân yêu và lãnh đạo cách mạng

Ngày 28-01-1941 (mồng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ cùng một số đồng chí vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Đến cột mốc 108, Bác dừng lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá rồi đứng lặng hồi lâu hướng tầm mắt nhìn về phía dải đất Tổ quốc điệp trùng sau 30 năm xa cách. Mảnh đất Pác Bó, nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, quần chúng Nhân dân đã được giác ngộ, trung thành với Ðảng, với cách mạng. Khi còn ở nước ngoài, vào tháng 10/1940, trước khi quyết đinh chọn địa điểm để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta…” Tầm nhìn thiên tài của Bác có ý nghĩa chiến lược lớn, tạo cơ sở cho thành công của cách mạng sau này.

Thời gian đầu, Người ở với đồng bào Pác Bó nhưng để đảm bảo bí mật, ngày 8/2/1941, với bí danh Già Thu, ông Ké người Nùng, Bác chuyển vào hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là hang Đầu nguồn). Cách cửa hang khoảng 50m có dòng suối trong vắt, bên cạnh có hòn núi cao (mà sau đó Bác đặt tên là suối Lê Nin và núi Các Mác).

Ở hang Cốc Bó, trong sự bao bọc, chở che của đồng bào, đồng chí, Bác Hồ đã sống những năm tháng vô cùng khó khăn, thiếu thốn với 'cháo bẹ, rau măng', nhưng tràn đầy niềm tin, lạc quan cách mạng.

Từ đây, Cốc Bó trở thành đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Và cũng chính mùa xuân đầu tiên ấy, từ nơi đầu nguồn thiêng liêng, Người đã cho ra đời bài thơ xuân tuyệt tác tựa đề “Pác Bó hùng vỹ:

                                                                          Non xa xa, nước xa xa

                                                                          Nào phải thênh thang mới gọi là,

                                                                          Đây suối Lê-nin, kia núi Mác

                                                                          Hai tay xây dựng một sơn hà.

Tại Pác Bó, từ ngày 10 đến 19/5/1941 Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 với những quyết định lịch sử in dấu ấn thiên tài của Người, đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của Ðảng ta, xác định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” 

Theo sáng kiến của Bác, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn; lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và sẽ làm cờ Tổ quốc khi thành lập nước.

Bản Chương trình cứu nước của Việt Minh mà Người đã chỉ đạo soạn thảo gồm có 44 điều cụ thể về các chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, chính sách đối với các tầng lớp Nhân dân, chính sách xã hội, chính sách ngoại giao, để thực hiện hai điều cơ bản mà toàn thể đồng bào mong ước là: làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và dân Việt Nam được hưởng sung sướng tự do. (4)

Song song việc xây dựng Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị tiền đề vật chất cho tổng khởi nghĩa. Dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ từ tháng 6 đến tháng 8-1941, Cao Bằng đã cử 70 cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài tạo những hạt giống quân sự đầu tiên của khu giải phóng trong tổng khởi nghĩa.

Đến ngày 22/12/1944, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể trong khu rừng Dền Sinh, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ với 34 khẩu súng các loại, chia làm 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Do tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi cho cách mạng, ngày 4/5/1945, Bác Hồ bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó tới trưa ngày 21/5/1945 đến Tân Trào. Tại đây, Đại hội Quốc dân đại biểu (tiền thân của Quốc hội) đã bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Bác Hồ làm Chủ tịch (tiền thân của Chính phủ lâm thời) và quyết định tổng khởi nghĩa. Cách mạng Tháng tám thành công, ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mùa Xuân 2023 - kỷ niệm sự kiện lịch sử 82 năm ngày Bác Hồ trở về Tổ quốc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đất nước sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, cao hơn, với tư duy mới, tầm nhìn mới, xứng đáng với lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu: Xây dựng một mước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

 

Nguồn tin: Theo https://dbndnghean.vn/

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây