BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


Nguyễn Ái Quốc khởi đầu “duyên nợ” với báo chí thời kỳ ở Pháp

Trả lời các nhà báo nước ngoài tháng 1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “...Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...”([1]).
Nguyễn Ái Quốc với Báo Người Cùng Khổ (Le Paria). Ảnh: Tư liệu lịch sử.

Ham muốn tột bậc đó chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Trên hành trình kéo dài suốt 30 năm, Người đã tìm ra chân lý và vạch ra con đường đấu tranh tự giải phóng cho dân tộc. Cũng trên con đường vạn dặm ấy, tại thủ đô Paris của nước Pháp - đế quốc đang đô hộ Tổ quốc mình, Người bắt đầu học làm báo và dùng những bài báo bằng tiếng Pháp đầu tiên của mình để tố cáo tội ác của chế độ thực dân.

Học làm báo ngay trong thực tiễn đấu tranh

Lúc ở Pari, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở toà báo Đời sống thợ thuyền ([2]) cho Bác biết báo ấy có mục "tin tức vắn", mỗi tin chỉ năm ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn” ([3]). Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16-4-1959) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại khởi đầu “duyên nợ” của mình với báo chí như vậy. Chính việc làm báo và viết báo đã định hướng cho Người sự hiểu biết từng bước, dần dần sâu sắc hơn về quan điểm và lập trường chính trị.

Khi mới bước vào cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp, tham gia phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc chưa nhận thức được ngay rằng báo chí là một vũ khí đấu tranh chính trị hiệu quả. Được những người bạn Pháp chân thành như Gaston Monmousseau (Tổng biên tập báo La Vie Ouvrière, nhà hoạt động công đoàn nổi tiếng), Jean Longuet (nhà báo, nghị sĩ Quốc hội Pháp, cháu ngoại của K.Marx) nhiệt tình giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc từng bước nhận thức được vị trí và ý nghĩa của báo chí trong xã hội. Coi việc viết báo, làm báo là một nhiệm vụ quan trọng, một bộ phận hữu cơ trong hoạt động cách mạng thực tiễn, Người không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chính trị, trau dồi ngôn ngữ Pháp, rèn luyện gian khổ, kiên nhẫn về cách viết báo, học tập nghệ thuật diễn đạt tư tưởng và quan điểm của mình.
Từ mục đích chiến đấu là “đập thực dân Pháp”, từ phương pháp “một là học trong đời sống của mình, hai là học ở giai cấp công nhân”, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến lựa chọn nội dung viết là những gì Người biết rất rõ (ví như đời sống của công nhân Pari), những điều mắt thấy tai nghe, những gì là sự thật, những chuyện mà người đọc thích hoặc người đọc không biết (ví như những chuyện ở Việt Nam và ở các thuộc địa của Pháp). Như vậy là, ngay từ buổi ban đầu cầm bút viết báo, Nguyễn Ái Quốc đã không chỉ xác định rõ được đối tượng và mục đích tuyên truyền mà còn nắm vững được chìa khóa tạo ra sức hấp dẫn, sức mạnh của tác phẩm. Người còn tạo dựng được một thái độ làm việc hết sức khiêm tốn, một tinh thần học hỏi cao thể hiện ở hành động mỗi khi Người gửi bài viết cho báo đều kèm với lời nhắn nhủ rất chân thành rằng: “Tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí cho đăng, chỗ nào cần phải sửa, thì nhờ các đồng chí sửa cho, tôi không có tính tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm” ([5]).Như Người đã tự nhận, quá trình làm báo của mình là quá trình “ngược”: Học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam. Nhưng với quyết tâm “không sợ khó”, “không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”, Nguyễn Ái Quốc đã đi từ tập viết những mẩu tin ngắn vài dòng, 10-15 dòng, đến viết dài thành một cột báo, một cột báo rưỡi; rồi học cách viết ngắn lại bằng cách đếm từng chữ, xem một dòng có mấy chữ, một cột thì có mấy dòng; ít lâu sau là học cách viết cho rõ, cho gọn, và cố gắng phấn đấu viết một bài đúng với giá trị và tầm cỡ của một bài báo. Vì chưa biết cách viết, lại thiếu từ vựng và chưa quen sử dụng ngôn ngữ Pháp để diễn đạt suy nghĩ của mình nên những bản tin đầu tiên mà Người viết còn sai sót đôi chút. Và Người đã học hỏi kinh nghiệm bằng cách “viết gì cũng đưa cho một số đồng chí xem lại, chữ nào khó hiểu thường các đồng chí bảo cho mình sửa”, “mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại… Mỗi lần đều đem tin đã đăng trên báo so với bài mình đã viết, xem sai chỗ nào”([4]). Được các bạn tận tình dạy bảo, giúp đỡ, cùng nỗ lực tự thân Người ra sức học tập, rút kinh nghiệm, dần dần Nguyễn Ái Quốc đã có thể viết được bài dài hay ngắn là tùy ý mình, căn cứ vào nội dung của vấn đề cần trình bày và thái độ mình cần biểu thị, tố cáo những tội ác của thực dân Pháp cho nhân dân Pháp hiểu rõ.

Như Người đã kể lại những ngày đầu tập viết báo ấy: “Các báo đăng bài của mình đều là báo phái "tả", đều nghèo, không trả cho mình đồng tiền nào. Mình ngày thì đi làm, tối đi mít tinh, tuy khá vất vả, nhưng vẫn cố gắng viết để nêu tội ác của bọn thực dân”. Lần đầu tiên được trả tiền viết báo, Nguyễn Ái Quốc sung sướng vì với 50 phrăng thì Người có thể sống 25 ngày “không phải đi làm, tha hồ tham gia mít tinh, tha hồ viết báo, tha hồ đi xem sách”([6]). Điều đó càng chứng minh rằng, Nguyễn Ái Quốc làm báo chính là một hoạt động cách mạng, vì lý tưởng cách mạng mà viết, hoàn toàn không phải là một hứng thú cá nhân hay vì mưu lợi riêng tư nhỏ hẹp.

Tham gia sáng lập báo Le Paria  “luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức ([7])

Nếu chỉ viết sẽ không thể hiện hết ý tưởng của mình, đặc biệt là khi các báo đều rất dè dặt với việc tố cáo tội ác thực dân xâm lược, kêu gọi những dân tộc bị áp bức đấu tranh ngay trên đất Pháp, đầu năm 1922 Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập ra tờ Le Paria (Người cùng khổ) - cơ quan tuyên truyền của Hội Liên hiệp thuộc địa ([8]). Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đóng vai trò là Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hội. Để chuẩn bị tài chính cho việc xuất bản báo Le Paria, Người đã cùng với hai hội viên của Hội viết Lời kêu gọi hô hào mọi người hãy gia nhập Hội, gửi mua dài hạn báo Le Paria - một tờ báo có mục đích đấu tranh "vì lợi ích của công lý, sự thật và tiến bộ".

Nguyễn Ái Quốc khởi đầu “duyên nợ” với báo chí thời kỳ ở Pháp
 Báo Người cùng khổ và tranh châm biếm của báo do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vẽ.
Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia.

Ngày 1-4-1922, báo Le Paria ra số đầu tiên. Tờ báo được in trên khổ giấy 36 x50cm. Phía trên, bên cạnh tên chính của tờ báo bằng chữ Pháp: Le Paria còn có tên báo bằng chữ  Ả rập ở bên trái và chữ Hán ở bên phải: Lao động báo. Tiêu đề của báo là Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa ([9]). Địa chỉ của tờ báo là số 16 phố Jacques Calot, Pari VI ([10]). Số 1 có đăng Lời kêu gọi, nêu rõ mục đích tôn chỉ của tờ báo: Báo Le Paria ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, ở Đông Dương, Antigua và Guyane. Báo Le Paria tố cáo sự lạm quyền về chính trị, độc đoán về hành chính, bóc lột về kinh tế mà nhân dân trên các lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại để đấu tranh cho sự tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ, hô hào họ tổ chức lại nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi những lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và hữu ái. Trên trang nhất số báo này có đăng thông báo về đề tài Sân khấu Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trình bày trong chương trình sinh hoạt tháng 4-1922 của Câu lạc bộ Faubourg.

Tương ứng với quá trình tồn tại của báo Le Paria, từ số 1 cho đến số cuối cùng là số 38 (tháng 4-1926), Nguyễn Ái Quốc đã có hai thời kỳ hoạt động: Thời kỳ thứ nhất, từ số 1 cho đến số 14, Người làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, làm cả việc phát hành và đi bán báo; thời kỳ thứ hai, khi Người đã rời Pháp đi Liên Xô, đến Trung Quốc, Người vẫn gửi bài đăng báo và tiền ủng hộ báo.

Là một diễn đàn của nhân dân các hình thức thuộc địa được tổ chức ngay trong lòng nước đế quốc đang xâm lược các thuộc địa ấy, có thể nói hoạt động của báo Le Paria ngay từ buổi ban đầu đã gặp muôn trùng khó khăn. Những người chủ trương xuất bản báo, cũng như Nguyễn Ái Quốc, đều không qua trường lớp báo chí chính quy nào, cũng chưa từng trải qua nghề nghiệp cầm bút chuyên nghiệp ở một tờ báo nào trước đó, vốn liếng lại hết sức nghèo nàn. Nguyễn Ái Quốc có thời gian làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo, nghĩa là các đồng chí người thuộc địa Á-Phi viết bài và quyên tiền, còn bao nhiêu công việc Người đều “bao hết” (cách Người dùng từ). Hơn lúc nào hết, thời gian này, Người đã tỏ rõ tinh thần dũng cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng, ở niềm tin vào khả năng sáng tạo của những người bạn chiến đấu chung với mình trên mặt trận chính trị, tư tưởng này, sẽ vượt qua khó khăn, động viên và tổ chức nhân dân các thuộc địa cùng tiến công kẻ thù.

Khi lượng bài gửi đến không đủ, người chủ bút kiêm chủ nhiệm không những lo phần bài của mình đã được phân công như mọi thành viên khác mà còn phải lựa chọn tin tức, nhất là viết thêm bài, vẽ thêm tranh… cho đủ kín trang báo. Có lẽ vì vậy mà với báo Le Paria, hoạt động báo chí của Nguyễn Ái Quốc đa dạng và sôi nổi hơn trước. Người viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau như xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm, truyện ký, tranh vẽ,… Có số báo Người viết đến 2 bài, 3 bài, thậm chí 4 bài cùng tranh vẽ.

Nguyễn Ái Quốc còn rất nhanh nhạy, linh hoạt trong hoạt động phát hành và bán báo, như Người đã truyền đạt lại kinh nghiệm với anh em viết báo sau này tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16-4-1959) rằng: Cách thứ nhất là bán cho anh em công nhân Việt Nam. Cách thứ hai là gửi những chỗ bán báo lấy hoa hồng tại Pari nhưng “vì là đồng chí với nhau cả, các anh chị ấy bán hộ cho mình mà không lấy hoa hồng và họ bán được khá nhiều”. Với báo gửi đi các thuộc địa thì nhờ anh em thủy thủ Pháp bí mật chuyển hộ, khi bị bọn thực dân cũng dò ra thì phải dùng cách gửi tốn kém hơn nhưng hiệu quả hơn là đồng hồ có chuông mà gửi. Cách thứ tư là trong những cuộc mít tinh, đưa báo ra phát rồi nói: "Báo này nói cho các đồng chí biết bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào. Báo này để biếu thôi, nhưng đồng chí nào có lòng giúp cho báo thì chúng tôi cảm ơn". Kết quả là: nếu đem bán thì 100 tờ báo được 5 francs, nhưng "biếu không" thì có khi được tới 10, 15 francs ([11]). Nguyễn Ái Quốc còn ra sức vận động đồng bào mình đang sinh sống trên đất Pháp ủng hộ báo, với tinh thần nhiều ít đều quý. Nhờ đó, báo được nhiều người Việt Nam ủng hộ, cộng lại được một số tiền lớn. Tính từ đầu đến ngày cuối cùng trước khi Nguyễn Ái Quốc đi Liên Xô, tòa soạn công bố số tiền ủng hộ báo là 692 francs, trong đó có những nhóm công nhân Việt Nam gửi 100 francs, 180 francs ủng hộ báo. Các bạn nước ngoài, có bạn ủng hộ một lần 50 francs, 40 francs và cũng có bạn ở Đông Dương ủng hộ một lần 50 francs ([12]).

Nguyễn Ái Quốc còn mời nhà văn nổi tiếng thế giới Henri Barbusse, người bạn, người thầy đã không ngừng động viên Nguyễn Ái Quốc dũng cảm bước trên con đường của nhà báo cách mạng, đứng ra đỡ đầu cho tờ báo. Biết những người làm báo Le Paria trong bước đầu hoạt động gặp nhiều khó khăn về trụ sở và tài chính, Barbusse quyết định nhường một phần trụ sở của Hội các nhà văn quốc tế “Clarté” do ông thành lập năm 1919 để dùng làm tòa soạn. Phải nói rằng số báo Le Paria đầu tiên ra mắt được bạn đọc ngày 1-4-1922 có phần đóng góp quý báu của Henri Barbusse. Bảy tháng sau, khi sự hoạt động của báo đã đi vào nền nếp, mặt tài chính đã đỡ khó khăn hơn, Nguyễn Ái Quốc mới quyết định ra “ở riêng” tại một cái kho chật hẹp nằm trong phố Marché des Patriarches tại quận 5 của Paris ([13]).

Dù được sự ủng hộ to lớn từ những người bạn công nhân, những bạn đọc yêu quý báo, tờ Le Paria có lúc thiếu hụt tới hàng nghìn francs, như trong cuộc họp ngày 4-4-1923 Nguyễn Ái Quốc đã thông báo. Với quyết tâm để tờ báo phải sống bằng bất cứ giá nào, vì nếu tờ báo bị chết trong lúc này sẽ làm thiệt hại lớn đến công việc tuyên truyền, mà lúc này hơn lúc nào hết đang cần để nhân dân vô sản thế giới chống lại bọn đi bóc lột, Nguyễn Ái Quốc đề nghị tổ chức một buổi quảng cáo cho tờ báo. Và một cách gây tài chính mới cho báo được triển khai là đăng quảng cáo cho các hãng buôn như lịch trình các chuyến tàu biển; giới thiệu đồng hồ LIP; thuốc chữa bệnh; bán các dụng cụ làm cỏ, làm mộc bằng sắt… Những số báo 4 trang thì dành toàn bộ trang 4, có khi cả 1 phần trang 3 đăng quảng cáo.

Tuy nhiên, nói đến những đóng góp to lớn hơn cả của Nguyễn Ái Quốc đối với tờ Le Paria thì không thể không đề cập đến nội dung của những bài báo của Người. Các bài viết của Người đều tập trung vạch trần những tội ác của chủ nghĩa thực dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và nhân dân các thuộc địa khác trên thế giới. Có thể kể ra đây các ví dụ như: Hai bài viết Những kẻ đi khai hoá  Thù ghét chủng tộc, đăng trên báo Le Paria, số 4, ngày 1-7-1922. Bài Những kẻ đi khai hoá tố cáo những hành vi bỉ ổi, những sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi của "những nhà khai hoá" ở cái nơi mà giới báo chí tử tế gọi là "nước Pháp hải ngoại". Bài Thù ghét chủng tộc cho biết: Chỉ vì nói đến đấu tranh giai cấp và sự bình đẳng giữa con người mà đồng chí Luson, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, bị kết án là "thù ghét chủng tộc". Trong khi đó "tình thương yêu giữa các chủng tộc" đã được những tên thực dân, những nhà truyền giáo như Darles, Bert, Bret, Zeffi... "thể hiện" bằng những tội ác dã man đối với dân bản xứ Đông Dương thì chẳng có tên nào bị kết tội, cũng chẳng có ai dám đụng đến chúng. Đó là chưa nói đến tội ác của chính quyền thực dân đã dùng rượu cồn và thuốc phiện để đầu độc và làm ngu muội quần chúng nhân dân ([14]). Và sau đó ở các số tiếp theo là các bài như Khai hoá giết người (số 5), Vụ hành hạ Amđuni và Ben Benkhia (số 8), Một tội ác chống giai cấp vô sản thuộc địa (số 12)… mà chỉ đọc đến tiêu đề thôi cũng đã thấy rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, những hành động tàn bạo, vô nhân đạo của thực dân đế quốc đối với nhân dân các thuộc địa.

Bằng những bài báo sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc và tờ Le Paria đã cho người đọc thấy rõ: Chủ nghĩa thực dân ở đâu cũng man rợ, tàn bạo như nhau, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc bị áp bức là không thể điều hoà và con đường duy nhất để có tự do là phải đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Các bài viết của Người đồng thời ca ngợi tinh thần anh dũng đấu tranh của nhân dân các thuộc địa và chỉ ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức. Có thể nói, với những đóng góp này của Nguyễn Ái Quốc, tờ Le Paria đã thực sự gắn mình với vận mệnh của giai cấp vô sản và nhân dân các thuộc địa. Nó như “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”.

Từ những bài báo đầu tiên cho đến tờ báo Le Paria – tờ báo đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập thời kỳ hoạt động ở Pháp, Người đã bắt đầu mang “nhiều duyên nợ” với báo chí. Từ đây, báo chí trở thành một vũ khí sắc bén để Người sử dụng và phát huy hiệu lực to lớn của nó, kết hợp với các hoạt động khác của Người, chống lại mọi kẻ thù của dân tộc và giai cấp, thức tỉnh và động viên quần chúng đứng lên góp sức vào cuộc đấu tranh giải phóng. Kho tàng các sáng tác của Người thật đồ sộ với hàng nghìn bài báo thuộc nhiều thể loại khác nhau. Với đất nước, các tác phẩm báo chí của Người đã trở thành di sản thiêng liêng, minh chứng cho cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi cũng như tài năng của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Với các nhà báo Việt Nam, những bài nói, bài viết cùng những bài học kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách làm báo, bài học về sự tự học hỏi, tự vươn lên trong nghề vẫn được họ khắc ghi và truyền lại cho những người kế tiếp. Nhớ mãi lời dặn của Bác: “Văn hóa - tư tưởng cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận ấy”, các nhà báo ngày nay luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình và đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp văn hóa nói riêng, xây dựng đất nước nói chung.

VŨ THỊ KIM YẾN, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.187

[2] Tên tiếng Pháp là La Vie Ouvrière

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.168

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.168

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.8, tr.210

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.168

[7] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, H.1969, tr.4    

[8] Tại cuộc họp của Hội liên hiệp thuộc địa diễn ra vào ngày 19/02/1922 đã quyết định ra đời tờ báo Le Paria (Nguyễn Ái Quốc có tham dự cuộc họp này).

[9] Tiêu đề này về sau có thay đổi 4 lần, đến số báo Le Paria cuối cùng (số 38) báo lấy danh nghĩa: “Cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa”.

[10] Từ số 8 (tháng 11-1922) trên báo ghi trụ sở: số 3 phố Marché des Patriarches, Quận 5, Pari.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.168

[12] Nguyễn Thành: Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, H.2005, tr.94

[13] Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 3, Nxb. Hội nhà văn, H.2012, tr.35-40

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.101-102, 103-104.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây