BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


NHỮNG CHIẾN THẮNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN – TIỀN THÂN CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Dưới tài chỉ huy thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đội đã giành chiến thắng giòn giã trong hai Trận đánh đầu tiên tại đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần mở ra truyền thống vẻ vang đánh “trăm trận trăm thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 22-12-1944, thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đã chủ trì buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại Khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Trước ngày thành lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị: "Trong 1 tháng phải có hoạt động, gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội" và đặc biệt “trận đầu ra quân phải đánh thắng”.
 Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng Ban chỉ huy của đội đã bàn bạc và cân nhắc kỹ các phương án, quyết định chọn đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần là điểm ra quân đầu tiên. Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch và địa hình tác chiến, Đội đã dùng kế trá hình thành quân địch, kết hợp với nhân dân địa phương đầy mưu trí và táo bạo.

 Sử dụng chiến thuật “tiến công bằng lối hoá trang kỳ tập” (tập kích), Đội đã mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Hoá trang kỳ tập là lối đánh tốn ít súng đạn, thương vong thấp song hiệu quả chiến đấu cao. Hai trận đánh đầu tiên, ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong đồn, Đội còn thu được nhiều vũ khí, quân trang. Quan trọng nhất là Đội giành thắng lợi theo đúng Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh "trận đầu ra quân phải đánh thắng".
 

z2699077514212 de7cc003c994e95ed5412e6ed3b9a80d

Tranh Đội VNTTGPQ đóng giả lĩnh dõng tấn công đồn Phai Khắt 

Chiều tối ngày 25-12-1944 theo kế hoạch, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn, Đội cải trang thành lính dõng, chia làm hai tiểu đội tiến vào làng Phai Khắt. Đồng chí Thu Sơn (Nguyễn Văn Càng - Tiểu đội trưởng) mặc đồ Kaki đóng giả đội xếp cầm khẩu tiểu liên Mỹ đi đầu cùng hai đồng chí Bế Văn Sắt và Thịnh Nguyên đóng giả làm lĩnh khố xanh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp mặc bộ Kaki đóng giả cai đội. Toán lính dõng do các chiến sĩ cải trang đi từ phía châu Nguyên Bình tiến vào bản (thuộc xã Tam Lộng, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Cả đội chia làm hai cánh quân tiến vào đồn Phai Khắt. Đến bốt gác, đồng chí Thu Sơn chìa tờ giấy có đóng dấu đỏ cho tên lính gác (giấy này là do đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đi công tác qua cơ quan in báo Việt Nam Độc lập tại Lam Sơn - Hòa An đã mượn máy đánh chữ, đánh tờ “Giấy đi tuần” giả, rồi dùng dấu giả đóng vào). Tên lính gác chưa kịp xem thì đồng chí Thu Sơn đã tiến thẳng vào trong đồn. Tiểu đội một theo sau nhanh chóng tiếp cận khu để súng, Tiểu đội hai cũng lập tức tiến vào trong đồn triển khai bao vây, tuyên bố là quân cách mạnh đến chiếm đồn, ai chống cự sẽ bị trừng trị, tất cả số lính có mặt đều phải nghe theo. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng 30 phút, ta đã thu được 17 khẩu súng, một ít đạn, diệt tên đồn trưởng, bắt 17 tên địch.
Trong tâm thế hân hoan chiếm được đồn Phai Khắt, ngay sáng sớm hôm sau, đúng  7h00 ngày 26-12-1944, ta quyết định đánh đồn Nà Ngần thuộc xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Toàn Đội cải trang thành một toán lính dõng, lính khố đỏ đang dẫn giải ba “Cộng sản Mán” bị bắt đến giao nộp cho quan đồn. Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ đội viên đã tham gia đánh đồn Phai Khắt được tăng cường thêm một số ít súng đạn. Đồng chí Thu Sơn cùng Tiểu đội xung phong dẫn ba cộng sản bị trói đến nộp cho quan đồn cùng với lá cờ tam tài (Đội thu được trong trận đánh đồn Phai Khắt). Bọn lính tưởng thật vội bố trí 6 lính và ra xếp hàng đón theo nghi thức nhà binh. Sau khi cả Đội tiến vào đồn, theo kế hoạch đã phân công, bốn chiến sĩ tiến tới gian giữa án ngữ giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Trong lúc đó, Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn, sau đó chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên và hô to: "Chúng tôi là quân cách mạng đến lấy súng của Tây, tất cả giơ tay lên, không sẽ bị bắn" quân lính trong đồn hoang mang giơ tay đầu hàng.

Trận đánh diễn ra trong vòng 15 phút, ta tiêu diệt 5 tên địch, bắt sống 17 tên, kể cả Lý Phó Pảo và bọn binh lĩnh tháo chạy, thu 27 súng, khá nhiều đạn dược và một thanh kiếm. Sau khi thắng trận, toàn Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn cho nhân dân tuyên truyền và thả số lính khố đỏ về địa phương.

 

z2700338143619 11aa215baf570c9b05e6a6eb5e94b5b9

Di tích đồn Nà Ngần nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Trận Phai Khắt và Nà Ngần (diễn ra trong hai ngày 25 và 26-12-1944) là hai trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với hai chiến thắng này cho thấy đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy đã đưa ra kế hoạch tác chiến hợp lý thể hiện tầm nhìn, tư duy quân sự sáng tạo, phù hợp với khả lực lượng và trình độ tác chiến của ta.

Hai trận đánh đã mở đầu cho truyền thống lịch sử hào hùng “trăm trận trăm thắng” của Quân đội ta. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần tuy quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng. Đây là chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam dưới sự tổ chức, chỉ đạo của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần gây tiếng vang mạnh mẽ, làm nức lòng nhân dân, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cuộc đấu tranh vũ trang của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Luân

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây