NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG CỦA BÁC
- Thứ sáu - 23/08/2024 08:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong lúc đang ốm nặng, sắp rời xa thế giới thì mối quan tâm lớn nhất của Người vẫn là “yêu nước, thương dân”, đau đáu nỗi lòng vì đất nước chưa thống nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại vườn hoa Phủ Chủ tịch
Từ ngày 25/8/1969 tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển biến xấu, Bộ Chính trị đề nghị Bác không lên xuống Nhà sàn nữa mà ở hẳn trong Nhà 67 để dưỡng bệnh. Dù là trên giường bệnh nhưng Bác vẫn làm việc, ngày ngày đều đặn nghe báo cáo công việc từ cả hai miền đất nước.
Ngày 28/8, nhịp tim của Bác bắt đầu có dấu hiệu không ổn định. Buổi chiều, Bác như thiếp đi. Sau khi các bác sỹ tiêm thuốc, Bác tỉnh lại. Đôi mắt từ từ mở ra, rồi khẽ mỉm cười khi nhìn thấy đông đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Ngày 29/8, bệnh của Bác không hề thuyên giảm.
Ngày 30/8, bệnh của Bác càng nặng thêm, liên tục đau ngực, rồi Bác hôn mê. Tất cả đều bàng hoàng. Sau khi các bác sỹ cấp cứu hồi lâu, Bác mới từ từ mở mắt, vẻ rất mệt mỏi. Nhìn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác khẽ hỏi: “Chú chuẩn bị tổ chức Quốc khánh năm nay ra sao rồi?”, và nhắc: “Nhớ bắn pháo hoa cho dân vui”. Thủ tướng vô cùng xúc động, báo cáo với Bác mọi việc đã chuẩn bị chu đáo.
Bác lại hỏi: “Lũ sông Hồng đã rút chưa? Cần phải lo cứu dân nếu đê vỡ”. Thủ tướng không dám giấu Bác, báo cáo là lũ vẫn chưa rút hết, rồi mạnh dạn thưa muốn mời Bác lên khu an toàn để tĩnh dưỡng và đề phòng lũ lụt, nhưng Bác không muốn đi đâu cả “dân ở đâu, Bác ở đó”.
Ngày 31/8, Bác muốn ăn cháo, mọi người rất mừng.
Ngày mồng 1/9, sức khỏe Bác có vẻ như khá hơn. Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, Bác nói muốn dự Lễ Quốc khánh khoảng 15 phút để được gặp đồng bào. Nhưng đến cuối buổi chiều, Bác lại rất mệt, nhiều lúc gần như thiếp đi và lần đầu tiên mọi người thấy Bác rên. Những tiếng rên như đứt từng khúc ruột. Tất cả bàng hoàng, lo lắng. Các bác sỹ tập trung cứu chữa. Điện tâm đồ bật lên, màn hình hiện ra toàn tín hiệu xấu. Sau khi uống thuốc, Bác dần tỉnh lại.
Sáng ngày mồng 2/9, bầu trời trở nên u ám. Trong ngôi nhà 67, Bác nằm trên chiếc giường nhỏ đơn sơ, thiếp đi. Xung quanh, y bác sỹ và các đồng chí trong Bộ Chính trị luôn túc trực trong niềm lo âu chồng chất. Đột nhiên Bác đưa tay ôm lấy ngực, bắt đầu cơn đau dữ dội, các bác sỹ vội tới cấp cứu. Máy điện tim mở gấp nhưng những tín hiệu chỉ còn thoi thóp.
Các tín hiệu vụt tắt. Đồng hồ chỉ 9 giờ 47 phút.
Những giây phút cuối cùng của Bác
Đúng ngày 02/9/1969, Bác Hồ đã ra đi mãi mãi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Tin Bác Hồ muôn vàn kính yêu của nhân dân ta không còn nữa truyền đi nhanh chóng. Cũng như người dân trên khắp đất nước Việt Nam, nhân dân các dân tộc Cao Bằng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự mất mát quá lớn này. Chỉ sau nửa ngày, từng hợp tác xã, các cơ quan, xí nghiệp, các nông trường, lâm trường, trường học, các đơn vị bộ đội, các gia đình đã lập bàn thờ viếng Hồ Chủ tịch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên đặc biệt quyết định “toàn Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng để tang Bác bảy ngày”, thành lập Ủy ban lễ tang của tỉnh, tổ chức trọng thể lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cử đoàn đại biểu về Thủ đô Hà Nội viếng và túc trực bên linh cữu Bác.
Trong niềm tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn, ngày 6/9/1969, Tỉnh ủy cùng nhân dân Cao Bằng đã cử hành trọng thể Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ suối Lê Nin - Pác Bó (Hà Quảng) - nơi Người đã sống và làm việc những ngày đầu về nước. Nhân dân Pác Bó mặc trang phục đại tang để tiễn đưa Bác. Trong những ngày tháng Bác hoạt động cách mạng tại Pác Bó, người dân đã yêu quý Bác như người thân trong gia đình, vì vậy khi Bác mất người dân Pác Bó để tang Bác theo đúng tục lệ của địa phương. Đoàn người đứng trang nghiêm tiếc thương thả những bông hoa trắng xuống dòng suối Lê Nin tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng.
Nhân dân Cao Bằng tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ suối Lê Nin
Đã 55 trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến những câu chuyện về Bác, đặc biệt là những giờ phút cuối cùng, trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại dâng lên niềm xúc động. Để tưởng nhớ tới Bác Hồ kính yêu, mỗi người sẽ có những hành trình tới những nơi lưu giữ dấu ấn về Người. Tại quê hương cách mạng Cao Bằng có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó là nơi lưu giữ lại những sự kiện lịch sử quan trọng của Trung ương Đảng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1941 – 1945. Pác Bó chính là “cái nôi của cách mạng” là đích đến của những hành trình “về nguồn” của bao thế hệ người dân Việt Nam để thể hiện lòng biết ơn vô hạn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Nhớ về Bác, mỗi người dân Việt Nam càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu thực hiện những lời căn dặn của Người, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển vững mạnh./.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng)