BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


Quần thể di tích chùa Đà Quận - nơi lưu giữ Bảo vật Quốc gia

Cao Bằng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, phong cảnh núi non hùng vĩ cùng nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Đền, chùa nơi đây gắn liền với quá trình phát triển lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trở thành niềm tự hào của Non nước Cao Bằng. Trong đó, quần thể di tích Đà Quận, xã Hưng Đạo (Thành phố), nơi lưu giữ đôi chuông cổ được công nhận là Bảo vật Quốc gia có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và văn hóa.
quan the 1
Quần thể di tích chùa Đà Quận. Ảnh: Thế Vĩnh
 

Quần thể di tích Đà Quận bao gồm 3 di sản văn hóa vật thể được xếp hạng, đó là chùa Viên Minh, đền Quan Triều (đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2008) và đôi chuông “Thần chung” được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2016.

Chùa Đà Quận (chùa Viên Minh) có từ thời Lý, vì trong chùa có hai câu đối như sau: “Viên Minh thắng tích hưng tiền Lý/Đà Quận thần chung chú Hậu Lê”. Tạm dịch: Thắng tích Viên Minh được khởi dựng trước, vào thời Lý/Chuông thần Đà Quận được đúc sau, vào thời Lê. Đôi câu đối này, như nghĩa của nó, cũng là phản ánh truyền ngôn trong dân gian về lịch sử ngôi chùa. Chùa là một quần thể hoàn chỉnh, kiến trúc thống nhất mở đầu bằng tam quan và kết thúc bằng gác chuông. Kiến trúc trang trí ở đây lấy cái ý: “sắc sắc không không của Phật giáo làm gốc”. Đối diện với chùa là đền Quan Triều.

Tương truyền, đền Quan Triều được xây dựng từ thời nhà Lý, đời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175). Trải qua thời gian và do biến cố của lịch sử, đền đã bị hoang phế hoàn toàn, đến khi nhà Mạc lên đất Cao Bằng đóng đô đã cho trùng tu lại, nay chỉ còn nền móng cũ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhân vật lịch sử của Di tích lịch sử văn hóa đền Quan Triều là Dương Tự Minh, người dân tộc Tày, quê ở đất Bản Danh, xã Quan Triều, phủ Phú Lương (đạo thừa tuyên Thái Nguyên). Dương Tự Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha là quan châu mục, thủ lĩnh một đội dân binh Tày, từng đánh trận Ung Châu, trận sông Như Nguyệt, một võ quan của triều đình nhà Lý ở đất Bản Danh, xã Quan Triều, phủ Phú Lương, nay là xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Làm quan phủ, Dương Tự Minh được muôn dân kính trọng bởi sự thanh liêm và đức độ. Với chính sách “nhu viễn” và mối thân tộc ràng buộc, một miền biên cương rừng núi trập trùng nơi các đầu mục Tày, Nùng trấn giữ, nơi tiếp giáp với nhà Tống nhờ tay Tự Minh mà triều đình Lý có thể trị quản. Nhưng sau đó, triều đình rối ren, quan lại lộng quyền, Dương Tự Minh vì lòng chính trực mà bị gian thần trả thù. Dương Tự Minh bị vua Anh Tông đày đi nơi rừng sâu, nước độc ở chân núi Đuổm, phủ Phú Lương.

Vị chủ tướng oai hùng năm xưa trở thành “ông già núi Đuổm”, nhưng chính cái tên hiền lành đơn sơ ấy cùng với những kỳ tích năm xưa mãi mãi khắc sâu danh tiếng anh hùng Dương Tự Minh trong lịch sử. Khi hai vợ chồng ông qua đời (ông và công chúa Thiều Dung), triều đình cho lập đền miếu để thờ ông và được truy phong là Trung đẳng thần. Ở Cao Bằng cũng lập đền thờ Dương Tự Minh (đền Quan Triều) ở xã Xuân Lĩnh, châu Thạch Lâm (tức xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng ngày nay) và đã được phong Mỹ tự: “Quan Triều -  Hồng Liên công chúa thông diệu linh cảm, trợ quốc trấn biên, hoài phục tụy lĩnh, phụng công vĩ liệt đại vương”.

Chùa Viên Minh là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của tỉnh, giá trị lịch sử lâu đời ấy được khắc ghi tại đôi chuông đang hiện diện tại đây. Năm 1993, đôi chuông này có giá trị nghệ thuật điêu khắc. Với những giá trị đặc sắc, năm 2016, đôi chuông được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Nội dung bài minh trên Bảo vật Quốc gia cho chúng ta biết, nguyên vật chuông chùa Viên Minh được đúc năm Càn Thống Tân Hợi (1611) và ngôi chùa là một “cổ danh lam”.

Có thể hiểu rằng, tác giả bài minh rất tự hào với mảnh đất Cao Bằng của nước Nam Việt. Nơi đây cảnh thú thanh lịch, có chùa Viên Minh, đền thần và cung điện lầu cao gác đẹp, có chuông chùa hằng ngày đánh lên vang động không trung... Nội dung bài minh còn cho thấy, tác giả rất đề cao nhà Mạc, hội tụ được nhân tài. Điều đó cho thấy chuông chùa Đà Quận được đúc khi nhà Mạc đang chiếm giữ đất Cao Bằng và đóng đô tại đây. Hai quả chuông và đền chùa xây dựng ở đó chính là Quốc miếu và Quốc tự nhà Mạc thời bấy giờ, với sự huy động vật lực và tài lực lớn cho việc đúc chuông, vì vậy mà  có kích thước rất lớn.

Quả chuông to cao 1,75 m, miệng rộng 1,07 m; quả chuông nhỏ cao 1,55 m, miệng rộng 0,95 m. Cả hai đều đúc bằng hợp kim đồng, lâu ngày đã ngả sang màu gang. Quả chuông to ở bồ lao treo bị cưa mất một chân rồng. Quả chuông nhỏ ở thân thủng một lỗ (dân địa phương kể rằng: tiếng chuông kêu vang to quá làm mọi người trong bản mường mất ngủ, do đó họ đục đi cho bớt vang). Cả hai quả chuông đều có dáng rất mập, khỏe, hình khối căng bầu. Những con rồng trên chuông có mào dài, sừng ngắn, thân mập. Dáng dấp chuông và trang trí chuông mang chất điêu khắc nối khối, chân chất, thoáng đãng, mộc mạc.

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc qua các công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở đây phản ánh phong phú đời sống tinh thần của nhân dân từ xa xưa. Trải qua thời gian, di tích vẫn mang dấu ấn tôn giáo, tín ngưỡng. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nơi đây được địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện lòng thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh nét tài hoa, trí tuệ của cha ông, góp phần tạo nên hình ảnh về non nước Cao Bằng.                            

 

Nguồn tin: baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây