BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


SỰ SÁNG SUỐT CHỌN PHƯƠNG ÁN ĐÁNH CỨ ĐIỂM ĐÔNG KHÊ ĐỂ MỞ MÀN TRONG CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI NĂM 1950 CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Thắng lợi của chiến dịch Biên giới năm 1950 là minh chứng khẳng định tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến dịch chọn mở màn trận đánh cứ điểm Đông Khê giành thắng lợi và đây là trận đánh tiêu biểu mang cấp chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiến dịch Biên giới 1950 là chiến dịch có tầm quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, là chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của chiến dịch Biên giới năm 1950 là minh chứng khẳng định tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc Phòng, Tổng Tư lệnh quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy mặt trận, chỉ huy trưởng chiến dịch.

Đầu năm 1950, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến có lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam: Trung Quốc (18/01/1950), Liên Xô (ngày 30/01/1950) và các nước dân chủ Nhân dân công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cục diện trên chiến trường giữa ta và địch chuyển sang thế cầm cự giằng co. Đặc biệt sau chuyến công tác bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1950, sang Liên Xô, Trung Quốc đã thỏa thuận với Chủ tịch Hồ Chí Minh một số giải pháp hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của ta. Trước tình hình đó, tháng 6/1950 Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Biên giới lấy tên là chiến dịch Lê Hồng Phong II. Mục đích:“ Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới phía bắc nước ta, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa việt bắc, tiến tới giành quyền chủ động trên chiến trường chính”. Tuy nhiên việc lựa chọn hướng chính của chiến dịch vẫn chưa thống nhất. Tháng 7/1950 đã thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới gồm các đồng chí: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy mặt trận, chỉ huy trưởng chiến dịch; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu trưởng làm chỉ huy trưởng chiến dịch; đồng chí Phan Phác - Tổng tham mưu phó làm tham mưu phó chiến dịch; đồng chí Lê Liêm - Chủ nhiệm phòng chính trị chiến dịch; đồng chí Lê Quang Tạo - Phó chủ nhiệm phòng Chính trị; đồng chí Trần Đăng Ninh - Tổng cục trưởng tổng cục cung cấp làm chủ nhiệm phòng Cung cấp; đồng chí Bùi Quang tạo - phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính liên khu Việt Bắc làm phó chủ nhiệm phòng cung cấp. Tháng 8/1950 Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới lên Cao Bằng và đặt sở chỉ huy chiến dịch tại nhà ông Lã Văn Ho, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hòa), tỉnh Cao Bằng. Với tầm quan trọng của chiến dịch Biên giới, được sự phân công của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân và dân chiến đấu. Ngoài ra chiến dịch còn được sự giúp đỡ tích cực về vũ khí, lương thực từ chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là đoàn Cố vấn quân sự bên cạnh hỗ Bộ chỉ huy chiến dịch của ta.

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ thị:Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!”. Thường vụ Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh lại quyết tâm: “Phải thực hiện cho bằng được những nhiệm vụ chiến dịch đã nêu ra ở trên” Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao “trọng trách đặc biệt” với quyền hạn lãnh đạo, chỉ huy lớn. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để Đại tướng có những quyết đoán mang tính độc lập sáng suốt, thể hiện tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng. Để bảo đảm trận đầu ra quân chắc thắng, tránh sự chủ quan khinh suất, ngày 05/8/1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ cơ quan tham mưu trực tiếp đi trinh sát nghiên cứu thực địa Cao Bằng. Tư lệnh đã đi quan sát gần trọn một ngày hệ thống cứ điểm phòng ngự của địch trong Thị xã Cao Bằng, gần nhất là sân bay Nà Cạn nằm bên tả ngạn Sông Bằng. Ngoài ra, xung quanh còn nhiều bãi phẳng, đồi trọc, những địa điểm lý tưởng để quân địch thả dù ứng cứu. Thị xã như một bán đảo nằm giữa sông Bằng và sông Hiến, ba mặt nước bao quanh đến tháng 10 vẫn chưa hết lũ. Một trận mưa to có thể nước dâng tràn lên ngập bờ. Chỉ có một chiếc cầu sắt duy nhất vắt qua sông Bằng đi từ hướng Đông vào Thị xã. Riêng hướng nam theo đường số 4 ngược lên không phải qua cầu thì lại vấp phải rất nhiều ngôi nhà dân với những công sự nổi và chìm kiên cố. Quanh pháo đài là những bãi mìn, những lớp hàng rào kẽm gai dày đặc và các lô cốt tiền tiêu như những con mắt lợi hại phóng nhanh ra các hướng, phát hiện từ xa mọi cuộc tiến công, chỉ điểm đắc lực cho Pháo Binh. Đại tướng nhận thấy: Địch ở Thị xã Cao Bằng có lực lượng khá đông (gồm hai tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ), có hệ thống công sự trận địa phòng thủ rất kiên cố; nếu ta cố đánh sẽ gặp khó khăn to lớn, bộ đội thương vong nhiều. Mặt khác, khi ta giải phóng Thị xã Cao Bằng, nhiều khả năng địch sẽ không đưa quân tái chiếm. Trong khi đó, nếu chuyển hướng xuống đánh Đông Khê (cách Thị xã Cao bằng 40 km về phía Đông) là nơi địch yếu hơn (chỉ khoảng một tiểu đoàn chốt giữ) thì vừa bảo đảm chắc thắng, vừa dễ kéo quân viện từ Thất Khê lên giải tỏa, đồng thời buộc địch từ Cao Bằng rút về, ta có điều kiện vận động tiêu diệt phần lớn quân địch ngoài công sự. Sau buổi đi thị sát Cao Bằng trở về, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi cán bộ xung quanh: “có đánh được Cao Bằng không?”. Với ý nghĩa đánh một cách chắc thắng, cán bộ tham mưu mặt trận ai cũng cảm thấy khó đánh, nhưng không ai dám nói ra cụ thể như thế nào. Qua các câu hỏi của Đại tướng thì đã biết đồng chí suy nghĩ về những khó khăn, trở ngại lớn, cần cân nhắc xem bộ đội ta đã đủ sức vượt qua chưa nếu đánh thẳng vào Thị xã Cao Bằng. Tiến công vào đây, chắc chắn bộ đội ta sẽ phải vượt qua sông lớn với dự kiến mức lũ dâng cao trong lúc này trang bị vượt qua sông còn thiếu thốn. Mặt khác, công phá thành cổ Cao Bằng kiên cố như một pháo đài với hệ thống hầm ngầm phức tạp nhiều ngõ ngách khó có thể dứt điểm được trong thời gian ngắn. Nếu kéo dài trận đánh, kẻ địch với ưu thế tuyệt đối trên không, trên sông, có thể cho nhảy dù xuống bịt các bến vượt, tập kích vào sau đội hình của ta, kết hợp dùng máy bay oanh tạc ngăn chặn. Vấn đề trên được đưa ra thảo luận ở hội nghị Đảng ủy mặt trận ngày 16/8/1950. Việc lựa chọn đánh vào Cao Bằng trước, chưa đảm bảo chắc thắng, nên đánh vào Đông Khê trước, chiếm lấy cứ điểm địch, kéo viện binh địch ở Lạng Sơn lên để chúng lọt và thế trận mà ta đã bày sẵn để tiêu diệt. Mục đích của chiến dịch này phải lấy việc tiêu diệt sinh lực địch làm chính. Nếu tiêu diệt được nhiều sinh lực địch thì không đánh vào cứ điểm chính của địch vẫn giải phóng được Cao Bằng.

Từ nhận định đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị thay đổi phương án tác chiến, đó là: Đánh Đông Khê trước để mở màn chiến dịch. Chiến dịch sẽ thực hiện theo hai bước: Bước thứ nhất, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, đồng thời đánh địch ra ứng cứu Đông Khê bằng cả đường bộ và đường không; sau đó chuyển lực lượng xuống đánh Thất Khê hoặc đánh địch vận động quanh Thất Khê. Bước thứ hai, sau 10 - 15 ngày nghỉ ngơi chỉnh đốn, bộ đội sẽ chuyển lên đánh Cao Bằng. Phương châm chiến dịch là “đánh điểm diệt viện”. Tuy nhiên, trong Đảng ủy Mặt trận cũng có ý kiến cho rằng: Thường vụ Trung ương Đảng đã có quyết định đánh Cao Bằng, mọi công tác chuẩn bị về tham mưu, hậu cần đã hướng cả về Cao bằng, nếu bây giờ thay đổi, chiến dịch sẽ bị chậm lại!

Với trọng trách đặc biệt được giao, ở thời khắc lịch sử quan trọng này Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết đoán: “Thường vụ quyết định mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch quan trọng, giải phóng Cao Bằng để mở thông biên giới. Chủ trương mở đầu chiến dịch bằng đánh Cao Bằng là do Tổng Quân ủy đề xuất. Nếu thấy mở đầu chiến dịch như vậy không bảo đảm thực hiện mục tiêu chiến dịch, ta cần báo cáo xin quyết định của Thường vụ. Trong khi chờ sự chỉ đạo của Trung ương, mọi công tác chuẩn bị vẫn tiếp tục” .

Phương án mới được chỉ huy trưởng thay mặt Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận báo cáo trực tiếp với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở sở chỉ huy chiến dịch. Nghe xong, Người chưa phát biểu ngay mà còn hỏi lại một số cán bộ trong Bộ chỉ huy và cơ quan tham mưu mặt trận. Sau đó Người nhận định: "Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu. Nhưng đây lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê buộc địch phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội tiêu diệt chúng trong vận động". Việc đề nghị mở màn chiến dịch bằng trận đánh Đông Khê đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận, sau đó được chính thức phổ biến thông qua trong Nghị Quyết của Đảng ủy chiến dịch ngày 21/8/1950. Phương án tác chiến mới cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của đoàn cố vấn Trung Quốc.
 

13 (13 đk) Đại tướng báo cáo phương án đánh cứ điểm Đông Khê với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng ngày 13/9/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch rời sở chỉ huy tại nhà ông Lã Văn Ho sang xã Đức Long huyện Thạch An trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Tại xã Đức Long, Bộ chỉ huy chiến dịch được đặt tại nhà ông Vi Văn Cắm (xóm Cốc Đứa). Đây là trung tâm chỉ huy trực tiếp ngoài mặt trận của chiến dịch (Sở Chỉ huy tiền phương), nơi tập trung cơ quan đầu não của Bộ chỉ huy chiến dịch bàn bạc, quyết định trận đánh mở màn chiến dịch Biên giới. Tại đây tập trung mọi thông tin liên lạc của các trận đánh. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, theo phương án đã lựa chọn, sáng ngày 16/9/1950, ta sử dụng hai trung đoàn bộ binh (174 và 209) được tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh (11, 426) tiến công cụm cứ điểm Đông Khê. Địch dựa vào hệ thống công sự chống cự quyết liệt. Sau 3 ngày liên tục chiến đấu, sáng ngày 18/9/1950, ta tiêu diệt toàn bộ quân phòng ngự, kết thúc thắng lợi trận then chốt mở màn chiến dịch, tạo ra thời cơ rất thuận lợi đánh quân địch tiếp viện ứng cứu. Thắng lợi mở đầu này cũng khẳng định quyết định thay đổi hướng mở đầu chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đúng đắn, sáng suốt, là bài học rất quý báu cho các cấp lãnh đạo, chỉ huy của quân đội. Trận đánh cứ điểm Đông Khê giành thắng lợi đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4, phá vỡ sự liên kết giữa phân khu Cao Bằng và phân khu Thất Khê của địch. Trận đánh cứ điểm Đông Khê là trận đánh công kiên đầu tiên áp dụng thành công chiến thuật công kiên cấp trung đoàn, có sự hiệp đồng giữa các binh chủng, tập trung tiêu diệt một cứ điểm lớn của địch phòng ngự kiên cố, hỏa lực mạnh. Đây là trận đánh tiêu biểu mang cấp chiến dịch của quân đội nhân dân Việt Nam. Sau 29 ngày đêm chiến đấu liên tục từ ngày 16/9/1950 đến 14/10/1950 chiến dịch Biên giới 1950 kết thúc thắng lợi. Ta đã đánh và tiêu diệt gồm 10 tiểu đoàn địch, bằng 41% lực lượng cơ động chiến lược Pháp trên toàn cõi Đông Dương, loại khỏi vòng chiến đấu 8.296 tên bắt toàn bộ ban chỉ huy binh đoàn Le Pa-giơ và Sác-tông cùng ban chỉ huy cứ điểm Đông Khê, thu 3.000 tấn vũ khí, giải phóng hoàn toàn biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn). Suốt 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975), hiếm có một chiến dịch nào đánh tiêu diệt hay và gọn quân địch trong vận động như chiến dịch Biên giới năm 1950.

Chiến dịch Biên giới thắng lợi là minh chứng khẳng định tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là: nắm chắc tình hình địch - ta, tìm cách đánh phù hợp nhất để giảm thiểu tổn thất hy sinh của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, mà vẫn hoàn thành mục tiêu cao nhất đề ra. Tài thao lược, phong cách cầm quân ấy đã làm nên “vị tướng huyền thoại” của Quân đội nhân dân Việt Nam; và được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hiện ở mức độ cao nhất, rõ nhất trong chiến dịch Điện Biện Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.

72 năm đã trôi qua, song Chiến dịch Biên giới năm 1950 sẽ mãi là dấu mốc quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thắng lợi ấy là minh chứng góp phần khẳng định tài thao lược quân sự, đường lối kháng chiến độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo của Trung ương Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Đặc biệt là việc lựa chọn hướng đột phá chiến dịch lớn bao giờ cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng mà chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng suốt lựa chọn.

Tác giả bài viết: Nông Thị Liễu

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây