BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


TẤM LÒNG NHÂN ÁI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI TÙ BINH TRONG CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI NĂM 1950

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị phải cứu chữa tận tình cho các thương binh địch, không được để tù binh thiếu ăn. Tình thương bao la của Bác không chỉ dành cho thương binh của ta mà còn dành cho những tù binh Pháp bị bắt trong chiến dịch.

Sau khi cách mạng tháng 8 thành công nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được ra đời, chính quyền non trẻ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến kêu gọi toàn dân đứng lên chống Pháp xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc.

Để tranh thủ thời gian giành thế chủ động về mặt quân sự, đầu tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại Định Hóa (Thái Nguyên) đã quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950 mang tên chiến dịch Lê Hồng Phong II. Đây là chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Mục đích của chiến dịch là: ''Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới phía Bắc nước ta, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, tiến tới giành quyền chủ động trên chiến trường chính...''. Với tầm quan trọng của chiến dịch Biên giới, được sự phân công của Trung ương Đảng, đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân và dân chiến đấu. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận làm cho mọi người càng thấy sâu sắc ý nghĩa quan trọng của chiến dịch và là nguồn cổ vũ động viên tinh thần lớn lao, lan truyền trong sâu thẳm toàn thể cán bộ, bộ đội, dân công.

Trước đó phương án ban đầu là đánh thẳng vào thị xã Cao Bằng - 1 cứ điểm phòng ngự vững chắc của địch. Nhưng sau đó đồng chí Võ Nguyên Giáp - chỉ huy trưởng Chiến dịch Biên Giới đã đi thực địa đài quan sát và nghe báo cáo chi tiết về tình hình chiến sự, tập trung trao đổi, phân tích tình hình quân ta không thể đánh thẳng vào cứ điểm phòng ngự vững chắc của địch. Vì vậy đồng chí Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến: đánh vào cứ điểm Đông Khê - chỗ “hiểm yếu” của địch đảm bảo giành thắng lợi. Đúng 6h sáng ngày 16/9/1950 ta nổ súng tiến công cứ điểm Đông Khê. Mở đầu là đội pháo binh chiếm lĩnh trận địa chuẩn bị pháo kích mở đợt phá khẩu đánh chiếm pháo đài Đông Khê. Sau đó là sự hỗ trợ của Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 tấn công vào cứ điểm Đông Khê. Đến 10h sáng ngày 18/9/1950, sau 54 giờ chiến đấu kiên quyết, bộ đội ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Đông Khê. Sau chiến thắng Đông Khê, số tù binh Pháp bị bắt trong trận đánh cứ điểm là hơn 300 tên lính đã được quân ta áp giải đến giam giữ tại khu Đồn cũ của Pháp thuộc làng Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Thời gian ở tại xã Đức Long, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới đây để gặp và nói chuyện với các tù binh Pháp. Tình thương bao la của Bác không chỉ dành cho thương binh của ta mà còn dành cho những tù binh Pháp bị bắt trong chiến dịch này.
 

z3714784317812 2d27573da381725d87cef75e0516a93c

Tù binh Pháp cảm phục trước tấm lòng nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để có thể nói chuyện gần gũi thân mật Người đã đóng giả là một chiến sĩ già bị thương ở mặt đến gặp và nói chuyện với viên Đồn trưởng đồn Đông Khê là tên quan Ba-a-li-úc (Allioux) và hai sĩ quan Pháp bị giam giữ tại đây. Bác nói bằng tiếng Pháp: “Tôi tự giới thiệu, tôi là Việt Kiều ở Pháp đã tham gia cùng nhân dân Pháp chống phát xít Đức. Nghe lời kêu gọi của chính phủ Hồ Chí Minh, tôi về nước cùng đồng bào tôi kháng chiến. Còn các anh đến đây làm gì?”. Tên quan tư trả lời: “Chúng tôi đến đây theo lệnh của cấp trên”. Bác nhấn mạnh và nói: "Các anh là những kẻ thực dân, nhân dân Việt Nam chống đế quốc Pháp xâm lược bảo vệ Tquốc mình, cũng như nhân dân Pháp chống phát xít Đức trước đây. Bây giờ các anh bị bắt làm tù binh, các anh phải tuân theo những quy định của trại. Sau này các anh có thái độ tốt tôi sẽ nghiên cứu cho các anh hồi hương. Các anh có ý kiến gì thì gửi lên tôi theo địa chỉ: Nguyễn Thắng - Cố vấn Chính trị mặt trận". Sau đó Bác hỏi thăm sức khỏe của các tù binh bị thương, căn dặn các chiến sĩ coi trại tù phải chăm sóc tốt cho thương binh đang bị giam giữ. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cởi áo khoác của mình khoác cho một sĩ quan Pháp bị thương nặng. Sau buổi gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một sĩ quan tù binh viết thư về cho vợ, trong thư có đoạn viết: “Ôi! Kẻ địch của chúng ta có tâm hồn của một kẻ chiến thắng”. Với tấm lòng khoan dung, nhân đạo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa được quân địch, dù mới vài ngày trước đây họ vẫn là những kẻ thù không đội đời chung của chúng ta.

Sau chiến thắng Biên giới 1950 ta đã tiêu diệt gần 10 tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu 8.296 tên (bắt sống 3.576 tên) trong đó có tới 3.000 tên là lính Âu Phi, số còn lại là lính Ngụy, lính Lê Dương và giam giữ chúng tại xóm Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Mặc dù là tù binh bại trận nhưng chúng được Ban chỉ huy rất quan tâm, đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị phải cứu chữa tận tình cho các thương binh địch, không được để tù binh thiếu ăn. Quan ba Vô-le là chỉ huy phó Đồn Đông Khê được chăm sóc kỹ lưỡng, cảm động trước tình cảm của quân dân Việt Nam, sau này ông đã viết trong hồi ký: “Sự giam giữ này không phải là sự trừng phạt mà là cơ hội cho những tù binh biến cải trở thành những chiến sỹ hòa bình”.

Theo sự dặn dò của Bác Hồ, các y, bác sỹ, cán bộ y tế của ta đã tận tình cứu chữa cho thương binh của địch, không để tù binh thiếu ăn trong lúc đó, lương thực cũng như thuốc men của ta không hề dư dật. Đồng chí Cao Văn Khánh phó Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ trao trả tù binh cho Pháp tại Thất Khê. Trước hôm trao trả tù binh, đồng chí đã tổ chức một đêm lửa trại theo kiểu hướng đạo sinh để mừng chiến thắng đồng thời gây ấn tượng với thương binh địch. Đêm lửa trại mọi người đều hát bài ca Cách mạng, thương binh địch thì hát theo tiếng của nước họ. Rồi bỗng có một thương binh hô to “ vive Hồ Chí Minh” (Hồ Chí Minh muôn năm), sau đó tất cả thương binh đồng loạt hô theo “vive Hồ Chí Minh”. Điều đó nói lên tình cảm kính trọng, nể phục của tù binh Pháp dành cho Bác. Trên đường dẫn tù binh về trạm Thất Khê đi qua Nà Lạn, gần Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới ở xã Đức Long, đoàn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi nhìn các tù binh đi chân đất Bác đã phê bình bộ đội của ta đã không chú ý mà để tù binh đi chân trần. Bác nói, người Phương Tây không có thói quen đi chân đất, nếu không được mang giày dép, họ sẽ đi lại rất khổ sở. Nếu sợ tù binh bỏ chốn, thì cho họ đi tất cũng được. Thế mới biết cách đối nhân xử thế của Bác thật đáng khâm phục và hợp lòng người. Sự quan tâm chăm sóc chu đáo đã cảm hóa các thương binh Pháp, khiến cho họ biết được mục đích xấu xa của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà chính họ đang tiến hành ở Việt Nam. Từ đó phong trào phản đối, kêu gọi, chấm dứt chiến tranh ngày một lan rộng ngay tại chính nước Pháp, góp phần thúc đẩy cho cuộc đấu tranh của nhân ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Sự chăm sóc ân cần cứu chữa của quân dân ta đã giác ngộ cho họ về tình cảm con người, tình yêu hòa bình quốc tế.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ và đầy hy sinh, Bác cũng thực hiện một chính sách nhân đạo đối với các tù binh của quân đội Pháp, nuôi dưỡng họ trong hoàn cảnh chính những chiến sĩ của mình còn đói, rét, thiếu thuốc men. Do chính sách binh vận tốt nên nhiều tù binh Pháp và Đoàn quân Lê Dương cũng như những lính thuộc địa đã tình nguyện đi theo kháng chiến. Trải qua truyền thống đấu tranh giữ nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam cũng đã có rất nhiều đại anh hùng dân tộc cũng có tư tưởng nhân ái, nhân đạo để thu phục quân địch. Trong đó phải kể đến tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi được biểu hiện ở lòng thương người, ở sự khoan dung độ lượng đối với cả kẻ thù. Nguyễn Trãi đã thực hiện tư tưởng “Tâm công” trong kháng chiến chống Minh. Ông đã dùng lý lẽ tác động vào tinh thần, vào ý thức kẻ địch, nói rõ điều hơn lẽ thiệt, thuyết phục, cảm hoá, từ đó đập tan tinh thần chiến đấu của chúng, làm cho chúng nhụt ý chí xâm lược, rã rời hàng ngũ, tiến tới chấp nhận con đường hoà giải, rút quân về nước. Có thể nói, đó là một tinh thần nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh sâu sắc và đến thời đại Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được kế thừa và phát huy. Từ những hành động nhỏ đã khiến cho những tù binh cũng phải tâm phục khẩu phục bởi tấm lòng nhân ái bao dung vị tha Bác dành cho họ.

Chiến dịch Biên giới năm 1950 kết thúc thắng lợi nhiều bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra để tiếp tục phát huy trong các chiến dịch tiếp theo. Và tình cảm nhân đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tù binh Pháp sẽ luôn luôn được nhắc mãi và ca ngợi trong lòng bạn bè thế giới. Người cách mạng là phải biết yêu thương con người, đó là một tình cảm rộng lớn, trước hết giành cho những người cùng khổ, bị áp bức không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo theo tư tưởng nhân đạo, nhân ái mà Bác đã thực hiện./.

Tác giả bài viết: Nông Thị Liễu

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây