BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


TÌNH CẢM CỦA BÁC HỒ VỚI THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG

Bác Hồ - Người luôn dành hết tình yêu thương cho hết thảy, cho muôn loài. Người “yêu từng ngọn cỏ mỗi nhành cây”. Trong Di chúc của mình, Bác còn: “Để lại muôn vàn tình yêu thương cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.

Trong muôn vàn tình thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nhân dân, dân tộc, Người luôn dành cho thiếu niên nhi đồng với một tình yêu thương đặc biệt. Sinh thời Bác từng nói: Bác coi cả nhân dân ta là gia đình của Bác, mỗi thanh niên, thiếu niên nhi đồng đều là con của Bác. Dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác luôn dành thời gian, tình cảm để quan tâm chăm sóc cho các cháu nhỏ. Đã có rất nhiều câu chuyện kể đáng nhớ về tình cảm đặc biệt này, trong những năm tháng khi hoạt động ở Cao Bằng người dân nơi đây luôn nhắc đến câu chuyện Bác tắm cho các cháu nhỏ Pác Bó khi bà con làng Pác Bó sang lánh nạn ở Sum Đắc (thuộc địa phận Trung Quốc).

Sau một thời gian hoạt động ở Pác Bó, đến cuối tháng 3 năm 1942 phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển rầm rộ, để tiện cho việc chỉ đạo, Bác và các đồng chí cán bộ Trung ương đã rời Lán Khuổi Nặm xuống hoạt động tại căn cứ địa Lam Sơn, huyện Hòa An. Ngày 13 tháng 8 năm 1942, với tên gọi Hồ Chí Minh, Bác Hồ cùng đồng chí Lê Quảng Ba lên đường sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng đồng minh. Mục đích chuyến đi là đến Trùng Khánh gặp đoàn đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc do Chu Ân Lai dẫn đầu để trao đổi về công cuộc chống Nhật. Khi Bác đến phố Túc Vinh (huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây) thì bị tuần cảnh ở trụ sở của Quốc dân Đảng bắt giữ với lý do một số giấy tờ của Bác đã quá thời hạn sử dụng (cấp năm 1940). Bác bị chúng giải qua 18 nhà lao thuộc 13 huyện thị tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Sau khi được thả tự do ở Liễu Châu từ ngày 10 tháng 9 năm 1943, Bác vẫn bị quản thúc tại khách sạn Nam Dương thuộc thành phố Liễu Châu. Đến tháng 9 năm 1944 thì Bác rời Liễu Châu về nước. Bác theo đường mòn về với nhân dân Pác Bó khi đó đã lánh nạn sang Sum Đắc thuộc địa phận huyện Trịnh Tây - Trung Quốc. Bà con Pác Bó sang đây ăn ở tập thể, làm tập thể, cuộc sống của bà con ở đây rất khổ cực. Vì bận công việc nên bố mẹ các cháu nhỏ không chăm sóc và vệ sinh cho các cháu. Đó chính là nguồn gốc của câu chuyện Bác Hồ tắm cho các cháu nhỏ do Dương Chí Nần kể được Ban Văn Thuật ghi trong bài viết Ngày ấy trích cuốn Bác Hồ – Hồi ký của Hội văn nghệ Cao Bằng năm 1990:

“Có một buổi trưa, ông cụ xách dậu than, vai vác cuốc đi ra chỗ nguồn nước. Bọn trẻ con chúng tôi chạy theo sau. Thấy ông cụ quét đống lá cây mục rơi đầy trên vũng nước, có đứa hỏi:

- Ông làm gì?
- Ông đào vũng nước rộng thêm

Ông cụ khơi một khe nhỏ cho nguồn nước chảy ra đó. Khe cũ cạn nước, ông cụ cuốc một cái hố tròn sâu xuống, to hơn cái dậu một tí. Phía trước ông cụ đào hai cái hố tròn, mỗi hố bằng vũng trâu đầm, hai hố nằm ngang nhau. Đoạn, ông cụ đổ than xuống hố trên, dùng cán cuốc đầm nhiều cho chặt. Rồi ông cụ tháo nước nguồn chảy xuống. Nước vàng nhạt được thu hút vào. Bọn trẻ con chúng tôi reo ầm lên cứ tưởng than khát nước uống mãi không biết chán. Bỗng thấy nước thấm qua lớp đất đen, chảy xuống hố bên dưới. Nước trong veo như nước suối. Đợi đến lúc nước gần nửa hố, ông cụ rủ chúng tôi ra về. Ngay chiều hôm ấy, ông cụ vác cái máng đập lúa (cái lỏng) ra chỗ nguồn nước đó, múc nước đầy, cùng chị Việt Thần tắm cho các em nhỏ.

Những đứa trẻ đứng trong máng đập lúa, vỗ tay ầm ĩ, nước bắn tung téo cả vào người ông cụ. Ông cụ rửa mặt, kỳ cọ tắm cho từng đứa trẻ. Ông cụ dỗ, gội đầu cho từng người.

Tắm cho chúng nó xong rồi, ông cụ lại cùng chị Việt Thần giặt quần áo cho lũ trẻ. Những cái áo cáu bẩn được giũ sạch.

Ra về ông cụ bế đứa nhỏ nhất. Những đứa trẻ được tắm sạch, thơm tho, môi chúm chím như hoa đào nở.

Trong số những đứa trẻ mà Bác tắm có cháu Thàn bị chốc đầu, tóc dính chặt vào với nhau. Tắm gội cho cháu xong, Bác còn lấy thuốc bôi cho. Thuốc sót cháu kêu ầm lên. Người dỗ dành:

- Không sao! Chỉ một lát sẽ hết sót thôi cháu ạ.

Rồi Bác quay sang nói đám thanh niên đứng quanh đấy bằng giọng ôn tồn, thư thả, đượm vẻ xót xa:

- Các cô, các chú, vợ chồng còn trẻ chả biết giữ gìn sạch sẽ cho con bị bệnh. Bệnh này là ngứa lắm đấy, thật khổ cho cháu tôi.

Chúng tôi nín lặng người chịu lỗi. Bà con cứ suýt soa thán phục mãi: Ông già này thương người quá, chả biết vợ con ông ở đâu? Trong nhà mà có một người như này thì thật là có phúc.”

Một câu chuyện nhỏ mà sau này khi kể về Bác Hồ người dân Pác Bó nhớ mãi không thể nào quên. Tình cảm mà Bác dành cho dân tộc Việt Nam thật bao la, nhà thơ tố Hữu đã từng viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Tình yêu bao la Bác dành cho “mọi kiếp người” có một tình yêu bao la, tình yêu đặc biệt mà Bác quan tâm yêu thương các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác Hồ là người rất yêu quý thiếu nhi. Người luôn dành tình cảm quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Những lời dạy, bài viết, tình cảm của Người dành cho lứa tuổi thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá đối với dân tộc, thiếu nhi Việt Nam. Bác đã từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam đều là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Những hình ảnh như câu chuyện tắm cho trẻ, Bác bón cơm, chia kẹo, múa hát với các cháu… đều là những hình ảnh mà chúng ta bắt gặp rất nhiều.
 

BH voi thieu nhi anh 1


Tình yêu của Bác bắt nguồn từ sâu thẳm trong tầm hồn, trong trái tim của người mà khi còn nhỏ đã thấm thía thấu hiểu cảnh thiếu thốn tình cảm. Bác phải chịu nhiều thiệt thòi, mẹ mất sớm, sống trong cảnh nước mất nhà tan, cuộc sống phải chịu nhiều đắng cay, khổ cực lầm than. Năm 1901 khi còn sống ở Huế, mẹ Bác Hồ là bà Hoàng Thị Loan đã qua đời trong cảnh cơ hàn khi mới 33 tuổi. Mẹ mất khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên gọi lúc còn nhỏ của Bác) lúc ấy mới 11 tuổi và người em Nguyễn Sinh Nhuận (bé Xin) mới chào đời. Bác ôm em ngồi bên thi thể mẹ. Nhờ người làng chôn cất mẹ xong, Bác lại phải bồng em đi xin từng giọt sữa. Vì thiếu hơi ấm của mẹ, chẳng bao lâu em Xin cũng mất. Những năm tháng tuổi thơ của Người ở Huế với nỗi đau mất mẹ cùng với tiếng khóc của em thơ khát sữa đã khắc đậm trong tâm hồn Người cho đến tận trước lúc đi xa.

Trong 30 năm xa Tổ quốc, hành trình đi tìm đường cứu nước giải phóng cho dân tộc Việt Nam, Người thấy trẻ em trên thế giới ở các nước tư bản như: Pháp, Mỹ, Nga… được quan tâm chăm sóc, được đến trường, được vui chơi. Chính từ đó, Bác lại thương và nghĩ đến các cháu nhỏ nước nhà sau này cũng sẽ được giáo dục đầy đủ, được vui chơi và sống trong hạnh phúc.

Sau khi về nước, tuy công việc bộn bề nhưng Người đã quan tâm đến phong trào của thiếu niên, nhi đồng. Ngay trong phần đầu tiên của cuốn “Lịch sử nước ta” được Người viết trong năm 1942 tại tại Pác Bó (Cao Bằng) đã nhấn mạnh ngay đến vai trò của thiếu niên, nhi đồng nước ta đối với việc nước nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm:

Thiếu niên ta rất vẻ vang

Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.

Tuổi tuy chưa đến chín mười

Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương

                            (Lịch sử nước ta)

Ngày 15 tháng 5 năm 1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng cứu quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập với 5 đội viên đầu tiên là: Nông Văn Dền với bí danh Kim Đồng; Nông Văn Thàn, tức Cao Sơn; Lý Văn Tinh, tức Thanh Minh; Lý Thị Nì, tức Thủy Tiên và Lý Thị Xậu, tức Thanh Thủy. Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng đầu tiên. Các thành viên của Đội đã làm lễ tuyên thệ suốt đời trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật cho dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân, phản bội lại cách mạng. Bốn ngày sau khi lập Hội Nhi đồng cứu quốc, Mặt trận Việt Minh cũng được thành lập (ngày 19 tháng 5 năm 1941). Hội Nhi đồng cứu quốc đã ngay lập tức tham gia vào Mặt trận Việt Minh. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần làm thơ kêu gọi các em thiếu niên, nhi đồng hãy tham gia vào Hội Nhi đồng cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng

 

Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng mà khi cách mạng thành công Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai mai sau của đất nước và xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25 tháng 8 năm 1950, Bác Hồ viết: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa”. Trước lúc người đi xa, cũng nhân dịp Quốc tế thiếu nhi mùng 01 tháng 6 năm 1969, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong Di chúc của mình, Người khẳng định: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng rất cần thiết”.

Trải qua thời gian, những câu chuyện về Bác và các cháu thiếu nhi vẫn còn nguyên giá trị. Bác luôn có một sự gắn bó mật thiết, một tình cảm trìu mến, hiền hòa và chu đáo với thiếu nhi. Đó là sự ấm áp vô cùng của một vị lãnh tụ vĩ đại mà ít ai có thể làm được điều đó. Có thể nói, tình yêu thương của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ, đối với thiếu niên, nhi đồng đã, đang và sẽ là hành trang cho bao thế hệ trẻ Việt Nam bước vào đời, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ta đàng hoàng hơn, giàu đẹp hơn. Và các thế hệ thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn nhớ về Bác Hồ kính yêu và cất cao lời ca tiếng hát:

“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.

Tác giả bài viết: Nông Thị Liễu

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây