BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


Trăn trở công tác khảo cổ ở Cao Bằng

Cao Bằng là mảnh đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, nơi đây lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Trong đó, có nhiều di chỉ khảo cổ học thời kỳ đồ đá, đồ kim khí, di tích lịch sử có giá trị nghiên cứu khoa học cao. Ðến nay, các nhà khảo cổ mới thực hiện một số cuộc khai quật khảo cổ, vẫn còn nhiều việc phải làm trong công tác khảo cổ, nghiên cứu di sản văn hóa của tiền nhân tại Cao Bằng phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích và kết hợp phát triển du lịch.
Trăn trở công tác khảo cổ ở Cao Bằng



Các công cụ người nguyên thủy sử dụng được sưu tầm qua công tác khảo cổ ở Cao Bằng.

Đưa chúng tôi đến thăm kho hiện vật của đơn vị, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng Ngô Thị Cẩm Châu giới thiệu, trong kho đang lưu giữ hàng chục nghìn hiện vật lịch sử, hiện vật khảo cổ. Trong đó, có các sưu tập hơn 2.000 viên đạn đá (dùng để bắn súng thần công), sưu tập được tại khu vực Ðền Vua Lê, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An và khu vực huyện Quảng Hòa; bộ rìu đá, bôn đá (công cụ chặt), chày đá, xẻng đá, chày nghiền, bàn nghiền... của người nguyên thủy. Do chưa có không gian trưng bày, tất cả các hiện vật phải lưu giữ, bảo quản trong kho. Tín hiệu vui là từ cuối năm 2020, Cao Bằng đã khởi công dự án Bảo tàng tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2022 sẽ là không gian xứng tầm trưng bày các hiện vật lịch sử của Cao Bằng và là điểm tham quan thú vị cho du khách.

Theo Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, tại địa phương hiện có gần 30 di chỉ khảo cổ học có nhiều giá trị. Các cuộc đào thám sát, khai quật tại các di chỉ đã phát hiện nhiều di tích bếp, mộ táng, cùng hàng nghìn hiện vật: công cụ lao động bằng đá, đồng, mảnh gốm. Trong cuộc khai quật di chỉ Ngườm Vài, xã Cần Yên, huyện Hà Quảng năm 2012, các nhà khoa học đã thu được gần 10 nghìn đơn vị di vật của người nguyên thủy sinh sống ở đây từ 8000 đến 9000 năm trước, thuộc hệ thống văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Trong đó, các công cụ rìu, dao, chày nghiền có kỹ thuật gia công, chế tác đá khá thành thục. Kết quả đào thám sát năm 2010 tại Bó Mạ, xã Hưng Ðạo, TP Cao Bằng đã phát hiện hàng chục di vật được người nguyên thủy sử dụng cách đây khoảng 20 nghìn năm như rìu đá, công cụ mũi nhọn bằng đá. Cũng tại xã Hưng Ðạo, hố đào thám sát tại xóm Ðà Quận, phát hiện dấu tích móng của một công trình kiến trúc cổ đã bị sập; dấu tích còn lại cho thấy đây là kiến trúc khá lớn của người có địa vị quan trọng trong thế kỷ 17. Tại đây, các nhà khoa học đã thu được nhiều loại ngói: mũi sen, bò nóc, đầu hồi và một đầu linh vật thường thấy trong kiến trúc thời Lê - Mạc.

Những di tích khảo cổ đã được khai quật ở Cao Bằng có giá trị lớn, những di tích chưa được khai quật đang ẩn chứa nhiều hiện vật có giá trị khoa học và tiềm ẩn nhiều vấn đề cần được giải mã. Tuy nhiên do khó khăn về kinh phí, đến nay, mới có một cuộc khai quật, bốn cuộc đào thám sát được thực hiện. Còn nhiều tranh luận lịch sử cần có kết quả khảo cổ để làm rõ. Là người từng gắn bó, trăn trở với khảo cổ tại Cao Bằng, PGS,TS Trình Năng Chung, nguyên Trưởng phòng Khoa học, Viện Khảo cổ học cho rằng, trên cơ sở những phát hiện khảo cổ đã đạt được, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cao Bằng cần tiếp tục quan tâm, đầu tư, hợp tác, khảo sát dọc sông cổ Bằng Giang để tìm kiếm dấu tích văn hóa người nguyên thủy. Với giá trị nghiên cứu khoa học rất cao từ các di tích kiến trúc ở xóm Ðà Quận, xã Hưng Ðạo, đề nghị tỉnh Cao Bằng đầu tư cho việc nghiên cứu, khai quật di tích kiến trúc đã xuất lộ tại đây. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng Ngô Thị Cẩm Châu chia sẻ, qua nhiều ý kiến của nhà khoa học tại các hội thảo khảo cổ và di tích đã xuất lộ, Bảo tàng tỉnh Cao Bằng trăn trở vì chưa thực hiện được việc khai quật khảo cổ tại khu vực xã Hưng Ðạo, TP Cao Bằng, nơi có các di chỉ, di tích có giá trị khảo cổ, giá trị lịch sử lớn.

Chia sẻ về khó khăn, bất cập trong công tác khảo cổ tại địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cao Bằng Sầm Việt An cho biết, khai quật di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử là nhiệm vụ cấp thiết nhằm đánh giá, xếp hạng, bảo vệ các di chỉ, di tích khảo cổ và phục vụ phát triển du lịch. Khắc phục những bất cập nêu trên, năm 2021, sở sẽ trình tỉnh xem xét kế hoạch khai quật khảo cổ quy mô tại khu vực xã Hưng Ðạo, TP Cao Bằng, với kỳ vọng sẽ phát hiện được các hiện vật, dấu tích về thành Bản Phủ, nhân vật Thục Phán An Dương Vương, thành nhà Mạc... phục vụ khoanh vùng, bảo vệ di chỉ, di tích. Ðồng thời, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ để phát triển du lịch lịch sử tại khu vực xã Hưng Ðạo, theo nội dung Ðề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Cao Bằng.

Tác giả bài viết: Minh Tuấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây