BAN QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG

http://pacbo.vn


TỪ BẾN CẢNG NHÀ RỒNG ĐẾN PÁC BÓ (CAO BẰNG)

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày Bác Hồ về nước, cùng nhìn lại hành trình “Người đi tìm hình của nước”!

Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình sĩ phu yêu nước, ở quê hương giàu truyền thống cách mạng. Cuối thế kỉ XIX, dưới ách thống trị của Thực dân Pháp đất nước ta rơi vào cảnh nô lệ lầm than. Nhân dân Việt Nam đã liên tiếp nổi dậy chống lại ách thống trị của Thực dân Pháp, mặc dù các cuộc đấu tranh diễn ra sôi nổi, rộng khắp các vùng miền, song đều lần lượt thất bại. Đám mây đen của chủ nghĩa Thực dân vẫn bao phủ bầu trời Việt Nam, dân tộc Việt Nam rơi vào khủng hoảng đường lối cách mạng. Cũng chính từ đây, đã hun đúc trong lòng Người một hoài bão lớn lao, ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày 05/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, trên con tàu Latusơ Tơ rê vin, Hồ Chí Minh, khi ấy là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba đã rời Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) ra đi với một khát vọng, một hoài bão lớn, nung nấu một quyết tâm cháy bỏng đó là  giành “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều mà tôi muốn”. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng minh là sáng suốt phi thường; và đã trở thành một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.     

Cuộc hành trình đi qua ba đại dương và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ; tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước, trước tiên Người đến nước Pháp, nơi sản sinh ra tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái; tiếp tục đến nhiều nước ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, sống và hoạt động với những người dân bị áp bức ở phương Đông và những người làm thuê ở phương Tây. Người đã khảo sát, tìm hiểu cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ, tham gia Đảng Xã hội Pháp, tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười Nga, học tập và tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tham dự Đại hội Tua, đứng về phía Quốc tế cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đó, Người càng đi sâu tìm hiểu các học thuyết cách mạng trên thế giới, xây dựng lý luận về cách mạng thuộc địa, trước hết là lý luận cách mạng để giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam sống tại Pháp, Người ký tên Nguyễn Ái Quốc vào bản yêu sách của nhân dân Việt Nam gửi các đại biểu dự Hội nghị Vécxây (Pháp), yêu cầu các nước Đồng minh vừa thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, trong đó có nước Pháp, tôn trọng quyền tự do và bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc trở thành tên gọi chính thức và công khai của Người trong phong trào cộng sản thế giới cũng như trong phong trào cách mạng Việt Nam.

Từ những hoạt động tích cực của mình, Nguyễn Ái Quốc trở thành một cán bộ trung kiên, xuất sắc của Quốc tế Cộng sản. Từ thực tiễn này, ở Nguyễn Ái Quốc đã có sự chuyển biến về tư tưởng; từ tư tưởng yêu nước truyền thống sang lập trường của giai cấp vô sản, xác định con đường giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản. Như Người đã khẳng định trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!... Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin”.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc vừa lo nhiệm vụ Quốc tế Cộng sản giao, vừa tập hợp lực lượng, thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ để đưa về nước hoạt động cách mạng. Năm 1927, cuốn sách Đường kách mệnh gồm những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ ở Quảng Châu được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản. Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và tác phẩm Đường kách mệnh đã trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng, lý luận chính trị và tổ chức cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.

Từ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu lý luận và sự tiếp thu tư tưởng cách mạng kết hợp với tuyên truyền tư tưởng giải phóng dân tộc và vận động tổ chức quần chúng đấu tranh, xây dựng tổ chức cách mạng, cùng với sự chuẩn bị tích cực của Người, ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam.

Sau khi tìm được con đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc luôn khát khao được trở về Tổ quốc và Người đã nhiều lần đề nghị Quốc tế Cộng sản cho về nước hoạt động. Khoảng tháng 10/1940, chiến tranh thế giới thứ hai đang vào giai đoạn ác liệt, nước Pháp rơi vào tay Phát xít Đức, Người khẳng định: “việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, phải tranh thủ thời cơ vì chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Đây chính là “thiên thời”, thời cơ thuận lợi cho cách mạng nước ta, nhưng việc lựa chọn chỗ “đứng chân” trong nước là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định toàn bộ sự phát triển về sau của cách mạng Việt Nam.
 

Tranh Bác Hồ về nước

Tranh: Bác Hồ về nước


Ý tưởng về chọn chỗ đứng chân để xây dựng căn cứ địa cách mạng đã xuất hiện khá sớm trong lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1928, Người đã chỉ rõ: “…việc tuyên truyền cổ động cách mạng cần phải được tiến hành trong nông dân ở mọi nơi, nhưng sức mạnh chủ yếu của Đảng phải được dồn cho một tỉnh hay một vài tỉnh đặc biệt… phải chỉ ra được tỉnh nào hay huyện nào là quan trọng nhất theo quan điểm tuyên truyền trong nông dân, phải dồn sự chú ý của Đảng và tập trung các nguồn lực của Đảng cho các tỉnh này”. Với những ý tưởng và phương châm sức mạnh chủ yếu của Đảng phải được dồn cho một tỉnh hay một vài tỉnh đặc biệt, lúc này Người đã vận dụng vào thực tiễn để lựa chọn chỗ đứng chân, để xây dựng căn cứ và mở rộng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Bởi việc lựa chọn điểm về, tức chỗ “đứng chân” trong nước hay theo cách gọi của các nhà quân sự chọn “đột phá khẩu” là hết sức quan trọng, nó quyết định toàn bộ sự phát triển về sau của cách mạng. Khi đó, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Trung Quốc, Người có ý định “đột nội” theo hướng Côn Minh - Lào Cai. Người đã phái Bùi Đức Minh, Hoàng Văn Lộc về Hà Khẩu để điều tra và nắm tình hình trong nước và đặt cơ sở liên lạc. Nhưng rồi cầu Hồ Kiều, một chiếc cầu lớn trên tuyến đường sắt Việt - Điền nối hai nước Việt - Trung, bị phá sập vào ngày 10/9/1940, cửa khẩu giữa hai nước bị đóng sập. Vậy là, ý định về nước theo hướng Lào Cai không còn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin cho Bùi Đức Minh, Hoàng Văn Lộc trở lại Côn Minh và tìm hướng mới. Và hướng mới đó chính là Cao Bằng. Bởi với nhãn quan của nhà quân sự tài ba Nguyễn Ái Quốc nhận thấy vùng đất Cao Bằng quy tụ được nhiều yếu tố cần thiết về địa - nhân cho sự “đột nội”, cho việc xây dựng chỗ đứng chân, xây dựng căn cứ địa cách mạng của Người.

Trước hết về yếu tố địa. Ngoại trừ Hà Giang, nóc nhà của nước ta và Lai Châu quá xa, Cao Bằng khác với Lào Cai và Lạng Sơn ở một điểm hết sức căn bản đối với những người cách mạng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật: thông với Trung Quốc, không phải bằng những đường cái quan, mà chỉ bằng những đường mòn, những con sông nhỏ mà cư dân địa phương hai bên biên giới hay dùng đi lại. Đặc điểm địa, trên phương tiện giao thông liên lạc, chính là điểm thuận tiện, chỗ mạnh của những người yêu nước, nhưng lại là điểm nghịch thiên, chỗ yếu của bọn thống trị ở mọi cấp độ. Trong ba con sông ở Cao Bằng (Bằng Giang, Bắc Vọng và Sông Năng), dân địa phương dùng bè mảng, thuyền nhỏ theo sông Năng có thể đi từ Mỏ Sắt đến Tà Lùng sát biên giới Việt - Trung; xưa kia đồng bào theo sông Năng đi thuyền qua Ải Na Thống đến tận động La Hồi, Long Châu. Nếu theo đường bộ, từ các huyện biên giới như Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng có rất nhiều cửa khẩu và hàng trăm lối mòn thông sang Trung Quốc. Đây là điểm hết sức thuận lợi cho ta tiếp nhận những gì cần thiết từ vùng đất nằm ngoài sự kiểm soát, khống chế của kẻ địch và cũng là lối thoát ra ngoài khi ở trong gặp khó khăn. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho thoái. Còn tiến, thì từ Cao Bằng nối với Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội bằng quốc lộ số 3. Thái Nguyên gạch nối giữa đồng bằng và miền núi, một vùng đất mà các triều đại phong kiến và thực dân xây dựng thành một thủ phủ cho toàn bộ vùng rừng núi Việt Bắc. Nối với Thái Nguyên là nối được với tất cả cá vùng rừng núi Đông Bắc và Tây Bắc đất nước và phát triển về xuôi. Từ Cao Bằng theo quốc lộ số 4 về Lạng Sơn, một điểm giao thông quan trọng trên con đường quốc tế và xuyên Việt. Như vậy có thể nhận thấy, từ Cao Bằng khả năng phát triển của cách mạng là hết sức rộng mở.

Vùng đất Cao Bằng là nơi địa thế hiểm trở. Chính vì yếu tố này mà mảnh đất Cao Bằng trở thành nơi dung thân, đợi thời của những ai chống đối lại chính quyền hiện hành. Về điểm này, triều Mạc là một điển hình trong việc biến đất này thành nơi dung thân chống lại triều Lê. Cũng do sự hiểm trở này mà những vùng sâu, vùng xa bộ máy thống trị thực dân không với tới, tạo nên kẽ hở cho những hoạt động chống đối lại chúng.

Về yếu tố nhân. Trên bước đường hoạt động cách mạng của mình, có lẽ người dân tộc đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc là một người Tày Cao Bằng. Đó là Hoàng Văn Nọn, tức Hoàng Tú Hưu, trong đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và Đại hội VI Quốc tế Thanh niên, Hoàng Văn Nọn ở lại dự một lớp học ngắn hạn tại trường Đại học Phương Đông. Trong thời gian lưu lại ở Mátxcơva, Hoàng Văn Nọn đã được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ tận tình và qua đó Người đã có những ấn tượng tốt đẹp về Hoàng Văn Nọn và vùng quê Cao Bằng. Hoàng Văn Nọn cùng với một người đồng hương là Hoàng Đình Giong, là những người Cao Bằng đầu tiên lựa chọn con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Hoàng Văn Nọn là người đầu tiên xây dựng chi bộ Đảng đầu tiên ở Cao Bằng, đầu tiên ở Việt Bắc, là chi bộ Nặm Lìn (Hòa An, Cao Bằng) vào ngày 01/4/1930. Dưới sự ảnh hưởng của chi bộ này, ở Cao Bằng lần lượt xuất hiện các chi bộ Đảng ở các địa phương. Đặc biệt là chi bộ ở làng Cốc Coóc (Quảng Hòa), giữ đường dây liên lạc từ Cao Bằng ra Long Châu (Trung Quốc) nơi có chi bộ hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Với những hoạt động tích cực đó, tháng 7/1933, Ban lãnh đạo Hải ngoại đã công nhận Ban chấp hành tỉnh Cao Bằng do Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Tiếp đó các châu ủy được thành lập ở Hòa An (1933), ở Hà Quảng (1935). So với các tỉnh giáp Trung Quốc thì Cao Bằng có phong trào cộng sản sớm nhất và vững chắc nhất. Đó là một điểm mạnh của Cao Bằng để Nguyễn Ái Quốc chọn hướng đột nội. Trong thời điểm quyết định lựa chọn thì Nguyễn Ái Quốc gặp Hoàng Văn Thụ, đại diện của Ban Thường vụ TW Đảng ta từ trong nước ra, cuộc gặp gỡ này diễn ra tại làng Tân Khư, Tịnh Tây (Trung Quốc). Trong cuộc gặp gỡ đó Hoàng Văn Thụ, sau khi đã báo cáo với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tình hình trong nước, những công việc đã làm và chuẩn bị Hội nghị TW Đảng lần thứ 8, đã đề nghị với Người về nước theo hướng Cao Bằng vì trình độ giác ngộ của nhân dân tương đối cao và cán bộ lãnh đạo khá vững vàng. Lời đề nghị của Hoàng Văn Thụ rất khớp với suy nghĩ của Người, bởi trước đó một tháng Người đã cử Vũ Anh về nước tìm một địa điểm thật bí mật, có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui. Cũng trong thời gian đó, Người tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho trên 40 thanh niên yêu nước, phần đông là người Cao Bằng, làm nòng cốt cho cuộc trở về của mình.

Theo sự chỉ dẫn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Vũ Anh đã tìm được một nơi “bí mật, có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui”. Đó là, núi rừng Pác Bó thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - là nơi có địa thế hiểm trở, kín đáo, sát biên giới Trung Quốc, có thể rút lui an toàn khi bị lộ, lại có hàng rào quần chúng bảo vệ.

Với những nhận định đúng đắn và tầm nhìn chiến lược về vùng đất Cao Bằng cùng với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, sáng ngày 28/01/1941 (tức ngày mùng 2 tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí: Lê Quảng Ba, Đào Thế An, Hoàng Văn Lộc, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp từ làng Nặm Quang, thôn Linh Quang (Tịnh Tây, Trung Quốc) lên đường về nước, vượt qua cộc mốc biên giới Việt -Trung số 108 (nay là cột mốc 675) về Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng, đặt những bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Từ đây, Cao Bằng trở thành căn cứ địa đầu tiên, “đại bản doanh” của cả nước; là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và những quyết sách lớn liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc; là nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc./.

Tác giả bài viết: Vi Thị Hồng Thoa (TH)

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây