TỪ PÁC BÓ ĐẾN BA ĐÌNH LỊCH SỬ
- Thứ năm - 22/08/2024 08:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuối năm 1940, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, phải tranh thủ thời cơ vì chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng” đây là yếu tố “thiên thời” để trở về Tổ quốc. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Người nhận thấy mảnh đất Pác Bó – Cao Bằng đầy đủ các yếu tố về “địa lợi” “nhân hòa” thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng từ đó phát triển phong trào ra cả nước. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Ngày 28/01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí cán bộ cách mạng Việt Nam trèo đèo, lội suối vượt qua Cột mốc 108 biên giới Việt – Trung, thuộc xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Tranh: Bác Hồ về nước ngày 28/01/1941
Trong những ngày tháng hoạt động tại Pác Bó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng đã đưa ra nhiều quyết định, chỉ thị đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Tại lán Khuổi Nặm, từ ngày 10 – 19/5/1941 với tư cách là đại diện Quốc tế cộng sản, Người đã triệu tập và chủ trì hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám. Hội nghị đã phân tích sâu sắc tình hình quốc tế và tình hình cách mạng trong nước sau các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, binh biến Đô Lương và đưa ra nhận định cách mạng đã bước sang thời kỳ mới – thời kỳ đấu tranh bằng bạo lực để giành chính quyền cách mạng. Hội nghị đề ra chủ trương: “Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay”, nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, “cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện nay là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, “nếu không đánh đuổi được Pháp – Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu muôn đời, mà vấn đề ruộng đất cũng không làm sao giải quyết được”. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp cho mục tiêu giải phóng dân tộc. Hội nghị đề ra chủ trương thành lập lực lượng vũ trang toàn quốc bằng nhiều hình thức, trong đó có việc “mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có làm cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu sẵn sàng gây cuộc khởi nghĩa”, “phải có những tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc”.
Tranh: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám tại lán Khuổi Nặm – Pác Bó
Là trung tâm căn cứ địa của cả vùng, nơi đặt đại bản doanh lãnh đạo của Trung ương, Cao Bằng là nơi đi đầu thực hiện các chủ trương, chính sách của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám. Sau hội nghị, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu ở các châu: Hòa An, Hà Quảng và Nguyên Bình đã trở thành ba châu hoàn toàn Việt Minh. Các tổ chức tự vệ ra đời ngày một nhiều. Mặt khác, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng rất chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vùng căn cứ địa để giữ vững địa bàn tạo nguồn cán bộ cung cấp cho tỉnh. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng bộ Cao Bằng đã chọn hơn 70 cán bộ gửi sang Trung Quốc học quân sự. Đây là những hạt giống cán bộ quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng, sau này là Cao – Bắc – Lạng và Khu giải phóng Việt Bắc.
Theo chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị thành lập đội vũ trang tập trung để làm hạt nhân quân sự đầu tiên cho hoạt động vũ trang của tỉnh. Theo chủ trương đó, Đội du kích Pác Bó được thành lập gồm 12 đồng chí, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng, đồng chí Lê Thiết Hùng làm chính trị viên và đồng chí Hoàng Sâm làm đội phó. Đội có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt, vũ trang tuyên truyền trong quần chúng và huấn luyện cho các đội tự vệ chiến đấu ở địa phương và nhiệm vụ đặc biệt là làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục chính trị và viết tài liệu huấn luyện quân sự cho Đội.
Sau thời gian huấn luyện và có những thành công bước đầu, cuối tháng 3 đầu tháng 4/1942, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị Đội phân tán hoạt động, điều các đội viên đi làm nòng cốt để tổ chức các đội vũ trang ở địa phương. Từ những cán bộ cốt cán của Đội du kích Pác Bó và các đồng chí đã được huấn luyện quân sự, nhiều đội vũ trang ở các châu lần lượt được thành lập. Đội du kích Pác Bó đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển lực lượng bán vũ trang ở Cao Bằng lúc bấy giờ. Đến tháng 7 năm 1943, hầu hết các thành viên của đội đã nhận nhiệm vụ khác nhau về cơ sở để thành lập đội vũ trang mới, vì vậy Đội du kích Pác Bó chấm dứt sự tồn tại, hoàn thành nhiệm vụ mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao phó.
Từ đầu năm 1942, phong trào Việt Minh phát triển mạnh, ở nhiều nơi trong tỉnh Cao Bằng xuất hiện nhiều tổng, xã hoàn toàn Việt Minh. Bên cạnh việc phát triển lực lượng vũ trang khu vực Cao – Bắc – Lạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn chỉ thị mở phong trào Nam tiến để phát triển các con đường quần chúng nối liền liên lạc tới các địa phương và về với Trung ương ở miền xuôi. Sau hơn tám tháng hoạt động, con đường quần chúng cách mạng theo hướng Nam tiến trên địa bàn Việt Bắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra, từ Cao Bằng đã nối liền với khu du kích Bắc Sơn – Võ Nhai. Cuối năm 1943, Cứu quốc quân đã bắt được liên lạc với Trung ương Đảng ở miền xuôi. Từ đây, phong trào cách mạng ở Việt Bắc đã gắn với phong trào cả nước.
Từ cuối năm 1943 đến giữa năm 1944, thực dân Pháp liên tục mở các đợt khủng bố khốc liệt vào các tỉnh ở Việt Bắc. Trước tình hình địch tăng cường khủng bố, các đồng chí lãnh đạo Việt Minh và liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng lên kế hoạch bảo vệ cán bộ địa phương bằng việc tổ chức cuộc rút lui có kỷ luật, cho cán bộ bí mật vào rừng, duy trì phong trào bằng hình thức “tiểu tổ bí mật”. Nhờ các tiểu tổ bí mật mà phong trào quần chúng vẫn được duy trì. Địch càng khủng bố điên cuồng phong trào cách mạng thì quần chúng nhân dân càng nóng lòng đứng lên khởi nghĩa. Trước tình hình đó liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng đã triệu tập hội nghị, nhanh chóng đi đến quyết định khởi nghĩa. Tới tháng 9 năm 1944, kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa đã được thực hiện phần lớn, tiếng súng vũ trang đã nổ ở một số nơi.
Cuối tháng 10 năm 1944, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc trở về Nà Sác, huyện Hà Quảng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh nhanh chóng tới gặp, xin ý kiến của Người. Đồng chí Vũ Anh báo cáo về tình hình cách mạng ở các tỉnh Cao - Bắc - Lạng và nghị quyết vũ trang khởi nghĩa của Liên tỉnh ủy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình con đường Nam tiến, sự khủng bố của Pháp và những chủ trương đối phó của ta. Nghe báo cáo xong, Người nhận định: “phong trào lên, địch khủng bố là chuyện đương nhiên, nhưng có phần vì ta bộc lộ lực lượng”. Người chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa, bởi “Chủ trương phát động chiến tranh du kích Cao – Bắc – Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong cả nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục”. Người nhận định: “Thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”. Người chỉ thị: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động...”. Người trực tiếp giao nhiệm vụ này cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Căn cứ vào chỉ dẫn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Quảng Ba đã họp bàn lựa chọn con người, tập trung vũ khí, thống nhất kế hoạch tổ chức cụ thể. Sau khi lập xong danh sách, các đồng chí nhất trí chọn đồng chí Hoàng Sâm, từng là Đội phó Đội du kích Pác Bó, làm đội trưởng; đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Về tên gọi của Đội, các đồng chí trao đổi và thống nhất lấy tên là “Đội Việt Nam Giải phóng quân”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị thêm vào hai chữ “tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ chính trị lúc này còn trọng hơn quân sự.
Sau khi mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, trước ngày thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đựng trong một vỏ bao thuốc lá. Đó chính là chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, do đích thân Người viết. Trong đó Người nhận định: “…Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”. Khu rừng đại ngàn nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc châu Nguyên Bình được chọn làm nơi thành lập Đội.Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chính thức được ra đời. Trong buổi lễ thành lập, Đội có 34 chiến sĩ, họ là những người dân yêu nước, không sợ gian khổ hy sinh, vì nghĩa lớn, tình nguyện tham gia đội quân cách mạng, chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, là những người con ưu tú của căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng đến từ những miền quê khác nhau, nhiều người sau này đã trở thành những tướng lính trong quân đội, những cán bộ cao cấp của Đảng. Trong 34 chiến sĩ có 25 đồng chí là con em các dân tộc Cao Bằng.
Buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
Theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng”, chỉ sau 2 ngày thành lập Đội đã giành chiến thắng liên tiếp trong hai trận đánh tại Đồn Phai Khắt (ngày 25/12/1944) và Đồn Nà Ngần (ngày 26/12/1944). Tuy quy mô của hai trận đánh không lớn nhưng có ý nghĩa rất to lớn. Đây là hai trận đánh có tổ chức, có kế hoạch, có công tác tham mưu, có công tác chính trị, có công tác hậu cần. Đánh dấu bước khởi đầu vẻ vang của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam dưới sự tổ chức, chỉ đạo của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, báo hiệu cách mạng lúc này đã từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự.
Năm 1945, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận thấy thời cơ tổng khởi nghĩa đã tới, Người quyết định chuyển căn cứ địa cách mạng từ Cao Bằng về Tân Trào – Tuyên Quang để thuận tiện cho việc lãnh đạo phong trào chung của toàn quốc. Ngày 4/5/1945 từ lán Khuổi Nặm – Pác Bó, Người cùng đoàn xuất phát đi Tân Trào. Đến ngày 21/5/1945, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn tới Tân Trào – Tuyên Quang, gấp rút chuẩn bị cho Quốc dân Đại hội và tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Ngày 15/4/1945, Ban Thường vụ Trung ương mở Hội nghị bàn riêng về công tác “quân sự cách mạng Bắc Kỳ”. Vấn đề lớn nhất được giải quyết là “tích cực chuẩn bị thực lực”, “phát triển các đội quân du kích thật lớn” thành lập bảy chiến khu trong cả nước, thống nhất các lực lượng vũ trang thành “Việt Nam giải phóng quân” để cùng nhân dân khởi nghĩa từng phần ở địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa.
Ngày 15/5/1945, lễ thống nhất Việt Nam Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được diễn ra tại Chợ Chu, Thái Nguyên. Bộ tư lệnh đầu tiên của Việt Nam giải phóng quân gồm có các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn.
Ngày 04/6/1945 tại lán Nà Nưa - Tân Trào, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng và Quân giải phóng. Trước tình hình thế giới và trong nước ngày càng thuận lợi, khởi nghĩa vũ trang đang tiến lên cao trào, ngày 16/8/1945, trong không khí khẩn trương, hào hùng Quốc dân Đại hội đã được khai mạc tại đình Tân Trào. Đồng chí Trường Chinh trình bày về tình hình trong nước, thế giới, về chủ trương, mục đích, nhiệm vụ của tổng khởi nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, một đơn vị Việt Nam giải phóng quân làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước đồng loạt vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 22/8/1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ rời Tân Trào về Hà Nội.
Lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 16/8/1945 tại gốc đa Tân Trào, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Ngày 02/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân cả nước đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định với dân tộc, với thế giới một chân lý thời đại: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do độc lập ấy”.
Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội
Chặng đường lịch sử chông gai, gian khổ, thiếu thốn từ Pác Bó đến Quảng trường Ba Đình rực sắc cờ hoa đã khẳng định rằng con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lựa chọn là đúng đắn, đi đúng với mong muốn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Ngày nay, những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng từng hoạt động như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo – Cao Bằng; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào – Tuyên Quang; Quảng trường Ba Đình – Hà Nội... đã trở thành những địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng đến các thế hệ người Việt Nam và thể hiện lòng biết ơn của dân tộc ta đối với Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao Bằng, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.
2. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
3. Trận đánh ba mươi năm, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.