KỶ NIỆM NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM 23-11

Thứ bảy - 23/11/2024 14:17
Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.

Theo đó, Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo pháp luật về thi đua khen thưởng.
 

5 bo ruong 548720606

            Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại                (Ảnh: TTVH&TTDL tỉnh Cao Bằng)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, trong những năm qua, ngành Văn hóa tỉnh Cao Bằng đã và đang làm tốt việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Cao Bằng hiện đang lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di tích lịch sử - văn hóa ở Cao Bằng trải dài từ thời tiền sử gắn với sự xuất hiện của người cổ đại cho đến thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 271 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 102 di tích đã được xếp hạng (03 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh). Ngoài ra, Cao Bằng còn có nhiều di tích lịch sử độc đáo như đền, chùa có giá trị đặc biệt tiêu biểu. Bên cạnh các di tích lịch sử - văn hóa, Cao Bằng hiện còn lưu giữ những di sản văn hoá vô giá đó là 02 bảo vật quốc gia: Đôi chuông Chùa Viên Minh và Đền Quan Triều xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng và Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ trên vách đá núi Phja Tém, xã Hồng Việt, huyện Hòa An.

Cao Bằng còn được ví như “Viên ngọc xanh” của khu vực Đông Bắc, bởi sở hữu các danh lam nổi tiếng như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén,  Mắt Thần Núi, hồ Thăng Hen… Tất cả đều mang vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ.

Ngoài các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, Cao Bằng còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc. Nơi đây là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Sán Chỉ, Lô Lô,… mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ và phong tục tập quán riêng. Cao Bằng hiện có trên 2.000 di sản văn hóa phi vật thể, 07 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành, huyện Quảng Hoà; Nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà; Lễ hội tranh đầu pháo, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa; Lượn cọi dân tộc Tày, huyện Bảo Lâm; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao Đỏ, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình; Nghề dệt thổ cẩm của người Tày xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (huyện Hà Quảng). Đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” (trong đó có di sản Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 

z6060415736353 9be89c00c642220f9500326ff5f8b33b min

Nghi lễ "lấy nước đầu nguồn" tại Lễ hội Về Nguồn Pác Bó


Toàn tỉnh hiện có trên 100 lễ hội lớn nhỏ, mỗi lễ hội mang ý nghĩa, nét văn hóa đặc sắc riêng và gắn với hoạt động du lịch. Ngoài ra, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và các trò chơi dân gian cũng được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn để giới thiệu, quảng bá tại các sự kiện như: Hội nghị, quảng bá, xúc tiến du lịch; Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc; Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc...

Tất cả đó đã tạo cho Cao Bằng trở thành vùng đất của những di sản văn hóa với những nét đặc trưng riêng biệt. Kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam chính là dịp để tỉnh Cao Bằng tôn vinh giá trị và nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó việc cần thiết là khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống văn hóa dân tộc trong mỗi người dân. Từ đó đưa ra kế hoạch và phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả nhất./.

Tác giả bài viết: Phòng BTDT&TTTL (TH)

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây