TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG VIỆC PHÁT HUY NGUỒN LỰC ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ PHỤC VỤ CHO CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI 1950

Thứ ba - 14/09/2021 14:38

Ngày 28/01/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc kết thúc hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, với tầm nhìn chiến lược Người đã chọn mảnh đất Cao Bằng là nơi đầu tiên để xây dựng căn cứ địa cách mạng. 80 năm sau kể từ ngày Bác về nước, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người đã giành được những thắng lợi to lớn. Nhìn lại những chặng đường đã qua của lịch sử Việt Nam, mảnh đất Cao Bằng lại càng thêm tự hào bởi nơi đây gắn liền với cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung Ương Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương và quyết sách quan trọng ảnh hưởng đến vận mệnh cách mạng Việt Nam để giành thắng lợi. Tại cao Bằng, năm 1950 khi Trung Ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, với tầm quan trọng của chiến dịch đích thân chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ra mặt trận quan sát và chỉ huy chiến dịch

70 năm đã trôi qua, chiến dịch Biên giới năm 1950 đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Với tầm nhìn chiến lược và những chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với hình ảnh Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận trong Chiến dịch trở thành hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng, có sức hiệu triệu mạnh mẽ để mỗi người dân sẵn sàng hiến dâng sức người, sức của, sẵn sàng hy sinh hết thảy vì chủ quyền non sông. Những quyết định sáng suốt đó, sự động viên kịp thời đó góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950. Đây cũng là chiến dịch vận động đầu tiên của Quân đội Việt Nam, ta đã tiêu diệt được 2 binh đoàn chủ lực của địch. Chiến dịch này Quân đội nhân dân Việt Nam phải đối diện với bài toán hậu cần quy mô lớn và dài ngày nên để tiến hành sẽ gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược đã giải được bài toán hậu cần đó là phải phát huy chính nguồn lực địa phương tại chỗ để phục vụ cho chiến dịch đưa chiến dịch giành thắng lợi.

Đầu năm 1950, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến có lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam. Trung Quốc (18/01/1950), Liên Xô (ngày 30/01/1950) và các nước dân chủ Nhân dân công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cục diện trên chiến trường giữa ta và địch chuyển sang thế cầm cự giằng co. Đặc biệt sau chuyến công tác bí mật ra nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1950, Liên Xô, Trung Quốc đã thỏa thuận với Chủ tịch Hồ Chí Minh một số giải pháp hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của ta. Trước những điều kiện thuận lợi và sự hỗ trợ của các nước Dân chủ nhân dân nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 6/1950 Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Biên giới lấy tên là chiến dịch Lê Hồng Phong II. Mục đích: “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới phía bắc nước ta, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tiến tới giành quyền chủ động trên chiến trường chính”. Với mục đích trên Tây Bắc là hướng nghi binh, phối hợp; Đông Bắc là hướng chiến lược, hướng chính. Với quyết tâm chiến lược mới Trung Ương Đảng chỉ thị cho các địa phương đẩy mạnh nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị chiến trường được đưa lên mức cao độ hơn.
 

z2761155309971 0105da7be8a38d3ef3249399636b82ed

Chủ tịch Hồ Chi Minh họp với Thường vụ Trung Ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới năm 1950

Để trực tiếp lãnh đạo quân dân chính đảng thực hiện mục đích của chiến dịch, Tháng 7/1950, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận Biên giới và Bộ Chỉ huy Chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam làm Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch. Đồng chí Trần Đăng Ninh, ủy viên Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách công tác hậu cần của chiến dịch.

Những chiến dịch trước, nhân dân ta còn phá đường để cản bước quân thù thì giờ đây để chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới, những đội xung phong công tác của thanh niên, những chiến sĩ công binh, cùng với hàng vạn chiến sĩ đồng bào ta ngày đêm vượt qua mưa lũ, núi cao, suối sâu để mở đường mới, sửa đường cũ cho dân công ta tiếp tế vận tải cho bộ đội ta đi lên chuẩn bị cho đánh trận lớn.

Ngày 12/8/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị cho các cấp Đảng bộ lãnh đạo quân dân địa phương đánh địch mạnh để tiêu hao lực lượng địch, kiềm chế địch, phối hợp với “một chiến dịch lớn” do Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo; do Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh phát động, đồng thời phát động trong toàn quốc tuần lễ “thi đua giết giặc lập công”. Trong bức thư gửi các chiến sĩ ở biên giới Bác đã nhắc nhở "Trong cuộc chiến đấu này ta chỉ được đánh thắng, không cho đánh bại". Lúc này Cao Bằng được nhận định sẽ là chiến trường chính của chiến dịch. Đảng bộ nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch ngay từ ngày đầu năm 1950 với khẩu hiệu tất cả cho chiến dịch toàn thắng.
Đến cuối tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Người kiểm tra kế hoạch tác chiến, xem xét công tác chuẩn bị hậu phương, theo dõi kịp thời diễn biến của chiến dịch, góp những ý kiến chỉ đạo và động viên cán bộ, bộ đội, dân công. Còn nhớ năm 1947, khi ta quyết định mở chiến dịch Việt Bắc trong Thư gửi đồng bào các tỉnh Việt Bắc, Hồ Chí Minh xúc động ghi nhớ tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào dân tộc giúp đỡ cán bộ làm cách mạng: “Tôi không bao giờ quên được, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng ai cũng hăng hái giúp đỡ… Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo, cho đến anh em Hoa kiều, người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn nhịn mặc, bán trâu bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh”. Bác xác định trong chiến dịch Biên giới này thấy trước được công tác hậu cần phải dựa vào sức dân ba tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn.

 

Do quy mô của Chiến dịch tương đối lớn, có nhiều lực lượng tham gia, trên địa bàn rộng, rừng núi hiểm trở, lại xa căn cứ hậu cần của ta, nên việc chuẩn bị, bảo đảm cho Chiến dịch rất khó khăn. Thấy trước được điều đó, trong Hội nghị Quốc phòng (ngày 2/9/1950), Bác Hồ đã đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tế cho Chiến dịch Biên giới và chỉ thị cho các lực lượng tham gia Chiến dịch: “Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này”. Ngày 9/9/1950, Người ra Lời kêu gọi đồng bào ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng:

“ Hỡi đồng bào yêu quý, quân ta đã mở chiến dịch trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng chiến dịch này rất quan trọng cho Cao - Bắc - Lạng và cả toàn quốc. Đồng bào ta đã chuẩn bị rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch như: Góp quân lương, sửa đường sá, vận tải, chuyên chở giúp đỡ bộ đội. Tôi trân trọng thay mặt chính phủ, và quân đội cảm tạ đồng bào. Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào ba tỉnh, các ủy ban kháng chiến và hành chính, các đoàn thể nhân dân cố gắng thêm nữa, tiếp tục giúp đỡ cho bộ đội ta trước mặt trận để quân ta giết nhiều địch, đánh thắng to. Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho Chiến dịch được thắng lợi".

 Qua những lời kêu gọi, động viên của Người làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào Cao - Bắc - Lạng cũng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến dịch Biên giới phải giành thắng lợi, sự kiện chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận là nguồn sức mạnh tinh thần, động viên quân dân ta quyết tâm thắng lợi trong chiến dịch. Quân và dân háo hức, khẩn trương ra mặt trận thi đua giết giặc lập công.

Cao Bằng chính là chiến trường của chiến dịch, đồng thời cũng là hậu phương tại chỗ cung cấp sức người sức của để phục vụ chiến dịch. Ngay từ đầu năm 1950, Đảng bộ Cao Bằng đã nhận được chỉ thị của Trung Ương bắt tay vào công việc chuẩn bị cho chiến dịch. Cùng với các tỉnh trong cả nước Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã nhận thức vị trí và trách nhiệm của mình trong chiến dịch này. Ban huy động dân công cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập gồm trên một nửa số cán bộ. Thực hiện Lời kêu gọi của Bác, hàng vạn đồng bào các dân tộc Cao Bằng rời nhà lên đường đi chiến dịch, làm dân công hỏa tuyến bạt núi, mở đường, bắc cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ chiến dịch. Với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến dịch được toàn thắng” Đảng bộ đã lãnh đạo huy động hơn 78.000 người trong đó 2/3 là phụ nữ với 1.340.748 ngày công phục vụ cho chiến dịch. Đông đảo nhân dân thuộc các dân tộc ở vùng xa xôi hẻo lánh như: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình... Cách xa mặt trận cả chục ngày đi đường cũng vui vẻ xuống núi hăng hái đi dân công phục vụ tiền tuyến. Nếu tính từ đầu năm 1950 thì Cao Bằng đã huy động 5 triệu 70 vạn ngày công phục vụ vào sự nghiệp kháng chiến, bình quân mỗi lao động đã đóng góp trên 100 ngày công; chưa kể trên 2 vạn nam nữ thanh niên các dân tộc tham gia trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường. Ngoài sức người, Cao Bằng còn huy động 2.346 tấn gạo trên 120 tấn thực phẩm phục vụ chiến dịch. Đây là một cuộc động viên lớn nhất cả về sức người và sức của từ khi Quân đội ta bước vào cuộc kháng chiến đến nay.

Ban đầu, ý định tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch là đánh Cao Bằng trước, sau đó chuyển xuống đánh Đông Khê, Thất Khê. Nhưng sau khi phân tích tình hình, Trung ương Đảng và Bác quyết định đánh Đông Khê để mở màn Chiến dịch. Phân tích chủ trương đánh Đông Khê, Người chỉ rõ: "Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, địch buộc phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động". Theo kế hoạch tác chiến ban đầu, ta định tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở Cao Bằng, đồng thời đánh địch lên ứng cứu, chi viện. Nhưng sau đó cân nhắc lại, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương đánh Đông Khê trước, mở màn cho chiến dịch, vừa bảo đảm chắc thắng, vừa tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thuận lợi. Chủ trương này được Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn. Trước ngày lên đường đi chiến dịch Người đã từng căn dặn đoàn công tác đi lên Cao Bằng "Chúng ta sẽ đi một chuyến công tác dài ngày, thời gian không thể định trước nhưng mất chừng 1 tháng, chuyến đi này rất quan trọng. Đường đi vất vả, vì vậy các chú đều phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, tuyệt đối giữ bí mật, nếu để lộ ra sẽ làm tổn hại đến việc lớn. Muốn vậy từ việc chọn đường đi đến nơi ăn chốn ở giao tiếp với nhân dân phải biết cách giữ mình". Lời căn dặn này đã thể hiện được tầm nhìn của Bác về thời gian của chiến dịch lần này, và phải dựa trên đường lối kháng chiến mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn từ ban đầu là “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến tư tưởng của Người coi đây là cuộc chiến tranh nhân dân, và phải phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc, có lực lượng toàn dân tham gia mới thực hiện được kháng chiến toàn diện và tự lực cánh sinh. Mặc dù rất coi trọng sự giúp đỡ từ bên ngoài nhưng vận mệnh của dân tộc ta là phải do nhân dân ta quyết định phải dựa vào sức mạnh của ta, sự giúp đỡ của bên ngoài chỉ là điều kiện hỗ trợ. Cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi Chiến dịch Biên giới, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Trên đường đi, ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong làm đường phục vụ chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thanh niên bốn câu thơ:

“Không có việc gì khó,

 Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên”.

Ngày 13/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Sở Chỉ huy chiến dịch để đến Mặt trận Đông Khê, trực tiếp theo dõi bộ đội đánh trận mở màn chiến dịch. Người chỉ thị cho bộ đội: "Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu".
 

z2761155326706 f8219ba883d2b63cfc1c4d4bab05f2d5

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê ngày 16/9/1950

Đúng 6h sáng ngày 16/9/1950, quân ta bất ngờ nổ súng tấn công cụm cứ điểm Đông Khê. Sau 3 ngày chiến đấu ác liệt, quân ta đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm Đông Khê. Trận đánh mở đầu ta đã tiêu diệt và bắt sống 300 tên địch (trong đó có tên đồn trưởng Alioux), bắn rơi một máy bay, thu toàn bộ số vũ khí, đạn dược, lương thực... Trận đánh cứ điểm Đông Khê giành thắng lợi đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4, phá vỡ sự liên kết giữa phân khu Cao Bằng và phân khu Thất Khê của địch. Sau khi tiêu diệt cứ điểm Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới nhận định: Địch có thể tái chiếm Đông Khê đánh lên đón binh đoàn Sác Tông (CharTon) rút từ Cao Bằng. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thực hiện phương án “nhử thú giữ vào tròng để khép vòng lưới thép”. Tiếp đó ta cho quân tiêu diệt gọn quân địch rút chạy từ Cao Bằng, thị xã Cao Bằng được giải phóng vào ngày 3/10/1950. Ngày 8/10/1950, quân ta tiếp tục tiêu diệt hai binh đoàn ứng cứu của Pháp. Trong những ngày truy kích địch, Bác Hồ trực tiếp theo dõi diễn biến và chỉ đạo trận mở màn Chiến dịch tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê tại đài quan sát Chiến dịch, liên tục gửi nhiều thư, điện động viên bộ đội. Như được tiếp thêm sức mạnh, bộ đội ta đồng loạt xông lên tiêu diệt địch, giành chiến thắng vang dội.

Sau 29 ngày chiến đấu liên tục ở vùng biên giới (từ 16/9/1950 - 14/10/1950), ta đã tiêu diệt và bắt sống được 8.296 tên địch, tiêu diệt 10 tiểu đoàn địch, bằng 41% lực lượng cơ động chiến lược Pháp trên toàn cõi Đông Dương, thu trên 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn). Chiến thắng chiến dịch đã đưa cuộc kháng chiến của ta sang giai đoạn mới - giai đoạn giành giữ và phát huy quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Nhìn nhận sự thất bại của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, nguyên toàn quyền Đông Dương Cattoru đã chua chát xác nhận: “Thất bại của quân đội Pháp tại Biên giới Việt - Trung tháng 10/1950 đã có ảnh hưởng quyết định đến số phận Đông Dương và Điện Biên Phủ sau này đã chịu ảnh hưởng đó”.

Chiến dịch Biên giới năm 1950 dành thắng lợi trong rất nhiều nguyên nhân thì không thể nào không nhắc đến sự đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn thể hiện tinh thần yêu nước với ý chí quyết tâm chiến thắng. Trong chiến dịch này Cao Bằng đã huy động một lực lượng dân công lớn trong đó có hàng vạn người thường xuyên bám bộ đội để vận chuyển lương thực, đạn dược, cáng tải thương... Chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 20/7/1950 đến ngày 30/10/1950 đã có 78.224 người đi dân công chiến dịch. Cả tỉnh đóng góp được 325.650 đồng, 1383kg gạo, 30.910 kg thóc, 17.915 mét vải ủng hộ cho bộ đội. Riêng chị em phụ nữ Cao Bằng đã đóng góp 50.000 đồng cho quỹ kháng chiến. Đặc biệt phong trào "Bán gạo cho Hồ Chủ Tịch khao quân" đã có 27.134 gia đình (trong tổng số 30.703 hộ gia đình trong toàn tỉnh) bán 713.641kg gạo ủng hộ bộ đội. Ở thời kỳ này để đảm bảo cho việc chăm sóc thương binh, bệnh binh phụ nữ Cao Bằng không quản ngại khó khăn vất vả, đã nhận đỡ đầu nhận thương binh làm con nuôi, em nuôi trong gia đình để chăm sóc, có những nơi xa xôi như huyện Bảo Lạc có nhiều bà mẹ đã nhận 190 cán bộ, chiến sĩ làm con nuôi. Việc làm này thể hiện tình đoàn kết quân dân bền chặt, góp phần cổ vũ động viên bộ đội xông pha chiến đấu ngoài mặt trận. Các cụ già, các cháu thiếu niên nhiều địa phương còn tổ chức thăm hỏi thương binh như thiếu niên xã Tiên Thành (Phục Hòa) đã bán củi; thiếu niên xã Cô Ngân (Hạ Lang) để giành tiền... Chưa bao giờ nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng lại nô nức lên đường với tinh thần "Tất cả hướng về chiến dịch" như thời kỳ này. Đồng bào dân tộc ít người ở vùng cao chưa từng rời xa nhà thì nay cũng tình nguyện xuống núi đi phục vụ chiến dịch. Đội dân công dân tộc Dao ở xã Vũ Nông (Nguyên Bình) đã có sáng kiến cuộn từng đoạn dây cáp sắt của mỏ thiếc Tĩnh Túc rồi khiêng theo đường núi mang qua huyện Phục Hòa xa hàng trăm cây số, để công binh bắc cầu phao vượt sông Bằng cho bộ đội hành quân vào chiếm lĩnh trận địa. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ty bưu điện tỉnh đã bắc thêm 70km đường dây điện thoại đảm bảo thông tin liên lạc. Dân công Cao Bằng còn tham gia bạt núi mở đường, bắc cầu, vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm với biết bao gian khổ, vất vả. Huy động tất cả mọi phương tiện như: xe đạp, xe ngựa, xe trâu, nếu thiếu ngựa, thiếu xe phải dùng thêm sức người mang vác, gánh, thồ; từng đoàn người kéo dài tấp nập đi thành đoàn hướng về mặt trận. Trên 50% dân công là phụ nữ trực tiếp ra chiến trường vượt qua mưa bom khói đạn tiếp tế đạn dược, vận chuyển lương thực, khiêng, cáng thương binh, kết thúc chiến dịch nhiều chị em phụ nữ được Bác Hồ tuyên dương khen ngợi, Chính Phủ tặng huân chương chiến công như chị: Đinh Thị Dậu, Triệu Thị Soi, Nông Thị Đông, Nguyễn Thị Bé... Ngày 14/10/1950 nhân dịp chiến thắng trên Chiến trường Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi ngay bức thư cho đồng bào Cao - Bắc - Lạng trong thư Người viết: “Tôi rất vui lòng thay mặt Chính phủ cảm ơn và khen ngợi đồng bào, tôi đặc biệt nêu công lao của phụ nữ Cao - Bắc - Lạng, hàng vạn chị em Kinh, Thổ, Nùng, Mán... đã không quản ngại xa xôi, mệt nhọc, trèo non lội suối, ăn gió nằm sương, đã thi đua làm việc sửa đường, vận tải, giúp đỡ bộ đội để góp một phần vào thắng lợi”. Sự quan tâm động viên cũng như sự ghi nhận của Bác là nguồn sức mạnh động viên tinh thần to lớn để nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng quyết tâm xây dựng hậu phương vững chắc để tiếp tục chi viện sức người sức của cho các trận đánh tiếp theo.
 

z2761132568234 998bf5bc048d5ae6e1f2bdade07a36f1

Dân quân vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch Biên giới năm 1950

Khẳng định Chiến thắng Biên Giới Thu Đông 1950 là kết tinh của những nỗ lực phi thường của quân và dân ta như Bác đã từng nói “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", và luôn nhắc nhở trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, tất cả phải dựa vào dân, và coi cuộc chiến tranh là cuộc chiến tranh toàn dân. Năm 2005 đoàn cựu chiến binh của Pháp ở Đông Dương xưa (gọi tắt là ANAPI) đã về thăm lại chiến trường xưa. Họ kể lại, rằng khi đó họ đã ngạc nhiên với những người chỉ huy và lính không đeo quân hàm ăn chung với nhau những khẩu phần ít ỏi, trong khi xuất ăn của tù binh có khi gấp đôi, gấp ba họ. Bộ đội Việt Nam nhường cả thuốc men cho tù binh. Ở trại Cao Bằng có cả hai Đại Tá CharTon (Sác Tông) và LePaGe (Lơpagiơ), sau về Pháp, chính CharTon đã viết bài báo “Nhà tù không có song sắt” kể về những điều trên họ hiểu ra: Đúng là cuộc chiến tranh của nhân dân, của toàn dân. Nước Pháp không thể thắng được là vì thế. Chiến thắng của chiến dịch Biên giới là thành quả từ quá trình "chiến đấu trong vòng vây" của địch đầy hy sinh, gian khổ, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân và dân ta, là sự kiện lịch sử đánh dấu bước nhảy vọt, tạo chuyển biến quan trọng về cục diện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhờ có tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén, Đảng ta đã đánh giá đúng thực lực kẻ thù, đề ra chủ trương, phương châm tác chiến chiến lược kịp thời, chính xác, động viên cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tập trung mọi nguồn lực cho tiến công địch trên một hướng xác định, trong thời điểm quyết định, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta.

Thắng lợi của chiến dịch biên giới 1950 chứng minh tính đúng đắn của đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ dựa vào sức mình là chính mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Bài học về phát huy nội lực trong nhân dân, bài học về sự lãnh đạo của Đảng, về nghệ thuật chỉ đạo điều hành chiến tranh và phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, về huy động tiềm lực và khối đại đoàn kết dân tộc để tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Trong đó, bài học về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học lớn, sâu sắc nhất, bao trùm và chủ đạo nhất. Nhờ có tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén, Đảng ta đã đánh giá đúng thực lực kẻ thù, đề ra chủ trương, phương châm tác chiến chiến lược kịp thời, chính xác, động viên cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; tập trung mọi nguồn lực cho tiến công địch trên một hướng xác định, trong thời điểm quyết định, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta. Bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy nguồn lực địa phương được rút ra từ chiến dịch 1950 để sau này tiếp tục vận dụng cho chiến dịch Điện Biên Phủ sau này giành thắng lợi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi.

 

Tác giả bài viết: Nông Thị Liễu

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây