PÁC BÓ – SUỐI NGUỒN CÁCH MẠNG

Pác Bó (Cao Bằng) tự hào chứng kiến Nguyễn Ái Quốc trở về nước sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại để rồi xây dựng căn cứ địa cách mạng.

70 năm qua, dân tộc Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm lịch sử. Hình ảnh nước Việt Nam đi lên Chủ nghĩa xã hội hôm nay là thành quả của một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, một tư tưởng lớn mang tên Hồ Chí Minh. Pác Bó (Cao Bằng) tự hào chứng kiến Nguyễn Ái Quốc trở về nước sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại để rồi xây dựng căn cứ địa cách mạng. Với nhận định sáng suốt về tình hình cách mạng trong nước, quốc tế, Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước. Người đã vạch ra chính xác tính chất quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc. Với tầm nhìn xuất chúng, Bác nhận định “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta…”.
Vùng đất  biên giới này khi chưa có cách mạng, cuộc sống các dân tộc tối tăm, cực khổ. Đồng chí Dương Đại Lâm – người con của Pác Bó kể lại: "Đói rách chưa phải là tất cả, cực nhọc… còn nạn thuế má nặng nề, phu phen, tạp dịch…con gái ra chợ hoặc đi ngoài đường hễ gặp bọn Tây đồn, lính dõng hay tổng lý, kỳ hào là không thoát khỏi chúng lả lơi, trêu ghẹo, có khi còn bị bắt cóc giữa đường… cảnh  biên giới ngày chưa có cách mạng buồn bã lắm! Sau bữa cơm chiều thường khi bố mẹ phải bồng bế con chốn vào hang ngủ để tránh bọn thổ phỉ và tây đồn. Dân bản chúng tôi chẳng khác gì vườn rau của thiên hạ, kẻ nào đến cũng tự ý ngắt, hái và chà đạp". Bác Hồ về Pác Bó như mang về đây một nguồn sinh lực mới cho sự sống đang héo mòn. Các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông,… được tiếp xúc với các đồng chí người Kinh làm cách mạng - những người thực sự là anh em của mình, cùng dìu dắt nhau đi trên con đường mới. Các đồng chí ấy đến từng bản nhỏ, thuộc từng ngọn núi, quen từng rừng cây, hang đá. Bác Hồ cùng các đồng chí của mình đã hòa vào cuộc sống nơi đây, tin tưởng tình yêu nước của đồng bào các dân tộc; học tiếng nói, tôn trọng phong tục tập quán các dân tộc. Bác gieo mầm cách mạng vào nhân dân qua từng câu nói "Dân ta như cái cây, bọn tổng lý, kỳ hào như cái đinh và bọn đế quốc như cái búa. Búa đập vào đinh thì đinh mới cắm được vào cây. Muốn cho đinh không cắm được vào cây nữa thì việc cốt yếu là phải giật cho được cái búa, đánh gẫy nó đi, bỏ nó đi. Bọn đế quốc mà bị đánh quỵ rồi thì những tổng lý, kỳ hào chẳng qua cũng là làng trên, xóm dưới với ta cả, lo gì không uốn nắn được họ".
Pác Bó là vùng núi đá rất hiểm trở, lối đi trong rừng có nhiều cây lá han. Nguyễn Ái Quốc quan niệm  sự cẩn thận là tư chất cốt lõi nhất của một người làm cách mạng. Phương châm hoạt động của Nguyễn Ái Quốc là phải dựa vào dân và bí mật được đặt lên hàng đầu. Người dặn các đồng chí “nên đi một lối, về một lối và phải giữ nguyên cảnh rừng hoang dã, nhất là không được ngắt bẻ lá han; chỗ này lá han nhiều thì dùng cây, dùng gậy gạt ngọn mà đi, bước đến đâu lá han khép kín đến đấy, che lấp dấu vết của con đường”.

Cùng với các đồng chí cách mạng kiên trung sát cánh bên mình, tại Pác Bó, Hồ Chí Minh xây dựng một  tiền đề vững chắc cho cách mạng Việt Nam. Khắp các huyện, thị của Cao Bằng xuất hiện các xã hoàn toàn, châu hoàn toàn. Hội nghị Trung ương lần thứ Tám được triệu tập mang đến những quyết định quan trọng cho cách mạng Việt Nam, Mặt trận Việt Minh ra đời, Đội Du kích Pác Bó thành lập... Những cuốn sách Người viết ở đây trực tiếp tác động sâu vào nhiệt huyết cách mạng của nhân dân “Phụ nữ Cứu quốc”, “Nhi đồng Cứu quốc”, “Lịch sử nước ta”,… Đặc biệt, dịch cuốn sách “Lịch sử Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích”.
Những ngày cách mạng gian khổ đó, Bác hoạt động khắp các địa phương của Cao Bằng. Cơ sở cách mạng đã khá vững mạnh ở huyện Hà Quảng, tháng 3/1942, Bác đến Lam Sơn (Hòa An) gây cơ sở mở sang Nguyên Bình, tỏa ra cả tỉnh. Tháng 8/1942, Người từ Lam Sơn về Pác Bó (Hà Quảng) với hành lý, trang phục của một vị thầy mo mù đi chữa bệnh, Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi sự kiểm soát của Thực dân Pháp.
Để tranh thủ sự trợ giúp của cách mạng thế giới, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc sử dụng cái tên Hồ Chí Minh trong thẻ căn cước đi sang Trung Quốc. Viện cớ thẻ căn cước hết thời hạn sử dụng, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt gian hơn một năm (29/8/1942 – 10/9/1943) mọi khổ ải, gông cùm Người phải trải qua là minh chứng của một tinh thần thép vĩ đại – tư chất cách mạng mà chỉ có ở các Lãnh tụ. Trở về nước, tại Lũng Cát (Hà Quảng), Người chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mang về Pác Bó tinh hoa của Chủ nghĩa xã hội sau ba mươi năm bôn ba. Trong ngôi làng biên cương nhỏ bé, ngọn lửa cách mạng đang âm ỉ cháy đã được thổi bùng lên từ hơi thở Già Thu. Ngọn lửa cách mạng đó đã cháy suốt từ Cao Bằng xuống Thái Nguyên, tỏa ra cả Việt Bắc, khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Người. Căn cứ địa cách mạng được xây dựng từ Pác Bó là tiền đề để mở ra khu giải phóng rộng lớn gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà  Giang, Thái Nguyên tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân./.

Suối Lê Nin, Pác Bó - Cao Bằng
Nhãn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây