NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG NGHI LỄ LẤY NƯỚC ĐẦU NGUỒN PÁC BÓ

Thứ tư - 15/02/2023 16:31
Phong tục lấy nước đầu nguồn đầu năm của dân tộc Nùng là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời vẫn được duy trì ở nhiều địa phương. Tại Pác Bó, phong tục này đã trở thành một nghi lễ quan trọng trong đời sống của người dân và được tái hiện lại bằng Lễ lấy nước, mở đầu cho Lễ hội Về Nguồn Pác Bó, được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng 2 (Âm lịch) hằng năm.
Theo quan niệm của người Nùng ở Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng), nước là khởi nguồn cho sự sống, cho vạn vật sinh sôi phát triển. Họ lập bản, dựng nhà tại nơi có dòng suối Giàng trong vắt, mát lạnh (sau này được Bác Hồ đặt tên là Suối Lê Nin). Dòng suối cung cấp cho người dân nguồn thực phẩm là các loại tôm, cá và quan trọng nhất là cung cấp nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như việc trồng lúa và các loại hoa màu. Người dân nơi đây luôn có ý thức bảo vệ nguồn nước. Bởi họ tâm niệm rằng nước suối trong sạch sẽ đem lại nhiều sức khỏe, mùa màng tốt tươi. Từ đó, hình thành nên phong tục lấy nước đầu nguồn suối Lê Nin vào sớm mùng 1 Tết. Lễ lấy nước đầu nguồn vào sáng ngày mùng 1 tháng 2 (Âm lịch) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó được diễn ra dựa theo phong tục tốt đẹp này.
z4108905253378 fbb507916515e7e99e6973194314f62f
Rước nước đầu nguồn

Từ sáng sớm, đoàn rước nước gồm chủ lễ là một cụ già cao niên và các thanh niên nam nữ trong trang phục dân tộc chuẩn bị các vật dụng cần thiết để lấy nước. Chủ lễ đeo túi nải đựng cành lộc dâng lễ, khấn xin Thổ công được tiến hành nghi thức lấy nước đầu nguồn. Chủ lễ dẫn đầu, theo sau là các chàng trai, cô gái vai gánh ông bương di chuyển vào phía đầu nguồn suối Lê Nin để hứng lấy mạch nước nguồn tinh khiết.

Đến vị trí lấy nước, chủ lễ thắp hương cầu khấn cho mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và xin phép Sơn thần, Thổ địa được lấy nước. Hai chàng trai khỏe mạnh nhất sẽ theo chủ lễ xuống nguồn để múc nước lộc. Từng đôi nam, nữ lần lượt gánh ống bương hứng lấy nước nguồn. Từng gáo nước đều đặn được rót vào ống theo nhịp đếm của các chàng trai, cô gái là những lời chúc tụng cho vạn vật sinh sôi, nảy nở.
z4108905251874 0f18608a5014fc28d77767bf0d297bc5
Hứng nước đầu nguồn

Sau khi những ống bương đã đầy ắp nước nguồn, từng đôi nam nữ rước nước trở về. Trên vai những chàng trai là nguồn nước suối tinh khiết, trên tay các cô gái là những cành lộc non xanh biếc hòa cùng tiếng cười nói chính là sự giao thoa hòa hợp giữa con người với đất trời Pác Bó.

Nước lộc được rước đến Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm lễ dâng nước. Từng ống bương nước được đặt vào giá hai bên ban thờ. Để tỏ lòng thành kính, chủ lễ dâng hương, trà, cành lộc lên ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, kính dâng lên Người những giọt tinh túy nhất của đất trời Pác Bó cầu mong một năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nghi lễ được kết thúc bằng nghi thức tán lộc. Các nam, nữ thanh niên lần lượt đổ một nửa lượng nước trong bương vào các chum sứ ngoài sân đền. Nước trong chum sẽ dành cho du khách đến trẩy hội thụ lộc.
z4111509298603 fc8e38e6719a7249b5cd936d2f1ad29d
Thụ lộc nước nguồn Pác Bó

Lấy nước đầu nguồn là nghi lễ tốt đẹp mở đầu cho Lễ hội Về Nguồn Pác Bó, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, một sản phẩm du lịch văn hóa bản địa mang đậm bản sắc địa phương. Lễ hội là dịp để nhân dân tưởng nhớ tới công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, cũng là dịp để người dân Hà Quảng giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đến đông đảo du khách về trẩy hội./.
.

Tác giả bài viết: Lương Hằng

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây