Đại tướng Võ Nguyên Giáp với con đường Nam tiến

Chủ nhật - 29/09/2024 05:24
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự, vị tướng huyền thoại của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam và nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Tại nơi đây, Đại tướng đã trực tiếp triển khai nhiều nhiệm vụ chiến lược quan trọng, trong đó có tổ chức con đường Nam tiến để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc vào những năm 1941 - 1945.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với con đường Nam tiến

Ngược dòng lịch sử, vào ngày 28/1/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua Cột mốc 108 nằm trên đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc về Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Những ngày đầu trở về nước, Người ở và làm việc tại hang Cốc Bó, sau đó chuyển sang lán Khuổi Nặm. Tại lán Khuổi Nặm, với tư cách là đại biểu Quốc tế Cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941). Hội nghị đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam; xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) để tập hợp tất cả mọi tầng lớp nhân dân yêu nước thành một mặt trận thống nhất cùng nhau đứng lên chống kẻ thù chung.

Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, phong trào Việt Minh ở Cao Bằng phát triển sâu rộng và mạnh mẽ. Trước tình hình mới, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi... Ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về xuôi. Có thế khi địch khủng bố mới giữ được liên lạc, những hoạt động của đội du kích mới có thể tiến hành thuận lợi và nhất là mới tranh thủ kịp khi thời cơ biến chuyển tốt, cách mạng có thể tiến lên tổng khởi nghĩa”. Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp tổ chức, triển khai nhiệm vụ tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi, trước hết là nối căn cứ địa Cao Bằng với khu du kích Bắc Sơn – Võ Nhai.

Thực hiện theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vào tháng 2 năm 1943 tại hang Lũng Hoài (Hòa An, Cao Bằng), diễn ra Hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng và đại biểu Cứu quốc quân bàn việc phát triển phong trào, đón thời cơ mới và trao đổi kinh nghiệm công tác và chú trọng mở những con đường quần chúng, hay còn gọi là con đường Nam tiến để nối căn cứ địa Cao Bằng với các địa phương và đến Trung ương Đảng. Cuộc họp đã đi đến quyết định: Đồng chí Chu Văn Tấn trở lại Bắc Sơn – Võ Nhai củng cố và tổ chức quần chúng mở đường liên lạc với Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Lê Thiết Hùng phân công phụ trách con đường Nam tiến.

Tên gọi là “Nam tiến” song con đường này gồm cả các hướng khác. Hướng Đông tiến – về phía Đông Cao Bằng mở đường đến Lạng Sơn, hướng Tây tiến – hướng Tây Cao Bằng đi sang Hà Giang và quan trọng nhất là phát triển hướng Nam tiến từ phía Nam Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã để nối liền với Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên) và căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai.

Sau hội nghị tại Lũng Hoài, các tuyến xung phong Nam tiến được tổ chức và bắt đầu lên đường thực thi nhiệm vụ. Chi bộ Nam tiến được thành lập gồm các đồng chí Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Lê Thiết Hùng và đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí cán bộ chọn ba xã Kim Mã, Tam Lọng, Hoa Thám thuộc (châu Nguyên Bình) nằm sát với địa giới các xã Cốc Đán, Tô Khê, Thượng Ân và Bằng Đức châu Ngân Sơn (Bắc Kạn) là những địa bàn mở đầu cho kế hoạch Nam tiến, để từng bước tạo thành căn cứ ở phía Nam tỉnh Cao Bằng – phía Bắc tỉnh Bắc Kạn.

Trước lời kêu gọi của Đảng và của Mặt trận Việt Minh, phong trào xung phong tham gia các đội Nam tiến phát triển sôi nổi ở Cao – Bắc – Lạng. Hàng trăm cán bộ, nam nữ, thanh niên tình nguyện tham gia vào các đội Nam tiến và lần lượt được tổ chức thành 19 đội, mỗi đội được phân công một địa phương hoạt động. Những đồng chí tham gia tự mình sắm vũ khí, theo khẩu hiệu “sắm vũ khí, đuổi thù chung”. Quá trình Nam tiến cũng là quá trình xây dựng các hội quần chúng, huấn luyện chính trị, tổ chức lực lượng vũ trang gồm các đội du kích địa phương, đội tự vệ. Các đội hoạt động theo phương thức là mỗi đội xung phong được phân công đi một địa phương, các tổ xung phong phát triển đi trước, hoạt động theo lối vũ trang tuyên truyền, bắt mối điều tra, tuyên truyền gây cơ sở. Các tổ xung phong củng cố đến tiếp sau, chọn cốt cán trong quần chúng, mở lớp huấn luyện ngắn kỳ, rồi dựa vào cán bộ địa phương mới được đào tạo mà phát triển phong trào, lớp trước phát triển, lớp sau củng cố.

Để phát triển cơ sở quần chúng rộng rãi, các đội Nam tiến đã mở thông nhiều con đường. Cách phát triển Nam tiến không nhất định phải tiến hành tuần tự từ xã này qua xã khác, khi có điều kiện thì thực hiện phát triển cách quãng, theo lối “nhảy dù”, “nhảy cóc”. Có nhiều tổ xung phong được phái bí mật vượt qua những chặng đường dài đến địa phương có quần chúng tốt gây cơ sở, rồi sau đó kết nối các cơ sở với nhau.

Con đường Nam tiến kéo dài qua nhiều miền núi cao, nhiều cánh đồng, qua các bản làng của đồng bào Tày, Dao, Nùng… Những nơi có các đội Nam tiến đi qua, quần chúng được giác ngộ, hăng hái tham gia các tổ chức Cứu quốc, tinh thần cách mạng lên rất cao. Đồng bào các dân tộc đón tiếp cán bộ như những người ruột thịt đi xa lâu ngày trở về. Theo tình hình phát triển của phong trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đi từ Kim Mã qua tổng Hoàng Hoa Thám, xuống phía Ngân Sơn kiểm tra công tác và mở lớp huấn luyện. Đồng chí Võ Nguyên Giáp tranh thủ thời gian vừa làm vừa viết cuốn Kinh nghiệm Việt Minh để kịp thời phổ biến kinh nghiệm cho các nơi phát triển phong trào, xây dựng thêm căn cứ địa.

Sau hội nghị ở Lũng Hoài, đồng chí Chu Văn Tấn trở lại Bắc Sơn – Võ Nhai cùng Cứu quốc quân củng cố phong trào, mở đường Bắc tiến thông với Cao Bằng và tìm cách nối liên lạc với Trung ương Đảng ở An toàn khu 2 (Hiệp Hòa – Bắc Giang). Một tổ Cứu quốc quân từ Võ Nhai được cử đi Na Rì (Bắc Kạn), sau đó đến gây cơ sở ở phía Nam Bạch Thông (Bắc Kạn), phía Bắc Phú Lương (Thái Nguyên). Một tổ khác từ Đại Từ lên Định Hóa rồi lần lượt tiến qua Chợ Đồn, dừng chân ở Nghĩa Tá để phối hợp với cánh quân Nam tiến ở Cao Bằng.

Tháng 10 năm 1943, cánh quân Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách đã gặp đơn vị Bắc tiến của Cứu quốc quân, do Chu Văn Tấn chỉ huy, ở xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn). Con đường quần chúng, con đường liên lạc giữa hai khu căn cứ đã được nối liền và hợp lại thành một con đường quần chúng của cách mạng ôm vòng lấy các tỉnh Cao – Bắc – Lạng. Để ghi nhớ thắng lợi của sự kiện này, các đồng chí đã đổi tên xã Nghĩa Tá thành xã Thắng Lợi. Cũng thời gian đó, các cánh khác của phong trào cũng lần lượt đến được các địa phương.

Sau hơn 8 tháng hoạt động, với 19 đội xung phong Nam tiến hoạt động tích cực, vượt qua hy sinh, gian khổ, những bước chân không mỏi của các đội viên đi qua những bản làng, con đường quần chúng cách mạng theo hướng Nam tiến từ Cao Bằng đã nối liền với khu du kích Bắc Sơn – Võ Nhai. Phong trào cách mạng ở Việt Bắc đã gắn với phong trào cả nước. “Hai khu căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn – Võ Nhai được mở rộng, dựa vào nhau tạo thành thế liên hoàn chiến đấu, tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Kết quả của phong trào Nam tiến đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc, con đường quần chúng cách mạng được nối liền nhau, đã mở ra triển vọng lớn, tạo điều kiện ra đời Khu giải phóng sau này.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồi ký:Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010,

2. Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm, Nxb trẻ, Hà Nội, 2015.

3. Bộ quốc phòng, Viện lịch sử Quân sự Việt Nam – Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

 

 

 

Tác giả bài viết: Hoàng Hè (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây