Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Thực hiện chỉ thị của Bác: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội” và đặc biệt là “trận đầu ra quân phải đánh thắng”. Sau khi bàn bạc các phương án kỹ lưỡng Ban chỉ huy Đội quyết định: “phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược”, mục tiêu của Đội là đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần.
Lực lượng đánh đồn Phai Khắt gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp). Ngoài ra, còn có sự tham gia của du kích và cán bộ Việt Minh địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường vào bản. Sau khi hạ được đồn Phai Khắt, ngay trong đêm 25/12/1944, toàn bộ lực lượng khẩn trương hành quân tới xã Cẩm Lý (nay là xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cách Phai Khắt 15 km, nơi có đồn Nà Ngần là mục tiêu thứ hai của Đội. Cả Đội cải trang bằng những bộ quần áo lính dõng, lính tập mới thu được ở Phai Khắt. Tại đây, Đội tiến hành chấn chỉnh đội ngũ, kiểm điểm rút kinh nghiệm trận đánh vừa qua, biểu dương các đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đó, Ban chỉ huy Đội phổ biến lại kế hoạch tác chiến trận đánh Nà Ngần vào ngày hôm sau, đồng thời nghe các đồng chí cơ sở ở Nà Ngần báo cáo thêm những tin tức mới nhất về tình hình ở đó. Theo sự phân công của chỉ huy Đội, trừ tổ cảnh giới thay nhau canh gác, còn lại tất cả được lệnh đi ngủ. Tới 3 giờ sáng, cả Đội thức dậy tiếp tục hành quân về hướng Nà Ngần. Đồn Nà Ngần nguyên là nhà của ông Nông Văn Pảo (tức phó lý Pảo). Để ngăn cản phong trào do Việt Minh lãnh đạo, địch đã chọn nhà của ông để làm nơi đóng quân. Đó là một ngôi nhà sàn kiên cố nhất vùng, xung quanh có hàng rào vây quanh. Đồn nằm trên ngọn đồi cao, địa thế hiểm trở, muốn vào đồn phải đi qua mấy thung lũng. Tại đây, bọn chúng có thể án ngữ cả vùng Nà Ngần và liên lạc dễ dàng với các châu lị Nguyên Bình. Đây cũng là nơi có con đường từ tổng Kim Mã đi Bắc Kạn, là vị trí có thể cản đường phong trào cách mạng đi xuống phía Nam.
Thời điểm quân ta đánh đồn Nà Ngần, qua điều tra, ta biết được đồn này có 22 tên lính khố đỏ (dùng người bản xứ làm quân đội chính quy), do hai tên sĩ quan Pháp chỉ huy. Nhưng ngày hôm đó, hai tên sĩ quan Pháp lên tỉnh, giao quyền lại cho tên đội Đường, nổi tiếng phản động ở lại để cai quản quân lính. Do địa thế đồn Nà Ngần hiểm trở, nên ta không dùng cách đánh cường tập mà dùng mưu kế để dễ dàng lọt được vào đồn địch. Ban chỉ huy đội thống nhất kế hoạch: Cải trang giả làm một toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải ba “Cộng sản Mán” đến giao nộp cho quan đồn. Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ đội viên đã tham gia đánh đồn Phai Khắt, được tăng cường thêm một số ít súng đạn, thêm một tiểu đội. Đồng chí Thu Sơn đóng vai đội sếp chỉ huy tổ đi đầu, đồng chí Bế Văn Sắt đóng vai xã đoàn, đội mũ hai vành trắng. Các đồng chí Kim Anh, Thịnh Nguyên, Đàm Quốc chủng đóng giả làm lính khố đỏ. Đồng chí Toàn (người Mán, có bí danh là Phạm Ngũ Lão), đồng chí Nông Văn Bê và một đội viên khác đóng vai “cộng sản Mán” bị trói bằng dây thừng ở khuỷu tay. Khi cách đồn Nà Ngần 500m, trời còn chưa sáng rõ nên Ban chỉ huy đã cử người đi trước để theo dõi tình hình địch, số còn lại dừng lại chờ trời sáng hẳn.
Di tích đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng)
Khoảng 07 giờ sáng ngày 26/12/1944, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn ba cộng sản bị trói đến nộp cho quan đồn cùng với lá cờ “tam tài” đội thu được trong trận đánh đồn Phai Khắt. Khi tới quả đồi trước đồn, mọi người vừa đi vừa nói chuyện ầm ĩ để lính địch không nghi ngờ. Đến cổng đồn, tên cai và 6 lính xếp hàng hô nghiêm rồi bồng súng đứng chào. Đồng chí Thu Sơn chìa giấy cho chúng xem, cùng lúc đồng chí Trương Đắc đi sau rút thuốc lá mời và châm lửa cho bọn gác. Bốn năm tên lính trong đồn chạy ra thấy bắt được cộng sản lại có cả thuốc hút, gánh gạo, con gà và chai rượu đem nộp nên mừng tíu tít. Một tên hỏi: “Lại bắt được cộng sản người Mán à?”. Đồng chí Thu Sơn và đồng chí Mậu tiến thẳng vào trong đồn. Đồng chí Trương Đắc và một đồng chí khác đứng lại trước cửa đồn nói chuyện với mấy tên lính gác. Cả Đội thuận lợi tiến vào đồn địch, sau khi đột nhập xong cả Đội lên nhà sàn, khi đó lính địch số thì gấp chăn màn, số thì ngồi sưởi, số đi rửa mặt, chỉ có tên đội Đường đang ngồi ở bàn làm việc. Súng của chúng vẫn gác để tại giá. Theo kế hoạch đã phân công, bốn chiến sĩ tiến tới gian giữa án ngữ giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên đội Đường để đánh lạc hướng. Đang nói chuyện, Thu Sơn phát hiện có một tên lính mắt lấm la lấm lét nhìn và có ý định nói gì đó với tên đội Đường. Thì ra tên này trước là bạn học cùng trường Tiểu học với đồng chí Thu Sơn, cả hai đều nhận ra nhau. Trước tình thế đó, đồng chí Thu Sơn lập tức hành động. Anh chĩa khẩu tiểu liên vào bọn địch và hô to: “Chúng tôi là quân cách mạng đến lấy súng của Tây, tất cả giơ tay lên, không sẽ bị bắn”. Bọn lính trong đồn hoảng hốt, phó lý Pảo và mấy tên lính nhảy qua sàn hòng chạy trốn. Bất ngờ tên đội Đường gạt khẩu súng của đồng chí Thu Sơn, xông vào định quật ngã đồng chí. Thấy vậy đồng chí Nông Văn Bê nhào đến vật nhau với đội Đường. Đồng chí Thịnh Nguyên tìm cách bắn chết tên đội Đường. Trong lúc vật lộn với tên đội Đường, đồng chí Bê vòng tay xuống sau lưng hắn, vì vậy khi đồng chí Thịnh Nguyên nổ súng, viên đạn đã xuyên cả ngón tay đồng chí Bê khiến đồng chí Bê bị thương. Tiểu đội 2 bao vây phía bên ngoài chặn các cửa Đồn, chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên vừa gọi địch đầu hàng. Bọn địch trong đồn phần lớn giơ tay đầu hàng, đứa thì quỳ, đứa thì đứng. Giữa đồn đồng chí Hoàng Văn Thái phất cao lá cờ đỏ sao vàng, báo hiệu chiến thắng.
Trận đánh diễn ra trong vòng 15 phút, ta tiêu diệt 5 tên địch, bắt sống 17 tên, kể cả phó lý Pảo và bọn binh lính tháo chạy, thu 27 súng, khá nhiều đạn dược và một thanh kiếm. Phía ta, đồng chí Nông Văn Bê bị thương nhẹ ở ngón tay. Sau khi hạ đồn xong, Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn biểu ngữ cho nhân dân. Tốp tù binh được tập hợp ở giữa sân. Hai nữ đồng chí Cầm và Thanh giải thích bằng tiếng Tày cho họ hiểu chủ trương chính sách đánh Pháp, Nhật cứu nước của Việt Minh, kêu gọi họ quay súng đánh Pháp, Nhật. Tù binh rất ngạc nhiên khi thấy các nữ chiến sĩ của ta vai mang súng, lưng đeo đạn, nói năng lưu loát, phân tích cặn kẽ cho họ hiểu về tình hình trong nước, nghĩa vụ cứu nước của mỗi người dân Việt Nam. Một số tù binh xin đi theo cách mạng còn đa phần tù binh xin được trở về quê hương. Ta đã trả lại tư trang và cấp lộ phí đi đường cho họ.Tù binh đều rất cảm kích về lượng khoan hồng và thái độ đối xử rất tốt của bộ đội cách mạng.
Ban chỉ huy Đội nói chuyện với đồng bào tới mừng chiến thắng, rải truyền đơn tuyên truyền về chính sách Việt Minh, về bộ đội cách mạng. Sau đó, toàn Đội rút khỏi Nà Ngần, mỗi người mang hai, ba khẩu súng với khá nhiều đạn chiến lợi phẩm. Cả Đội vừa hành quân vừa hát bài “Tiếng suối reo”. Nhân dân Nà Ngần và số binh lính vừa được phóng thích tiễn đưa Đội, vẫy tay chào mãi cho đến khi đoàn quân đi khuất núi. Đội tiến về phía Nam, nhưng khi vừa đi khuất tầm nhìn thì đổi hướng ngược lên phía Bắc, để nghi binh đánh lạc hướng, vừa đi vừa xóa hết các dấu vết. Các đồng chí cơ sở địa phương, được báo trước, đứng bên đường tiếp tế cho mỗi đội viên một nắm cơm và một phần thức ăn. Đồng chí quản lý của Đội đã chuẩn bị thêm cho mọi người nước nóng để uống. Cả ngày hôm đó, anh em chỉ ăn một bữa cơm nhưng khí thế chiến thắng đã làm mọi người quên đi cái đói, cái mệt. Sau này, đồng chí Bàn Tài Đoàn (bí danh Đoàn Kết) là cán bộ địa phương, nhà thơ dân tộc Dao, quê ở xã Hoa Thám, đi theo Đội đã tổng kết thành một câu rất đỗi tự hào: “Quân cách mạng chúng tôi ăn thì mỗi ngày một bữa, đánh thì mỗi ngày hai trận”.
Chiến thắng Nà Ngần là một trong hai trận đánh đầu tiên tuy quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng. Đây là trận đánh có tổ chức, có kế hoạch, có công tác tham mưu, có công tác chính trị, công tác hậu cần dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài việc vận dụng chiến thuật phù hợp, thắng lợi của hai trận đầu ra quân thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là chọn mục tiêu và thời điểm tiến công phù hợp. Lực lượng ta tham gia trực tiếp đánh đồn chỉ có hơn 20 người, vũ khí thô sơ, cán bộ chưa được thử thách qua chiến đấu. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Đội đã chọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần là phù hợp. Ngoài ra, hai đồn nằm cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch (châu lỵ Nguyên Bình), nên không thể chi viện kịp thời cho nhau. Trong khi đó, ta có điều kiện cả về thời gian và không gian giải quyết trọn vẹn trận đánh. Về thời cơ tiến công, ta chọn vào những lúc bất ngờ nhất đối với địch: Đánh đồn Phai Khắt chọn lúc chiều muộn (17 giờ) địch đang hoặc vừa ăn cơm chiều xong, đánh đồn Nà Ngần ta chọn lúc sáng sớm (7 giờ sáng) khi địch vừa ngủ dậy - đây là hai thời điểm quân địch sơ hở, mất cảnh giác nhất. Cả hai đồn, ta đánh đúng lúc tên chỉ huy đi vắng nên đã triệt tiêu được yếu tố sắc sảo và tinh nhanh của địch. Ta đã giữ được yếu tố bí mật từ đầu đến cuối, từ lên kế hoạch tác chiến, tổ chức hành quân, triển khai lực lượng đến thực hành tiêu diệt mục tiêu, làm cho địch không kịp phản ứng.
Thắng lợi này đã mở ra một trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam từ những ngày đầu mới thành lập. Từ những vũ khí thu được sau hai trận đánh đã giúp Đội phát triển nhanh chóng cả về lực lượng lẫn trang bị cho trận đánh tiếp theo. Và đây cũng là nguồn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho quân và dân ta đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần vào sự trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội ta. Hai trận Phai Khắt và Nà Ngần “chính là hai ngôi sao sáng soi tỏ lối đi cho đội quân du kích trên con đường chiến đấu đầy gian lao và nguy hiểm”./.
Tác giả bài viết: Nông Hạnh
Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn