LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO THANH NIÊN TẠI CAO BẰNG THỜI KỲ 1941 - 1945

Thứ hai - 20/03/2023 22:22
Người nhấn mạnh cách mạng muốn thành công, trước hết phải tập hợp lực lượng cách mạng, muốn thức tỉnh dân tộc đi theo con đường cách mạng thì trước hết phải giác ngộ cách mạng cho thanh niên và từ thức tỉnh thanh niên để thức tỉnh dân tộc. Chính vì vậy, khi truyền bá tư tưởng cách mạng vào trong nước, Hồ Chí Minh đã chọn đối tượng đầu tiên là lực lượng thanh niên để phát triển phong trào cách mạng.

Ngày 5/6/1911 Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ Bến cảng nhà Rồng, đã ra đi tìm đường cứu nước với ý thức và khát vọng “cứu lấy nước ta, cứu lấy dân ta”. Lý tưởng, ước mơ cao cả đó cũng chính là khát khao chân chính của thế hệ trẻ Việt Nam khi đó. Quyết tâm giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp Người thanh niên ấy đã dành trọn tuổi thanh xuân bôn ba khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cách mạng và đã trở thành người Đảng viên cộng sản vào thời điểm lịch sử mà thế giới đang có nhiều trào lưu chính trị khác nhau, phải có tầm nhìn mang tầm thời đại thì mới nhận ra được con đường cách mạng chân chính. Tầm nhìn đó có được ở người thanh niên Việt Nam mang tên Nguyễn Ái Quốc.

Người quyết định tự mình đi tìm con đường giải phóng dân tộc nhưng làm sao để biến lý tưởng cháy bỏng đó thành ngọn lửa cách mạng. Từ trải nghiệm bản thân, Nguyễn Ái Quốc đã thôi thúc lòng quyết tâm ra đi tìm cứu nước để giải phóng dân tộc. Năm 1917, cách mạng tháng Mười Nga thành công như một luồng gió mới thổi vào phong trào cách mạng của các dân tộc trên thế giới, mở ra con đường đấu tranh cách mạng mới. Trước tình hình đó, tháng 6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Trung Quốc thu hút nhiều thanh niên yêu nước tham gia. Ở Cao Bằng, tiêu biểu có đồng chí Hoàng Đình Giong tham gia những ngày đầu thành lập. Trong những năm 1930 - 1940 phong trào ở Cao Bằng phát triển mạnh mẽ tiêu biểu ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Trong thời gian này, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến quan trọng. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, tháng 6/1940 Pháp đầu hàng phát xít Đức. Tháng 9/1940, Nhật nhảy vào Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng Nhật. Nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng phải chịu hai tầng lớp áp bức bóc lột và không còn con đường nào khác chỉ có con đường đứng lên giải phóng dân tộc. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, tiêu biểu như khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Bắc Sơn...

Trước tình hình đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về Tĩnh Tây, Trung Quốc để tiếp tục hoạt động cách mạng. Đầu năm 1941, tại thôn Nặm Quang - Tĩnh Tây, Người đã mở một lớp Huấn luyện chính trị ngắn ngày hơn 40 học viên. Lớp học ngắn hạn do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, học lý thuyết tại nhà ông Hứa Gia Khởi, học thực hành ở ngoài rừng. Đây chính là lớp học đào tạo ra các đồng chí cán bộ chủ chốt để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam sau này. Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cùng 5 đồng chí cán bộ cách mạng của ta trở về Pác Bó, nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, đặc biệt là đồng bào nơi đây có lòng yêu nước nồng nàn, được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Tại lán Khuổi Nặm với tư cách là đại diện Quốc tế cộng sản, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (từ ngày 10/5 - 19/5/1941). Tham gia Hội nghị có các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt… Hội nghị xác định cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc. Để tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam đồng minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) và các Hội cứu quốc trong đó có Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Hội nghị xác định: Việt Nam thanh niên cứu quốc Đoàn từ nay là Đoàn thể của tất thảy thanh niên từ 18 đến 22 tuổi muốn đấu tranh Pháp, đuổi Nhật”.

Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện về tổ chức Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Người trực tiếp bắt tay thực hiện chương trình thí điểm hình thành mặt trận Việt Minh và tổ chức các đoàn thể cứu quốc tại các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Sau ba tháng thí điểm tổ chức Việt Minh, số hội viên ở ba châu nêu trên có tới 2.000 người thuộc nhiều thành phần dân tộc. Có thể nói các sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước và Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã phát triển tổ chức các đoàn thể cứu quốc, trong đó có Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đã tạo ra bước nhảy vọt cho phong trào cách mạng Cao Bằng. Từ đầu năm 1941, theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các cán bộ ưu tú của Đảng như: Vũ Anh, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng… đã đến Cao Bằng để giúp cán bộ và nhân dân Cao Bằng triển khai các nhiệm vụ do Trung ương đề ra.
 

Bác Hồ chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 

Đối với việc tổ chức Đoàn Thanh nên Cứu quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn đồng chí Đàm Minh Viễn, một cán bộ Đoàn đã được dự lớp huấn luyện ở Tĩnh Tây hồi cuối năm 1940 mà Người biết được và giao cho trọng trách này. Anh Đàm Minh Viễn được Già Thu (bí danh của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc này) cho vào làm việc tại Pác Bó với Người. Việc đầu tiên là soạn thảo Điều lệ Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Anh Đàm Minh Viễn đã căn cứ vào bản Điều lệ Việt Minh và Điều lệ của các tổ chức quần chúng khác để viết ra bản dự thảo đầu tiên và báo cáo với Già Thu. Già Thu đã trực tiếp sửa và giao cho đồng chí đoàn viên Bế Vân Trình viết lên bảng đá để in thành phiếu bản bằng giấy dó được bà con chế ra từ nguyên liệu tại địa phương. Bế Vân Trình là một học sinh tham gia hoạt động mạng, bị địch lùng bắt phải trở về địa phương. Từ khi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về ở và làm việc tại Pác Bó, anh được chọn vào giúp việc cho Già Thu về in ấn tài liệu. Anh và đồng chí Thế An phụ trách in báo “Việt Nam độc lập”. Đồng chí Đàm Minh Viễn đã mang bản điều lệ này tuyên truyền, giác ngộ một nhóm thanh niên đầu tiên ở xóm Nà Mạ cho các đồng chí khác như: Bát Ngư, Phục Quốc, Phục Hưng. Ngày 20/04/1941, chi đoàn thanh niên cứu quốc đầu tiên đã được thành lập ở vùng Nà Mạ - Pài Cốc do anh Đức Thanh làm bí thư. Từ nhóm đoàn viên đầu tiên này, công tác tuyên truyền, giáo dục về Đoàn ngày một phát triển, thu hút được nhiều thanh niên yêu nước tham gia. Tổ chức Việt Minh có mặt ở đâu thì ở đó có tổ chức Đoàn. Rất nhiều đoàn viên trước khi vào Đoàn đều được học tập cuốn “Việt Nam ngũ tự kinh” (chương trình, điều lệ của mặt trận Việt Minh được chuyển từ văn xuôi sang văn vần cho dễ nhớ) để đồng bào các dân tộc có thể truyền miệng cho nhau dễ dàng.

Tháng 11/1941 theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đội du kích thoát ly đầu tiên của Pác Bó đã được thành lập tại Pài Co Nhản, gồm 12 đồng chí do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng, đồng chí Lê Thiết Hùng làm chính trị viên. Trong đội du kích có rất nhiều đội viên trẻ là đoàn viên, thanh niên. Với nhiệm vụ là bảo vệ cơ quan lãnh đạo Đảng, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc, vũ trang tuyên truyền, huấn luyện đội tự vệ. Đến cuối năm 1942, trong thanh niên có phong trào luyện tập quân sự tại các địa phương, cơ sở đoàn phát triển ở hầu hết các châu trong tỉnh. Tuy số lượng đoàn viên không đồng đều nhưng ở đâu có tổ chức Việt Minh thì ở đó có cơ sở đoàn Thanh niên Cứu quốc. Ngày 22/12/1942 Hội nghị cán bộ Đoàn thanh niên Cứu quốc đã bầu đồng chí Đàm Minh Viễn (bí danh Đức Thanh) làm bí thư tỉnh Đoàn. Đầu năm 1943 phong trào Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc được củng cố vững chắc trên địa bàn tỉnh ở các châu: Hạ Lang, Trùng Khánh, Phục Hòa, Thạch An, Bảo Lạc… Tỉnh Đoàn Cao Bằng chú trọng mở các lớp dạy văn hóa cho các cán bộ, đoàn viên, thanh niên, trong đội du kích Pác Bó có đồng chí Thế An, Nông Thị Trưng khi đó còn rất trẻ đã vinh dự được Già Thu trực tiếp dạy văn hóa tại Pác Bó để sau trở thành cán bộ vận động phụ nữ, thanh niên tham gia cách mạng. Tháng 8/1943, Đảng bộ huyện Hà Quảng đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự tại xã Nà Sác với hơn 100 tự vệ tham gia. Sau đó một cuộc diễn tập lớn hơn tổ chức ở Hòa An có hơn 1.000 người tham gia, chủ yếu là đoàn viên thanh, thanh niên, phong trào cách mạng ngày một phát triển mạnh mẽ và quy mô. Đến cuối năm 1944, theo chủ trương của Đảng, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào “Sắm sửa vũ khí đuổi thù chung”, tổ chức Đoàn thanh niên ở Cao Bằng nhiệt liệt hưởng ứng và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của mọi đoàn viên, thanh nhiên. Để xây dựng quân đội cách mạng, Bác ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Theo chỉ thị của Người vào hồi 17h ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức được ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm có 34 chiến sĩ trong đó 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đội do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy. Trong số đó có rất nhiều đồng chí còn rất trẻ như đồng chí Thế Hậu, đồng chí Liên… Chỉ sau hai ngày thành lập Đội đã giành chiến thắng giòn giã trong hai trận Phai Khắt và Nà Ngần.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, tuổi trẻ Cao Bằng với đội tiên phong chiến đấu của mình là Đoàn thanh niên kiểu mới đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngay từ những ngày đầu về nước tại Pác Bó trực tiếp rèn luyện, lãnh đạo. Đoàn thanh niên luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, không quản ngại gian khổ, hy sinh xương máu, góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam./.

 

Tác giả bài viết: Nông Thị Liễu

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây