10 LỜI THỀ DANH DỰ - BẢN HÙNG VĂN CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Thứ ba - 20/12/2022 16:03
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo và rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đội quân chủ lực đầu tiên với 34 chiến sĩ, Quân đội nhân dân Việt Nam trải qua quá trình xây dựng, rèn luyện, chiến đấu ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Đây là lực lượng luôn xung phong đi đầu trong công tác đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước. Trong lễ thành lập, dưới lá cờ tổ quốc, các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã tuyên thệ 10 lời thề danh dự để luôn nhắc nhở thực hiện nhiệm vụ của người lính cụ Hồ. 10 lời thề danh dự ấy chính là bản hùng văn của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Hội nghị đã nhận định: "Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn đảng toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay" và đề ra chủ trương thành lập đội vũ trang toàn quốc bằng nhiều hình thức trong đó có việc: "Mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có làm cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu sẵn sàng".

Là trung tâm căn cứ địa, nơi đặt đại bản doanh lãnh đạo của Trung ương, sau Hội nghị phong trào cách mạng của quần chúng phát triển khắp các châu trong tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt là ba châu Hà Quảng, Nguyên Bình và Hoà An đã trở thành ba châu Việt Minh hoàn toàn. Các tổ chức tự vệ ra đời ngày một nhiều làm nhiệm vụ hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vùng căn cứ địa để vừa giữ vững địa bàn, vừa tạo nguồn cán bộ cung cấp cho tỉnh. Đến tháng 10/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn hơn 70 cán bộ gửi sang Trung Quốc học quân sự. Đây là những hạt giống cán bộ quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng. Từ cuối năm 1943 đến giữa năm 1944, thực dân Pháp liên tục mở các đợt khủng bố khốc liệt ở hầu hết các tỉnh Việt Bắc, điều đó càng tăng thêm lòng căm thù và quyết tâm đứng lên khởi nghĩa của nhân dân Việt Bắc. Trước khí thế sục sôi của cách mạng, các lượng vũ trang nhanh chóng trưởng thành. Hội nghị cán bộ liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đã quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Đúng thời điểm đó, tháng 10/1944, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước sau hơn một năm bị bắt giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch. Tại Lũng Cát, xã Nà Sác (Hà Quảng, Cao Bằng), sau khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh báo cáo toàn diện tình hình phong trào Cao - Bắc - Lạng và chủ trương phát động khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa. Cho dù phong trào cách mạng có mạnh khắp mọi nơi, nhưng vẫn còn rời rạc chưa có sự liên kết chặt chẽ, mà vẫn thiếu một đội quân chủ lực, nòng cốt để liên kết phong trào đó lại. Người chỉ thị: "Bây giờ nên tập hợp những cán bộ chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động...". Người trực tiếp giao nhiệm vụ này cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Quảng Ba cùng liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng họp bàn tích cực khẩn trương chuẩn bị việc chọn người và tập trung vũ khí, thống nhất kế hoạch tổ chức thành lập đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đề nghị đặt tên đội là “Đội Việt Nam giải phóng quân”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề nghị thêm hai chữ “tuyên truyền” thành “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” (ĐVNTTGPQ) để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ lúc này là chính trị trọng hơn quân sự. Người yêu cầu: "Phải thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự... trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng, điều đó ảnh hưởng tốt đến công tác tuyên truyền và tác động trong quần chúng".
 

z3596835000583 a20e752c023e75b849aebe59e41cb76a

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân 


Sau một thời gian lựa chọn cán bộ, chuẩn bị cơ sở vật chất và thống nhất phương châm hoạt động cùng với nhận định phong trào cách mạng ở Kim Mã – Tam Lọng là cơ sở chính trị tốt, khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc tổng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) được chọn làm nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Đúng 17h ngày 22/12/1944 lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể tại chính khu rừng Trần Hưng Đạo. Giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt, trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây thẳng tắp, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân lần đầu tiên tụ họp hàng ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ đỏ sao vàng trước sự chứng kiến của đại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Nùng, Dao của hai tỉnh cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự.

Đứng trước hàng quân, đồng chí Võ Nguyên thay mặt đoàn thể đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội và nêu rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc. Sau đó toàn Đội làm lễ tuyên thệ 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

“Chúng tôi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân xin lấy danh dự của một chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh:

  1. Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.
  2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
  3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.
  4. Lúc nào cũng khẩn trương, hoạt bát hết sức học tập để tự rèn luyện thành 1 quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.
  5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
  6. Khi ra trận, nếu bị quân địch bắt được, thì dù cực hình tàn khốc thế nào thì cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.
  7. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.
  8. Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng hay rơi vào tay quân thù
  9. Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng 3 điều răn:

Không lấy của dân.                 

Không dọa nạt dân.

Không quấy nhiễu dân.

Và 3 điều nên:

Kính trọng dân.

Giúp đỡ dân.

Bảo vệ dân.

Để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, diệt giặc cứu nước.

  1.  Nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh giải phóng quân và Quốc thể Việt Nam.

Sau những lời thề những tiếng hô vang "Xin thề" đồng thanh cất lên vang động cả đại ngàn núi rừng. Từ đó 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp biên soạn đã trở thành kim chỉ nam cho mọi chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. 10 lời thề thể hiện lòng trung thành vô hạn với tổ quốc với Đảng, tinh thần hy sinh chiến đấu, ý chí kiên quyết tiêu diệt quân thù cướp nước, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân. Nó cũng thể hiện tinh thần đoàn kết và ý thức kỷ luật cao của đội quân cách mạng. 10 lời thề danh dự cách đây hơn bảy mươi năm âm vang trong khu rừng Trần Hưng Đạo là tác phẩm quân sự đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là Quân lệnh đầu tiên của vị tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau này trong khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “bật mí”: “Tôi đã soạn lời thề danh dự gồm mười điểm, có tham khảo lời thề danh dự của quân đội nước ngoài, trong đó có lời thề của FFI (Forces francaises de l’Intérieur - nhóm kháng chiến Pháp chống lại quân chiếm đóng Đức trong Thế chiến thứ II) và của quân giải phóng Nam Tư”. Qua nhiều giai đoạn, hiện nay trong toàn quân thống nhất việc đọc 10 lời thề danh dự được thực hiện ngay sau khi kết thúc Quốc ca; một chiến sĩ tiến lên đứng trước lá cờ Tổ quốc và dõng dạc đọc 10 lời thề, sau mỗi lời thề là tiếng hô vang “Xin thề” hào hùng của cả hàng quân. Trước và sau khi đọc 10 lời thề, người đọc sẽ phải thực hiện động tác chào cờ.
 

10 lời thề


10 lời thề danh dự của các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại Nhà bia ghi dấu nơi thành lập Đội (Khu di tích QGĐB rừng Trần Hưng Đạo xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng)


Sự ra đời của 10 lời thề danh dự thể hiện rõ về văn hóa đạo đức và cũng thông qua 10 lời thề thấy được sự thiêng liêng thể hiện phẩm giá tốt đẹp của người quân nhân trước Tổ quốc. Lời thề danh dự có thể thấy rõ được truyền thống cách mạng được gìn giữ từ xa xưa của ông cha ta đã quyết tâm hy sinh tất cả để chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Ra đời năm 1944, 10 lời thề đó đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội nhân dân rất tài tình, tạo ra động lực và niềm tin. Ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng hùng mạnh vì mục tiêu, lý tưởng và trách nhiệm hướng tới bảo vệ vững chắc một đất nước độc lập. 10 lời thề này có ý nghĩa rất quan trọng và nó cũng thể hiện những tâm huyết của người lính, lòng trung thành với nhân dân, với Tổ quốc sẵn sàng hy sinh, chiến đấu tất cả vì sự nghiệp cách mạng.

78 năm trôi qua nhưng 10 lời thề vẫn còn nguyên vẹn giá trị kể từ ngày đầu tiên thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. 10 lời thề mãi là kim chỉ nam để nhắc nhở mỗi người lính trong đời thường cũng như khi đối mặt với kẻ thù, luôn nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà Đảng và nhân dân giao phó, luôn gìn giữ và phát huy phẩm chất sáng ngời của anh bộ đội cụ Hồ để  được nhân dân yêu quý, tin tưởng và kính trọng trong thời chiến cũng như thời bình.

Tác giả bài viết: Nông Thị Liễu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây