KỶ NIỆM NGÀY SINH BÁC HỒ 19/5

Thứ năm - 19/05/2022 06:29

Vào những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều dâng lên niềm xúc động bồi hồi nhớ đến ngày 19/5, ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Cả dân tộc cùng hướng về Thủ đô Hà Nội thân yêu, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính nhất.
 

z3425142162886 1759c0aeea676d9e51c2211a72b488d8


Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch nước, là lãnh tụ tối cao của Đảng, nhưng cứ đến dịp 19/5, kỷ niệm Ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từ chối những lễ nghi phiền phức, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức linh đình vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ. Trong 24 năm là Chủ tịch nước (2/9/1945-2/9/1969), Bác Hồ có 2 lần sinh nhật đặc biệt.

Lần đầu tiên là ngày 19/5/1946, Bác Hồ 56 tuổi. Vào lúc đó, Bác đã là Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam bộ đến chúc thọ. Người đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam bộ. Ngày kỷ niệm sinh nhật năm đó trở thành ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân.

Lần cuối cùng là ngày 19/5/1969, lúc Bác 79 tuổi. Vào ngày này, Bác sửa Di chúc lần cuối cùng. Sức khỏe của Bác ngày một giảm sút, Bác đã yếu nhiều nhưng trí óc vẫn rất minh mẫn, sáng suốt. Biết rõ tình trạng sức khỏe của mình và một lòng thương nhớ đồng bào đang ngày đêm chiến đấu gian khổ hy sinh, Bác nhất định không cho làm sinh nhật. Bác không đồng ý về việc đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970 và yêu cầu “tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh của Bác nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí”. Trước lời xin phép của Trung ương, nghĩ đến miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác miễn cưỡng đồng ý tổ chức sinh nhật và giục: “Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi”.

Trong những năm ở chiến khu Việt Bắc, kỷ niệm sinh nhật Bác vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và quà tặng chính là những bó hoa rừng. Bác rất xúc động và thường dành lúc này để nói chuyện về những việc phải làm, về những tấm gương trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến. Bác có thói quen dịp sinh nhật hay làm thơ nói về tuổi tác với tình cảm, trách nhiệm của mình đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí. Trước ngày 19/5/1950, tại một cuộc họp nhân có nhiều đồng chí chúc mừng sinh nhật, Bác đã làm bài thơ đáp lại tình cảm của mọi người:

                                    “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
                                      So với ông Bành vẫn thiếu niên
                                      Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
                                      Trần mà như thế kém gì tiên”.

Suốt cuộc đời mình dù trên cương vị là Chủ tịch nước, nhận trọng trách do nhân dân tín nhiệm, Người luôn sống thật giản dị, khiêm tốn và tình cảm. Người không coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người chiến sĩ cách mạng, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Nhân cách, đạo đức, sự cao thượng ấy của Người mãi mãi trở thành tấm gương sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và noi theo./.

 

Tác giả bài viết: Lương Hằng (TH)

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây