Kỷ vật còn lại của Chính trị viên đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Thứ bảy - 22/10/2022 12:41

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944, là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay. Đội gồm 34 chiến sĩ, chủ yếu là con em dân tộc các tỉnh Cao - Bắc - Lạng, trong đó Cao Bằng có 25 đồng chí. Chỉ 2 ngày sau khi thành lập, Đội đã giành được chiến thắng vang dội trong trận đánh đồn Phai Khắt (ngày 25/12/1944), và đồn Nà Ngần (ngày 26/12/1944), mở đầu cho những trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra quân là thắng trận. Từ ngày thành lập đến nay, gần 80 năm đã trôi qua, các chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) đều đã không còn, nhưng những kỷ vật của các chiến sĩ vẫn luôn được các thế hệ con cháu lưu giữ như những báu vật.

​Chúng tôi đến thăm đồng chí Dương Mạc Thăng - Nguyên bí thư tỉnh uỷ tỉnh Cao Bằng vào ngày thu tháng 8. Đón chúng tôi tại căn nhà đơn sơ ở quê nhà Minh Tâm, đồng chí đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về người cha kính yêu của mình, đồng chí Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng), người chính trị viên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.
 

z3803303330511 04e6d78e91f620a43ca4f0a6a9f270b5

Đồng chí Dương Mạc Thạch (Xích Thắng), Chính trị viên đội VNTTGPQ (Tư liệu)

​Đồng chí Dương Mạc Thạch sinh năm 1915 tại xã Minh Tâm (Nguyên Bình - Cao Bằng), là Bí thư Chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên của huyện Nguyên Bình. Năm 1934, đồng chí Dương Mạc Thạch đã chính thức tham gia hoạt động cách mạng và cùng năm này đồng chí được kết nạp vào Đảng. Năm 1940, đồng chí là Uỷ viên Ban chấp hành lâm thời Tỉnh uỷ Cao Bằng. Vốn là người am hiểu địa bàn, nắm chắc phong trào cách mạng, là người có uy tín ở địa phương, chính vì vậy trong suốt một thời gian dài từ sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí được phân công chủ yếu bám trụ hoạt động ở Nguyên Bình và vùng giáp ranh với Bắc Kạn. Tại đây, đồng chí đã tích cực xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng. Đầu năm 1944, đồng chí Dương Mạc Thạch và đồng chí Võ Nguyên Giáp được tổ chức phái xuống Bắc Kạn phát triển phong trào, tổ chức các đội tự vệ. Thời kỳ này, đồng chí là Tỉnh uỷ viên Cao - Bắc - Lạng.

Ngày 22/12/1944, Đội VNTTGPQ được thành lập, đồng chí được chọn làm chính trị viên của đội. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Dương Mạc Thạch cùng với đội trưởng Hoàng Sâm đã chỉ huy Đội VNTTGPQ làm nên chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Đầu năm 1945, Đội VNTTGPQ phát triển thành nhiều đại đội. Đồng chí Dương Mạc Thạch trực tiếp chỉ huy một đại đội hoạt động dọc đường 3B, vừa vũ trang tuyên truyền vừa chặn đánh quân Nhật ở Nà Phặc, Hà Hiệu, Đèo Giàng… Trong cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí cùng đơn vị tham gia giải phóng thị xã Bắc Kạn, thành lập chính quyền cách mạng ở các huyện Chợ Rã, Bạch Thông. Từ năm 1945 đến năm 1948, đồng chí Dương Mạc Thạch hoạt động chủ yếu ở Bắc Kạn, và có thời kỳ làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Bắc Kạn. Tới giữa năm 1948, đồng chí được điều về Bộ tổng tư lệnh làm Đặc phái viên các tỉnh miền núi. Năm 1949, đồng chí được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Quốc dân miền núi của liên khu 1. Năm 1950, đồng chí được cử sang học ở trường chính trị Hoa Nam - Trung Quốc. Cuối năm 1951, đồng chí về nước và được bổ sung vào tỉnh uỷ Yên Bái, sau đó lại được Trung Ương điều lên Hà Giang. Sau gần 20 năm công tác, đồng chí đã trải qua các chức vụ: Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh,  Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Đầu năm 1970, đồng chí Dương Mạc Thạch được điều về làm Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái; đến tháng 8/1978 đồng chí về nghỉ hưu.

​Khi được hỏi về những kỷ vật còn lại của người cha của mình, đồng chí Dương Mạc Thăng đã không ngần ngại tặng chúng tôi khẩu súng ngắn Pạc Hoọc mà người cha kính yêu của ông đã sử dụng từ những năm 1940.
 

z3819662188383 971b67b38a3ee2f6ab9db02cf7ee5612

Khẩu súng Pạc Hoọc, kỷ vật của đồng chí Xích Thắng

Đầu năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó phát triển cơ sở cách mạng sang Lam Sơn (Hoà An). Tuy nhiên, nơi này lại gần với trung tâm Thị xã Cao Bằng, độ an toàn không cao, nên Trung ương Đảng đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Xích Thắng tìm một nơi kín đáo, bí mật hơn để xây dựng cơ sở cách mạng. Tổng Gia Bằng (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình ngày nay) một nơi có vị trí chiến lược quan trọng, nơi có phong trào cách mạng tốt từ trước đã được lựa chọn. Hang Kéo Quảng sau nhà đồng chí Dương Mạc Thạch là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ tỉnh Cao Bằng (Sau này Bác đã đặt tên cho hang này là hang Lê Nin). Ngôi nhà sàn của gia đình đồng chí rất vinh dự được ba lần đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến ở và làm việc. Ngôi nhà cũng là nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên ở và hoạt động cách mạng. Khẩu súng Pạc Hoọc này, đồng chí Xích Thắng đã sử dụng để bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong suốt thời gian Người hoạt động cách mạng ở Minh Tâm. Đây là một khẩu súng tốt, có tầm sát thương rất xa, khoảng 150 - 200m. ​Khi đội VNTTGPQ được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, khẩu súng được đồng chí sử dụng tham gia các trận đánh đầu tiên ở đồn Phai Khắt, đồn Nà Ngần. Thời kỳ hoạt động cách mạng ở Bắc Kạn, đồng chí vẫn luôn mang theo khẩu súng này tham gia các trận đánh ở Nà Phặc, Đèo Giàng… Tới sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, khẩu súng đã bị mất bao súng bằng gỗ, mất băng đạn và nòng ngắm. Tuy nhiên, khẩu súng vẫn luôn được gia đình cất giữ, bảo quản như một kỷ vật thiêng liêng.
 

z3803303487098 ed7ce6fa487c1e3220ec8d06a8b1915d

Đồng chí Dương Mạc Thăng (con trai đ/c Dương Mạc Thạch)- nguyên bí thư tỉnh uỷ tỉnh Cao Bằng trao tặng hiện vật cho Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Dương Mạc Thăng không giấu được niềm xúc động, tự hào về người cha của mình. Một người chiến sĩ cách mạng kiên trung dũng cảm. Ông cũng chia sẻ: Với gia đình chúng tôi “Khu rừng Trần Hưng Đạo là một phần máu xương, tinh thần của gia đình”. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông lại cùng con cháu trong gia đình đến thăm khu di tích rừng Trần Hưng Đạo và thắp nén hương tâm, thành kính tưởng nhớ về người cha của mình và các đồng đội của ông./

 

Tác giả bài viết: Đoàn Hồng Hạnh

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây