Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cùng các đồng chí cán bộ cách mạng Việt Nam vượt qua cột Mốc 108 biên giới Việt - Trung trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta. Khi Người về nước, công cuộc cách mạng chung cả nước có bước phát triển mới, đặc biệt phong trào ở Cao Bằng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, từng bước lên cao, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang để đón thời cơ.
Ngay sau khi trở về, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương tổ chức thí điểm Việt Minh, lấy từ số cán bộ mới về nước làm nòng cốt. Đây là các đồng chí vừa là cán bộ chính trị, vừa là cán bộ quân sự để phát triển các hội cứu quốc trong quần chúng. Địa bàn chủ yếu của đợt thí điểm Việt Minh là vùng Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị: Việt Minh phát triển đến đâu là tổ chức ngay tự vệ đến đó.
Sau ba tháng thí điểm mặt trận Việt Minh từ tháng 2 - 4/1941, ở 3 châu: Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình, phong trào Việt Minh phát triển rầm rộ và mạnh mẽ, số hội viên ngày càng đông. Số hội viên cứu quốc ở các châu này tăng lên 2.000 người với đầy đủ thành phần già, trẻ, gái, trai…; với các thành phần dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao… Tại các tổng trong ba châu đã xuất hiện các đội tự vệ gồm những nam, nữ hội viên hăng hái. Đây là lực lượng để củng cố và phát triển hội cứu quốc, làm thành “bức tường thành” quần chúng bảo vệ cơ quan Đảng trong thời gian “đứng chân” tại đây. Đội có nhiệm vụ đưa đón cán bộ qua lại hoạt động, làm liên lạc và khi cần có thể chiến đấu với địch. Chỉ trong một thời gian ngắn, trong ba châu đã có nhiều Tổng, xã Việt Minh hoàn toàn.
Trước sự phát triển rầm rộ của phong trào Việt Minh ở Cao Bằng, với mục đích muốn có một đội vũ trang mạnh, trước hết phải có một đội quân tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững. Vì vậy, phải ra sức tuyên truyền vận động quần chúng làm cách mạng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thường nói với các cán bộ “Chúng ta ở rất bí mật, nhưng đó là bí mật với tụi tổng đoàn, với bọn mật thám, bọn Nhật, Pháp thống trị chứ không phải bí mật với nhân dân”.
Cuối tháng 4/1941, đồng chí Vũ Anh được Bác giao nhiệm vụ triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh Cao Bằng để rút kinh nghiệm việc tổ chức thí điểm mặt trận Việt Minh ở ba châu Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình. Hội nghị tổng kết thí điểm mặt trận Việt Minh được diễn ra tại xóm Goọc Mu (Pác Bó, Hà Quảng).
Qua Hội nghị, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang đặc biệt nổi lên. Các cuộc họp của các đoàn thể cứu quốc đòi hỏi phải có tổ chức bảo vệ, ở đâu có Việt Minh, ở đó phải có tự vệ và các đội tự vệ chiến đấu. Hồi ấy, đã có tổ chức tự vệ, nhưng chưa có đội tự vệ chiến đấu. Đây là một hình thức mới đánh dấu một bước phát triển của phong trào xây dựng lực lượng nửa vũ trang.
Trước những chuyển biến của tình hình trong nước và quốc tế, từ ngày 10 - 19/5/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị TW Đảng lần thứ tám, họp tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó - Cao Bằng). Hội nghị nhận định tình hình thế giới và tình hình cách mạng trong nước sau các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ và binh biến Đô Lương và đưa ra nhận định: “Cách mạng đã bước sang thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh bằng bạo lực để giành chính quyền cách mạng”. Hội nghị đề ra chủ trương: “Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay”. Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên “Việt Nam Độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh). Hội nghị đề ra chủ trương thành lập lực lượng vũ trang toàn quốc bằng nhiều hình thức, trong đó có việc: “Mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có làm cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu sẵn sàng gây cuộc khởi nghĩa”, “Phải có những tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc”. Hội nghị đề ra điều lệ của “Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc”, tên gọi, tổ chức, biên chế và mục đích hoạt động của các đơn vị này.
Cao Bằng vinh dự là trung tâm căn cứ địa của cả vùng, là nơi “đứng chân”, nơi đặt đại bản doanh của Trung Ương Đảng, các tổ chức tự vệ ra đời ngày càng nhiều làm nhiệm vụ hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng. Mặt khác, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vùng căn cứ địa để vừa giữ vững địa bàn, vừa đào tạo nguồn cán bộ cung cấp cho tỉnh. Từ tháng 6 - 10/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn hơn 70 cán bộ gửi sang Trung Quốc học Quân sự. Ngay từ khi cách mạng còn trong thời kỳ trứng nước, Bác đã rất chú trọng tới việc đào tạo cán bộ quân sự làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang. Đây là những hạt giống cán bộ quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng, sau này là Cao - Bắc - Lạng và Khu giải phóng Việt Bắc.
Từ năm 1941 đến năm 1944, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức các lớp huấn luyện quân sự tập trung, gọi là Trường Quân chính. Các lớp huấn luyện đã được tổ chức liên tục, gồm 4 khóa, đào tạo được hàng trăm cán bộ quân sự tại chỗ, đáp ứng yêu cầu huấn luyện tự vệ và các đội du kích địa phương trong tỉnh. Tháng 02/1942, lớp huấn luyện thứ nhất của trường Quân chính được tập trung tại Khuổi Nặm (Pác Bó) và địa điểm tập luyện là bãi Còi Rặc (Pác Bó - Cao Bằng).
Phong trào Việt Minh ngày càng phát triển, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị thành lập đội vũ trang tập trung để làm hạt nhân quân sự đầu tiên cho hoạt động vũ trang của tỉnh. Các đồng chí bắt đầu bằng việc chọn người vào Đội. Tiêu chuẩn lựa chọn đều được thống nhất, trước hết phải chọn những người trung thành với cách mạng, dũng cảm, khỏe mạnh, có súng góp vào đội và đã được thử thách trong thực tế. Những hạt nhân đầu tiên của đội được chọn từ những đồng chí đã dự lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên ở Nặm Quang đang hoạt động ở vùng Pác Bó, được 7 người. Đồng chí Lê Quảng Ba, là người địa phương (quê ở Sóc Hà, Hà Quảng), lại hoạt động lâu ở vùng này đã nắm được lý lịch và sự giác ngộ của các anh em nên chọn được thêm 5 người nữa vào đội. Như vậy, Đội vũ trang đầu tiên ở Pác Bó gồm 12 người. Đội thành lập tháng 11/1941, tại Pài Co Nhản (Pác Bó), do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng, đồng chí Lê Thiết Hùng làm Chính trị viên.
Tranh Đội du kích Pác Bó
Đội có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ; làm giao thông liên lạc đặc biệt; vũ trang tuyên truyền trong quần chúng và huấn luyện cho các đội tự vệ chiến đấu ở địa phương. Vũ khí trang bị của Đội có 6 khẩu súng săn, 6 khẩu súng trường. Chi bộ Đảng của Đội cũng được thành lập để chỉ đạo hoạt động của Đội.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trực tiếp giáo dục chính trị và viết tài liệu huấn luyện quân sự cho Đội. Người đã biên soạn các tài liệu quân sự như: Kinh nghiệm du kích Nga, Kinh nghiệm du kích Tàu và nhất là cuốn Cách đánh du kích rất dễ đọc, dễ hiểu. Người cũng trực tiếp viết Mười điều kỷ luật của Đội, thông qua kế hoạch tổ chức hoạt động, đặt tên và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đội. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, Đội còn làm giao thông đặc biệt nối liền cơ quan đầu não tại Pác Bó với Đảng bộ Cao Bằng tại Lam Sơn (Hòa An). “Tên Đội là Đội du kích và nhiệm vụ của Đội thêm một nhiệm vụ thứ năm là làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này”.
Sau một thời gian huấn luyện, Đội bắt đầu triển khai công tác vũ trang tuyên truyền ở các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Hoạt động của Đội gồm hai thời kỳ: thời kỳ tập trung từ cuối năm 1941 đến tháng 3 năm 1942 và thời kỳ phân tán từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1943.
Từ những cán bộ cốt cán của Đội du kích Pác Bó và các đồng chí đã được huấn luyện quân sự, nhiều đội vũ trang ở các châu lần lượt được thành lập. Đội du kích Pác Bó đã đóng vai trò làm nòng cốt trong việc phát triển lực lượng bán vũ trang ở Cao Bằng lúc bấy giờ. Đến tháng 7/1943, hầu hết các thành viên của Đội du kích Pác Bó đã nhận những nhiệm vụ khác nhau về cơ sở để thành lập các đơn vị vũ trang mới. Vì vậy, Đội du kích Pác Bó chấm dứt sự tồn tại, hoàn thành nhiệm vụ mà Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao phó. Đội đã hỗ trợ phong trào quần chúng phát triển bằng việc xây dựng các đội vũ trang châu, tổng, các đội tự vệ chiến đấu và tự vệ xã ở các châu Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình; đặc biệt là cuộc đấu tranh chống khủng bố trong các năm 1943 - 1944. “Đội tồn tại được độ hai năm. Song đây là một thực tiễn sinh động để Đảng, Bác Hồ tổ chức xây dựng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”.
Như vậy, sự ra đời và hoạt động của Đội du kích Pác Bó là những kinh nghiệm và bài học quý báu, là tiền đề cho việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau này. Bên cạnh việc phát triển lực lượng vũ trang vùng Cao - Bắc - Lạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị phong trào Nam tiến (hướng Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy) để phát triển các con đường quần chúng nối liền liên lạc với miền xuôi và tới các địa phương khác.
Từ cuối năm 1943 đến giữa năm 1944, thực dân Pháp liên tục mở các đợt khủng bố khốc liệt hầu hết các tỉnh ở Việt Bắc. Địch càng điên cuồng khủng bố phong trào cách mạng, quần chúng nhân dân càng nóng lòng đứng lên khởi nghĩa. Trong bối cảnh đó, ngày 13/7/1944, Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng triệu tập Hội nghị tại Lũng Sa (một địa điểm giáp giới châu Hòa An và Nguyên Bình). Đầy đủ các cán bộ phụ trách các vùng, cán bộ Trung ương như các đồng chí: Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… dự hội nghị. Báo cáo chính trị của Hội nghị khẳng định: “Các điều kiện đã chín muồi để phát động chiến tranh du kích trong Liên tỉnh”. Các đại biểu thảo luận sôi nổi và dù còn nhiều vấn đề về công tác cụ thể chưa có cách giải quyết, hội nghị nhanh chóng đi đến quyết nghị khởi nghĩa. Hội nghị nhận định: “Tình hình trong nước và phong trào cách mạng địa phương, quần chúng Cao - Bắc - Lạng đang nóng lòng chờ đợi khởi nghĩa”. Do chưa bắt được liên lạc với Trung ương Đảng ở miền xuôi, chưa nắm bắt được phong trào cách mạng toàn quốc nên hội nghị chưa định ngày giờ khởi nghĩa mà chỉ thống nhất được những việc cần gấp rút thực hiện như: hoàn thành công tác huấn luyện cho các đội trưởng và chính trị viên các đội vũ trang; các đơn vị tự vệ chiến đấu đều chuyển thành các đội du kích, đẩy mạnh phong trào mua sắm, tự tạo vũ khí, đạn dược; lương thực chuẩn bị cho các đội du kích phải đủ ăn trong 6 tháng. Đến tháng 9/1944, kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa phần lớn đã được thực hiện
Cuối tháng 10/1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về xã “đỏ” Nà Sác (nay là xã Trường Hà), huyện Hà Quảng, ven biên giới Việt - Trung. Một buổi sáng tháng 10/1944, các đồng chí Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp tới gặp và xin ý kiến Người trong một lán nhỏ trên một quả đồi ở Lũng Cát, xã Nà Sác. Đồng chí Vũ Anh báo cáo tình hình phong trào cách mạng ở các tỉnh Cao - Bắc - Lạng, những khó khăn lớn trong việc liên lạc với Trung ương ở miền xuôi và ngay cả với khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, về nghị quyết vũ trang khởi nghĩa của Liên tỉnh ủy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình con đường Nam tiến, sự khủng bố của thực dân Pháp và chủ trương đối phó của ta. Nghe báo cáo xong, Người nhận định “Phong trào lên, địch khủng bố là chuyện đương nhiên, nhưng có phần vì ta bộc lộ lực lượng”. Người chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa. Sau đó, Người nhận định “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên…”. Rồi Người chỉ thị “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ thành lập đội quân giải phóng…”. Người trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ này. Sau đó, khi trao đổi với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Người phác thảo ra những nét chính về Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược, quan hệ giữa đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương. Đặc biệt Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Các đội viên phải là những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Các cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về. Đa số họ đã trải qua chiến đấu và ít nhiều đã biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự. Trong Đội phải có các thành phần dân tộc, người địa phương nào cũng có nhằm phục vụ cho hoạt động sau này được thuận lợi.
Sau đó theo sự chỉ dẫn của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Lê Quảng Ba họp bàn việc chọn người, tập trung vũ khí và thống nhất kế hoạch tổ chức thành lập đội. Về tên gọi của Đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp đề nghị đặt tên là Đội Việt Nam giải phóng quân, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đề nghị thêm hai chữ “tuyên truyền” thành Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ lúc này, chính trị trọng hơn quân sự.
Người yêu cầu “Phải thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự … Trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng. Điều đó ảnh hưởng tốt đến công tác tuyên truyền và tác động trong quần chúng”.
Sau một thời gian lựa chọn cán bộ, chiến sĩ, chuẩn bị cơ sở vật chất và thống nhất phương châm hoạt động. Với vị trí “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, sau khi nhận định phong trào cách mạng ở Kim Mã - Tam Lọng là cơ sở chính trị tốt, nhân dân một lòng theo Đảng, theo cách mạng, khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), vùng đất “địa lợi, nhân hòa” được chọn làm nơi tập kết của Đội và là nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Trước ngày thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được thư của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đó là bản chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Đúng 17h, ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được cử hành. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của Đội với Tổ quốc. Sau đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Từ đó, 10 lời thề đã trở thành kim chỉ nam của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bức phù điêu Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
Trong buổi lễ thành lập, Đội có 34 chiến sĩ, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng. Sau khi diễn ra lễ thành lập, cả Đội tổ chức ăn bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần quyết tâm chịu đựng gian khổ để chiến thắng quân thù của người chiến sĩ cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Từ núi rừng Pác Bó - nơi thành lập Đội du kích đầu tiên, xây dựng nền móng và tạo tiền đề quan trọng để vươn đến đại ngàn núi rừng Trần Hưng Đạo - nơi chứng kiến buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc và của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời là bước phát triển quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển. Cũng từ đây, đất nước ta có một đội quân chủ lực thống nhất, có cương lĩnh chính trị, quân sự rõ ràng, chiến đấu dũng cảm, liên hệ mật thiết với nhân dân, đã ra quân là chiến thắng.
Cao Bằng tự hào là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại của Trung Ương Đảng và là nơi gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ từ 1941 - 1945. Đặc biệt, mảnh đất này còn gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người “Anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với rừng thiêng Trần Hưng Đạo, với phong trào cách mạng ở Cao Bằng và trong lòng đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn nhớ về Đại tướng với tấm lòng thành kính - vị Đại tướng tài ba, lỗi lạc, mãi mãi là Đại tướng của nhân dân.
Tác giả bài viết: Vi Thị Hồng Thoa
Nguồn tin: Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn