BÁC HỒ VỚI MỎ THIẾC TĨNH TÚC CAO BẰNG

Thứ tư - 30/10/2024 08:47
Ngày 16/5/1955, toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi đảo Cát Bà (Hải Phòng) miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta đã phát huy sức mạnh của chính quyền dân chủ nhân dân, tăng cường đoàn kết toàn dân, khôi phục kinh tế, từng bước đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội. Cao Bằng cũng phấn khởi bước vào quá trình khôi phục kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp. Người đã tới thăm các cơ sở sản xuất: nhà máy, xí nghiệp, khu mỏ, bến cảng… gặp gỡ, động viên công nhân và người lao động. Vào tháng 9/1958, Người đã dành thời gian lên thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc, tỉnh Cao Bằng.


 

1 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc (ngày 15/9/1958). Ảnh: T.L


Mỏ thiếc Tĩnh Túc thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây là nơi có nhiều khoáng sản quý hiếm như: Vàng, bạc, ăngtimoan, thiếc, vonphram… các kim loại có giá trị công nghiệp cao và là nguyên liệu chiến lược. Địa danh Tĩnh Túc thời xưa theo tiếng tày gọi là Thin Tốc (theo tiếng Tày, Nùng nghĩa là đá rơi) cách tỉnh lỵ Cao Bằng 65km. Thời kỳ cách mạng được đặt tên là khu Kim Sơn.

Sau khi quân Pháp rút khỏi Cao Bằng năm 1950, tỉnh Cao Bằng hoàn toàn giải phóng, Chính phủ đã ra quyết định khai thác mỏ từ tay người Pháp. Cao Bằng thành lập xí nghiệp quản lý mỏ chuẩn bị kế hoạch cử cán bộ vào khảo sát khai thác mỏ. Lúc đầu mỏ chỉ có 56 công nhân sau đó tăng lên đến 500 người. Năm 1950, năm đầu tiên khai thác, mỏ đã khai thác được 30.370 tấn quặng thiếc và 5.593 kg vàng. Năm 1954, Chính phủ đã điều động 400 kỹ sư và công nhân lên Tĩnh Túc, đầu tư 2.000 tấn máy móc, thiết bị để khôi phục tại các cơ sở, hầm mỏ sản xuất.... Cùng với sự giúp đỡ của Liên Xô và trang thiết bị máy móc hiện đại, công nhân dần làm chủ nâng cao tay nghề. Mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng chính thức trở thành “đứa con đầu lòng” của nền công nghiệp khai khoáng luyện kim màu Việt Nam.

Mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng vinh dự và tự hào đón Bác về thăm, khi đó mỏ có 2.000 công nhân, trong đó có 150 đảng viên. Bác trò chuyện hỏi thăm động viên đến đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất, các thế hệ công nhân mỏ nhớ mãi hình dáng thân thương, tình cảm gần gũi, ân cần và những lời dạy bảo sâu sắc của Bác. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ động viên các thế hệ người con đất mỏ. Cán bộ, công nhân Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng nói riêng và Tổng Công ty Khoáng sản nói chung không sao quên được cảm xúc đặc biệt hân hoan đón Bác Hồ về thăm.

Ông Nguyễn Văn Bản, nguyên Quản đốc Phân xưởng khai thác II, Mỏ thiếc Tĩnh Túc, quê ở tỉnh Hưng Yên, nhớ lại ngày Bác về: Khi đoàn xe đưa Bác về, trong tâm thức ai cũng nghĩ chiếc xe đi đầu là xe của Bác, nào ngờ Bác đi xe cuối cùng. Xe từ từ đỗ hẳn trước khu chuyên gia Liên Xô. Bác xuống xe và vào ngay nơi ăn ở của các chuyên gia Liên Xô đang giúp chúng ta xây dựng và khai thác mỏ. Nơi đón tiếp có để sẵn một ít ghế ngồi, lúc đó các chuyên gia đã ngồi chờ sẵn. Một bất ngờ là ghế để sẵn, nhưng Bác không ngồi mà Bác lại ngồi xuống đất. Anh Nguyễn Tiến Tác, phụ trách bổ túc văn hoá của mỏ ngồi ngay cạnh đó liền rút chiếc dép của mình để Bác ngồi. Bác nói: “Bác tự lực được” và rút ngay đôi dép đang đi để ngồi. Thấy thế, các chuyên gia Liên Xô đang ngồi ở ghế cũng theo Bác ngồi xuống đất để trò chuyện với Bác như người thân đến thăm nhau. Sau khi hỏi chuyện các chuyên gia Liên Xô, Bác vào thăm bếp ăn tập thể của mỏ ngay cạnh khu chuyên gia. Sau đó Bác đi thăm khu khai thác, nhà tuyển quặng, lò luyện thiếc và làm việc với Ban lãnh đạo Mỏ.

Sáng ngày 16/9/1958, Bác mặc bộ quần áo giản dị, chân vận đôi dép cao su đi thăm quan mỏ khi đó các anh chị em vẫn làm việc bình thường. Bác đến khu khai mỏ, nhà máy sàng, xưởng ô tô, xưởng cơ khí… Đến đâu Bác cũng hỏi về điều kiện làm việc, đời sống văn hóa tinh thần của anh chị em công nhân. Trên công trường khai thác, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần hỏi thăm tình hình mọi mặt và tỏ ra rất hài lòng khi thấy nhiều công nhân địa phương, nhất là phụ nữ, đã điều khiển được máy móc hiện đại. Bác nói: “Thay mặt Trung ương Đảng và chính phủ, Bác đến thăm các cô chú, đồng bào nông dân quanh vùng, lâu nay đã góp phần xây dựng xí nghiệp. Thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ và cả các cô, các chú cảm ơn Đảng và Chính phủ Liên Xô đã đưa chuyên gia sang giúp chúng ta. Tinh thần vô sản ấy, ta phải học và biết ơn…”. Bác đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho công nhân phải đoàn kết, hăng say lao động, thi đua yêu nước và sản xuất vượt kế hoạch. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, Mỏ thiếc Tĩnh Túc đã có nhiều chuyển biến mới. Làm theo lời căn dặn của Bác, cán bộ, công nhân mỏ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực thi đua lao động sản xuất. Năm đó, mỏ đã sản xuất được 120 tấn thiếc, vượt mức kế hoạch 20 tấn thiếc. Với thành tích nổi bật, cán bộ, công nhân mỏ thiếc đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ngày 15/9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Tổng Công ty Khoáng sản.

Theo tài liệu của Đảng bộ Mỏ thiếc Tĩnh túc, mỏ đạt sản lượng cao nhất là năm 1962, với tổng số 619 tấn quặng thiếc khai thác được. Đến năm 1967 là thời điểm số lượng công nhân của mỏ đạt đỉnh với tổng số 3.000 người. Để phục vụ cho từng đó công nhân, lực lượng chăm lo đời sống phải lên đến hàng chục người, chưa kể những người phải đi học để nấu ăn, phục vụ riêng cho các chuyên gia Liên Xô.

Với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc là nguồn động viên tinh thần vô giá đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của cả tỉnh Cao Bằng. Từ đây, Cao Bằng lại được tiếp thêm sức mạnh, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Ngày nay tại Mỏ thiếc Tĩnh Túc có tượng đài Bác Hồ do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin khánh thành, nhân dịp kỷ niệm 52 năm ngày Bác Hồ về thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc (15/9/1958 – 15/9/2010).
 

Tài liệu tham khảo:

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao Bằng, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.
Người sưu tầm: Ngọc Nam

 

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây