Sau 30 năm bôn ba nước ngoài để tìm con đường cứu nước, ngày 28/01/1941 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định chọn mảnh đất Pác Bó - Cao Bằng là nơi để trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Trong những năm 1941 - 1945 hoạt động cách mạng tại Pác Bó, Người luôn được nhân dân Pác Bó tin yêu, che chở và bảo vệ. Bác được đồng bào gọi thân mật là “Ông Ké”. Cách mạng tháng Tám thành công, đến năm 1961, với tình cảm thiêng liêng, sâu nặng với mảnh đất Cao Bằng Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dành thời gian lên thăm Cao Bằng từ ngày 19 đến 21/02 và dành trọn ngày 20/2/1961 lên thăm lại Pác Bó. Nhưng đó cũng là lần cuối Pác Bó được đón Bác về thăm. Năm 1969, khi đất nước đang tưng bừng kỷ niệm 24 năm ngày Quốc khánh 2/9, Đài tiếng nói Việt Nam phát ra tin dữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc Việt Nam, “Ông Ké” của núi rừng Pác Bó mãi mãi ra đi. Nhân dân Pác Bó, nhân dân Cao Bằng đau đớn, tiếc thương cùng hướng về Quảng trường Ba Đình nơi Người đang yên giấc ngàn thu. Trong niềm đau thương vô hạn của cả nước, Đoàn đại biểu Cao Bằng vinh dự được túc trực bên linh cữu Bác Hồ.
Bức ảnh “Đoàn đại biểu Cao Bằng túc trực bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh”
Đoàn đại biểu có bà Nông Thị Trưng là học trò của Bác trong thời gian hoạt động tại Pác Bó. Cuối năm 1941, bà được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí kết nạp vào Đảng Cộng Sản tại hang Ngườm Vài - Pác Bó. Bà Nông Thị Trưng vinh dự được túc trực bên linh cữu của Bác hai lần. Đó là niềm vinh dự vô cùng lớn lao. Trong hồi ký của mình bà kể lại: “Bước vào cầu Long Biên, tôi thấy lạnh lẽo, hình ảnh Hà Nội buồn tủi, nhìn vào đâu cũng thấy cờ tang. Tôi nghĩ: ta đã đến Hà Nội rồi nhưng không được nghe giọng nói của Chú nữa… càng nghĩ tôi càng buồn đau. Giờ đây tôi đã vĩnh viễn mất đi một người Chú thân yêu.
Trưa ngày mùng 7 tháng 9 các phóng viên đài, báo đến hỏi, chụp ảnh và hỏi chuyện về Chú Thu, tôi kể bao nhiêu thì nước mắt tràn ngập bấy nhiêu.
6 giờ sáng ngày mùng 8 tháng 9 tôi cùng các đồng chí trong đoàn Cao Bằng được vào túc trực bên linh cữu của Chú. Đoàn Cao Bằng gồm có: đồng chí Vũ Ngọc Linh - bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Mạnh Cư - chủ tịch Ủy ban tỉnh, đồng chí Lê Mới - cán bộ lão thành; đồng chí Dương Đại Long - cơ sở cách mạng ở Pác Bó; đồng chí Dương Kim Đao - cơ sở cách mạng dân tộc Hmông.
Túc trực xong, về đến nhà nghỉ được một lúc, lại được điện báo: Đoàn Cao Bằng vào viếng Bác. Cả đoàn lên xe viếng Bác xong gần 10 giờ trưa, vừa đến nhà ăn Mậu Dịch chưa được ăn cơm lại có điện báo: Đồng chí Nông Thị Trưng và đồng chí Dương Đại Long 2 giờ chiều đến túc trực Bác. Như vậy, ngày 8 tháng 9 tôi được túc trực Chú hai lần…”.
Đại diện Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tiếp nhận bức ảnh “Đoàn đại biểu Cao Bằng túc trực bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh” từ ông Hoàng Quốc Quyết.
Những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Cao Bằng luôn là những tư liệu quan trọng mà Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng luôn cố gắng sưu tầm. Ngày 11/12/2022, Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận bức ảnh “Đoàn đại biểu Cao Bằng bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh” từ ông Hoàng Quốc Quyết là con trai của đồng chí Hoàng Tô (Bí thư Chi bộ đầu tiên của huyện Hà Quảng). Bức ảnh được ông Quyết sưu tầm và khôi phục khá rõ nét. Trong ảnh là Đoàn đại biểu Cao Bằng và bà Nông Thị Trưng đội khăn trắng đang túc trực bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trò chuyện với chúng tôi, ông Quyết vô cùng xúc động. Ông nguyên là Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu I nên hiểu được những nỗi vất vả và mong muốn tìm được nhiều thông tin, hiện vật, tư liệu để bổ sung vào kho tư liệu của đơn vị đang làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức ảnh là tư liệu quý giá bổ sung vào kho ảnh của Ban Quản lý và sẽ được trưng bày tại Nhà trưng bày Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó trong thời gian tới./.
Tác giả bài viết: Đoàn Mai Hiên
Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn