TẠO SỰ TƯƠNG TÁC TÍCH CỰC VỚI DU KHÁCH TRONG HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN TẠI KHU DI TÍCH PÁC BÓ

Thứ bảy - 22/06/2019 09:01
Triển lãm chuyên đề Đi qua cuộc chiến là hoạt động chuyên môn nổi bật của hệ thống các bảo tàng, di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trong năm 2017. Triển lãm tạo ra những hiệu ứng tích cực trong xã hội, được khách tham quan nồng nhiệt đón nhận. Khu di tích Pác Bó là đơn vị đầu tiên và duy nhất của hệ thống sử dụng câu hỏi tích hợp, tạo sự tương tác tích cực giữa khách tham quan và triển lãm chuyên đề. Phương pháp này đã phát huy tối đa giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn của bộ triển lãm để giáo dục, tuyên truyền tới du khách.
Ảnh khai mạc phòng trưng bày triển lãm chuyên đề "Đi qua cuộc chiến" tại Pác Bó - Cao Bằng
Ảnh khai mạc phòng trưng bày triển lãm chuyên đề "Đi qua cuộc chiến" tại Pác Bó - Cao Bằng

Triển lãm chuyên đề Đi qua cuộc chiến là hoạt động chuyên môn nổi bật của hệ thống các bảo tàng, di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trong năm 2017. Triển lãm tạo ra những hiệu ứng tích cực trong xã hội, được khách tham quan nồng nhiệt đón nhận. Khu di tích Pác Bó là đơn vị đầu tiên và duy nhất của hệ thống sử dụng câu hỏi tích hợp, tạo sự tương tác tích cực giữa khách tham quan và triển lãm chuyên đề. Phương pháp này đã phát huy tối đa giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn của bộ triển lãm để giáo dục, tuyên truyền tới du khách.

Không gian tương tác được đặt ở vị trí trung tâm nhất gian trưng bày để du khách dễ quan sát. Bày trí: 01 bảng thông tin, trên bảng có nội dung câu hỏi, nam châm từ; 01 bộ bàn ghế cho du khách ngồi viết phiếu trả lời, trên bàn có hướng dẫn “Quý khách vui lòng viết suy nghĩ của mình và gắn lên bảng (không nhất thiết phải ghi tên và địa chỉ)”, có bút, phiếu trả lời để du khách tương tác với tâm lý thoải mái nhất. Hệ thống câu hỏi được biên tập, có nội dung liên quan đến tư tưởng, chủ đề của chuyên đề, được thay đổi thường xuyên theo thời gian, khoảng 1câu/tháng tạo sự mới mẻ, thú vị. Những câu hỏi tích hợp, gợi tâm lý tò mò của du khách tìm hiểu chuyên đề, vừa giúp thông điệp của bộ triển lãm đi sâu vào nhận thức tư tưởng người tham quan. Để viết được phiếu trả lời, khách tham quan cần tìm hiểu kỹ triển lãm; lĩnh hội tối đa thông điệp được truyền tải. Du khách liên hệ bản thân, hiểu những hy sinh mà các cựu chiến binh đã hiến dâng cho tổ quốc; khâm phục ý chí vươn lên mọi khó khăn trong cuộc sống thời bình, đặc biệt hiểu thêm được tính nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mọi giai tầng xã hội.

Từ khi Khu di tích khai trương triển lãm (27/7/2017) đến nay, bảng thông tin đã nhận được khoảng 300 phiếu trả lời của các cá nhân và đại diện các đoàn khách trong và ngoài nước. Tác dụng của phương pháp đưa thông điệp bộ triển lãm đi sâu vào nhận thức, tư tưởng của du khách. Với các câu hỏi có nội dung gắn liền với chủ đề của chuyên đề, nhận được một số phiếu trả lời tiêu biểu như sau:

          “… Tôi mong muốn thế hệ trẻ sẽ luôn biết quý trọng những gì mình đã và đang có. Mong ước thế giới không còn chiến tranh, mọi người được cơm no, áo ấm, trẻ em được cắp sách đến trường”.

          “Tôi ước mơ có một cuộc sống hạnh phúc, đất nước thanh bình, không có chiến tranh. Mong Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến những gia đình thương binh, liệt sỹ, hoàn thành tâm nguyện tìm được mộ liệt sỹ của các gia đình. Họ đã chịu quá nhiều mất mát, đau thương!”.

          “Hòa bình, độc lập, tự do là điều quý báu và thiêng liêng nhất nên mỗi chúng ta đều phải trân trọng và gìn giữ bằng hết sức mình. Tự hào là con dân Việt Nam”.

          “Chúng tôi – những cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn 13 Sư đoàn 311 đã từng chiến đấu bảo vệ vùng biên giới Cao Bằng. Trở về thăm quê hương Cao Bằng, hòa bình đã làm quê hương giàu đẹp hơn. Mong hòa bình đến với cả thế giới!”.

“Giá trị của hòa bình giúp chúng tôi ý thức được trách nhiệm phải sống có ích cho xã hội, chung tay góp sức xây dựng đất nước Việt Nam…”.

          “Giá trị của hòa bình không thể miêu tả hết bằng lời. Có một chi tiết có thể miêu tả phần lớn giá trị của hòa bình đố là nụ cười của Bác! Mãi nhớ ơn Bác và Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Triển lãm lưu động tại các cơ quan, đơn vị, nhà trường,…nhân dịp: Kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017) tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng, Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017) tại Bộ Chỉ huy Quân sự Cao Bằng… Khu di tích cũng sẽ sử dụng câu hỏi tích hợp để phát huy tối đa giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn của chuyên đề, nâng cao hiệu quả tuyên truyền các đối tượng học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang…

 Phương pháp tạo sự tương tác tích cực với khách tham quan trong hoạt động chuyên môn, cụ thể là triển lãm chuyên đề “Đi qua cuộc chiến” tại Khu di tích Pác Bó có tính thực tiễn cao. Các phiếu trả lời thu được từ phương pháp này là tư liệu để đơn vị thu thập thông tin, nghiên cứu thị hiếu của du khách, áp dụng các phương pháp tuyên truyền tối ưu. Phương pháp này có thể áp dụng rộng rãi trong mọi triển lãm, trưng bày tại các bảo tàng, di tích để ngày càng nâng cao chất lượng ngành bảo tàng./.

         

 

Phòng triển lãm chuyên đề 'Đi qua cuộc chiến' tại Pác Bó - Cao Bằng
Nhãn

Nguồn tin:         Dương Loan - Khu di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng (Bài viết đăng trên tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh Cao Bằng, số 4 năm 2017)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây